Liên quan đến vụ tai nạn xe khách khiến 1 người chết, 12 người bị thương ngày 18.3.2023 tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình), trường hợp nguyên nhân tai nạn được xác định là mất phanh, tài xế chủ động yêu cầu mọi người bám chặt vào rồi tông vào vách núi để giảm thiểu thiệt hại thì có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự do tình thế cấp thiết nếu đáp ứng được yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Để có thể biết được trường hợp này có phải là tình thế cấp thiết hay không ta cần căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Cũng theo quy định tại Điều này, người có hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Đối với tình huống tài xế phát hiện bị mất phanh trong khi lái xe, không còn cách nào khác nên đã chủ động hô mọi người bám chặt vào ghế rồi đâm vào taluy dương bên trái hướng đang lưu thông để dừng xe tránh gây thiệt hại lớn hơn. Có thể thấy, trong trường hợp này, để tránh xảy ra tai nạn hay dẫn đến những thiệt hại nặng nề về người và tài sản (nếu xảy ra va chạm với các phương tiện, người tham gia giao thông khác), tài xế buộc phải ra quyết định một cách nhanh chóng và cấp thiết. Do đó, nếu có căn cứ chứng minh việc người tài xế ra quyết định chủ động hô mọi người bám chặt vào ghế rồi đâm vào taluy dương là cách có khả năng ít gây thiệt hại nhất đến quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân người tài xế và mọi người trong thời điểm đó thì có thể xác định đây là tình thế cấp thiết theo quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự. Theo đó, tài xế sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.
Ngược lại, trường hợp có căn cứ chứng minh thiệt hại mà tài xế gây ra khi đâm vào taluy dương rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự hiện hành.
Như vậy, cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh làm rõ các tình tiết để chứng minh việc tài xế gây thiệt hại này có phải là cách duy nhất để xử lý hay không? Thiệt hại mà tài xế gây ra nhỏ hơn hay lớn hơn hẳn yêu cầu của tình thế cấp thiết? Từ đó có căn cứ xác định được liệu người tài xế có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Hứa Kim Ngân – CVPL tại VPLS Đồng Đội
SĐT: 0375966329; Email: nganhua2911@gmail.com
Người tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền