Trở thành Luật sư là mơ ước của nhiều người. Mơ ước này khá thời thượng và phù hợp với sự phát triển của xã hội bởi trên thực tế hiện nay nghề Luật sư đang được đánh giá là “hot” và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người đi trước thì việc trở thành một Luật sư không hề đơn giản. Vậy hành trang như thế nào để trở thành một Luật sư? Muốn trở thành Luật sư thành đạt thì cần có những yếu tố gì? Bài viết sau xin đưa ra một vài quan điểm để bạn đọc tham khảo và có thể cùng trao đổi.
Để được công nhận là Luật sư và hoạt động với tư cách Luật sư, mỗi người phải đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Luật luật sư. Theo đó, muốn trở thành Luật sư, mỗi người phải tốt nghiệp các trường đào tạo cử nhân luật, tham gia khóa học đào tạo nghề Luật sư của học viện tư pháp trong vòng sáu tháng, đăng ký tập sự tại các văn phòng luật sư trong vòng mười tám tháng và cuối cùng là trải qua kỳ thi cấp quốc gia do Bộ Tư Pháp tổ chức.
Như vậy, tổng thời gian kể từ khi học đại học chuyên ngành luật cho đến khi được công nhận là luật sư của mỗi người nếu thực hiện liên tục, không đứt đoạn là sáu năm. So với những ngành nghề khác trong nước được đào tạo trong nước thì rõ ràng nghề Luật sư có thời gian đào tạo lâu hơn, thể hiện rõ tính chất phức tạp của công việc.
Có nhiều người cho rằng, thời gian đào tạo nghề Luật sư như vậy là quá lâu, dẫn đến việc xây dựng sự nghiệp và đạt được thành công muộn hơn bạn bè cũng trang lứa. Có thể thấy đây là ý kiến hết sức chủ quan, chưa nhận thức đúng đắn và chính xác về nghề Luật sư. Nghề luật sư không giống những nghề bình thường khác. Luật sư là những người vừa phải nắm chắc pháp luật, vừa phải có những kỹ năng cần thiết đồng thời phải có đạo đức nghề nghiệp vững vàng. Luật sư không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân mà còn góp phần không nhỏ vào việc phát triển xã hội. Chính vì vậy, để trở thành một Luật sư đúng nghĩa, mỗi người phải trải qua một khoảng thời gian rèn luyện nghiêm túc, có học vấn vững vàng đồng thời được đào tạo những kỹ năng bài bản. Sáu năm không phải là dài cho những ai thực sự có đam mê và nhiệt huyết với nghề.
So sánh thời gian đào tạo luật sư ở Việt Nam so với ở một số nước phát triển khác như Mỹ thì có thể nhận thấy, thời gian đào tạo Luật sư ở Việt Nam ngắn hơn ở Mỹ hai năm. Điều kiện để thi vào các trường đại học chuyên ngành luật và con đường trở thành Luật sư của các Luật sư Việt Nam cũng dễ dàng hơn. Ở Mỹ, một người muốn theo học ngành Luật sư bắt buộc người đó đã hoàn thành một chương trình đào tạo đại học chính quy của một chuyên ngành khác. Ở Việt Nam, một người muốn học đại học chuyên ngành luật chỉ cần tốt nghiệp THPT. Sau khi đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, người học có thể đăng ký khóa học Luật sư tại Học viện tư pháp. Điều này đã cho thấy, ở Việt Nam, mặc dù thời gian đào tạo Luật sư lâu hơn những ngành nghề khác song đã có những giảm tải và dễ dàng hơn so với việc đào tạo Luật sư ở một số nước khác.
Theo số liệu của Liên đoàn Luật sư, kể từ khi Luật Luật sư được ban hành, số lượng luật sư đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, tính đến tháng 5 năm 2005 có 1883 Luật sư và 1535 Luật sư tập sự; đến tháng 9/2012 số lượng luật sư đã tăng lên con số trên 7500 và 1535 Luật sư tập sự. Từ những con số trên có thể thấy, số lượng luật sư tăng nhanh. Sở dĩ có sự gia tăng đáng kể số lượng Luật sư là do xã hội đã có sự phát triển, đổi mới mạnh mẽ trong thời gian qua.
Mỗi ngành nghề đều có những buồn vui riêng của nó. Bên cạnh những khó khăn, vất vả, rào cản của nghề Luật sư đã được rất nhiều bạn đọc chia sẻ, có thể thấy nhiều Luật sư, văn phòng Luật sư vẫn tồn tại và hoạt động rất hiệu quả. Vậy, vì sao khó khăn chồng chất như vậy, họ vẫn tồn tại được?
Trước tiên, một Luật sư muốn tồn tại và có chỗ đứng trong xã hội thì phải có cái “TÂM” trong sáng. Chữ “Tâm” ở đây được hiểu Luật sư phải là người thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi. Họ phải làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, trăn trở, ưu tư, sống chết với nghề. Ở hầu hết tất cả các ngành nghề đều có người này người kia. Nghề Luật sư cũng vậy. Nhưng những Luật sư tồn tại được phải là người sống bằng cái tâm trong sáng. Họ theo nghề bằng con đường chân chính, bằng việc vận dụng đúng pháp luật. Điều đó được thể hiện bằng một số hành động như: Luật sư phải tư vấn đúng cho khách hàng của mình những việc họ cần phải làm, không lợi dụng khách hàng, không giúp khách hàng áp dụng sai pháp luật… Thạc sỹ – luật sư Lê Quốc Hiền – chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa đã từng có nhận định rất hay về chữ Tâm của nghề Luật sư như sau: “Hành nghề Luật sư là chở đạo”. Như vậy, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của những Luật sư đang hoạt động hiện nay là sự đam mê, chân chính trong cách làm việc.
Thứ hai, Luật sư phải là người nắm chắc các quy định của pháp luật. Hoạt động chính của Luật sư là áp dụng pháp luật, tư vấn áp dụng pháp luật trong những trường hợp khác nhau trong cuộc sống. Chính vì vậy, Luật sư phải nắm bắt đầy đủ và chính xác các quy định của pháp luật đồng thời biết vận dụng những quy định ấy linh hoạt và chính xác. Một Luật sư giỏi là người biết vận dụng linh hoạt những quy định của pháp luật.
Thứ ba, Luật sư phải là người có các kỹ năng mềm cần thiết. Kỹ năng mềm ở đây có thể hiểu là khả năng hùng biện; nắm bắt, tổng hợp và phân tích vấn đề; thuyết phục người khác… Kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng đối với Luật sư trong việc có thành công hay không bởi nghề Luật sư vừa phải giao tiếp với rất nhiều người, vừa phải tự nắm bắt các vấn đề, thông tin của khách hàng…
Một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng để tạo nên chỗ đứng cho Luật sư là ngoại ngữ. Ở Việt Nam, số lượng Luật sư có khả năng ngoại ngữ tốt không nhiều. Trong khi đó, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng hội nhập với Thế giới. Khách hàng và những vụ việc có yếu tố nước ngoài là những “mảnh đất” màu mỡ tạo ra thu nhập lớn cho những Luật sư. Chính vì vậy, việc các Luật sư có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ có lợi thế hơn so với những Luật sư không có trình độ ngoại ngữ hoặc trình độ ngoại ngữ kém
Một thực tế lịch sử để lại là luật sư Việt Nam nhiều người về hưu hành nghề luật sư “cho vui” tham gia phần lớn công việc hoạt động trợ giúp pháp lý tại tổ chức luật sư hay các Trung tâm trợ giúp pháp lý của các tỉnh thành phố nên đôi khi hoạt động cầm chừng, chủ yếu là lấy kinh nghiệm đã từng công tác, làm việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của yêu cầu dịch vụ pháp lý. Có thể làm kiểm sát viên , thẩm phán giỏi nhưng chưa hẳn đã là luật sư giỏi.. chưa nói đến việc chưa cập nhật thông tin nhanh nhâỵ của thời đại @.. nhiều luật sư đang hành nghề còn đang ” nợ bằng đại học luật” vì họ là kiểm sát viên, thẩm phán đã được bổ nhiệm nhưng chưa có bằng đại học luật về hưu là làm hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo luật chưa sửa đôi.Như vây nhóm luật sư tái công chức trở thành luật sự quá dể nhưng việc hành nghề sẽ không dễ !?
Qua tiếp xúc và hoạt động nghề nghiệp được biết có không ít người “trở thành luật sư” từ điều kiện hoàn cảnh không xin vào được cơ quan NN, bị “thất nghiệp” sau khi tốt nghiệp đại học chỉ cần đăng ký tham dự lớp đào tạo luật sư là vào học không phải thi cử gì và bằng mọi cách đều tốt nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề. Và cũng không ít người “trở thành luật sư” cái thời học luật tại chức tràn lan quá dễ không nơi nào nhận tại chức cũng ” trở thành luật sư “….. do vậy chất lượng và chuyên môn , tình yêu và khát vọng nghề nghiệp có khác xa nhau giữa các luật sư và thế hệ luật sư ….và như thế có nhiều vấn đề cần luận bàn …của sự tồn tại phát triển của luật sư.
Tất nhiên, trên thực tế còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thành công của một Luật sư song những yếu tố mà bài viết đã đề cập trên đây là những yếu tố cơ bản, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của một Luật sư.
Không thể phủ nhận, Luật sư là một nghề khó. Mức độ khó đó được thể hiện thông qua quá trình đào tạo lâu dài, thời gian tập sự nhất định và các luật sư phải trải qua một kỳ thi cấp quốc gia để có chứng chỉ Luật sư. Tuy nhiên, Luật sư lại là một nghề khá thú vị. Luật sư khá độc lập, họ hoạt động theo sở trường và vụ việc riêng, đặc biệt họ có quyền lựa chọn công việc. Khác với công chức nhà nước phải đến công sở đúng giờ mà không cần biết có làm việc hay không, Luật sư có thể chủ động về thời gian của mình. Luật sư làm việc nghiêm túc bằng cách vận dụng những kiến thức đã được đào tạo trong nhà trường. Không nhàm chán như làm công chức, Luật sư có thể đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người, thay đổi môi trường làm việc liên tục. Nếu như công chức chỉ trông chờ vào khoản lương do ngân sách nhà nước cấp, thì Luật sư lại nhận lương do chính khách hàng của mình trả cho những lao động chân chính của họ. Luật sư làm và hưởng lương theo năng lực của chính bản thân mình nên lương của Luật sư rất cao. Có những công chức nhà nước cả đời phấn đấu, đến khi về hưu mức lương cũng không đạt đến hai chữ số. Song, hầu hết những luật sư tài năng hiện nay, mức lương của họ đều đạt ngưỡng hai chữ số, thậm chí là ba chữ số. Điều này cho thấy, Luật sư khá chủ động về tài chính. Vì lương của Luật sư được trả theo lao động mà họ bỏ ra nên Luật sư thường có xu hướng tự mình phấn đấu, luôn luôn có mong muốn hoàn thiện bản thân mình để tạo ra thu nhập cao hơn. Khác với công chức và một số ngành nghề khác, nghề Luật sư là nghề không có tuổi. Một Luật sư có thể sử dụng những kiến thức của mình trên danh nghĩa Luật sư một cách có ích cho tới cuối cuộc đời mình.
Một thực tế hiện nay,Học viện Tư pháp liên tục khai giảng các lớp đào tạo Luật sư song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tai những lớp Luật sư, bên cạnh những học viên là cử nhân Luật thì còn có cả những học viên đầu đã điểm hoa râm, tuổi đã ngoại lục tuần. Họ đến với lớp học bởi sự đam mê, bởi tình yêu đối với nghề Luật sư mà lúc còn trẻ vì lý do nào đó họ không thực hiện được giờ đã về hưu mới bắt đầu “đi học nghề” cùng các cháu sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học luật. Chỉ điều đó cũng đã thấy tính đặc thù và sức cuốn hút của nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay.
Sức hấp dẫn của nghề Luật sư hiện nay đã được nâng lên khi Luật luật sư sửa đổi bổ sung có hiệu lực thi hành bắt đầu từ tháng 7/2013 quy định thời gian học tại học viện tư pháp của cử nhân luật là một năm, rút ngắn thời gian tập sự, tăng cường việc cọ sát thực tế cho học viên tập sự… Sự thay đổi mạnh mẽ này đã tác động rất lớn đến tâm lý của người học. Được tiếp xúc với những nghiệp vụ ngay trong quá trình tập sự, xóa bỏ suy nghĩ thời gian tập sự là nhàm chán, sự thay đổi của Luật luật sư như một bước đệm, thúc đẩy sự phát triển của nghề Luật sư.
Nghề nào cũng có cái khó riêng, quan trọng là mỗi chúng ta biết ước mơ và cố gắng hết sức để hoàn thiện ước mơ của mình. Luật sư là một nghề khó, đòi hỏi những người có tinh thần và ý chí vững vàng. Nếu thực sự có đam mê, ngại gì mà chúng ta không phấn đấu để trở thành Luật sư chân chính. Để phát triển hơn nữa nghề Luật sư, hệ thống pháp luật cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, nghề Luật sư cũng đòi hỏi mỗi người cần phải có khả năng tài chính, có lòng tin và niềm đam mê sắt đá để có thể học tập chau dồi kiến thức,kinh nghiệm đến nơi đến chốn để theo nghề, hành nghề lâu dài. Hứa hẹn trong tương lai, với sự hội nhập của nền kinh tế, sự phát triển của xã hội, Luật sư vẫn là một nghề “Hot” và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội
2 Bình luận
“Trở thành luật sư: dễ hay khó?”, bài viết của luật sư Trần Xuân Tiền đã khiến tôi phải suy nghĩ, khi mà ít người để ý đến điều này. Người ta vẫn thường gọi luật sư A, luật sư B, tôi thấy rằng để có thêm chữ “Luật sư” theo tên của mình không hề đơn giản, nhưng quan trọng là con người ta nhìn nhận điều đó như thế nào và phấn đấu ra sao, với tinh thần và tư tưởng, với sự suy nghĩ thì có khó khăn cũng vẫn làm được, bởi như bác Trần Xuân Tiền đã nói “mỗi ngành nghề đều có cái buồn vui riêng của nó”.
Ví dụ của chính bản thân tôi, giờ đang là 1 sinh viên ĐH Luật HN, mỗi lần về quê, tôi thường được mọi người gọi hay hỏi bởi những câu như “Luật sư tương lai đây hả?” hay “Cháu học luật à, sau này ra trường là Luật sư hả?”..v..v..Hầu hết mọi người đều nghĩ cứ học Luật là phải trở thành Luật sư, và từ “Luật sư” nói ra có vẻ dễ dàng, thế nhưng ít ai hiểu được rằng con đường để trở thành Luật sư không phải đơn giản (theo quan điểm của tôi là như vậy), và liệu có xứng đáng với hai chứ Luật sư hay không – 1 luật sư thực thụ hay một người chỉ gắn cái mác Luật sư.
Đúng như bác Trần Xuân Tiền đã viết, Nếu so sánh với nước ngoài, thì việc trở thành Luật sư ở Việt Nam đơn giản, dễ dàng hơn nhiều, nhưng so với các ngành nghề khác thì có thể khó hơn, thời gian để kiếm được thu nhập lâu hơn, thời gian đào tạo, học tập cũng lâu hơn, “học luật là học cả đời” mà. Cũng bởi thế mà nhiều người e ngại học luật hay trở thành luật sư vì sự đào tạo lâu dài, tính cả thời gian học Đại Học, để có được 1 chứng chỉ hành nghề luật sư, gọi là tạm kiếm thu nhập thì cũng phải mất tới 6 năm, nhiều trường hợp ra trường làm trái ngành, trái nghề. Tôi nhận thấy hiện nay, ngành luật VN đang phát triển hơn, tuy nhiên nhiều người lựa chọn nghề luật sư không phải vì sự đam mê, yêu thích thực sự, mong muốn đem lại công bằng cho xã hội, hay bảo vệ những người dân nghèo (ví như việc tư vấn miễn phí như vp luẩ sự Đồng đội) mà họ đi học Luật sư ở vien tư pháp là 1 cách chống chế sau khi ra trường, bởi mỗi năm gần 2000 lượt sinh viên ra trường mà thị trường việc làm thì không thể đáp ứng hết được nhu cầu. Đó là cái khó.
Tôi đồng ý với quan điểm của bác Trần Xuân Tiền, cho rằng yếu tố mà 1 người luật sư cần có, trước hết là cái Tâm, sau đó mới là kiến thức. Phải có cái Tâm sáng, trong sạch, là việc với tất cả nhiệt huyết, với lòng yêu nghề, với mong muốn giúp đỡ mọi người, không nhằm mục đích kinh doanh, kiếm tiền mà lừa dối khách hàng, có như vậy mới tạo được uy tín, được sự tín nhiệm, tin cậy của khách hàng. Có cái Tâm rồi mới vận dụng kiến thức pháp luật một cách linh hoạt, đúng đắn, làm luật là chỉnh chu, nghiêm túc nhưng cần phải giữ cái Đạo nữa và phải nghiêm khắc với chính bản thân mình. “Hành nghề luật sư là chở đạo” mà.
Nghề luật sư, con đường đến với nghề nhiều khó khăn, thách thức, đối mặt, tiếp xúc với hầu hết các loại người trong xã hội, nhưng phải chăng cũng vì những điều đó mà tạo nên sự thú vị trong nghề này, như bác Trần Xuân Tiền đã nói (tự do, chủ động, không nhàm chán…), quan trọng từ ngay trong suy nghĩ của chúng ta, có thực sự muốn gắn bó, theo đuổi hay không, có thực sự đam mê hay không?. Nếu thật sự có những điều đó thì con đường để trở thành luật sư ta sẽ cảm thấy ngắn và thấy thú vị, mỗi ngày đều học được rất nhiều điều, thời gian đào tạo là lấy kiến thức, thời gian tập sự chính là những trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm, và do vậy tôi nghĩ rằng, khó khăn bước đầu nhưng cơ hội mở ra là rất lớn cho những ai thực sự đam mê và phấn đấu với nghề!. Với tôi, nghề Luật có lẽ là một cái duyên và tôi sẽ gắn bó với nó, để làm được điều đó sẽ là một quá trình cố gắng lâu dài, nhưng tôi sẽ không ngừng học hỏi để trang bị cho mình những gì tốt nhất trước khi bước ra đời, ra cuộc sống đầy những bon chen. Làm sao để đứng vững? đó cũng là một câu hỏi để tôi suy nghĩ và phấn đấu nhiều hơn nữa!
Bài viết hữu ích được viết ra từ cái tâm của một người từng trải, cảm ơn Luật sư Trần Xuân Tiền đã chia sẻ!