Trong bối cảnh hiện nay, việc ngăn chặn tội phạm hối lộ là một yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng một xã hội công bằng và minh bạch. Tội đưa hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó cá nhân hoặc tổ chức dùng tiền hoặc tài sản khác nhằm mục đích tác động đến quyết định hoặc hành động của người có thẩm quyền. Hành vi này không chỉ xâm hại đến trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Nhà nước. Đưa hối lộ có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý nhà nước, kinh doanh đến các dịch vụ công, và thường liên quan đến việc mua chuộc, làm sai lệch công lý hoặc quy trình làm việc.
Khái niệm :
Đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác với sự thỏa thuận thỏa thuận, thống nhất giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là để:
– Làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ;
– Không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Pháp luật quy định về tội đưa hối lộ theo Bộ luật Hình sự 2015
Điều 364 Tội đưa hối lộ: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Lợi ích phi vật chất.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;-
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
- Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
- Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Như vậy, các yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ gồm những dấu hiệu sau:
- Hành vi đưa hối lộ thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian dưới bất cứ hình thức nào như chuyển khoản, gửi bưu điện, điện tín, thông qua người mối giới hối lộ,..
- Người đưa hối lộ đưa tài sản, lợi ích vật chất khác và lợi ích phi vật chất cho người nhận hối lộ.
Trong đó, “tài sản” được quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự 2015 như sau :
- Lợi ích vật chất khác là lợi ích vật chất không phải là tiền, tài sản; ví dụ hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học.
- Lợi ích phi vật chất được hiểu như hối lộ bằng tình cảm (hối lộ tình dục), tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài.
Người nhận hối lộ và người đưa hối lộ phải tự nguyện, thỏa thuận với nhau. Nếu như người đưa hối lộ bị ép buộc, đe dọa tinh thần, thể chất, miễn cưỡng đưa hối lộ thì người đưa hối lộ này được xác định không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.
Đối với hành vi “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” quy định tại khoản 7 Điều 364 của Bộ luật Hình sự 2015 là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, mà mình thực hiện. Nên trường hợp này họ chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản dùng đưa hối lộ. Áp dụng quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015,như sau:
– Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Khi có quyết định đại xá.
– Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
-
Ví dụ về tội đưa hối lộ
Tóm tắt vụ việc: Ông A là người đưa 70 triệu đồng cho thẩm phán B để nhờ xử thắng một vụ tranh chấp dân sự tháng 11/2022.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã bác đơn khởi kiện của ông A, thẩm phán B cũng trả lại cho ông A số tiền 70 triệu đồng. Sau đó, ông A tố giác ông B nhận hối lộ. Tới tháng 9/2024, ông B bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ.
Phân tích:
Ông A không trong trạng thái miễn cưỡng đưa hối lộ mà có sự tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất với thẩm phán B. Ông A muốn thẩm phán làm một việc theo yêu cầu của ông, ở đây là yêu cầu nhờ xử thắng một vụ tranh chấp dân sự tháng 11/2022. Số tiền ông A đưa hối lộ là 70 triệu đồng đủ để coi là hành vi phạm tội vì tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Như vậy, hành vi của ông A thỏa mãn cấu thành tội phạm “Tội đưa hối lộ”.
Tuy nhiên ông A chủ động tố giác thẩm phán nhận hối lộ vẫn bị khởi tố. Theo khoản 7 Điều 364 của Bộ luật Hình sự 2015: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Điều luật quy định là “có thể”, do đó trong quá trình tố tụng, việc đánh giá sẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể, cần xem xét thái độ thành khẩn của người đưa hối lộ, sự hợp tác với cơ quan điều tra, cũng như những yếu tố liên quan khác để xác định xem có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hay không. Điều này sẽ giúp làm sáng tỏ việc ông có thực sự phạm tội hay không.
Kết luận:
Hành vi đưa hối lộ là một căn bệnh ăn sâu vào các mối quan hệ xã hội, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là rào cản lớn trên con đường xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Để loại bỏ hoàn toàn tệ nạn này, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, không tham gia vào các hoạt động liên quan đến hối lộ và tích cực tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật.
Trần Linh– Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi