Tranh chấp về việc nuôi con đã trở nên phổ biến khi số vụ ly hôn ngày một tăng. Nhiều trường hợp tòa án đã có bản án, quyết định cho người mẹ có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, nhưng người cha không chịu giao con, thậm chí tỏ thái độ hung hăng đe dọa, dùng nhiều thủ đoạn gây cản trở khiến người mẹ không thể tiếp cận và không thể nhận bàn giao con để trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Vậy thì người mẹ phải làm như thế nào để đòi được con một cách hợp pháp?
Pháp luật luôn khuyến khích việc thỏa thuận giữa các đương sự, kể cả trong giai đoạn thi hành án. Đặc biệt là trong quan hệ nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, việc tranh giành luôn mang lại những hệ lụy xấu cho những đứa con, vì vậy nếu người mẹ được Tòa án trao quyền nuôi con sau ly hôn mà người cha không chịu giao con thì trước tiên người mẹ cần cố gắng thương lượng và thuyết phục để họ tự nguyện giao con. Nếu không thể thuyết phục thì cần thực hiện những bước sau để được giao con:
Bước 1: Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành án
Theo quy định tại Điều 7 Luật thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2014 thì người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành án.
Sau khi có đơn yêu cầu cưỡng chế thi hành án của người có quyền thì căn cứ Điều 120 Luật thi hành án Dân sự 2008, cơ quan thi hành án dân sự sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương thuyết phục người cha của đứa trẻ tự nguyện giao con cho người mẹ theo quyết định của Tòa án, nếu vẫn không tự nguyện giao con thì sẽ bị phạt tiền (mức phạt là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng quy định khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) và sau 5 ngày làm việc theo ấn định của cơ quan thi hành án mà người cha đó vẫn không tự nguyện giao con thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao giao con cho người mẹ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Điều 120 Luật thi hành án Dân sự 2008 quy định như sau:
Điều 120. Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định
1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án
Bước 2:
Nếu việc cơ quan thi hành án cưỡng chế bất thành thì người mẹ làm đơn tố giác và đề nghị cơ quan điều tra khởi tố người cha đó về Tội không chấp hành án quy định tại Điều 380 Bộ Luật hình sự năm 2015:
Điều 380. Tội không chấp hành án
- Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
- b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- c) Tẩu tán tài sản.
- Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Việc phải đề nghị khởi tố cha của con mình là việc không ai mong muốn, tuy nhiên, đối với những đối tượng ngoan cố, bất chấp pháp luật thì buộc phải dùng biện pháp mạnh.
Trên thực tế, vào tháng 3/2023, một người đàn ông ở tỉnh Bắc Ninh đã bị khởi tố về Tội không chấp hành án vì không tự nguyện giao con cho người vợ sau khi li hôn theo bản án của Tòa án. Vụ việc được dư luận rất quan tâm và là bài học cho nhiều người.
Vì vậy, khi đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc trước tiên là nghiêm chỉnh chấp hành và giao con cho người có quyền trực tiếp nuôi con. Nếu bản án, quyết định đó không đúng quy định pháp luật thì đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nếu bản án, quyết định là đúng quy định pháp luật nhưng người trực tiếp nuôi dưỡng không đảm bảo tốt quyền lợi về mọi mặt cho con trong việc chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con thì thu thập bằng chứng và khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi quyền nuôi con.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Luật sư Nguyễn Thị Nhàn – Đoàn luật sư TP Hà Nội
Sđt: 0972798172
Email: nhannguyen0984@gmail.com