Thi hành án dân sự là việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực nhưng được thi hành ngay. Trên thực tế đó là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp, đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế XHCN… Trên thực tế hoạt động THADS chưa đạt được hiệu quả như mục đích đề ra, tốn nhiều thời gian và chi phí của Nhà Nước, cá nhân, doanh nghiệp, đôi khi vẫn tồn tại sự “nhiêu khê” của cán bộ THA. Trong thực tiễn, khi tổ chức thi hành án, các vấn đề tranh chấp dân sự thường diễn biến phức tạp qua nhiều giai đoạn, khi tổ chức thi hành án đương sự không đồng tình, phản đối dẫn đến có những bản án kéo dài hàng chục năm, thậm chí cả đời không được thi hành gây bức xúc, mỏi mệt, mất lòng tin vào hệ thống pháp luật. Vì vậy để tổ chức thi hành án theo đúng bản án, quyết định của Tòa án trong những trường hợp này trên thực tế lại hoàn toàn không dễ. Việc THA kém hiệu quả khiến Doanh nghiệp mất niềm tin, tình trạng tìm đến xã hội đen với chi phí lớn để bảo đảm quyền lợi là không ít. Điều này ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây tâm lý lo lắng, thiếu an toàn cho doanh nghiệp. Không ít cá nhân, doanh nghiệp đã bị xử lý với vai trò đồng phạm. Đây là câu trả lời thực tế cần thiết phải sửa đổi luật Thi hành án dân sự để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác THA dân sự.
Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như bất cập trong quy định của pháp luật, nhận thức của người dân, trách nhiệm của cơ quan THA các cấp, cơ quan Kiểm sát THA…Tuy nhiên, một nguyên nhân rất quan trọng của thực trạng trên là sự tham gia của Luật sư chưa đầy đủ, liên tục vào giai đoạn THA. Vậy cần phải làm gì để nâng cao hiệu lực hiệu quả của Luật sư trong công tác THA dân sự, góp phần bảo vệ quyền lợi cá nhân, doanh nghiệp?
Hiện nay ở nước ta có trên 8.000 luật sư đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và các tổ chức kinh tế – xã hội, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp .Việc tham gia tố tụng của luật sư cũng đã góp phần tích cực triển khai thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại tòa, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp. Thế nhưng không phải lĩnh vực nào, luật sư nào cũng đã nhận thức đầy đủ và tham gia tích cực có hiệu quả. Lĩnh vực thi hành án dân sự là một ví dụ
Trong thực tế Luật sư tham gia giai đoạn THA còn hết sức khiêm tốn, có rất nhiều nguyên nhân song nguyên nhân trước tiên là do các cơ quan xây dựng và ban hành pháp luật chưa tạo được hành lang pháp lý để Luật sư tham gia giai đoạn này.
Hiện nay, Luật thi hành án dân sự có quy định về vai trò của Luật sư song sự quy định này rất mờ nhạt, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật THADS chưa quy định cụ thể về vấn đề này, khiến hoạt động của Luật sư chưa được phát huy đầy đủ. Theo khảo sát, lấy ý kiến của nhiều luật sư cho thấy, số đông luật sư rất ngại tham gia lĩnh vực thi hành án. Vì lĩnh vực THA được ví là khô, khó, khổ và nhiều luật sư không tự tin về kiến thức trong hoạt động này. Ngay từ khâu đào tạo kiến thức về THA còn rất ít đối với các cử nhân luật tại các trường đại học và các Luật sư tương lai tại Học viện Tư pháp.
Qua thực tế nghiên cứu hoạt động của Luật sư theo Luật Luật sư năm 2006 và vai trò hoạt động của luật sư trên thực tế, thiết nghĩ rất cần thiết phải quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, vai trò của luật sư trong hoạt động THADS bởi một số lí do sau:
Thứ nhất, là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nên Luật sư không chỉ hoạt động với mục đích lợi nhuận mà còn có chức năng bảo vệ pháp chế XHCN. Do vậy, sự tham gia của Luật sư sẽ bảo đảm công bằng, khách quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cá nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn THA. Theo quy định pháp luật, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đều có quyền khiếu nại các quyết định về THA liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết hoặc do sự giải thích chưa đầy đủ của cán bộ THA nên không phải tất cả các cá nhân, tổ chức đều nhận thức được việc đang bị xâm hại quyền lợi, hoặc nhận thức đầy đủ quyền của mình, do vậy rất khó để tự bảo vệ quyền lợi. Khi đó với chức năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, Luật sư có thể tham gia tư vấn, thậm chí có thể tham gia toàn bộ quá trình giải quyết khiếu nại để bảo đảm quyền lợi tốt nhất, đúng pháp luật cho các đối tượng trên.
Trong một vụ việc cụ thể khi nhận bảo vệ quyền lợi cho Doanh nghiệp Tư nhân tại phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long bị Ngân hàng khởi kiện xử lý nợ trước hạn. Doanh nghiệp đã khiếu nại việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản là ngôi nhà 5 tầng làm siêu thị kinh doanh của doanh nghiệp. Sau khi tìm hiểu thông tin, luật sư của VPLS Đồng Đội đã làm việc với cơ quan thi hành án và Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Quảng Ninh, ban pháp chế Ngân hàng công thương Việt nam. Luật sư phát hiện ra nhiều sai sót trong việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên, trong việc cho vay của ngân hàng, đã soạn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền … Cơ quan thi hành án đã nhận ra sai phạm và có văn bản dừng việc thi hành án, làm văn bản đề nghị xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm. Việc kê biên bán đấu giá không thành ( đã thông báo bán đấu giá 5 lần ) chưa gây thiệt hại gì lớn cho đương sự nên luật sư đã giải thích động viên để các bên chấm dứt việc khiếu kiện tìm giải pháp thương lượng hòa giải trong thi hành án để trả gần 3 tỷ tiền gốc và có văn bản đề nghị miễn giảm hàng tỷ đồng tiền lãi. Bước đầu luật sư đã đem lại dấu ấn đậm nét hoạt động của luật sư trong giai đoạn thi hành án. Giải pháp luật sư đưa ra là có lý có tình, tâm phục khẩu phục và có tính nhân văn sâu sắc.
Thứ hai, sự tham gia của Luật sư giúp giai đoạn THA được thực hiện nhanh, nghiêm túc, đúng pháp luật. Vướng mắc phổ biến của THA là việc các đối tượng phải thi hành án không hợp tác thi hành. Khi đó nếu có sự tham gia của Luật sư với tư cách bảo vệ quyền lợi để tư vấn, giải thích quyền và nghĩa vụ cho các đối tượng phải thi hành án sẽ khiến họ có niềm tin, tạo tâm lý khách quan, được bảo vệ.
Mặt khác sự tham gia của Luật sư sẽ giúp cho các đối tượng được THA thực hiện các thủ tục yêu cầu THA dễ dàng, nhanh chóng lấy được quyền lợi. Điển hình như vụ việc của bà Nguyễn Thị B khiếu nại việc Chi cục thi hành án huyện Chương Mỹ, Hà Nội khó dễ trong việc nhận tiền do người phải thi hành án nộp. Vụ việc tranh chấp nhà thờ họ nhiều năm giữa bà B và dòng họ. theo đó bà B vừa có quyền và nghĩa vụ phải thi hành án nên phía dòng họ đã nộp cho cơ quan THA 300 triệu để trả cho bà B để dòng họ nhận đất. Do chưa thỏa mãn với việc xét xử nên bà B không có đơn nhận tiền dù dòng họ đã nộp hơn 2 năm cho chi cục THA. Đến khi gia đình bà B muốn nhận tiền và có đơn yêu cầu nhận lại tiền thì chấp hành viên và Chi cục trưởng lại đưa ra nhiều lý do không trả tiền, để con trai bà B được ủy quyền mất nhiều thời gian đi lại nên rất bức xúc. Nhận được đơn mời luật sư của bà B, luật sư đã gọi điện thoại gặp Chấp hành viên và Chi cục trưởng, không chỉ ra việc chậm trả tiền khó dễ là việc làm sai trái, không phù hợp với trình tự thủ tục mà còn trái với lương tâm vì gia đình bà B không vui sướng gì nhận lại 300 triệu vì thế Chi cục nhanh chóng trả lại cho bà B. không những thế cơ quan THA còn không làm đúng qui định là không gửi tiền vào Ngân hàng để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho bà B. Việc không gửi tiền vào Ngân hàng để lấy lãi vừa thiệt hại cho bà B, vừa là sai phạm không chỉ của riêng chấp hành viên còn là sai phạm của kế toán nghiệp vụ THA mà còn cả trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan THA. Nhận thấy sai sót của chấp hành viên, Chi cục trưởng đã chỉ đạo chấp hành viên khắc phục hậu quả và luật sư đã vận động gia đình bà B không khiếu kiện sai trái và nhận thêm gần 30 triệu tiền lãi. Nếu không có luật sư trong vụ này bà B không biết còn “bị hành” đến bao giờ và chắc chắn khoản tiền lãi không biết đâu mà kêu.
Trong thực tế nhiều năm qua do luật THA không qui định bao lâu sẽ thi hành bản án xong, Bộ Tư pháp cũng có rất nhiều quan tâm trong việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm của cấp dưới trong việc dây dưa trì hoãn kéo dài việc THA nhưng không ít chấp hành viên nhũng nhiễu tiêu cực, tự cho mình cái quyền “ muốn làm gì thì làm” kêu đâu thì kêu, khiếu đâu thì khiếu.. dẫn đến bên được thi hành án chán nản, vô cùng mệt mỏi. Hơn nữa trong tâm lý đang đi nhờ THA nên khiếu kiện có khi lại mắc họa, sợ bị trù dập ngâm án. Trong những tình huống đó rất cần sự vào cuộc của LS có kiến thức, có kinh nghiệm dám đấu tranh. Luật sư sẽ tư duy kiến thức pháp lý, thực hiện chức năng kiến nghị giải quyết khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Trong thực tế các doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều thời gian cho quá trình tố tụng từ giai đoạn xét xử sở thẩm, phúc thẩm đến THA chưa kể đến việc các cơ quan tố tụng còn “nhiêu khê” kéo dài thời hạn tố tụng. Theo đánh giá của nhiều Luật sư và các chủ doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư thì sự tham gia của Luật sư có tác động thúc đẩy hoạt động tố tụng có thể giảm 1/3 thời gian so với việc không có Luật sư tham gia.
Vụ việc THA đối với doanh nghiệp là công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Hưng tại thành phố Việt trì – Phú Thọ đang gây xôn xao dư luận bởi những sai phạm của Chi cục THA thành phố Việt Trì. Quá trình bị xét xử, THA doanh nghiệp đã có nhiều khiếu nại về bản án và sai phạm khi THA song không được quan tâm, xem xét, Chấp hành viên vẫn bất chấp sai phạm làm đến cùng. Sau khi Luật sư vào cuộc đã chỉ rõ những điểm bất cập tại bản án khiến quá trình THA khó có thể thực hiện trên thực tế, đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp thủ tục khiếu nại giám đốc thẩm đối với bản án và khiếu nại rõ những sai phạm về trình tự thủ tục THA. Vụ việc đến nay đã có kết quả nhất định, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định kháng nghị bản ản và yêu cầu cơ quan THA dừng việc THA. Trong thực tế việc khiếu nại của các Doanh nghiệp vẫn chưa được cơ quan THA xem xét, giải quyết nghiêm túc song nếu có sự tham gia của tổ chức luật sư bằng việc kiến nghị xem xét sẽ tăng tính hiệu quả của khiếu nại.
Vụ việc của ông Nguyễn Văn Phu (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) là một vụ việc THA sai phạm rất điển hình. Sau khi nhận được lời mời tham gia vụ việc, phát hiện nhiều sai phạm, VPLS Đồng Đội đã tư vấn cho gia đình ông Phu làm đơn khiếu nại, tố cáo sai phạm của Chấp hành viên thuộc Chi cục THA dân sự huyện Dương Minh Châu. Chấp hành viên đã sai phạm về thủ tục THA, xác minh điều kiện THA, kê biên nhầm tài sản…. Tuy nhiên trong suốt quá trình khiếu nại, tố cáo từ năm 2009 đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Chấp hành viên vẫn bất chấp việc khiếu nại, cố làm lấy được, cấp trên bao che sai phạm cấp dưới, phớt lờ sai phạm. Sau khi có sự tham gia của Luật sư, Luật sư đã hướng dẫn khách hàng khiếu nại đến Tổng cục THA, Tổng cục đã rút hố sơ lên để giải quyết. nhưng mãi vẫn chưa ra quyết định cuối cùng. Sự việc kéo dài không thể thi hành án đã gây thiệt hại, bức xúc, mệt mỏi kéo dài cho bên được THA và bên phải THA.
Riêng đối với các doanh nghiệp khi có tranh chấp phát sinh đều cố gắng tìm giải pháp thương lượng hòa giải, cực chẳng đã các doanh nghiệp mới lựa chọn con đường khởi kiện để đòi lại quyền lợi. Khi phải nghĩ đến khởi kiện ra tòa thì mục tiêu hiệu quả, thời gian, lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên kinh nghiệm của các Doanh nghiệp trong lĩnh vực THA chưa nhiều, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đánh giá được hết “góc khuất” của pháp luật, có doanh nghiệp đã nhận thức được việc cần phải đánh giá tính khả thi của THA trước khi khởi kiện song lại đánh giá không chính xác “tưởng thằng có tóc hóa ra trọc đầu” bởi nhiều doanh nghiệp được bọc bởi lớp vỏ “tiềm năng” song thực chất tài sản của doanh nghiệp đã bị thế chấp toàn bộ cho các khoản vay. Một số DN lại có nhận thức chỉ cần có bản án là được THA. Đây là một tư duy chưa đúng. Thực tế cho thấy khi có bản án nhưng không có điều kiện THA thì khó có kết quả. Doanh nghiệp cần sự tư vấn của Luật sư trước khi khởi kiện để có hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất. Sự tham gia của Luật sư lúc này giống như việc chẩn đoán của một bác sỹ để ra phác đồ điều trị từ đó giúp đánh giá tính khả thi của từng vụ việc cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Quá trình hành nghề chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp tìm đến luật sư quá muộn dẫn đến thiếu sự tư vấn cần thiết nên việc bảo đảm quyền lợi rất vất vả. VPLS Đồng Đội nhận được đề nghị tư vấn pháp luật, thu hồi công nợ của công ty CP Thép vật tư Hà Nội đối với khách nợ là công ty CP đầu tư sản xuất xây dựng và thương mại 376. Chúng tôi nhận thấy công ty Thép vật tư đã mất rất nhiều thời gian,chi phí để khởi kiện thành công công ty khách nợ. Tuy nhiên sau khi có bản án đến giai đoạn THA công ty Thép gần như “chết đứng” khi con nợ không còn tài sản, mọi tài sản hiện có tại doanh nghiệp khách nợ đã bị thế chấp bảo đảm các khoản vay của ngân hàng. Về nguyên tắc khi xử lý nợ, các khoản nợ có bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán. Vậy câu hỏi đặt ra đến khi nào doanh nghiệp mới lấy lại được quyền lợi? Nếu có sự vào cuộc kịp thời của Luật sư ngay từ giai đoạn chuẩn bị khởi kiện thì doanh nghiệp sẽ được tư vấn nên hay không nên khởi kiện đòi nợ đối với từng trường hợp sau khi luật sư đã tiến hành các bước xác minh khả năng thi hành án.
Khi phải dùng con đường khởi kiện để giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp đồng nghĩa với việc mâu thuẫn rất gay gắt, không thể ngồi lại. Đến giai đoạn THA vấn đề hòa giải gần như không được đặt ra bởi sự đối lập về lợi ích của các DN mang nặng tính thắng thua, thách đố. Khi đó sự tham gia của LS sẽ góp phần dung hòa mâu thuẫn, dung hòa lợi ích doanh nghiệp, giúp việc THA hiệu quả hơn.
Mặt khác theo quy định pháp luật, việc tham gia tố tụng bắt buộc phải là người đại diện hợp pháp của DN hoặc người ủy quyền hợp pháp của người đai diện. Vì vậy, sẽ mất rất nhiều thời gian, gây tâm lý khó chịu cho người đứng đầu DN. Nên các các DN lựa chọn phương án ủy quyền cho tổ chức hành nghề luật sư có kinh nghiệp trong việc THADS thay DN thực hiện các thủ tục về THA sẽ giúp DN tiết kiệm được thời gian, an toàn, hiệu quả.
Từ những thực trạng trên, Chúng tôi kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật THA năm 2008 một số vấn đề sau:
-Thứ nhất, cần phải quy định mở rộng về quyền của Luật sư tham gia giai đoạn THADS giống như quyền của Luật sư tham gia hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hình sự. Cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo đảm cho hoạt động của Luật sư tham gia giai đoạn THA bằng các quy định cụ thể trong luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Có thể quy định về mặt hình thức như cơ quan THA phải cấp giấy chứng nhận bảo vệ cho Luật sư như việc cấp giấy chứng nhận của các cơ quan tố tụng khác. Khiếu nại cho ong đại
Thứ hai, cần phải bổ sung quyền tham gia khiếu nại và khởi kiện các quyết định về THA như quyết định kê biên, cưỡng chế, quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật cho Luật sư, được nhận ủy quyền của khách hàng để giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích trong việc THA. Bổ sung quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Luật sư và kết quả thu thập của Luật sư cần được chấp nhận. Việc quy định như trên sẽ để bảo đảm tính khách quan, dân chủ, tăng cường hoạt động giám sát trong thi hành án dân sự.
Thứ ba, Tăng cường vai trò Viện kiểm sát trong hoạt động THA . Về mặt lý thuyết pháp luật quy định cho VKS có quyền, trách nhiệm kiểm sát thường xuyên hoạt động THA, tuy nhiên trên thực tế VKS tham gia giai đoạn THA còn mờ nhạt, Viện kiểm sát mới chỉ kiểm sát công tác thi hành án dân sự của các cơ quan thi hành án dân sự mà chưa kiểm sát việc thi hành án dân sự của người phải, người được thi hành án (đặc biệt là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước). Thiết nghĩ vai trò kiểm sát là rất quan trọng, phải kiểm sát toàn diện, phải ra các quyết định kiến nghị, kháng nghị kịp thời tất cả các quyết định của thủ trưởng cơ quan THA, CHV và phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu kháng nghi sai. Kết quả THA yếu kém, sai phạm của THA phải có trách nhiệm của VKS .Vì vậy cần thiết phải quy định đầy đủ, cụ thể hơn trách nhiệm của VKS đối với hoạt động THA.
Thứ tư, Cần phải có chế tài buộc trách nhiệm của Chấp hành viên về vấn đề thời hạn THA, thủ tục THA. Đồng thời cũng cần quy định cho CHV có đủ “thực quyền” để thực hiện trách nhiệm THA. Vì hoạt động THA yêu cầu trách nhiệm của CHV rất cao, khác với các giai đoạn tố tụng khác khi đã cưỡng chế THA thì không thể sửa, hủy. Do vậy, cần phải có bảo hiểm nghề nghiệp cho CHV đẩm bảo cho CHV đủ tự tin, dám THA.
Thứ năm, quan điểm của Chúng tôi về quy định tại điểm đ Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 là chưa hợp lý. Theo quy định về điều kiện THA, người có đơn yêu cầu THA phải cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện THA của người phải THA. Chúng tôi thấy quy định này là một bước “tiến lùi” của luật THA năm 2008. Việc yêu cầu cungc ấp các thông tin về điều kiện THA là một việc bất lợi cho người yêu cầu THA vì đây là việc làm thiếu tính thực tế bởi các cơ quan nhà nước, ngân hàng, cá nhân, các tổ chức không dễ ràng cung cấp các thông tin về tài sản cho người yêu cầu. Quy định này gây nhũng nhiễu, phiền hà, tạo điều kiện phát sinh tiêu cực. Nên chăng cần bỏ quy định này mà quy định trách nhiệm xác minh điều kiện THA thuộc về cơ quan THA như pháp lệnh THA năm 2004.
Thứ sáu: Trên thực tê hiện nay, hoạt động thi hành án dân sự chưa được thống nhất xác định là hoạt động tố tụng, vì vậy, còn chưa thực sự tạo ra sự gắn kết giữa hoạt động xét xử và thi hành án dân sự, Thực hiện theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp, công đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng theo đúng tính chất của công việc; xác định vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự vì thế dự thảo sửa đổi Luật THADS đã được sửa theo hướng quy định nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong công tác THA bằng cách quy định cho Tòa án ra các quyết định về THA. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm trên bởi: Tòa án và THA là hai giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, được hai cơ quan khác nhau đảm nhiệm sẽ thể hiện sự chuyên sâu, phân đoạn. Để tạo sự liên kết giữa hai giai đoạn không nhất thiết phải quy định như trên mà sự liên kết ở đây thể hiện bằng qui định buộc Tòa án phải có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định, xem xét kiến nghị sửa bản bán của cơ quan THA.
Thực hiện theo dự thảo Luật thi hành án dân sự sửa đổi sẽ tạo nên nhiều sự xáo trộn về tổ chức của các ngành, có thể làm thay đổi bộ máy của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Về hoạt động thi hành án dân sự sẽ gia tăng thủ nhiều tục hành chính, điều luật sửa quá nhiều. Việc giao nhiệm vụ ban hành các quyết định THA cho Tòa án sẽ tạo sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, công tác THA không hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, gây bất lợi cho đương sự. Mặt khác nếu chuyển giao nhiệm vụ cho Tòa án sẽ tạo tâm lý đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ và cơ quan THA. Vì vậy chúng tôi kiến nghị không nên quy định Tòa án ra các quyết định THA mà chỉ nên quy định thít chặt hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích bản án và trả lời kiến nghị của cơ quan THA. Cần quy định có sự tham gia của cán bộ Tòa án trong suốt quá trình THA để thực hiện chức năng giải thích bản án.
Đồng thời cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thi hành án dân sự, sự quản lý, phối hợp của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan trong thi hành án. Cần tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự và các luật khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất để công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn.
Qua thực tiễn hoạt động của VPLS Đồng Đội; là văn phòng LS hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực THADS, có thể nói khiêm tốn là chưa bị thua vụ nào khi có yêu cầu của khách hàng trong mảng thi hành án dân sự, chúng tôi đã đánh giá khách quan điều kiện thi hành, tìm ra giải pháp và có ý kiến phản biện kịp thời hỗ trợ cơ quan thi hành án, chấp hành viên; chúng tôi tham gia hoạt động THA theo ủy quyền của người được THA, người phải THA , đóng vai trò “người ở giữa” cùng với hiểu biết sâu, uyển chuyển trong cách ứng xử nên đã xử lý thành công nhiều vụ việc THA bằng phương pháp thương lượng, hòa giải, hạn chế tối đa việc cưỡng chế kê biên tài sản. Bằng phương pháp đó chúng tôi đã mang lại lợi ích tốt nhất, kịp thời nhất cho nhiều khách hàng trong hoạt động THA.
Nhân đây chúng tôi hy vọng được tiếp nhận, được phục vụ những yêu cầu của các doanh nghiệp đang vướng mắc trong giai đoạn THA cũng như tư vấn chuyên sâu về THA
Bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết về lĩnh vực Thi hành án sau đây:
https://dongdoilaw.vn/xac-minh-dieu-kien-thi-hanh-an-la-gi/
https://dongdoilaw.vn/hieu-va-ap-dung-nhu-nao-ve-phong-toa-tai-san-thi-hanh/
https://dongdoilaw.vn/boi-tin-trong-thi-hanh/
https://dongdoilaw.vn/hau-qua-nghiem-trong-tu-nhung-sai-pham-cua-chi-cuc-thi-hanh-an-dan-su-huyen-bac-quang-tinh-ha-giang/
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi