Sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Theo đó, Vợ hoặc chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Việc người vợ chưa có công việc ổn định, không có thu nhập là một điều bất lợi cho việc giành quyền nuôi con, vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết được xét tới khi xem xét việc giao con. Tuy nhiên vì đấy chỉ là một trong những yếu tố được xét đến, vì vậy, người vợ có thể chứng minh các điều kiện khác như điều kiện về tinh thần, môi trường dưỡng dục, phát triển, …. để có thể giành được quyền nuôi con.
Do đó, để được giành quyền nuôi con khi ly hôn, vợ phải chứng minh mình có đủ các điều kiện kinh tế và tinh thần để tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất về mọi mặt: trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục …
- Về điều kiện kinh tế: phải chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập đảm bảo, tài sản, nơi ở ổn định…
- Về tinh thần: phải chứng minh bản thân có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, …
- Ngoài ra, người vợ có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái như : thường xuyên có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định, không có thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con …
Ghi chú: Đối với vụ việc hôn nhân và gia đình đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/3/2016 nhưng kể từ ngày 01/3/2016 mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP để giải quyết.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Văn phòng luật sư Đồng Đội thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Mọi thắc mắc tư vấn xin vui lòng gửi về:
- Điện thoại: (024) 6329 7648 – Hotline: 0936.026.559
- Website: https://dongdoilaw.vn – Email: tranxuantien1964@gmail.com.
Người viết – Nguyễn Thị Bích Ngọc