Khi môi trường số ngày càng phát triển mang lại những lợi ích to lớn, tuy nhiên, kéo theo đó là những lỗ hổng, bất cập, tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, cụm từ “tấn công mạng” cũng dần xuất hiện, hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội này đã dẫn đến hậu quả khó lường đối với người bị xâm phạm và cả xã hội.
1.Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa thế nào là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”, tuy nhiên, có thể hiểu xúc phạm danh dự, nhân phẩm là những hành vi dùng lời nói khó nghe, hành động mang tính sỉ nhục, thô bỉ, nhục mạ nhằm để hạ thấp, chà đạp giá trị của người khác, làm giảm uy tín, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của đối phương.
Hiện nay, không khó để gặp những bài đăng, video,… đăng tải trên các trạng mạng xã hội với nội dung nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Tuy nhiên, nhiều người vẫn điềm nhiên cho rằng đây chỉ là “đăng cho vui” mà không biết rằng hành vi đăng tải hình ảnh, nội dung đó để lại hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và tổn hại đến tinh thần của người khác.
Danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn liền với quyền nhân thân của con người, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Theo quy định tại Điều 34 Bộ Luật dân sự 2015, “Danh dự, nhân phẩm của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.” Vậy nên danh dự, nhân phẩm của cá nhân là không thể xâm phạm, nếu có hành vi xâm phạm thì tùy theo tính chất mức độ của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.Người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như thế nào?
Về phạt vi phạm hành chính người xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác:
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt vi phạm hành chính với các mức phạt như sau:
– Đối với người thi hành công vụ: Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
– Đối với thành viên trong gia đình: Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân”
– Đối với các trường hợp khác: Căn cứ tại điểm a,b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm trật tự công cộng, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sau:
Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh sau đây
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về Tội làm nhục người khác, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 về Tội vu khống, người có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Mức phạt thấp nhất với tội danh này là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối tượng phạm tội còn có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội xúc phạm người khác trong một số trường hợp đặc biệt sau đây:
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia phiên tòa:
Căn cứ theo Điều 391 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Mức phạt tối đa là phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với tội danh này.
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm đồng đội trong quá trình công tác: Căn cứ tại Điều 397 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định, người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự đồng đội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3.Người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, người vi phạm lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ, thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, người có hành vi xâm phạm danh sự, nhân phẩm người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 584 và khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp, hành vi vi phạm đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu hình sự. Căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, người có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp, người phạm tội có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật này thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Vì vậy, mỗi người phải có trách nhiệm trong việc đăng, tải các nội dung, hình ảnh, video trên mạng xã hội. Không gian mạng không phải là một không gian ảo mà còn là một xã hội thu nhỏ, ở đó có sự quản lý của Nhà nước và pháp luật. Việc tự do đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục người khác… lên mạng xã hội, nhiều người đã ảo tưởng rằng, mình đang có trong tay thứ “quyền lực” cao siêu nào đó có thể phán xét người khác… Nhưng họ không hề biết hành vi đó là vi phạm pháp luật và có thể đối diện với án tù. Vậy nên, mỗi cá nhân, tổ chức cần chú ý, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng tải những nội dung trên mạng xã hội. Những thông tin đó không chỉ ảnh hướng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Người viết: Lê Thị Lan Anh – Thực tập sinh tại VPLS Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội