Đi đôi với mức độ phát triển hiện đại của xã hội hiện nay là tình trạng các loại giấy tờ giả xuất hiện tràn lan với thủ đoạn và chiêu trò ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Bên cạnh các hành vi mua bán bằng tốt nghiệp, bằng ngoại ngữ và nhiều chứng chỉ khác với mục đích vào làm việc tại các tổ chức, cơ quan nhà nước, gần đây nhất là tình trạng làm giả và mua bán giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhằm mục đích dễ dàng thông chốt và qua mặt cơ quan chức năng. Đáng lo ngại rằng, chỉ với 180.000 đồng là hoàn toàn có thể mua được phiếu xét nghiệm giả SARS-CoV-2.
Với hành vi trên, người làm giả giấy tờ và người sử dụng giấy tờ xét nghiệm giả phải chịu trách nhiệm như thế nào, kính mời các độc giả cùng VPLS Đồng Đội tìm hiểu trong bài viết này.
Hiện nay, căn cứ vào quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, UBND cấp tỉnh sẽ dựa vào tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh thực tế tại địa phương mình để chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Việc áp dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm âm tính được xem là một biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, đối với những hành vi làm, sử dụng giấy tờ giả để qua mặt chốt kiểm dịch là hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; nguy hiểm hơn là có thể làm lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng, gây ảnh hưởng lớn đến nỗ lực phòng chống dịch của toàn xã hội.
Cụ thể, người sử dụng giấy xét nghiệm giả có thể bị xử lý hành chính với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hành vi giả mạo giấy tờ để qua chốt kiểm soát dịch bệnh, nếu khiến dịch bệnh lây lan thì có thể bị xử lý hình sự với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức án cao nhất lên đến 12 năm tù.
Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật này với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm, cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Đối với trường hợp cá nhân làm giả giấy xét nghiệm âm tính là cán bộ, công chức, người có quyền sử dụng con dấu làm giả giấy tờ, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác thì có thể bị xử lý kỷ luật. Hình thức kỷ luật áp dụng tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, buộc thôi việc.
Ngoài ra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả giấy xét nghiệm còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt cao nhất đến 07 năm tù.
Ảnh: Lương Lệ Mai – CTV pháp lý Văn phòng luật sư Đồng Đội
Vậy đối với việc mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, pháp luật xử lý các hành vi này thế nào?
Hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả ngày càng có chiều hướng gia tăng trong xã hội, gây nên sự bất bình đẳng khi bên cạnh những người học thật để lấy bằng thì lại có những người sử dụng tiền để lấy được bằng giả và ngang nhiên sử dụng tấm bằng đó để làm việc.
Đối với hành vi mua bán bằng tốt nghiệp để xin việc, bằng ngoại ngữ để đủ điều kiện ra trường có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ. Đối chiếu với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ do hành vi gian lận mà có.
Hành vi cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình và hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác cũng được coi là hành vi vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ vào Điều 23 Nghị định nêu trên, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hai hành vi nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm, cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Nguy hiểm hơn nữa là tồn tại tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước. Dư luận xã hội đã nhiều lần xôn xao về chuyện quan chức nọ, tiến sĩ, thạc sĩ kia dùng bằng giả để tiến thân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do công nghệ làm bằng giả hiện nay rất tinh vi, khó phát hiện; nhưng cũng do cơ chế kiểm tra bằng cấp còn vô cùng lỏng lẻo, có nhiều trường hợp quan chức tại vị đến 20-30 năm sau mới bị phát hiện dùng bằng giả. Hơn thế nữa, việc thi tuyển công chức hay nộp hồ sơ vào các cơ quan tuyển dụng chỉ yêu cầu nộp bằng và các chứng chỉ, cho nên đây chính là lỗ hổng trong tuyển dụng tạo cơ hội cho các đối tượng có ý đồ xấu.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng làm bằng giả chính là cuộc “chạy đua” về bằng cấp vẫn đang diễn ra hết sức khốc liệt, vô tình tạo ra thành tích giả cho các cán bộ, bởi nhiều vị trí yêu cầu bằng cấp cao mà họ lại chưa đạt đến trình độ như vậy, nên cuối cùng lại cố gắng tìm mua cho mình một cái bằng cho đủ-đẹp hồ sơ. Điều này làm cho xã hội không khỏi hoài nghi về chất lượng của giáo dục và giá trị của các loại bằng cấp, chứng chỉ.
