Khi có tranh chấp về các vấn đề trong cuộc sống các bên không thể giải quyết được với nhau, cực chẳng đã phải nhờ đến các cơ quan công quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật để tháo gỡ những mâu thuẫn đó. Chẳng ai muốn phải làm như vậy nhưng cũng chỉ vì oan ức, chỉ vì cảm thấy quyền và hợp ích hợp pháp của bản thân, gia đình bị xâm hại mà họ buộc phải tìm đến các cơ quan này những mong sẽ được bảo vệ, được giải nỗi oan khuất. Thế nhưng, với nhiều người đó là hành trình đầy gian nan, vất vả nên dân gian xưa có câu:“Vô phúc đáo tụng đình”,“Tụng đình rình vô phúc”. Khi mà “quan thấy kiện” như “kiến thấy mỡ”. Đã rơi vào kiện tụng, thì dù là nguyên đơn hay bị đơn đều khổ, muốn khổ sở ăn chực nằm chờ thì hãy đi kiện, còn muốn giàu có thì hãy lo làm ăn, không nên sa vào chuyện kiện tụng.
Khi mà cuộc sống người dân hầu hết còn nằm sau lũy tre làng, việc nhờ đến cửa quan là một điều kì quặc, hiếm có ai nhờ cửa quan giải quyết khi có các tranh chấp, để khi tranh chấp lên tới đỉnh điểm thì mới mang ra nhờ cửa quan phân giải, ấy là “đáo tụng đình” và thường việc xét xử sẽ kéo dài và tốn kém thời gian và tiền của, ấy là “vô phúc”. Mặt khác, trong xã hội xưa xuất hiện một số người hiểu biết, mang sẵn lòng trắc ẩn hoặc “giữa đường thấy cảnh bất bình chẳng tha” nên tự mình hoặc chỉ vẽ cho người khác thưa gửi, kiện tụng. Và phải chăng, chính vì sự yếu kém về năng lực của hàng ngũ quan lại, sự e ngại phải đối mặt với tình trạng thưa tụng phức tạp của người dân và trong bối cảnh quyền lực tập trung, luật pháp sơ sài, lợi dụng sự lạc hậu của dân chúng,… nên tầng lớp thống trị đã luôn tìm cách ngăn cản hoạt động tư vấn, tranh tụng. Thậm chí, những người có “dính dáng” đến việc này còn bị liệt vào hạng “xui nguyên giục bị”, bị “phân biệt đối xử”, giống như “bọn người xướng ca vô loài” và bị cấm đi thi. Phép thi Hương ban hành vào tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462) dưới đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) quy định: “Học trò trong nước, không kể hạng quân hay dân, người nào xin thi, đều cho phép viên quan bảo quản và xã trưởng làm giấy cam đoan người ấy thực sự có đạo đức, hạnh kiểm mới cho ứng thí. Còn những hạng người bất hiếu, bất mục, loạn luân và xui nguyên giục bị đều không được dự thi”. Nên thành ngữ “Vô phúc đáo tụng đình” được truyền từ đời này sang đời khác, cùng với kiến thức về pháp luật nói chung và kiến thức về tố tụng cơ bản nói riêng của người dân rất hạn chế, họ không tin tưởng vào một công cụ mà họ không hiểu rõ, và tới lúc họ bị chính sự thiếu hiểu biết làm hại mình.
Ngày nay, khi hệ thống chức sắc cửa quan đã không còn, thay vào đó là hệ thống cơ quan tòa án, thực hiện nhiệm cụ xét xử và giải quyết các tranh chấp. Nhưng có vẻ tâm lý từ xa xưa vẫn chưa được giải tỏa, bởi trong lịch sử ngành tư pháp đã từng xảy ra nhiều vụ xét xử oan sai nghiêm trọng như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã bị kết án chung thân về tội giết người. Ông chỉ được trả tự do vào tháng 11/2013 sau khi hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú. Tính đến thời điểm đó ông đã phải ngồi tù hơn 10 năm. Đây là một trong những vụ án oan gây nhiều dư luận trong xã hội bởi nhiều người cho rằng cơ quan điều tra đã dùng nhục hình, bức cung để buộc nghi phạm nhận tội. Sau khi được giải oan, ông Chấn đã nhiều lần làm việc với VKSND Tối cao để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau đó 2 bên đã đồng ý với nhau là ông Chấn đã được đền bù hơn 7 tỷ đồng. Cũng là vụ án oan khác ở Tiền Giang, vụ ông Trần Văn Chiến ở tù với tội danh giết người, được trả tự do ngày 21/8/1995 khi đã ở tù được 16 năm 3 tháng. Mãi đến năm 2002, TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên ông Chiến vô tội. Ngày 23/12/2004 ông Chiến được TAND tỉnh Tiền Giang đền bù oan sai 252 triệu đồng, đồng thời xin lỗi trên ba tờ báo Trung ương và địa phương. Hay vụ án oan của Nguyễn Minh Hùng (Tân Biên, Tây Ninh) bị bắt tháng 6/2003 với tội danh buôn bán ma túy khi cơ quan điều tra chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Anh Thư và chiếc áo màu đỏ chưa xác minh rõ chủ nhân, Hùng bị công an đưa đi trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè. Án sơ thẩm lần 1 và lần 2 là hai lần Hùng bị tuyên án tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nhưng tòa phúc thẩm TAND Tối cao hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Và sau hơn 14 tháng điều tra lại vẫn không bổ sung được chứng cứ, ngày 11/6/2008 Công an tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra. Và ngày 13/6/2008 Viện KSND tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng. Sau hơn 5 năm ở tù với hai lần bị tuyên án tử hình, Nguyễn Minh Hùng được trả tự do. Nguyễn Minh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19/11/2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.
Trong thời gian qua, các vụ án oan được minh oan, hé lộ gây chấn động dư luận như vụ Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm và mới nhất là vụ án Trần Văn Vót. Dư âm và cộng hưởng của các vụ án oan sai này là chỉ số niềm tin của nhân dân vào cán cân công lý, công bằng và bình đẳng; là nỗi niềm day dứt, trăn trở về trách nhiệm trước nhân dân của các Cơ quan, người tiến hành tố tụng. Bởi thế mà tâm lí “vô phúc đáo tụng đình” sống dai đến vậy. Việc oan sai trong hình sự (kết án cho người vô tội, quá nặng so với mức độ hành vi phạm pháp) để lại hậu quả và dư âm đặc biệt nghiêm trọng, có thể không khắc phục được hậu quả (án tử hình đã được thi hành, người bị oan sai tự tử, đã chết, dẫn đến cái chết người thân của người bị oai sai…). Việc kết án oan sai là chà đạp lên những giá trị, nhân phẩm, nhân cách…của người vô tội, làm tan nát hạnh phúc, chia lìa tổ ấm của biết bao gia đình của những người kết tội oan và thân nhân của họ.
Hiện nay với việc hạn chế và không oan sai trong tố tụng; trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng; đảm bảo nguyên tắc tối thượng của pháp luật là mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật; pháp luật là cán cân, chuẩn mực của công lý, lẽ phải, lẽ công bằng… vì vậy, vai trò của Luật sư vô cùng quan trọng trong hoạt động tố tụng nói riêng và trong đời sống kinh tế, xã hội. Vai trò này thể hiện các mặt cụ thể:
- Trong hoạt động tố tụng: Luật sư với sứ mệnhcao cả trong việc bảo vệ, bào chữa cho quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình; Luật sư là một bên độc lập, đối trọng với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Các quan điểm, lập luận, cách nhìn …của Luật sư là hướng tới sự khách quan công bằng, bình đẳng… điều này có tác dụng và ý nghĩa rất lớn tới việc tiếp cận vấn đề, quan điểm, kết luận, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, giúp bản án được tuyên đúng người đúng pháp luật, tránh tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm. Có một điều có thể nói rằng, nếu có sự tham gia của Luật sư trong các giai đoạn giải quyết vụ án thì ở đó thì sẽ hạn chế được những hành vi tiêu cực, hàm oan cho người vô tội, và bỏ lọt tội phạm.
- Trong đời sống dân sự, kinh tế, xã hội: Vai trò của Luật sư cũng thể hiện rất rõ, với thiên sứ định hướng cho thân chủ (tổ chức, cá nhân) trong mọi hành động, việc làm là phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng pháp luật; thông qua Luật sư mà mọi công dân, tổ chức nắm bắt, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhanh nhất, hiệu quả và tự nguyện. Luật sư trong hoạt động của mình cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước (đặc biệt là các cơ quan quản lý Hành chính Nhà nước) – đó chính là phản biện xã hội. Điều này có ý nghĩa giúp cho hoạt động, quyết định, hành vi… của các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước mang tính khách quan, chính xác, công bằng và bình đẳng.
Vậy nên, khi có tranh chấp xảy ra mà các bên không thể tự giải quyết được với nhau thì đừng ngần ngại lựa chọn “đáo tụng đình”, đừng lựa chọn bất cứ cách giải quyết tiêu cực hay trái luật, vì nó là con dao hai lưỡi, làm tổn thương kẻ thù cũng sẽ làm bản thân mình chảy máu. Và khi có Luật sư đồng hành thì sẽ hạn chế được “ Vô phúc” khi “đáo tụng đình”./.
Người viết: Thanh Diệp, Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền (0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com)
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi