Câu 1. Do có mối quan hệ quen biết nên anh K có đề nghị vay tôi 100 triệu đồng để lo việc cho mẹ trong bệnh viện và hứa sẽ trả tiền cho tôi sau 10 ngày, anh K có viết giấy vay nợ (có đầy đủ chữ ký của tôi và anh K). Tuy nhiên, khi đến hạn, anh K không những không trả tiền mà còn tiếp tục đề nghị vay thêm, hứa hẹn sẽ trả cùng với số tiền nợ ban đầu nhưng tôi không đồng ý. Anh K liền trở mặt, dùng lời lẽ đe dọa nếu không cho anh ta vay thì số tiền 100 triệu đồng của tôi anh ta cũng không trả. Tôi được biết anh này mới mua xe và các đồ nội thất trong gia đình nhưng lại cố tình không trả tiền cho tôi. Vậy nếu như anh K vẫn tiếp tục không trả tôi nên làm thế nào, tôi có thể tố giác anh ta về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được không?
Đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 463, 466 Bộ luật Dân sự 2015, vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Nếu vay tiền thì phải có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn nếu không thì bên cho vay sẽ có quyền khởi kiện ra Tòa án để đòi lại số tiền gốc cũng như lãi suất kèm theo nếu pháp luật có quy định.
Theo quy định tại Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do đó, nếu có căn cứ chứng minh hành vi của anh K vay tiền nhưng không trả cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bạn có thể làm đơn tố giác về hành vi của anh K.
Cụ thể, thứ nhất, theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã cho anh K vay tổng số tiền là 100 triệu đồng, hai bên có ký vào giấy vay nợ. Như vậy, có quan hệ vay mượn tiền giữa bạn và anh K. Thứ hai, về dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, mặc dù bạn đã nhiều lần đề nghị anh K trả tiền nhưng anh này không trả, thậm chí còn có thái độ thách thức người cho vay. Hơn nữa, việc không trả tiền không phải là do hoàn cảnh khó khăn, bởi rõ ràng anh K có điều kiện trả thể hiện ở việc anh K vẫn có tiền mua xe, sắm đồ cho gia đình.
Như vậy, hành vi trên của anh K có đủ dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Do đó, trong trường hợp này, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm đối với hành vi có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tới cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện nơi anh K cư trú.
Với mức tiền mà anh K chiếm đoạt, nếu bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội này, anh K có thể đối diện với mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại Điểm c khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự.
Câu 2. Anh A là người quen của bạn tôi, anh này giới thiệu bản thân là công an, hiện nay đang biết một gói đầu tư sinh lời nên muốn mời tôi vào đầu tư. Ban đầu, tôi có chút do dự, tuy nhiên anh A khẳng định và lấy danh dự là công an để tôi tin tưởng đầu tư. Vì vậy, tôi đã đưa cho anh A 500 triệu. Hai tháng đầu tiên, tôi đã nhận được những khoản tiền lời đúng như anh A nói, nhưng thời gian sau tôi không nhận được bất cứ khoản tiền nào. Tôi có gọi điện hỏi anh A thì anh ta luôn kêu bận và phải đi công tác ở xa nên bảo tôi đợi. Sau đó, tôi phát hiện anh A này không phải công an và công ty mà anh A giới thiệu là công ty lừa đảo, hiện tại cũng rất nhiều nạn nhân rơi vào tình cảnh như tôi.
Tôi đã liên hệ và đề nghị rút lại số tiền góp vốn nhưng anh A liên tục hứa hẹn và không đưa ra thời gian cụ thể.
Theo thông tin bạn tôi cung cấp, anh A chuẩn bị ra nước ngoài định cư. Vậy trong trường hợp này tôi nên làm thế nào để đòi được số tiền trên. Vì nếu anh A ra nước ngoài tôi không biết đòi như thế nào? Tôi xin cảm ơn!
Trong trường hợp này, anh A đã bằng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật (anh A là công an) để bạn tin tưởng đưa tiền cho anh này đầu tư mà công ty đó lại là công ty lừa đảo. Do đó, nếu có căn cứ chứng minh anh A chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng bằng cách liên kết với công ty kia thì bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm về hành vi có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 để cơ quan điều tra có căn cứ khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với anh A.
Theo như thông tin bạn cung cấp, anh A đang có ý định ra nước ngoài. Để bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn có thể làm đơn đề nghị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh có thể được áp dụng với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Do đó, nếu có căn cứ anh A có ý định ra nước ngoài để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì bạn có thể làm đơn đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh đối với anh A.
Để có căn cứ tố giác, bạn cần thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh việc anh A đã lừa dối bạn đưa tiền để đầu tư thông qua các tin nhắn, ghi âm, ghi hình (nếu có), căn cứ chứng minh việc bạn đã đưa tiền cho anh A (hình ảnh giao dịch, giấy xác nhận giao tiền, sao kê tài khoản của ngân hàng, nội dung tin nhắn về việc chuyển tiền… Sau đó bạn nộp đơn tố giác kèm theo những tài liệu chứng cứ đã thu thập được cho cơ quan công an.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi