Luật sư và nghề luật sư xuất hiện là kết quả của nhu cầu được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người, là để đảm bảo sự công bằng cho pháp luật và cũng là để đưa pháp luật đến gần hơn với mọi người. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển và đang có xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, nên các mối quan hệ pháp luật phức tạp sẽ có xu hướng tăng cao và nhiều mâu thuẫn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi mỗi bên. Với tư cách là người am hiểu pháp luật và kinh nghiệm trong hoạt động pháp luật, luật sư và nghề luật sư ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong xã hội. Nghề luật sư đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tư pháp, đảm bảo sự công bằng, đúng pháp luật cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước. Đồng thời, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn nên quyền lợi của nhân dân cũng được chú trọng, đề cao, do đó mà họ luôn cần những người am hiểu, áp dụng pháp luật để được tư vấn, hướng dẫn để làm sao có thể bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mình.
1. Vai trò của luật sư trong đời sống xã hội
Thứ nhất, vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước Toà. Đây vừa là vai trò cũng vừa là nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của luật sư.
Trong cuộc sống hằng ngày luôn xuất hiện các mối quan hệ pháp luật giữa các công dân với nhau, hoặc giữa công dân với các cơ quan, tổ chức khác. Những mối quan hệ này có lúc sẽ mâu thuẫn với nhau, động chạm đến quyền và lợi ích của các bên. Có những vấn đề đơn giản có thể được giải quyết bằng việc hai bên có thể thỏa thuận, hòa giải với nhau, nhưng có những vấn đề phức tạp đòi hỏi phải giải quyết bằng con đường khiếu nại, kiện tụng, hay chính là giải quyết thông qua Tòa án. Khi đó, hầu hết các trường hợp công dân đều có những hạn chế nhất định về kiến thức pháp luật nên khó có thể tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình. Do đó, họ cần đến sự giúp đỡ của luật sư cũng như các Tổ chức hành nghề luật sư. Lúc này, luật sư chính là những người am hiểu pháp luật và là người bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người dân khi xảy ra các vụ việc liên quan đến pháp luật.
Hoạt động tố tụng của luật sư trong phiên tòa được bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng, luôn dựa trên chứng cứ, quy định của pháp luật nhằm bào chữa hay bảo vệ lợi ích tối đa cho khách hàng. Việc thực hiện tốt vai trò của mình trong hoạt động tố tụng của luật sư không chỉ bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo, các đương sự khác mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện ra những thiếu sót trong việc tìm ra sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội. Không những thế, thông qua hoạt động bào chữa, tranh tụng tại Tòa án, luật sư còn góp phần làm giảm thiểu các vụ án oan, sai, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng niềm tin cho nhân dân và vị thế xã hội cũng ngày một nâng cao.
Luật sư Trần Xuân Tiền và luật sư Hoàng Thị Tâm tham gia phiên toà hình sự tại TAND tỉnh Vĩnh Phúc
Thứ hai, vai trò của luật sư trong hoạt động tư vấn pháp luật góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Đây là vai trò được coi là quan trọng nhất của nghề luật sư, bởi trong quá trình tư vấn pháp luật, luật sư sẽ là người xem xét, đưa ra đánh giá và các lời khuyên có lợi nhất cho khách hàng của mình.
Để có thể tư vấn pháp luật cho khách hàng, trước hết luật sư phải là những người thông hiểu luật, đồng thời có nhiều kiến thức, kĩ năng thực tế để có phản xạ nhanh trong việc xử lý và giải quyết các vụ việc được khách hàng tư vấn. Luật sư cũng phải là những người tôn trọng pháp luật và có đạo đức, bởi niềm tin của khác hàng là một điều hết sức quan trọng đối với hoạt động tư vấn nói riêng và với luật sư nói chung. Vì thế mà ngành nghề này được pháp luật điều chỉnh chặt chẽ tại Luật luật sư và Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Phạm vi hoạt động tư vấn của luật sư không chỉ dừng lại đối với cá nhân mà còn đối với các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp,…thông qua hình thức kí kết hợp đồng dịch vụ pháp lý. Hoạt động này không chỉ mang tính chất định hướng cho khách hàng để giải quyết vụ việc mà còn giúp khách hàng giải quyết những vấn đề có liên quan đến pháp luật sao cho vừa hợp tình, hợp lý, đảm bảo có lợi cho khách hàng và hướng đến mục đích cuối cùng là góp phần bảo vệ công lý. Trong đó, khi tư vấn pháp luật, luật sư luôn ưu tiên giải quyết những tranh chấp xảy ra trong đời sống xã hội bằng hòa giải, vừa có lợi cho hai bên tranh chấp, vừa tránh việc mất thời gian khi đi khiếu nại, thậm chí có trường hợp khiếu nại không đúng cơ quan có thẩm quyền.
Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng pháp luật, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động có nhu cầu.
Thứ ba, vai trò của luật sư trong việc tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những vai trò và nhiệm vụ hàng đầu của người luật sư. Hoạt động này được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: qua báo chí, phương tiện thông tin đại chúng; qua việc tham gia các phiên toà, phiên hoà giải; qua giảng dạy tại các trường học hoặc các doanh nghiệp, tổ chức tài chính; qua mạng xã hội hoặc qua website,…
Ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn nước ta vẫn còn rất nhiều nơi còn nhiều khó khăn, lạc hậu, không có điều kiện tiếp cận với pháp luật, dẫn đến việc người dân vừa không biết bảo vệ quyền lợi cho mình, vừa có nguy cơ cao trong việc vi phạm pháp luật. Do đó, xuất phát là những người am hiểu và áp dụng đúng pháp luật, luật sư là những người mang luật pháp đến gần nhất với người dân thông qua việc tư vấn, giúp đỡ cho bà con tại những nơi đó.
Như vậy, việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ các quyền cơ bản của công dân cũng như thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Luật sư Trần Xuân Tiền với hoạt động báo chí
2. Chức năng xã hội của luật sư
Chức năng xã hội của luật sư được thể hiện qua những đóng góp của luật sư để góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chức năng xã hội của luật sư chính là sự thể chế hóa Sứ mệnh nghề nghiệp luật sư, được ghi nhận trong Luật luật sư.
Trong đó, cơ chế thực hiện chức năng xã hội của luật sư đề cao và khuyến khích sự tự nguyện, tinh thần cống hiến của luật sư đối với các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, tăng cường vị thế và thúc đẩy thực thi trách nhiệm cộng đồng của luật sư và xã hội. Thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình, luật sư thực sự là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chức năng xã hội của luật sư trong bối cảnh hiện nay được thể hiện rõ nhất thông qua tư cách là “cố vấn pháp luật” cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Thực hiện chức năng trên, luật sư không chỉ là người góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng pháp luật, mà còn giúp doanh nghiệp phòng ngừa những rủi ro trong kinh doanh và đại diện cho doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp phát sinh.
Cơ chế thực thi pháp luật mà “Nhà nước chỉ làm những gì pháp luật cho phép, công dân được làm tất cả những gì luật không cấm”, việc tuân thủ pháp luật trở thành ý thức tự giác trong từng hành vi ứng xử của mỗi công dân là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần tích cực trong việc xây dựng và bảo đảm thực hiện hiệu quả cơ chế đó.
Quy định về chức năng xã hội của luật sư theo hướng đầy đủ, toàn diện như Điều 3 của Luật luật sư là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cả chính bản thân luật sư về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội.
3. Một số vấn đề thực tiễn
Hiện nay ở các nước phát triển, tỷ lệ luật sư trên tổng dân số rất cao, chẳng hạn như ở Mỹ cứ 250 người dân thì có 1 luật sư (1/250), ở Pháp và Singapore là 1/1.000, ở Thái Lan là 1/1.526, ở Nhật là 1/1.546. Ở nước ta, hiện nay tỷ lệ luật sư trên tổng số dân còn quá thấp, chỉ khoảng 1 luật sư/6.000 dân, trong khi nhu cầu về dịch vụ pháp lý của người dân ngày càng tăng cao. Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngày càng có ý thức và nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý để đảm bảo việc kinh doanh đúng quy định pháp luật, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững về sau. Vì thế, cơ hội việc làm của ngành luật ngày càng rộng mở bởi có rất nhiều nghề, rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đến những người có kiến thức pháp luật. Nghề luật sư trong tương lai hứa hẹn sẽ trở thành một ngành nghề “hot”, đồng nghĩa với việc vị trí và vai trò của luật sư đối với xã hội sẽ ngày càng quan trọng và được nâng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đất nước tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, nghề luật sư có một số thách thức nhất định:
Thứ nhất, sự hạn chế về năng lực và kinh nghiệm của luật sư Việt Nam hiện nay. Trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa trên phạm vi quốc tế, các luật sư phải có khả năng tư vấn, làm việc cho các khách hàng hoặc đối tác của khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Điều này đòi hỏi luật sư không chỉ có kiến thức về pháp luật Việt Nam mà còn cả pháp luật quốc tế, đồng thời phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ. Trong khi đó tại Việt Nam, số lượng luật sư có chuyên môn sâu, có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp mang tính quốc tế là rất ít. Do đó, hoạt động của luật sư vẫn chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước, chưa đủ điều kiện và cơ hội để tham gia các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Riêng đối với các vụ tranh chấp thương mại mang tính quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải lựa chọn thuê các tổ chức luật sư nước ngoài để giải quyết với một mức phí không hề nhỏ.
Thứ hai, áp lực cạnh tranh và đào thải. Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực đối với nghề luật sư không đồng nghĩa với việc quá trình đào thải không xảy ra. Sự phát triển và nâng cao số lượng luật sư trong giai đoạn hiện nay cũng đòi hỏi phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng công việc của luật sư, chưa kể đến những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – nơi tập trung rất đông số lượng luật sư đã tạo ra một áp lực cạnh tranh rất lớn về hoạt động nghề nghiệp của các luật sư tại hai địa phương này. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh không chỉ dừng lại ở các luật sư trong nước với nhau mà còn là sự cạnh tranh với các luật sư quốc tế dày dạn chuyên môn, kinh nghiệm đến từ các nước có nền kinh tế phát triển từ rất lâu đời.
Thứ ba, sự tác động của trí tuệ nhân tạo AI. Trí tuệ nhân tạo AI từ khi được phát minh cho đến thời điểm hiện tại có thể coi là một bước phát triển nhảy vọt của khoa học – công nghệ, với nhiều dự đoán có thể thay thế con người trong một số lĩnh vực nhất định, nghề luật sư cũng không phải là một ngoại lệ. Mặc dù viễn cảnh trí tuệ nhân tạo AI có thể thay thế hoàn toàn luật sư còn khá xa vời, nhưng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý cùng với những ưu điểm vượt trội (dữ liệu lớn, tốc độ tra cứu quy định pháp luật chuẩn xác, nhanh chóng, khả năng dự liệu rủi ro pháp lý toàn diện, chi phí pháp lý thấp và được công khai chi tiết…) cũng là một áp lực khá lớn đối với những người hành nghề luật sư truyền thống.
Thách thức đối với sự phát triển nghề luật sư còn xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, đó là cơ chế pháp luật đối với luật sư chưa thông thoáng, chưa thật sự tạo điều kiện cho luật sư phát triển nghề. Quá trình hành nghề luật sư gặp không ít sự cản trở của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền thông qua những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà. Đôi lúc có sự cản trở ngay trong hệ thống pháp luật bởi những quy định còn chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi. Về mặt chủ quan, hiện nay không phải ai có thẻ luật sư cũng hành nghề luật sư. Nhiều người thi lấy thẻ thực chất là để ghi danh, mang tiếng cho “oai” mà không có bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào. Phần còn lại vì không đủ quyết tâm, đủ say mê nên không chịu nổi áp lực công việc; hoặc do áp lực cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” mà tạm gác lại công việc này. Phần khác có thể do năng lực chuyên môn không đủ đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp, nên đành “đứt gánh giữa đường”.
Tất cả các nguyên nhân trên tổng kết bằng số liệu ít ỏi các luật sư sống và giàu lên bằng chính nghề của mình. Vì vậy, động lực để những luật sư vượt qua được những khó khăn trên không gì khác ngoài niềm say mê và tâm huyết với nghề, bằng những trăn trở trong từng vụ việc và cái “tâm” với công việc, với khách hàng. Có đôi lúc, vì bảo vệ cho khách hàng mà luật sư phải chịu những thiệt hại về tài sản, về tính mạng sức khỏe, nhưng không phải vì thế mà họ bỏ nghề luật sư. Những lăn lộn với nghề giúp họ gắn bó và yêu nghề hơn để rồi họ càng có nghị lực để vượt qua khó khăn, trở thành người luật sư thành công.
Trong quá trình hành nghề, khách hàng đối với luật sư không chỉ là những người đối tác làm ăn, kinh doanh, người có nhu cầu tư vấn pháp lý mà còn bao gồm những người dân – người luôn cần đến sự giúp đỡ của luật sư trong nhiều vấn đề của cuộc sống. Bất cứ mối quan hệ thuộc lĩnh vực nào của pháp luật cũng đều cần đến luật sư, do đó mà vai trò của luật sư trong xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Trước những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của nghề luật sư, mỗi luật sư cần tăng cường và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất chính trị đạo đức để đủ khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, tạo dựng được niềm tin và uy tín cao đối với cộng đồng, xã hội. Dẫu biết rằng, mọi con đường đi đến thành công đều gập ghềnh gian khó và nghề luật sư cũng vậy. Nhưng khi đã hội tụ đủ cố gắng, say mê, tâm huyết và ý chí thì chắc rằng chúng ta sẽ là luật sư thành công với tương lai đầy hứa hẹn.
Ngược lại, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng cần chủ động tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ, vai trò của luật sư cũng như những đóng góp của luật sư đối với xã hội để tìm được những tổ chức hành nghề luật sư và những luật sư uy tín, có thể là “người đồng hành”, “người cố vấn” tin cậy hỗ trợ công việc của mình và nhất là để hạn chế, ngăn ngừa những rủi ro pháp lý không đáng có.
Người viết: CVPL Lương Lệ Mai (theo sự tham vấn của LS. Trần Xuân Tiền)
SĐT: 0396.018.496
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi