Các vụ án hình sự xưa nay vẫn được coi là “án bỏ túi”, vai trò luật sư bào chữa chỉ mang tính chất hình thức, tham gia cho đủ thành phần. Thậm chí, một số đồn đoán cho rằng thẩm phán sẽ xử nặng hơn cho bị cáo nếu có luật sư bào chữa bởi bị cáo có tiền thuê luật sư nhưng không “bồi dưỡng” cho cơ quan tố tụng?
Nhưng thực tế, qua nhiều vụ án hình sự, chúng ta không thể phủ nhận vị thế của luật sư. Tiêu điểm là “vụ án bác sỹ Hoàng Công Lương tại Hòa Bình”. Mặc dù bác sỹ Lương không được tuyên vô tội hay giảm án như yêu cầu của các luật sư tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm nhưng vai trò của luật sư đã góp phần làm sáng tỏ các tài liệu chứng cứ cũng như xác định sự thật khách quan của vụ án, đồng thời giúp cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh công bằng không để lọt tôi và tạo cho dư luận có cái nhìn toàn diện hơn về vụ án gây xôn xao này.
Thực tế tham gia bào chữa nhiều vụ án hình sự, tôi đã khá thành công, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Nhìn lại quá trình hành nghề luật, tôi có ấn tượng với những vụ án hình sự mới giải quyết trong năm 2018 và đầu năm 2019.
Vụ án thứ nhất, bà Trần Thị N (Hoàng Mai, HN) bị truy tố, xét xử về tội “Đánh bạc” theo Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Xét về mặt thực tế, hành vi ghi lô đề của bà Nguyệt là có thật, nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, cơ quan tố tụng khá “cẩu thả”. Cụ thể: lập biên bản phạm tội quả tang ghi nhận hành vi ghi lô đề tại địa điểm khác, việc khám xét nhà có nhiều khuất tất, thực tế không có việc khám xét nhưng vẫn lập biên bản “khống”. Đặc biệt, trong số 19 tích kê bị phát hiện thì có 11 tích kê không rõ người mua là ai. Chính những vấn đề này khiến cơ quan tố tụng phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, dẫn đến vụ việc đơn giản nhưng kéo dài đến 1 năm mới xét xử. Do căn cứ buộc tội đối với bị cáo là rất “non” nên luật sư phát hiện ra vấn đề và xoáy sâu vào các vi phạm của cơ quan tố tụng khi tranh luận tại phiên tòa. Mặc dù đại diện Viện kiểm sát không thừa nhận những vi phạm tố tụng nhưng trong phần luận tội lại đưa ra mức án được coi là nhẹ là 10- 16 tháng tù treo. Trên cơ sở đó, Tòa án tuyên phạt bị cáo mức nhẹ nhất mà Viện kiểm sát đề nghị là 10 tháng tù treo. Bản án không bị kháng cáo kháng nghị, được coi là hợp tình hợp lý, đó là một thành công không nhỏ khi có sự tham gia của luật sư.
Vụ việc thứ hai là xô xát gây thương tích giữa hai người phụ nữ lớn tuổi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ tại Lâm Thao, Phú Thọ. Cụ thể, bà G bị truy tố, xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2, Điều 104, Bộ luật hình sự 1999. Trong quá trình điều tra, kết luận giám định pháp y 03 lần đều có kết quả khác nhau thể hiện sự mâu thuẫn nhưng Viện kiểm sát vẫn đề nghị truy tố. Đồng thời, mâu thuẫn rất nhỏ nhưng cơ quan tố tụng không giúp các bên hòa giải, bồi thường cho nhau mà xử lý theo pháp luật thể hiện sự “cứng nhắc”, không thuyết phục. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Luật sư đã có văn bản kiến nghị đến đồng chí Bí thư huyện ủy đề nghị kiểm tra, giám sát việc các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ. Tại phiên toà việc xét hỏi chưa làm rõ được hành vi của bị cáo, càng xét hỏi lại càng bộc lộ nhiều điểm mâu thuẫn, thể hiện việc điều tra sơ sài, chưa làm rõ được bản chất nội dung vụ án. Dự kiến xét xử một buổi mà kéo dài cả ngày chưa xong, các nhân chứng toàn nghe thấy và chia ra 2 luồng quan điểm trái ngược nhau… Nhận thấy vụ án cần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng với nhận thức của luật sư rằng, việc điều tra bổ sung chỉ làm tốn kém thời gian vì bản chất hành vi và hậu quả là có thật. Do đó, luật sư đã đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để các bên hòa giải, đưa ra mức bồi thường và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nhờ có tình tiết mới là có đơn xin giảm nhẹ hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đã thay đổi nội dung phần luận tội đã đê xuất từ án giam thành án treo. HĐXX cũng đồng tình và tuyên bị cáo hình phạt tù treo mang lại sự hài lòng, tâm phục khẩu phục cho cả bị cáo, bị hại và các vị hội thẩm, cũng như đông đảo người tham gia phiên toà nhất là bị cáo, bị hại đều là những người cao tuổi nên gia đình không hề mong muốn vụ án bị kéo dài thêm bất kỳ giây phút nào.. Bản án được sự thỏa mãn của tất cả các bên, kể cả phía cơ quan tố tụng. Rõ ràng, vị thế của luật sư trong vụ án này đã được ghi nhận, nếu không có sự nhạy bén của luật sư thì có lẽ sẽ khiến vụ án căng thẳng, phức tạp, tốn nhiều thời gian hơn nữa để đi đến hồi kết.
Hai bản án toà tuyên cho hưởng án treo trên hoàn toàn do công sức của luật sư xuất phát từ nhiệt huyết, đam mê, trí tuệ, kỹ năng nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mà không hề phải tác động bằng vật chất đến cơ quan tố tụng như mọi người vẫn nghĩ án treo là phải này nọ .., ngược lại, trong thâm tâm của HĐXX còn thầm cảm ơn luật sư vì vụ án kết thúc nhanh chóng, tránh kháng cáo, khiếu tố kéo dài.
Vụ việc thứ ba là bị cáo T.A bị xét xử về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Do trong lúc xay xỉn, bị hại đã có hành vi không đúng mực, trái với thuần phong mỹ tục với vợ bị cáo nên xảy ra mâu thuẫn. Bị cáo T.A đã nhẹ nhàng nói chuyện với bị hại để làm rõ vấn đề nhưng ngược lại bị hại thể hiện thái độ hung hăng, tấn công bị cáo. Do vậy, T.A đã dùng kéo dâm bị hại gây tử vong. Nhận được đơn mời luật sư của mẹ bị cáo, ngay lập tức luật sư đã đến trụ sở cơ quan điều tra để làm thủ tục đăng ký bào chữa và vào trại giam gặp bị cáo. Tại đây, với kinh nghiệm giải quyết nhiều vụ án hình sự, luật sư đã làm thay đổi nhận thức của bị cáo để nhận ra cái sai của mình, thuyết phục T.A nhận tội, thành khẩn khai báo và đề nghị gia đình khắc phục hậu quả. Nhờ đó, cơ quan điều tra truy tố theo Khoản 2, khung hình phạt thấp nhất của tội danh này. Tại phiên tòa, bị cáo trình bày rõ ràng hành vi của mình trước HĐXX, trả lời dứt khoát, không vòng vo nên được HĐXX ghi nhận. Đặc biệt, luật sư thể hiện sự nhạy bén bằng việc đề nghị tòa án dừng phiên tòa để hòa giải trước 30 phút khi Tòa án dừng phiên tòa nghỉ trưa. Luật sư thuyết phục thành công để gia đình bị cáo bồi thường số tiền 180 triệu đồng, đại diện bị hại xin giảm nhẹ hình phạt khiến các luật sư đồng nghiệp ngỡ ngàng, thán phục (trước các bên đã nhiều lần thỏa thuận nhưng không thành, luật sư ở xa nên chưa có điều kiện hòa giải giữa các bên trong giai đoạn điều tra, truy tố). Nhờ có tình tiết giảm nhẹ được ghi nhận trong bản án là đại diện bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên bị cáo bị tuyên phạt 10 năm tù. Đây được coi là thành công đáng được ghi nhận của luật sư bởi qua trao đổi với Thẩm phán cũng như đại diện Viện kiểm sát thì chưa từng có vụ án giết người nào mà Tòa tỉnh xử có mức án thấp như vậy đối với bị cáo có nhân thân không tốt như vụ án này. Bản án được tất cả các bên hài lòng đã đã thể hiện ghi nhận công sức rất lớn của luật sư khi tham gia bào chữa.
Vụ án thứ tư là luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại là vợ của nạn nhân trong vụ án “Giết người” gây xôn xao dư luận tại Hải Dương. Luật sư tham gia sau khi Bản án sơ thẩm tử hình đã tuyên “Tử hình” đối với bị cáo. Trước khi nhận lời tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, luật sư đã từng có ý nghĩ sẽ từ chối tham gia bởi quyền nhận hay từ chối là quyền của luật sư, vì đề nghị tử hình 1 kẻ giết người dã man là không sai. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, luật sư quyết định tham gia bởi vợ bị hại đã khẩn cầu luật sư. Luật sư đã nghiên cứu kỹ, tìm ra định hướng giải quyết vụ án một cách hợp tình, nhân đạo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ. Đặc biệt, trong vụ án có nhiều vấn đề phức tạp, bố nạn nhân hướng xin giảm nhẹ còn vợ nạn nhân lại đề nghị tăng mức án. Bằng sự khéo léo, luật sư đã thuyết phục gia đình bị hại nhận bồi thường và cùng bố, chị bị cáo xuống Quảng Ninh để thắp hương, xin lỗi gia đình, đồng thời, bị hại chấp nhận ký đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Có thể nói trong vụ án, một người đã mất đi, thêm một người nữa cũng không đem lại được điều gì, trong khi đó, khắc phục hậu quả là vấn đề cần được ưu tiên để đảm bảo cuộc sống gia đình sau này. Sau đó, mặc dù Tòa án cấp phúc thẩm vẫn y án “Tử hình” cho bị cáo nhưng thành công của luật sư đem lại trong vụ án là bị hại đã được nhận tiền bồi thường đảm bảo tính nhân đạo và mục đích trừng trị vẫn đạt được.
Qua thực tế giải quyết vụ án hình sự, rõ ràng có các phiên tòa “sạch”, Thẩm phán tâm huyết, không coi nặng đồng tiền, ra phán quyết công tâm, chứa đựng sự nhân văn, tình con người cao cả. Tính chất của án hình sự rất đặc biệt, không chỉ làm ảnh hưởng đến bị cáo mà còn cả gia đình thậm chí cả dòng họ đều liên lụy nên khi tham gia vụ án như vụ án “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” của nguyên Viện phó VKSND TP Đà Nẵng (vợ không dám về nhà, con bỏ học, bạn bè cũng được “thơm lây”). Nên trước tiên, luật sư cần mang nặng một trách nhiệm, cảm thông với nỗi đau, thiệt thòi của bị cáo để đưa ra những đánh giá phân tích cho gia đình để có ứng xử phù hợp đúng pháp luật. Luật sư nên nhìn đúng vào bản chất của từng vụ án, vận dụng hài hòa chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, không gây khó dễ cho cơ quan tố tụng. Cùng với đó, luật sư khi cần khơi dậy con người trong giao tiếp, sức lôi kéo, cảm hóa, sự giác ngộ của luật sư sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi không chỉ của bị can, bị cáo mà còn các cơ quan tố tụng, lương tâm, trách nhiệm của họ không khác được. Nếu luật sư chỉ nghĩ đến “quen biết”, làm cách nào để “nhờ vả”, không tâm huyết, không nghiên cứu hồ sơ thì sẽ bị cơ quan tố tụng coi thường, xem nhẹ vai trò của bản thân. Đặc biệt, khi tham gia vụ án hình sự, luật sư cần tranh thủ sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy chính quyền và dư luận xã hội trong việc xét xử công tâm, đúng pháp luật, đúng thời hạn tố tụng. “Vụ án dâm ô ở Vũng Tàu” đã bị giám đốc thẩm, hủy án treo và tuyên án tù giam cho bị cáo nhờ sức ép rất lớn của dư luận, buộc TANDCC tại TP.HCM phải vào cuộc để giải quyết vụ án đúng pháp luật. Đồng thời, luật sư nên tạo những kênh thông tin như trao đổi tiếp xúc hay kiến nghị bằng văn bản để tạo sự đồng thuận với cơ quan tố tụng, làm cơ sở ra kết luận điều tra, truy tố và Bản án khách quan, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Không dám so sánh với những vụ án oan thời Nguyễn Trãi hay luật sư Lô-dơ-bi bào chữa cho Bác Hồ nhưng luật sư cần có niềm tin mãnh liệt vào cán cân công lý, sự nghiêm minh của pháp luật dù đâu đó vẫn còn tiêu cực.
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!
Người viết: Hải Nam- Chuyên viên pháp lý
SĐT: 0357169210- tranhainamby1@gmail.com
Qua lời kể của Luật sư Trần Xuân Tiền.