Chuyện cán bộ lãnh đạo cấp sở tại Nam Trung Bộ dùng bằng trung học phổ thông giả để học lên đại học rồi tiếp tục thăng tiến, một Trưởng phòng cảnh sát kinh tế cũng bị phát hiện sử dụng bằng trung học phổ thông giả do công dân tố giác, đến chuyện 2 cán bộ xã dùng ở Thừa Thiên Huế “xài” bằng giả để thăng quan tiến chức, gần đây là Viện trưởng Viện quy hoạch một tỉnh bị phát hiện sử dụng bằng đại học giả là những minh chứng xác đáng lí giải vì sao tội phạm làm bằng giả ngày càng xuất hiện nhiều và ngang nhiên rao bán trên mạng mà không hề có thái độ sợ sệt.
Những hành vi này không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, thể hiện sự xói mòn đạo đức, nhân cách mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng, bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ thì căn cứ điều 12, điều 13, điều 19 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức, viên chức.
Đối với cán bộ, công chức là Đảng viên có hành vi vi phạm còn bị xem xét kỉ luật của Đảng theo Quy định số 102-QĐ/TW 2017 về việc xử lý kỉ luật Đảng viên vi phạm. Cụ thể, trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển,… là thể hiện tính không trung thực trong kê khai lý lịch, lịch sử bản thân trong hồ sơ cán bộ công chức và lý lịch đảng viên, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức, nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.
Do đó, khi có hành vi vi phạm thì cán bộ, công chức có thể vừa bị xử lý kỉ luật Đảng, vừa bị xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài hình thức kỷ luật nêu trên thì cơ quan quản lý cán bộ công chức có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự. Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù.
Tuy nhiên, người mua và dùng văn bằng, giấy tờ giả thì hầu như chỉ bị phạt hành chính, hoặc nếu là cán bộ, công chức nhà nước thì chỉ bị kỷ luật hành chính, nặng nhất là cách chức. Đó chính là điều khiến người vi phạm không biết sợ và làm liều, bất chấp mọi hậu quả để có được quyền lợi, bổng lộc nếu được thăng tiến…
Thiết nghĩ, danh vọng, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn; nếu như cố gắng chạy theo cuộc đua bằng cấp để lấy được tấm bằng đẹp mà không có đóng góp, cống hiến thực sự thì liệu có ích gì? Ở đất nước ta đã có rất nhiều người tài, mang tầm cỡ quốc tế, bằng cấp khiêm tốn nhưng lại có rất nhiều đóng góp vô cùng lớn lao cho xã hội. Thậm chí, chưa kể đến chuyện, cán bộ, công chức dùng bằng giả mà không có kiến thức, năng lực chuyên môn, nhất là trong các ngành giáo dục, y khoa thì hậu quả xảy ra lớn tới cỡ nào?
Quy định của pháp luật chỉ có thể được thực thi một cách nghiêm minh nhất nếu mỗi người dân tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, không mua bán giấy tờ giả, tiếp tay cho loại tội phạm này hoạt động. Khi nhu cầu giảm thì nguồn cung ắt sẽ phải giảm. Cộng đồng cũng cần phát huy ý thức trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện, kiên quyết lên án, phê phán những hành vi lừa đảo, mua bán giấy tờ giả để trục lợi. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tập trung đấu tranh triệt phá, bóc gỡ đường dây, ổ nhóm làm giấy tờ giả; có biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa tội phạm, xử phạt nghiêm khắc và mạnh tay với những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết – CTV pháp lý: Lương Lệ Mai
SĐT: 0362616926
Email: mmaivk22@gmail.com