Ly hôn là vấn đề trước đến nay luôn rất khó giải quyết bởi nó đặc biệt hơn các mối quan hệ khác là chứa đựng yếu tố tình cảm. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi ly hôn, vợ hoặc chồng gửi đơn yêu cầu Tòa án nhưng sau đó, họ lại không muốn ly hôn nữa. Vậy trong trường hợp này, vợ hoặc chồng có quyền rút đơn ly hôn hay không? Và Tòa án phải làm gì trong trường hợp này? Bài viết dưới sẽ giúp các bạn trả lời những câu hỏi trên.
Theo nội dung quy định tại: khoản 4 điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 vợ hoặc chồng – người nộp đơn xin ly hôn trong vụ án ly hôn ( gọi tắt là đương sự) có quyền : giữ nguyên, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu khởi kiện . Do đó, khi một bên yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn thì vợ (chồng) hoàn toàn có quyền rút lại đơn xin ly hôn ( đơn yêu cầu khởi kiện ) sau khi tòa án đã thụ lý.
Theo quy định của pháp luật hiện hành về việc rút yêu cầu khởi kiện của đương sự tại Tòa án có 2 trường hợp:
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm , nếu vợ hoặc chồng ( người yêu cầu khởi kiện) rút đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án theo Điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015. Theo đó: sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu khởi kiện và được Tòa án chấp nhận hoặc người yêu cầu không có quyền khởi kiện. Khi vợ (chồng) rút đơn yêu cầu xin ly hôn, thì Toà án cần phải xem xét trong vụ án có yêu cầu phản tố của người còn lại hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không để quyết định:
– Trường hợp thứ nhất : không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập:Với trường hợp này thì Toà án chấp nhận việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện và căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn
– Trường hợp thứ hai : Có yêu cầu phản tố từ phía và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì tuỳ trường hợp mà giải quyết như sau:
• Trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu khởi kiện, người phản tố vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút.
• Trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu khởi kiện, người phản tố rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu phản tố của bị đơn đã rút.
• Trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập, nhưng người phản tố vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã rút.
Sau khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của các đương sự, Toà án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung đối với yêu cầu phản tố của người có đơn yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định lại địa vị tố tụng của các đương sự theo đúng quy định tại Điều 217 của BLTTDS
• Trong trường hợp người yêu cầu rút toàn bộ yêu cầu, người có đơn phản tố rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết toàn bộ vụ án.
Như vậy tùy thuộc vào mỗi vụ án có yêu cầu phản tố, yêu cầu của các đương sự khác nhau mà hệ quả của việc rút đơn khởi kiện cũng khác nhau, có thể Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn hoặc cũng có thể tiếp tục giải quyết tại phiên tòa sơ thẩm.
Trường hợp trong các giai đoạn tố tụng trước đó người có đơn yêu cầu không rút đơn khởi kiện nhưng tại phiên tòa sơ thẩm lại muốn thực hiện quyền trên thì trong trường hợp này Hội đồng xét xử sẽ áp dụng khoản 2 Điều 217 BLTTDS2015 để giải quyết. Theo đó Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử với yêu cầu đã rút; và việc rút đơn khởi kiện của tại phiên tòa không cần phải lập thành văn bản nhưng phải ghi trong biên bản phiên tòa. Như vậy, việc rút đơn yêu cầu khởi kiện trong tình huống này được coi là rút toàn bộ yêu cầu.Với việc rút đơn khởi kiện của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm thì địa vị tố tụng của các đương sự đã bị thay đổi theo quy định tại Điều 217 BLTTDS 2015 .Theo đó:
• Trong trường hợp vợ (chồng) rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng người còn lại vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn trong vụ án.
• Trong trường hợp người yêu cầu rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, người phản tố rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn trong một vụ án dân sự khác.
Việc thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự trong những trường hợp này nhằm tránh việc tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử, sau đó nếu người phản tố đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập, thì Toà án lại phải thụ lý và giải quyết các yêu cầu đó. Trong đó,quan hệ pháp luật đó đã được Tòa án thụ lý. Vì vậy, quy định về thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp dân sự một cách nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả. Khi thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự thì quan hệ pháp luật tranh chấp, tư cách đương sự sẽ thay đổi, nên kể từ thời điểm các đương sự thay đổi địa vị tố tụng, quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định theo yêu cầu của nguyên đơn mới, các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng theo địa vị được thay đổi.
Ngoài ra , theo quy định tại khoản 3 điều 192 BLDS 2015 và nghị quyết số 04/2017 về hướng dẫn trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp lại đơn khởi kiện vụ án dân sự sau khi rút lại đơn yêu cầu khởi kiện thì vợ (chồng) vẫn có quyền nộp lại đơn yêu cầu trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng sau đó muốn ly hôn.
Trên đây, là các trường hợp xảy ra trong trường hợp rút đơn yêu cầu khởi kiện vụ án ly hôn nói riêng và vụ án dân sự nói chung , mong rằng bài viết trên sẽ giúp ích được cho mọi người.
1 phản hồi
Xin hỏi luật sư. Tôi li hôn đc hơn 2 tháng giờ vk ck tôi muốn rút đơn li hôn lại có được không a.