Trong những loài tài nguyên thiên nhiên trên trái đất, động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Do đó, việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho động vật hoang dã tồn tại và phát triển là trách nhiệm chung của tất cả mọi người.
Tình trạng hiện nay
Hiện nay, một số nhóm đối tượng vì mục đích thương mại đã tàn nhẫn săn, bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật. Điều này gây ra ảnh hưởng vô cùng lớn đối với hệ sinh thái, với việc quản lý bảo tồn các động vật rừng.
Tại Hà Nội, xuất hiện một khu chợ tự phát chuyên bán chim hoang dã trên đường gom Đại lộ Thăng Long,đoạn qua thị trấn Quốc Oai, Việc bán các loại chim hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại được bày bán một cách công khai. “Muốn ăn chim gì cũng có” là lời khẳng định chắc nịnh của một tiểu thương ở khu chợ này. Điều này thể hiện việc săn bắt, mua bán chim đang diễn ra một cách hết sức phô trương, thể hiện được sự coi thường pháp luật của những người dân này.
Quy định pháp luật
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ- CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP người có hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt trái phép tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị phạt từ tối thiểu 5 triệu đồng đến tối đa 400 triệu đồng.
Cụ thể:
- Người vi phạm có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến 25 triệu đồng nếu trường hợp đó là động vật thông thường giá trị dưới 20 triệu đồng hoặc động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng, nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB trị giá dưới 10 triệu đồng.
- Người vi phạm có thể bị phạt từ 25 triệu đồng đến 80 triệu đồng nếu trường hợp đó là động vật thường giá trị từ 20 triệu đồng đến 70 triệu đồng hoặc động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB có giá trị từ 10 triệu đồng đến 35 triệu đồng
- Người vi phạm có thể bị phạt từ 80 triệu đồng đến 270 triệu đồng nếu trường hợp đó là động vật thường giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB có giá trị từ 65 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tang vật là động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB
Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện một số hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, dụng cụ, công cụ vi phạm hành chính hoặc phương tiện vi phạm hành chính và buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, ….
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối tượng săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Biện pháp ngăn chặn
Mặc dù quy định pháp luật nước ta đã quy định cụ thể để điều chỉnh những hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã nhưng thực trạng về những hoạt động này vẫn diễn biến rất phức tạp.
Do đó, mỗi cá nhân, tổ chức trước hết là cần nhận thức được tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ phải nói không với việc mua bán động vật hoang dã, nói không với những nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã, Xã hội cần phải thể hiện thái độ rõ ràng với việc bảo vệ động vật hoang dã thì những người vì mục đích thương mại mà thực hiện các hành vi trái pháp luật mới được chấm dứt.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần quan tâm, quản lý sát sao những hoạt động đang xảy ra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhằm bảo vệ động vật hoang dã như tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, cần điều chỉnh các quy định của pháp luật,…
Trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức hoạt động bảo vệ động vật hoang dã như Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia), Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Four Paws, Hiệp hội các vườn thú Frankfurt (FZS), Freeland, Thả tự do cho các loài gấu (Free the Bears),….Ở Argentina, cặp vợ chồng Gabriela Bezeric và Armando Scoppa đã sử dụng tiền của họ để mở một lãnh nguyên cho những động vật hoang dã sinh sống. Vợ chồng anh cả đời sống để bảo vệ và phát triển vùng lãnh địa cho các động vật hoang dã.
Đã có rất nhiều người và tổ chức trên thế giới hy sinh cuộc đời của họ để bảo vệ lợi ích chung của toàn nhân loại. Vì vậy mọi người cần chung tay bảo vệ động vật hoang dã cũng như bảo vệ môi trường sống của chúng ta được an toàn, phát triển.
Người viết: Hoàng Thương – VPLS Đồng Đội
Người hướng dẫn: Luật sư Trần Xuân Tiền
_____
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi