Câu hỏi: Thưa Luật sư, tôi có tham dự một phiên tòa sơ thẩm trong vụ án hình sự. Trong quá trình diễn ra phiên xét xử, khi luật sư bào chữa cho bị cáo nêu lên quan điểm, tôi và rất nhiều người tham dự phiên tòa bên dưới đã vỗ tay tán dương do đồng quan điểm với vị luật sư đó. Tuy nhiên, phía chủ tọa phiên tòa lại nghiêm khắc yêu cầu chúng tôi nghiêm túc giữ nội quy phiên tòa, nếu còn tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt và bị buộc ra ngoài. Vậy xin luật sư cho biết, cụ thể nội quy phiên tòa hình sự là gì? Nếu vi phạm thì có đến mức bị đuổi ra khỏi phiên tòa không? Trường hợp chúng tôi vỗ tay cổ vũ như trên thì có vi phạm không và nếu có thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, Luật sư xin trả lời như sau:
Nội quy phiên tòa chính là những quy định được đặt ra mà các cá nhân khi tham gia phiên tòa có trách nhiệm phải tuân theo, nhằm đảm bảo cho phiên tòa được diễn ra liên tục, đảm bảo tính an toàn, trật tự và giúp hoạt động xét xử đạt hiệu quả tốt nhất. Trong các phiên toà xét xử nói chung và tại phiên toà hình sự nói riêng, có sự tham gia của nhiều chủ thể với nhiều vai trò khác nhau, thậm chí có quyền, lợi ích đối kháng nhau. Vì thế, khi những chủ thể này có mặt cùng một lúc tại một phiên xét xử, có thể vì những lý do, tư thù cá nhân hay những mâu thuẫn, tranh chấp trước đó mà có thể có những lời nói, hành động không đúng chuẩn mực, hay gây gổ, đánh nhau tại phiên toà. Chưa kể đến, đối với những vụ án hình sự, hầu hết các bị can, bị cáo đều là những đối tượng phạm tội nguy hiểm, nếu không đặt ra nội quy phiên toà có thể gây nguy hiểm cho HĐXX, đại diện các bên tham gia tố tụng cũng như những người tham dự tại phiên toà.
Do đó, khi tham gia phiên tòa hình sự, thì các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng phải có nghĩa vụ tuân theo nội quy phiên tòa hình sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện hành trong suốt quá trình diễn ra phiên xét xử. Cụ thể Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nội quy phiên tòa như sau:
(1) Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
(2) Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
(3) Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án.
Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố.
Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý;
Người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.
Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.
(4) Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.
(5) Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
Như vậy, người tiến hành và người tham gia phiên tòa hình sự có trách nhiệm tuân thủ nội quy phiên tòa quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Tuy nhiên, thực tế lại có không ít những vụ việc các cá nhân tổ chức không nghiêm túc chấp hành nội quy phiên tòa, gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử, dẫn đến những hậu quả từ ít nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, thậm chí không thể khắc phục được.
Tuy nhiên, trong tình huống mà bạn đưa ra, việc bạn cũng như những người tham dự phiên tòa có hành động “vỗ tay, tán dương do đồng quan điểm với luật sư”, để xác định hành động này có bị xử lý hay không, còn phụ thuộc vào vào tính chất, mục đích của hành động này. Xét trong hoàn cảnh mà bạn đưa ra, việc “vỗ tay”, “tán dương” là thể hiện việc đồng tình với vị luật sư đang bào chữa cho bị cáo, với mục đích là để giúp bị cáo được giảm nhẹ hình phạt. Khi nghe những quan điểm bào chữa đúng đắn, nhân văn, hợp tình, hợp lý mà luật sư đưa ra, việc bạn và mọi người có hành động tán dương có thể coi là hành động bột phát, không hề có chủ đích từ trước hay nhằm mục đích gây mất trật tự tại phiên toà, nên có thể coi là không vi phạm nội quy phiên toà. Mặc dù không gây hậu quả, nhưng hành động đó đã phần nào làm gián đoạn quá trình xét xử của hội đồng xét xử, nên trong trường hợp của bạn, hội đồng xét xử mới chỉ nhắc nhở, yêu cầu bạn và những người khác giữ trật tự, tuân thủ nội quy phiên toà.
Ngoài ra, trong trường hợp người vi phạm tiếp tục có hành vi gây rối, mất trật tự tại phiên toà, hoặc có hành vi kịch động người khác gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc của HĐXX, pháp luật cũng quy định cụ thể các chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm này.
Trong đó, đối với những hành vi vi phạm nội quy phiên tòa hình sự, Điều 467 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định mức xử phạt như sau:
“1. Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa
3. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.
4. Quy định tại Điều này cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án.”
Tại khoản 2 Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC của chánh án TAND Tối cao cũng quy định: “Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự”. Theo quy định trên, thì tùy theo mức độ và hành vi vi vi phạm, người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15, mức phạt cao nhất lên đến 15.000.000 đồng hoặc bị xử lý hình sự theo quy định.
Đồng thời, Điều 4 Thông tư trên quy định lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành các quyết định của chủ tọa phiên tòa, HĐXX về việc buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử; tạm giữ người gây rối trật tự phiên tòa hoặc quyết định khác theo quy định của pháp luật. Do đó, bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến việc xét xử, ảnh hưởng đến phiên tòa thì thẩm phán chủ tọa đều có quyền yêu cầu cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi phiên tòa.
Như vậy, nội quy phiên toà và chế tài xử phạt đối với người có hành vi vi phạm khi tham gia phiên toà đều được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng tại các văn bản quy phạm pháp luật. Việc xem xét, đánh giá tính chất, mức độ hành vi, làm căn cứ cho việc xử phạt phụ thuộc chủ yếu vào Thẩm phán – chủ toạ phiên toà trong từng phiên toà cụ thể. Trong đó, nếu xét thấy mức độ, tính chất hành vi không nghiêm trọng, không gây ra hậu quả, ảnh hưởng đến việc xét xử của HĐXX thì Thẩm phán có quyền nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với người vi phạm; ngược lại nếu người vi phạm có thái độ không tôn trọng phiên toà, cố ý thực hiện những hành vi gây rối, mất trật tự hoặc kích động những người khác gây ồn ào, mất trật tự, ảnh hưởng đến quá trình xét xử thì Thẩm phán có quyền áp dụng các hình thức xử phạt tương ứng với hành vi mà người đó gây ra.
Người viết: Ngô Ngọc Hiếu – CVPL tại VPLS Đồng Đội
Số điện thoại: 0399919272; Gmail: ngongochieubn123@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi