Trong một thị trường tiêu dùng đầy sôi động và tiềm năng như Việt Nam, việc đảm bảo sự minh bạch và trung thực trong quá trình sản xuất và kinh doanh hàng hóa là yếu tố then chốt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời duy trì sự phát triển bền vững. Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc buôn bán hàng giả của người nổi tiếng trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xử lý những sai phạm tương tự theo quy định pháp luật.
Hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (ảnh minh họa)
Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu khung pháp lý hiện hành về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Lừa dối khách hàng” theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định của BLHS 2015
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là gì?
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả nhằm thu lời bất chính, gây thiệt hại cho lợi ích, tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng.
- Hàng giả là gì?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng giả là một trong các loại hàng hoá có các dấu hiệu sau:
- Giả về công dụng hoặc bản chất: Hàng được gắn tên gọi hoặc mô tả nhưng không có công dụng thật như vậy.
- Giả về chất lượng: Hàng chỉ đạt dưới 70% một trong những tiêu chí kỹ thuật, thành phần chính hoặc đặc tính chất lượng quan trọng so với quy định hoặc nhãn dán.
- Giả là thuốc hoặc dược liệu: Là các loại thuốc, dược liệu bị làm giả theo đúng quy định trong Luật Dược.
- Giả là thuốc thú y hoặc thuốc bảo vệ thực vật: Không có hoạt chất hoặc có hoạt chất sai, hoặc hàm lượng thấp dưới 70% mức yêu cầu.
- Giả về nguồn gốc, xuất xứ hoặc thông tin sản phẩm.
- Tem, nhãn, bao bì giả.
Kiểm tra và xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (ảnh minh họa)
Dưới đây là bảng so sánh các tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng hoá giả
Tiêu chí |
Điều 192: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả | Điều 193: Hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm | Điều 194: Hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh |
Điều 195: Hàng giả là thuốc thú y, phân bón, giống cây trồng… |
Hành vi phạm tội |
Sản xuất, buôn bán hàng giả nói chung (trừ các loại hàng thuộc các điều sau) |
Sản xuất, buôn bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả | Sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh/phòng bệnh giả | Sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh/phòng bệnh giả |
Giá trị hàng giả tối thiểu để bị truy tố |
≥ 30 triệu đồng, hoặc tái phạm, hoặc gây thiệt hại ≥ 100 triệu đồng | ≥ 30 triệu đồng, hoặc tái phạm, hoặc gây thiệt hại ≥ 100 triệu đồng | Không yêu cầu giá trị cụ thể — chỉ cần xác định là thuốc giả | ≥ 30 triệu đồng, hoặc tái phạm, hoặc gây thiệt hại ≥ 100 triệu đồng |
Khung hình phạt cao nhất |
Tù chung thân (nếu gây chết người) | 20 năm tù hoặc tù chung thân | Tù chung thân là mức cao nhất (đặc biệt nghiêm khắc) | 20 năm tù (nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng) |
Tình tiết tăng nặng đáng chú ý |
Có tổ chức, xuyên quốc gia, giá trị lớn, tái phạm | Gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng | Làm chết người, nhiều người sử dụng phải cấp cứu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng |
Gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp, gây chết vật nuôi hoặc mất mùa |
2. Tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015
- Tội lừa dối khách hàng là gì?
Tội lừa dối khách hàng là hành vi của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng thủ đoạn gian dối về chất lượng, số lượng, trọng lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ, chủng loại, mẫu mã, thời gian bảo hành hoặc các chỉ tiêu khác đã cam kết nhằm thu lợi bất chính.
- Về dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm
Dấu hiệu khách quan: Là hành vi lừa dối khách hàng của người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ thực hiện một trong các thủ đoạn sau:
- Cân, đo, đong, đếm gian dối: Chủ thể phạm tội đã lợi dụng sơ hở, lúc khách hàng không để ý hoặc đã chuẩn bị công cụ từ trước để cân, đo, đong, đếm hụt cân, thiếu cân cho khách hàng.
- Tính gian hàng hóa, dịch vụ: Đây là trường hợp người bán hàng, người cung cấp dịch vụ đã tính không đúng, nhiều hơn số tiền mà đáng lẽ khách phải trả để thu lợi bất chính.
- Thủ đoạn gian dối khác: Trường hợp chủ thể dùng các thủ đoạn có khả năng lừa dối khách hàng, gây thiệt hại cho họ như đánh tráo hàng,…
Hành vi khách quan này bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên.
Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội đã nhận thức được hành vi gian dối và hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nhưng vẫn mong muốn và thực hiện hành vi đó. Động cơ của tội phạm này là để vụ lợi. Mục đích nhằm thu lợi bất chính. Mục đích, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này.
Hậu quả: gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, ảnh hưởng đến sự điều tiết của thị trường, khó khăn trong quá trình quản lý kinh tế Nhà nước.
- Hình phạt:
Nếu hành vi lừa dối khách hàng chưa đến mức gây ra hậu quả nghiêm trọng để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm sẽ chịu các mức xử phạt hành chính tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự luật quy định 01 khung hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung. Hình phạt được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể:
- Khung hình phạt cơ bản: Cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 100 triệu hoặc cải tạo không giam giữ.
- Khung hình phạt tăng nặng: Phạt tiền từ 100 – 500 triệu hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm, áp dụng cho một trong các trường hợp sau:
- Có tổ chức: Đây là trường hợp phạm tội có sự câu kết chặt chẽ giữa các đồng phạm với nhau;
- Có tính chất chuyên nghiệp: Đây là trường hợp chủ thể phạm tội liên tiếp từ 5 lần trở lên và coi việc phạm tội này như nguồn thu nhập chính;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt: Đây là trường hợp phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi khiến cho khách hàng khó lường trước hoặc khó đoán được;
- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Khung hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 20 – 100 triệu, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Sản xuất, buôn bán hàng giả và lừa dối khách hàng có thể bị phạt tù tới 5 năm (ảnh minh họa)
Kết luận Các hành vi sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản người tiêu dùng mà còn gây bất ổn thị trường, cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Pháp luật Việt Nam đã có các quy định chặt chẽ để xử lý nghiêm minh những hành vi này. Do đó, cả doanh nghiệp và cá nhân đều cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng pháp luật và đạo đức kinh doanh. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm để răn đe, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Yến Vy & Diệu Linh – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi