UBND huyện Trần Văn Thời xác định phải tiêu hủy đàn 15 con chó và 1 con mèo vì chủ nhân (Cặp vợ chồng) dương tính SARS-CoV-2 và có 1 con vật qua xét nghiệm dương tính với 1 loại virus. Tuy nhiên, loại virus gì thì phía UBND huyện chưa thông tin cụ thể.
- Luật sư đánh giá như nào về vụ việc 16 vật nuôi bị tiêu hủy khiến dư luận bàng hoàng? Đã có quy định nào yêu cầu phải tiêu hủy vật nuôi khi chủ sở hữu mắc Covid-19 hay chưa?
TRẢ LỜI:
Việc tiêu huỷ 15 chú chó là chưa từng có trong tiền lệ công tác phòng, chống dịch, đây là vụ việc gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã. Hình ảnh cặp vợ chồng chở 15 chú chó và 1 chú mèo trên hành trình về quê trong mùa dịch khiến nhiều người vô cùng xúc động. Họ đã dành tình cảm cho những vật nuôi, xem chúng như tài sản lớn nhất.
Hiện nay cơ sở pháp lý, khoa học để xử lý đối với vật nuôi của người nhiễm Covid-19 chưa thực sự rõ ràng. Nếu không xác định được số vật nuôi này dương tính với SARS-CoV-2 hay mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào khác thì việc tiêu hủy là không có căn cứ. Theo Thông tư Số: 07/2016/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2019) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN thì việc xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh phải thuộc “Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới.”
Theo đó, Tổ chức, cá nhân thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm phải tuân thủ theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01 – 83: 2011/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp tiêu hủy bắt buộc hoặc giết mổ bắt buộc phải phụ thuộc vào từng loại bệnh động vật được quy định chi tiết tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Qua các nội dung của Thông tư trên, Luật sư nhận thấy hiện tại Pháp luật đã có quy định về việc tiêu hủy vật nuôi, nếu như vật nuôi đó được khẳng định là mang nguồn lây dịch bệnh theo các loại dịch bệnh kèm theo phụ lục của các thông tư đã được Bộ nông nghiệp, Bộ y tế ban hành, dựa trên quy định của Luật thú y, Luật chăn nuôi…..
Có nghĩa rằng, việc tiêu hủy vật nuôi trong những trường hợp nhất định, nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh là được pháp luật cho phép. Tuy nhiên phải dựa trên cơ sở và quy định của pháp luật, mà không thể tùy tiện, tràn lan. Đồng thời, tại thời điểm hiện tại đối với dịch bệnh Covid-19 thì chưa được quy định vào nhóm các danh mục bệnh bắt buộc yêu cầu phải tiêu hủy vật nuôi khi chủ sở hữu mắc Covid-19
Ảnh: Internet
- Theo luật sư, việc người dân vận chuyển động vật nuôi từ vùng có dịch về Cà Mau, liệu có vi phạm pháp luật không? Nếu có, xin luật sư trình bày chi tiết quy định, mức xử phạt?
TRẢ LỜI:
Hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm về hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù.
Theo đó, Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người bao gồm cả hành vi “Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiếm có khả năng lây truyền cho người.”
Do đó, Luật sư nhận định, nếu trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nêu trên thì việc người dân vận chuyển động vật nuôi từ vùng có dịch về Cà Mau là hành vi vi phạm pháp luật.
- Từ đó, luật sư đánh giá liệu chính quyền địa phương có cơ sở để tiêu hủy số động vật trên không? Trong những trường hợp nào được phép tiêu hủy tài sản, vật nuôi của người dân về từ vùng dịch?
TRẢ LỜI:
Như luật sư đã phân tích ở trên, tại Điều 10, Thông tư số 07/2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2019) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc áp dụng biện pháp tiêu hủy bắt buộc phụ thuộc vào từng loại bệnh động vật và hiện chưa có quy định động vật mắc bệnh COVID-19 sẽ bị tiêu hủy. Do đó, nếu chính quyền địa phương (Cà Mau) có đủ cơ sở để tiêu hủy theo nội dung của Thông tư này thì hoàn toàn có thể tiêu hủy.
Theo luật sư, việc xác định 15 con chó này có mắc bệnh hay không thì trách nhiệm chứng minh thuộc về người ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi hành chính theo các tiêu chuẩn mà được Bộ nông nghiệp, Bộ y tế ban hành ban hành dựa trên quy định của Luật thú y, Luật chăn nuôi…..
- Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo có nhiều cách khác để xử lý động vật từ vùng dịch về, không cần thiết tiêu hủy vì đây là hành động nhẫn tâm. Trong trường hợp này, 15 chú chó có được xem là tài sản của người dân không? Nếu có, việc tiêu hủy chúng có bị xem là có dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại tài sản hay không? Chính quyền địa phương sẽ phải bồi thương hay chịu mức xử lý như thế nào?
TRẢ LỜI:
Như luật sư đã phân tích, nếu Chủ vật nuôi biết vật nuôi của mình bị nhiễm dịch bệnh mà vẫn cố tình để lây lan, thì tùy từng mức độ, có thể bị phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho Người, hoặc các tội phạm về môi trường khác……. Và ngược lại, nếu việc tiêu hủy mà không có căn cứ pháp lý, là có dấu hiệu của hành vi hủy hoại trái phép tài sản.
Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 xác định như sau: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Vật chính là đối tượng của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả động vật, thực vật và mọi vật khác vói ý nghĩa vật lí ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí).
Theo đó, Vật nuôi là 1 dạng tài sản nên chủ vật nuôi có quyền của chủ sở sữu tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân Sự. Việc Tiêu Hủy Vật Nuôi Nếu Không Có Căn Cứ Pháp Lý Sẽ Phải Bồi Thường Thiệt Hại….
- Vì chưa có lời giải thích của chính quyền và chủ sở hữu, nên có 2 trường hợp xảy ra: Hoặc người chủ đồng thuận tiêu hủy vật nuôi, hoặc người chủ không hề biết việc này. Nhiều nguồn tin báo chí khác nhau đang nghiêng về việc người chủ không hề hay biết. Thưa luật sư, trong 2 trường hợp này, trách nhiệm và lỗi vi phạm của chính quyền địa phương được đánh giá như thế nào?
TRẢ LỜI:
Ø TH1: người chủ vật nuôi đồng thuận tiêu hủy thì trong trường hợp này không làm phát sinh trách nhiệm và lỗi đối với chính quyền địa phương.
Ø TH2: nếu chính quyền địa phương chưa đủ căn cứ, chưa đủ cơ sở kết luận cũng như chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đối với “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” thì trong trường hợp này việc ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính sai, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu đàn chó này.
Nếu đây không phải hành vi công vụ thì người thực hiện hành vi bắt, tiêu hủy đàn chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự hiện hành. Vì giá trị tài sản là 15 con chó nhiều khả năng đã trên 2 triệu đồng và hành vi này đã xâm phạm quyền sở hữu của người khác.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Điện thoại: 0936.026.559
Website: https://dongdoilaw.vn
Email: tranxuantien1964@gmail.com
Người viết – Nguyễn Thị Bích Ngọc.