Mối quan hệ giữa Luật sư và khách hàng vì thế không đơn thuần là một giao dịch dịch vụ, mà là sự kết nối dựa trên nền tảng của niềm tin, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm pháp lý. Luật sư không chỉ là người bảo vệ pháp lý mà còn là người bạn đồng hành, là chỗ dựa tin cậy cho khách hàng trong hành trình tìm kiếm công lý.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng đề cao tính minh bạch, chuẩn mực đạo đức và hiệu quả dịch vụ pháp lý, việc xây dựng mối quan hệ đúng đắn, chuyên nghiệp giữa Luật sư và khách hàng càng trở nên cấp thiết. Từ đó, không chỉ giúp nâng cao vị thế nghề luật sư, mà còn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức một cách hiệu quả, bền vững.
I. Vai trò, trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ nghề nghiệp của luật sư
Luật sư là hoạt động nghề nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong các lĩnh vực tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Quan hệ giữa Luật sư với khách hàng là quan hệ cơ bản nhất trong hoạt động nghề nghiệp Luật sư.
(ảnh minh họa)
Từ lý do ấy, Bộ quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (Số 201/QĐ-HĐLSTQ) đã dành Chương II để quy định quyền, nghĩa vụ cũng như những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cần có của người luật sư trong mối quan hệ với khách hàng. Mỗi Luật sư phải lấy Bộ quy tắc làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
II. Cơ sở hình thành mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng
Trước hết khách hàng sẽ phải là cá nhân, tổ chức có nhu cầu liên quan đến các hoạt động cần có sự hỗ trợ pháp lý. Dựa trên cơ sở thỏa thuận dân sự, thường là thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư sẽ cam kết cung cấp dịch vụ chuyên môn và hỗ trợ về mặt pháp lý, còn khách hàng có nghĩa vụ thanh toán thù lao và hợp tác để luật sư thực hiện công việc.
Một trong những cơ sở quan trọng để hai bên đồng ý thực hiện hợp tác hoạt động là niềm tin của khách hàng vào uy tín và khả năng làm việc của luật sư. Để có được sự tin tưởng ấy, luật sư phải thể hiện được trình độ chuyên môn vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng cũng như sự tận tâm trong từng vụ việc.
Đôi khi, khách hàng tìm đến luật sư không chỉ vì họ cần lời khuyên pháp lý, mà vì họ cần một người có thể lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng họ trong những tình huống pháp lý phức tạp, nhạy cảm. Sự đồng cảm, thấu hiểu và những lời khuyên của luật sư không chỉ là cơ sở để xây dựng một mối quan hệ hợp tác trên giấy tờ về mặt pháp lý, mà còn mang đến những gắn kết vượt khỏi giới hạn của một dịch vụ hợp đồng thông thường
(ảnh minh họa)
III. Nguyên tắc để xây dựng, duy trì mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng
Đối với luật sư, nguyên tắc tối quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa luật sư và khách hàng là tính bảo mật và cam kết trách nhiệm. Luật sư có nghĩa vụ tuyệt đối giữ bí mật thông tin mà khách hàng cung cấp, ngay cả khi hợp đồng pháp lý đã kết thúc. Quy định này không chỉ được ghi nhận trong Luật Luật sư mà còn là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp tối thiểu.
Đáp lại, trách nhiệm của khách hàng là cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin và hợp tác với luật sư để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Điều này không chỉ để đảm bảo tính minh bạch trong quan hệ hợp tác, mà còn là điều kiện tiên quyết để luật sư có thể hỗ trợ khách hàng trong việc bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Trong thực tiễn hành nghề, nhiều luật sư không chỉ phục vụ một khách hàng trong một vụ việc duy nhất, mà còn duy trì mối quan hệ dài lâu, thậm chí trở thành cố vấn pháp lý thường xuyên cho cá nhân hoặc tổ chức đó. Điều này đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về hoàn cảnh, nhu cầu và định hướng của khách hàng, đồng thời thể hiện sự gắn bó bền vững dựa trên nền tảng đạo đức và sự chuyên nghiệp lâu dài.
Kết luận
Mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng là một mối quan hệ đặc biệt – nơi hội tụ của niềm tin, nghĩa vụ, đạo đức và sự gắn bó dài lâu. Đó là mối quan hệ không thể lỏng lẻo, không thể hời hợt mà phải được xây dựng bền vững trên nền tảng trách nhiệm và sự tôn trọng lẫn nhau. Trong thế giới đầy biến động hôm nay, sự chặt chẽ và lâu bền của mối quan hệ này chính là một yếu tố cốt lõi góp phần vào sự vận hành công bằng, minh bạch và hiệu quả của nền hệ thống tư pháp.
Yến Vy – Thực tập sinh Văn phòng luật Đồng Đội