Câu hỏi: Luật sư cho em hỏi ạ, hai vợ chồng sống ly thân 10 năm trong một căn nhà, vì vợ đi ngoại tình hết lần này đến lần khác, giờ chồng muốn ly hôn nhưng vợ không chịu, vợ giấu hết giấy tờ, giấy kết hôn và tất cả CCCD, giấy tờ đất đai nhà cửa, vậy chồng có ly hôn đơn phương được không ạ, hai vợ chồng lấy nhau khác tỉnh, và đăng kí tỉnh của vợ, nhưng hiện tại giờ lại sống và làm việc ở một nơi khác,ạ, bây giờ chồng phải làm thế nào để ly hôn đơn phương được ạ, mong các luật sư tư vấn giúp ạ
Trả lời:
Đối với vấn đề của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Bên cạnh đó Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Như vậy, vợ bạn đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của người vợ như: yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau,…. nên mặc dù vợ bạn không đồng ý ký vào đơn ly hôn thì bạn vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trừ trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, do vợ bạn đã giấu những giấy tờ nên để Tòa có căn cứ giải quyết bạn phải làm những việc dưới đây trước khi thực hiện thủ tục ly hôn tai Tòa:
- Đối với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn: Đến UBND cấp xã nơi vợ chồng đã đăng ký kết hôn để yêu cầu trích lục lại hồ sơ về việc đã đăng ký kết hôn.
- Về giấy khai sinh: Có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao.
- Đối với sổ hộ khẩu: Liên hệ với công an cấp xã/ phường nơi người yêu cầu thường trú xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương. Việc xác nhận này có thể làm một đơn riêng, cũng có thể nhờ công an xác nhận ngay vào đơn xin ly hôn.
- Đối với chứng minh thư nhân dân: Có thể sử dụng bản sao công chứng, chứng thực của sổ hộ chiếu để hoàn thiện hồ sơ. Có thể liên hệ với công an phường, xã, thị trấn để được cấp lại CMND.
- Đối với giấy tờ tùy thân của bị đơn (CMND, sổ hộ khẩu,…) có thể trình bày trong đơn ly hôn và yêu cầu Tòa án yêu cầu bị đơn cung cấp giấy tờ để tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định.
- Đối với giấy tờ nhà: việc có quyền sử dụng đất, không có nghĩa là khi không có giấy chứng nhận này thì sẽ bị tước đi quyền sử dụng đất. Theo đó, bạn có thể thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ đỏ. Khi được cấp lại thì Giấy chứng nhận do người khác đang giữ không có giá trị pháp lý.
- Thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất:
Bước 1: Thực hiện việc khai báo về việc mất sổ đỏ và tiến hành tìm kiếm
Trong trường hợp mà sổ đỏ bị mất thì chủ thể sử dụng sẽ phải thực hiện; thủ tục xin cấp để làm lại sổ đỏ theo những thủ tục nhất định gồm đơn trình báo; về việc mất sổ đỏ và phải thực hiện xin giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc mất giấy chứng nhận. Sau đó khi mà đáp ứng đủ yêu cầu; về thời gian kèm theo có đầy đủ xác nhận thì mới tiếp tục tiến hành chuẩn bị; làm hồ sơ gửi đến Văn phòng đăng kí đất đai để xin cấp lại sổ đỏ.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ
- Hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận gồm có các giấy tờ liên quan; được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Giấy tờ xác nhận việc mất Giấy chứng nhận của công an cấp xã nơi mất giấy
- Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo; mất giấy tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Trừ các trường hợp mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thiên tai như lũ lụt; hỏa hoạn đã được UBND xã xác nhận).
Bước 3: Tiến hành nộp hồ sơ
Chủ thể sử dụng đất phải tiến hành nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai; hoặc ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi có đất
Bước 4: Thẩm định và cấp lại sổ đỏ
Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ đã hợp lệ sẽ tiến hành thực hiện các công việc như sau, bao gồm:
- Tiến hành kiểm tra các yêu cầu của hồ sơ;
- Trích đo địa chính của thửa đất hoặc trích lục bản đồ địa chính; trong trường hợp mà chưa đo địa chính của thửa đất hoặc chưa có bản đồ địa chính;
- Tiến hành lập hồ sơ để trình lên các cơ quan có thẩm quyền liên quan ký quyết định hủy bỏ sổ đỏ đã bị mất đồng thời kèm theo ký quyết định ký cấp lại sổ đỏ mới;
- Thực hiện việc cập nhật, chỉnh sửa các cơ sở dữ liệu về đất đai liên quan, chỉnh lý hồ sơ địa chính
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành thực hiện cấp lại sổ đỏ mới khi bị mất cho người sử dụng đất đã bị mất sổ đỏ trước đó hoặc là gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã có đất liên quan để trao lại sổ đó đối với trường hợp mà người sử dụng đất nộp hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ tại cấp xã. Thời hạn thực hiện việc cấp là không quá 3 ngày làm việc, được tính kể từ ngày mà có kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
- Thủ tục ly hôn đơn phương:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương
Để được Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương, người yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như sau:
– Đơn khởi kiện ly hôn;
– Đăng ký kết hôn (bản chính); nếu không có thì có thể xin cấp bản sao…
– Bản sao có chứng thực CCCD/CMND của chồng; của vợ có thể có hoặc không
– Sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận nơi cư trú, thường trú .
– Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;
– Đối với tài liệu giấy tờ chứng minh về tài sản
– Tài liệu chứng cứ chứng minh người vợ ngoại tình: bằng hình bằng, băng ghi hình hoặc những hình thức khác thể hiện cho hành vi đó.
Bước 2: Nộp đơn ly hôn đơn phương
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, khi yêu cầu ly hôn đơn phương, người có yêu cầu phải nộp đơn đến Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 35 BLTTDS, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Tuy nhiên, nếu những vụ án ly hôn này có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền mà thuộc về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Căn cứ Điều 37 BLTTDS).
Như vậy, vụ việc của bạn không có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ bạn đang cư trú.
Bước 3: Xem xét giải quyết ly hôn đơn phương
Thủ tục ly hôn đơn phương được thực hiện như thủ tục của một vụ án dân sự. Do đó, theo quy định của BLTTDS 2015, thời gian ly hôn đơn phương phải trải qua các giai đoạn: Chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa…
Trong trường hợp thông thường, thời gian giải quyết một vụ án ly hôn đơn phương thường là ít nhất 04 tháng. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp phức tạp, vì nhiều lý do bất khả kháng… mà có thể kéo dài hơn.
– Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc.
– Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí (Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
– Hòa giải: Thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
- Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị.
- Nếu hòa giải không thành: Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
– Phiên tòa sơ thẩm: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm.
Nếu không hòa giải thành và xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng…
Bước 4: Án phí đơn phương ly hôn
Trong vụ án ly hôn đơn phương, ngoài yêu cầu về quan hệ hôn nhân, thông thường hai vợ chồng sẽ yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng. Do đó, theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, nếu một vụ ly hôn không có giá ngạch thì mức án phí là 300.000 đồng.
Ngược lại, nếu vụ án ly hôn có giá ngạch thì căn cứ vào giá trị của tài sản được phân chia, án phí ly hôn sẽ từ 300.000 đồng trở lên. Trong đó, cao nhất với tài sản trên 04 tỷ đồng thì án phí là 112 triệu đồng cộng với 0,1% của phần giá trị tài sản vượt 04 tỷ đồng.
- Về việc giải quyết ly hôn khi vắng mặt bị đơn
Căn cứ khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.
Về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định gồm vụ án:
“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”.
Như vậy, nếu trong quá trình giải quyết vụ án vợ bạn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì được xem là vụ án không tiến hành hòa giải được. Khi đó, Tòa án sẽ tiến hành các bước tiếp theo để xem xét, quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Nguyễn Thị Như Thùy , Nguyễn Phương Hoa
SĐT: 0367658315
Gmail: Thuyhlu1308@gmail.com