Nhắc đến những người học Luật chắc hẳn ai cũng nghĩ sau này họ sẽ trở thành những vị Luật sư tài ba, giỏi giang. Nhưng họ đâu biết được rằng để trở thành Luật sư cũng cần phải trải qua một quãng đường“thanh xuân” không hề ngắn ngủi, ở đó thấm đẫm những gian lao, thử thách, tốn không ít thời gian, tiền bạc và đổ mồ hôi lẫn máu. Luật sư là nghề tôi ước mơ và nung nấu khi đang còn là học sinh cấp III, cho đến khi bước chân vào môi trường Đại học. Có nhiều người tâm sự với tôi rằng: “Luật sư là nghề nguy hiểm, dấn thân vào thì khó thoát ra lắm”, nhưng tôi nghĩ rằng mỗi người đều có định hướng, lựa chọn và niềm đam mê của mình, và tôi có những lý do của riêng mình để quyết tâm theo đuổi nghề Luật sư.
Đầu tiên, xuất phát từ niềm đam mê, khát khao hoài bão, muốn chinh phục khó khăn
Xuất phát là con nhà nông, hiền lành chăm chỉ, quanh năm suốt tháng gắn với đồng ruộng tại một vùng quê nghèo. Khi xem trên truyền hình các chương trình về pháp luật: Tòa tuyên án, pháp luật và đời sống, pháp luật hôm nay,….tôi đặt ra câu hỏi sao các Luật sư, những người hành nghề luật họ giỏi thế, siêu thế?. Đặc biệt là trong chương trình Tòa tuyên án, khi đến phần tranh tụng tôi nhìn thấy các vị Luật sư đưa ra những lập luận, lý lẽ bảo vệ cho thân chủ, khách hàng của mình tôi cứ tấm tắc khen ngợi, lời hùng biện sắc xảo, giọng nói trầm ấm, đầy đủ sức thuyết phục, và vô cùng chặt chẽ. Hay là những buổi tư vấn, giải đáp pháp luật liên quan đến thừa kế, ly hôn,…tôi thấy được sự logic, chặt chẽ trong cách trình bày, lời giải đáp rất thiết thực. Điều đó làm tôi cảm thấy ngưỡng mộ, khâm phục và ước mai này mình sẽ phấn đấu trở thành Luật sư, khao khát được xưng danh Luật sư, đứng đối đáp, tranh luận với vị thực thi quyền công tố, với vị Luật sư đối tụng hay ở trước truyền hình giải đáp, tư vấn pháp luật cho bà con. Hơn thế nữa, nghề Luật sư cũng là nghề có nhiều rủi ro và nguy hiểm, tôi muốn vượt qua giới hạn của bản thân, muốn chinh phục khó khăn, tiến lên theo con đường trở thành một Luật sư, hơn thế là “Luật sư tử tế” mà tôi khao khát muốn chiếm lĩnh.
Thứ hai, mong muốn góp phần làm cho cán cân công lý được cân bằng
Trên con đường thực hiện hóa ước mơ thành hiện thực thì tôi cũng nhận thấy rằng muốn cho xã hội được công bằng, thì chúng ta cần lấy pháp luật làm tôn chỉ, là mốc quan trọng để mọi người tuân thủ và áp dụng vào cuộc sống. Quy định là như vậy, nhưng đâu ai biết được rằng trên thực tế, xã hội vẫn đang còn nhiều “hạt sạn” làm cho sai lệch những quy định của pháp luật, sai lệch những chuẩn mực vốn có của con người, và điều đó cho thấy cán cân công lý không được thăng bằng như vị trí ban đầu của nó. Vì thế, Luật sư là người góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân, cơ quan, cá nhân, tổ chức, giữ vững sự cân bằng cán cân công lý, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đảm bảo xã hội Việt Nam: có công bằng thì dân mới được làm chủ và tính nhân văn của người dân mới được nâng cao.
Thứ ba, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng cao cả “Giúp đời, Giúp người”
Một trong những tâm niệm gắn bó với tôi theo giáo lý của Đạo Phật là “Giúp đời, Giúp người”. Hiểu rộng ra “Giúp đời, Giúp người” là mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, điểm thêm những gang màu sáng, góp phần lan tỏa những giá trị có ý nghĩa nhân văn cho đời, cho người.
*Về giúp Đời: Đã là Luật sư thì phải bảo vệ được cho chính bản thân của mình trước những vấn đề có liên quan đến pháp lý, khi ấy giá trị của bản thân Luật sư mới được nâng cao và có cơ hội để giúp đỡ được những người khác; Nguồn sống của Luật sư là khách hàng, ngoài giải quyết được những vướng mắc pháp lý của khách hàng thì Luật sư cũng được hưởng phần thù lao mà khách hàng tri trả, đảm bảo điều kiện về thu nhập và mức sống đầy đủ cho Luật sư; Trong quá trình học tập và thực tiễn nghề khi hành nghề thì Luật sư cũng chính là người tự làm, tự học, tự sửa cho chính bản thân mình, giúp mình hoàn thiện kể cả trình độ, thái độ, kỹ năng mà còn hoàn thiện cả về những giá trị mà Luật sư đang còn thiếu, còn yếu.
*Về giúp Người: Khi bản thân Luật sư tích lũy đủ những giá trị nhất định, thì điều tiếp theo Luật sư quan tâm đến những người thân trong gia đình, họ hàng, những người yếu thế trong xã hội, giúp những người bị oan,…. Mục đích của bản thân tôi khi học Luật sư ngoài bảo vệ được bản thân, ngoài mục đích kiếm tiền thì mở rộng ra là cơ hội để bản thân được cống hiến, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ công lý, công bằng lẽ phải, bảo vệ những con người yếu thế trong xã hội. Điển hình là các vụ án oan đã được giải oan là vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Phan Văn Lá (Long An). Ba người đàn ông, mỗi người có những số phận khác nhau nhưng có điểm chung là những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân lại chôn vùi dưới song sắt của trại giam. Thực sự khi chứng kiến những vụ án oan này, lòng tôi vô cùng bứt dứt, điều khao khát nhất lúc này là hy vọng trong tương lai sẽ hạn chế và không bao giờ có những vụ án oan lấy đi bao nhiêu giá trị tốt đẹp vốn có của họ và gia đình.
Thứ tư, góp phần tốt hơn trên con đường trở thành “Người tử tế”
Tôi từng đọc một danh ngôn rất hay và thiết thực của Tổng thống thứ 16 của Hoa KỳAbraham Lincoln nói, được dịch ra như sau: “Nếu bạn cho rằng bạn không thể trở thành một Luật sư tử tế, hãy chọn làm Người tử tế, đừng làm Luật sư”. Câu nói này chúng ta có thể hiểu rằng, để trở thành “Luật sư tử tế”’ trước hết bạn phải là “Người tử tế”. Với ý nghĩa của sự tử tế là lương thiện, chân thành, là trí tuệ, có kiến thức, hiểu rõ và tuân theo đạo lý. Muốn làm một Luật sư tử tế, trước hết phải là người tử tế. Và con đường để đạt đến sự tử tế, cao cả hơn nữa là Luật sư tử tế phải rèn rũa, học tập, tu dưỡng rất nhiều năm về sau, thậm chí cả một đời. Vậy nên, chọn nghề Luật sư là một trong những con đường đúng đắn giúp bản thân trước tiên trở thành một người tử tế đúng nghĩa.
Và cuối cùng, nghề Luật sư là một trong những nghề “cao quý”, được xã hội tôn trọng
Cùng với nghề Y, nghề giáo thì nghề Luật sư cũng là một trong những nghề cao quý được xã hội trọng vọng. Bởi lẽ để trở thành một Luật sư thì vô cùng gian nan, bên cạnh đó khối lượng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phải đủ nhiều, và cái tâm phải đủ “sáng” thì khi hành nghề mới mang lại hiệu quả cao, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình được. Nếu ví nghề Y là nghề chữa lành thể xác cho con người, nghề giáo là nghề truyền đạt những giá trị tinh túy nhất cho con người, thì nghề Luật sư là nghề bảo vệ, chữa lành “tâm hồn” cho con người. Do vậy, để hướng tới những giá trị tốt đẹp đó, bản thân cần phải rèn rũa rất nhiều, kiên trì, kiên định, và tấm lòng quảng lượng, hãy xem mỗi công việc mình làm cho khách hàng chính là mình đang làm việc cho mình. Muốn được xã hội tôn trọng thì Luật sư phải là những người tạo và lan tỏa những giá trị đó đến cộng đồng và xã hội bằng cách thiện lương nhất, tử tếnhất, xuất phát từ cái Tâm.
Để trở thành Luật sư đã khó, để trở thành Luật sư “chân chính, tử tế” lại càng khó hơn. Trên bước đường thực hiện mục tiêu, mục đích của bản thân đã đặt ra, tôi nguyện phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng bản thân không ngừng nghỉ: trong học tập, trong nghiên cứu, trong khi làm việc, khi có điều kiện ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi lẽ, chúng ta chỉ sống được một lần, hãy nỗ lực hết mình để không phải hối tiếc, và con đường phấn đấu trở thành Luật sư còn rất dài và phải tự nhắc nhở bản thân luôn luôn rèn luyện theo những giá trị tốt đẹp nhất, và mang trong mình những tố chất: “Trái tim nóng, cái đầu lạnh, và đôi bàn tay sạch” – khát vọng ước mơ trở thành Luật sư, sẽ sớm trở thành hiện thực trong một ngày không xa./.
(Mùa đông Hà Nội, ngày 02/12/2022)
Tác giả: Lê Thanh Bình – VPLS Đồng Đội.
(SĐT/ZALO: 0354492343, email: lethanhbinhdhv@gmail.com)
—————–
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi