Chữ Tâm rất quen thuộc gần gũi đối với mỗi chúng ta. Chữ Tâm thường được viết bằng các bức họa thư pháp treo những nơi trang trọng trong nhà, văn phòng, nơi thờ tự, cơ quan,.. với ý nghĩa sâu sắc trong việc hình thành nhân cách và góp thêm vào vườn hoa đạo lý làm người. Chữ Tâm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống, xã hội và đặc biệt đối với những người hành nghề Luật sư. Có nhiều cách lý giải khác nhau về chữ Tâm, theo ý nghĩa xã hội thì Tâm là lương tâm, ý chí, lòng kiên quyết của con người. Đối với nghề y, nghề giáo thì có lẽ chữ Đức được coi trọng hơn cả, đối với một doanh nhân thì chữ Tín được đặt lên hàng đầu. Còn đối với nghề luật sư thì chắc hẳn chữ Tâm là điều đáng trọng thị.
Trong xã hội, chế độ nào thì chữ Tâm cũng đề cao, bởi lẽ chữ Tâm là ẩn hiện của đạo đức “Tâm Đức”, là gốc của sự hài hoà, bền vững và phát triển. Để hiểu rõ hơn về chữ Tâm ở nhiều khía cạnh khác nhau, VPLS Đồng Đội biên tập bài viết này với mục đích giúp cho chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những giá trị của chữ Tâm trong cuộc sống và trong hành nghề Luật sư.
- CHỮ “TÂM” TRONG CUỘC SỐNG
*Tổng quan về chữ TÂM trong cuộc sống
Trong cuộc sống, tôn giáo, văn học nghệ thuật hoặc bất kỳ lĩnh vực nào, Chữ Tâm cũng luôn ẩn hiện và được hiểu theo mỗi nghĩa khác nhau, nhìn chung chữ Tâm có những ý nghĩa chung được biểu hiện dưới đây:
Khi nói đến chữ Tâm là nhắc tới trái tim, tấm lòng và lương tâm của con người. Tất cả hành động của con người đều có xuất phát từ tâm mà ra. Nếu tâm thiện, thì tù suy nghĩ đến hành động cũng theo hướng thiện lương, tích cực, đúng đạo lý. Tâm không thiện, thì dễ sinh ra hành động, suy nghĩ chứa nhiều điều xấu xa, tội lỗi.
Chữ Tâm là hướng tới con người đến những việc thiện, nhằm tu thân, dưỡng tính, sống có ý nghĩa và luôn làm những điều tốt lành. Tâm mà lệch lạc, tràn ngập điều xấu thì sẽ khiến cho suy nghĩ, hành động tiêu cực, điên đảo không lối thoát. Tâm gian thì cuộc sống luôn bất an, thấp thỏm. Tâm đố kỵ, ghen ghét thì cuộc sống tràn ngập hận thù. Tâm tham lam thì cuộc sống lúc nào cũng vây quay sự lọc lừa, dối trá, ích kỷ, hẹp hòi.
Vì thế, để cuộc sống tươi đẹp, an yên thì tâm của mỗi người cần phải được yêu thương, nâng niu để tạo phước thiện lành, giúp đỡ người khác. Tâm sáng thì có thể nhìn thấu được nỗi khổ của nhân gian hòng cầu mong và đem may mắn, những điều tốt đẹp nhất tới cho những hoàn cảnh khó khăn. Tâm tích cực thì nói lên yêu thương, động viên, an ủi, và lắng nghe những góp ý của người khác, và có trách nhiệm với người thân và xã hội.
*Chữ “TÂM” trong tiếng Hán, thư pháp
Chữ “Tâm” là một nét đẹp trong thư pháp có ý nghĩa văn hóa quen thuộc, gần gũi của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Chữ “Tâm” trong tiếng Hán được biểu hiện hình ảnh của trái tim, bộ phẩy ở trên tượng trưng cho hình ảnh của cuống tim, bộ hình ở dưới là tượng trưng cho túi chứa máu. Vì thế, để hình tượng về chữ “Tâm”, dân gian có câu:
“Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời”
“TÂM”
(Nửa vầng trăng khuyết + ba sao giữa trời là các nét của chữ Tâm)
Hay
“Ba chấm như sao sáng
Nét ngang tựa trăng tà
Xóa đi điều vẩn đục
Phật ở chính tâm ta.”
Trong thư pháp, chữ Tâm được thể hiện qua những đường nét mạnh mẽ, uyển chuyển, sáng tạo và được thể hiện rất tỷ mỷ trên nhiều chất liệu, loại giấy khác nhau tạo thành những bức tranh đầy ý nghĩa. Trưng bày bức tranh có chữ Tâm tại các vị trí quan trọng trong nhà sẽ có tác dụng khuyên răn con cháu sống phải giữ cái Tâm trong, sống có ích, có ý nghĩa.
Chữ Tâm trong thư pháp có thể viết bằng chữ Hán hoặc chữ Việt, có sự cách điệu và tạo hình tùy vào ý của người viết mà hàm chứa những nội dung gửi gắm khác nhau. Chữ Tâm còn thể hiện cuộc sống thanh bình và có thể kèm thêm những họa tiết, câu nói, bài thơ ý nghĩa, nâng lên những giá trị cho chữ Tâm. Trải qua sự biến thiên của thời gian, cùng với sự sáng tạo của con người, chữ Tâm đã được viết ở nhiều dạng khác nhau, nhiều loại chữ, nhiều loại giấy với đa dạng đường nét trong thư pháp, dù vậy chữ Tâm vẫn luôn biểu hiện cho cái đẹp, sự thanh khiết, cao cả trong tâm hồn, hướng con người tới những giá trị tốt đẹp “Chân – Thiện – Mỹ” của cuộc sống.
*Quan niệm về chữ “TÂM” trong tôn giáo
Trong Phật giáo, câu châm ngôn nổi tiếng nói về Chữ Tâm: “Nếu mỗi người làm chủ được tâm mình thì người đó sẽ làm chủ được thế giới, mà thế giới lại bị dẫn dắt bởi tâm thức mỗi người”, và mở đầu trong kinh Phật luôn có câu“Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ và tâm tạo ra tất cả”. Chữ Tâm sử dụng trong Phật giáo nhằm hướng suy nghĩa của con người đến cái thiện, sự tu thân dưỡng tính, sống một cách tích cực, và làm nhiều điều thiện lành.
Trong nhà Phật chữ Tâm được phân biệt qua các loại sau:
#1. Nhục đoàn tâm: Chỉ trái tim thuộc về hệ thống tuần hoàn trong cơ thể con người, tim bằng thịt không nghe lời dèm pha, ác ý bên ngoài.
#2. Tinh yếu tâm: Chỉ vị trí kín mật ám hay những cái tinh hoa cốt lõi của mọi việc. Trong giáo lý đạo Phật luôn lấy Tâm làm gốc, lấy thân và khẩu làm ngọn. Từ đó, mỗi người cần phải tu tâm dưỡng tính để cải thiện bản thân.
#3. Kiên thực tâm: Cái tuyệt đối, tâm không hư vọng (chân tâm) ngụ ý chỉ những cái tuyệt đối, những cái mầm mống giác ngộ vốn đã sẵn có trong mỗi con người.
#4. Liễu biệt tâm: Gồm các loại nhận thức của con người: tri thức giác quan và ý thức cá nhân. Từ phát sinh của các giác quan, hệ thần kinh và não bộ mà sản sinh ra các loại nhận thức khác nhau.
#5. Tư lượng tâm: Đây là Matna thức – Chức năng chính của nó lập trường chủ quan, ngăn sự sa ngã do các yếu tố bên ngoài tác động. Đây là bản ngã và cái tôi của con người với bản chất cốt lõi là sự suy tính, là tâm trạng mà ta không thể điều khiển để xảy ra các mâu thuẫn trong việc quyết định tâm thức và rất dễ dính vào sa ngã của cuộc đời.
#6. Tâm khởi tâm: Nghĩa là tạng thức (vô thức hay tiềm thức) được xem là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức và hoạt động tâm lý. Tạng thức chứa đựng nhiều kinh nghiệm trong đời sống con người, nguồn gốc của các hiện tượng về tinh thần và là nơi lưu trữ những hạt giống tâm hồn – nơi sinh ra muôn hình vạn trạng.
Theo kinh Diệu Pháp, Tâm không phải là một cá thể, mà là một dòng tâm thức chứa đựng nhiều loại tâm khởi lên rồi diệt đi. Khi con người còn sống thì dòng tâm thức ấy cứ lặng lẽ trôi dần trong ngũ uẩn, nếu không có một tâm nào khác trỗi dậy. Khi con người chết đi, thì dòng tâm thức cuối cùng ở kiếp này sẽ mở đầu cho dòng tâm thức ở kiếp sau.
Đạo Phật là đạo tâm. Người tu tâm bình thản, không sân hận, không phiền não, không lo toan…thì sẽ có cuộc sống bình thản, an nhiên, hạnh phúc. Tu thiền là pháp tu để giữ cho tâm an ổn, thanh tịnh. Phật dạy bốn tâm rộng lớn: gọi là tứ vô lượng tâm; từ bi hỷ xả, không còn tham sân si, nên không u phiền, không tranh chấp, đố kỵ, hơn thua từ đó không gây nghiệp tội, thoát vòng sinh tử, đạt tới Niết Bàn. Chữ Tâm có giá trị và ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo, người có tâm thiện lành làm việc tốt đẹp cho mọi người, người mang tâm ác làm những điều xấu như xa giết người, cướp của, bạo lực…Sám hối trong Phật giáo là việc làm xuất phát từ tâm, để chuyển nghiệp từ xấu ác thành lành thiện. Nghiệp là nhân tố chi phối dòng đời, nghiệp thiện sẽ hưởng quả thiện, nghiệp ác sẽ lãnh quả ác. Nếu con người biết tỉnh ngộ mà sám hối để chuyển nghiệp xấu thành tốt, tâm thanh tịnh, tiêu trừ nghiệp chướng.
Trong công giáo, Chữ Tâm được diễn tả bằng nhiều danh từ khác nhau như: trái tim, tâm hồn, tấm lòng, linh hồn hay lương tâm.
#1. Tâm là trái tim: Ở đây trái tim là trung tâm hiện hữu duy trì sự sống của con người, là nơi thầm kín của mỗi cá nhân, người ngoài không thể thấu được, chỉ có chúa mới có thể thăm dò và thấu được. Trái tim là nơi mà con người có thể chân thật nhất, là nơi quyết định sự sống hay cái chết.
#2. Tâm là tấm lòng con người: Khi nói tâm là tấm lòng nghĩa là nơi Thiên Chúa đã ghi sâu các giới luật, nơi quyết định có chọn chúa hay không? Là nơi có sự giận dữ, ganh đua, là hậu quả của nguyên tội. Là nơi phát sinh những ý định xấu xa, là nguồn gốc của mọi tội lỗi.
#3. Tâm là tâm hồn: Tâm hồn là trung tâm của nhân cách luân lý, là nguồn gốc xuất phát của các đam mê căn bản. Là nơi cần tu luyện để chiến đấu chống lại các ham muốn về nhục dục.
#4. Tâm là linh hồn: Nghĩa là tâm là nguyên lý thuần linh, nhờ đó mà con người đang đại diện cho hình ảnh của chúa. Linh hồn là cái thâm sâu và giá trị nhất của con người. Là mầm mống sinh sôi vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã trực tiếp sáng tạo ra.
#5. Tâm là lương tâm: Lương tâm là sự hiện diện của một người theo hướng nào đó khi đối diện với Chúa, lương tâm là tiếng gọi con người phải biến yêu mến và làm việc lành, tránh việc dữ. Là nơi đưa ra các phán đoán , các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành hay tố giác.
Chữ Tâm trong Công giáo luôn là đức tin để mọi người làm theo: Không có cái Tâm thì dù là thập giá hay đau khổ cũng chỉ là gánh nặng cuộc đời. Sự hy sinh và luật lệ trong đời sẽ hạn chế tự do của người trẻ. Người có tâm tu và tự nguyện tu tập sẽ trở thành những đòn bẩy giúp cho con người hướng thiện và nâng tâm hồn gần hơn với Chúa. Khi kết nhập cái tâm của bản thân với thiên tâm/ thánh tâm của Chúa thì tâm chúng ta sẽ được khai mở đến vô cực, được thanh tẩy và được thanh tâm. Sau khi đã được thanh tẩy, Tâm sẽ trở lên trong sáng và quyền năng của Chúa sẽ chiếu sáng cuộc đời người môn đệ. Khi hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa, con người sẽ đạt tới tâm không nhờ đó mà Chúa mới có thể hiện diện mọi nơi.
Trong Nho giáo, chữ Tâm răn dạy chúng ta hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, nghĩa là “thật – đúng – lẽ phải” với hai nghĩa chính là tốt và xấu: Người tốt: Thường xuyên làm những việc tốt, có ý nghĩa và nói những lời hay ý đẹp, có tình yêu thương; Người xấu: Ích kỷ, có dã tâm, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân không quan tâm đến người khác.
Khổng Tử được xem là vị thánh của Trung Hoa, là người sáng lập ra Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc của cõi Á Đông. Triết lí của Khổng Tử không chỉ được Trung Hoa noi theo, mà thậm chí cả Phương Đông và còn ảnh hưởng sâu rộng đến những triết gia phương Tây. Sinh thời, Khổng Tử đã để lại nhiều bài học, câu nói có giá trị về chữ Tâm nhằm dăn dạy thế hệ sau: “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”; “Bình tâm nghe lời trách”; “Thành tâm thì đắc đạo”,…
Thật vậy, ở bất cứ đâu, chế độ xã hội nào, tôn giáo nào thì chữ tâm vẫn luôn được đề cao và được xem là cái gốc của mọi vấn đề.
*Kinh doanh xuất phát từ chữ “TÂM”
Trong kinh doanh, khi tâm trong sáng đã là một phương diện đạo đức tốt trong kinh doanh. Khi có tâm, các doanh nghiệp sẽ biết tôn trọng pháp luật, làm ăn hợp pháp, không dùng các thủ đoạn hèn hạ, phi pháp để lừa dối khách hàng, không sử dụng những “mưu hèn kế bẩn” để thúc đẩy cạnh tranh.
Kinh doanh nhằm thu về lợi nhuận, kiếm tiền, làm giàu là chính đáng. Nhưng phải tuân thủ pháp luật, phải làm bằng cái tâm, cái đức, bằng các biện pháp hòa nhã, chính trực là điều mà mọi người đề cao, khích lệ. Dù biết rằng lợi nhuận là mục đích cuối của kinh doanh đúng cách, nhưng lợi nhuận không phải là tất cả, nếu cứ chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả sẽ chỉ tạo ra những điều đáng tiếc, điều rủi ro, thậm chí tán gia, bại sản. Vì thế, người xưa thường nói: “Kinh doanh, buôn bán phải có đức thì mới bền lâu”.
Chữ Tâm trong kinh doanh chân chính là không được lừa lọc, không thổi phồng các giá trị ảo để quảng cáo, phải chân thật như những gì đã cam kết, không nên sử dụng các chiêu trò để lấy lòng khách hàng. Nếu “câu cá nơi có cá” mà bất chấp hết những luật lệ, phương pháp câu, quy định câu sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng khó lường. Tâm chân thật là cách tốt nhất để một doanh nghiệp có thể giữ được hình ảnh, uy tín, và phát triển.
Thắng thua trong kinh doanh chính là quy luật, vì thế mà các chủ kinh doanh nên tự trang bị cho mình thái độ sẵn sàng đón nhận và vượt qua. Trước hết, doanh nghiệp phải luôn giữ tâm tử tế, thiện lành, không vì đố kỵ mà làm những điều phi pháp, phi đạo đức làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình.
Khi bàn về chữ Tâm trong đạo đức khi kinh doanh, mọi người cần biết được:
# Chủ doanh nghiệp phải làm việc có tâm, tôn trọng pháp luật, không lách luật hoặc dùng nhiều thủ đoạn hèn hạ để mang về nhiều lợi nhuận cho mình.
# Thực sự có tâm với nghề, lĩnh vực và sản phẩm mình lựa chọn, đặc biệt không lợi dụng khách hàng và bảo vệ người tiêu dùng.
# Kinh doanh có tâm mang lại giá trị cho kinh tế và xã hội thì mới bền lâu và phát triển mạnh hơn.
# Phải đặt đạo đức làm yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp khẳng định thương hiệu và đứng vững trên thị trường.
*Chữ “TÂM” và nguồn cảm hứng văn học, thơ ca
Chữ tâm có mặt trong văn học Việt Nam như ca dao, tục ngữ, truyện Nôm như Kim Vân Kiều, Quan Âm Thị Kính, Nhị Độ Mai…Trong giao tiếp, người ta chúc nhau “thân tâm an lạc” tâm không bị lạc, không bị chi phối thì thân có thể an. Theo tiếng Việt, tâm có nghĩa là lòng người. Chữ tâm ghép với nhiều từ khác nhau như: tâm an, tâm lý, tâm thần, tâm trạng, tâm thức, tâm tình, thiện tâm, vọng tâm, nội tâm, thành tâm, ác tâm, tà tâm….
Trong triết lý của đại thi hào Nguyễn Du có câu “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, ông đã khẳng đề cao tấm lòng, lương tâm của con người, luôn lấy chữ Tâm làm cốt lõi của tình yêu thương, cách đối nhân xử thế. Nhưng ông cũng cho rằng “Chữ Tài liền với chữ tai một vần” với một thông điệp để lại cho hậu thế: Đó là khi tạo hóa đã ban phước cho mình tài năng thiên bẩm, thì người ấy phải mang hết trí tuệ, tâm sức để phụng sự, cống hiến cho xã hội thì cái tài ấy mới có thể có cơ hội phát huy giá trị cao cả của mình.
Chữ Tâm ở đây bao gồm mọi đức tính như lịch sự, hoà đồng, cởi mở, thân thiện, nhẫn nhịn, tóm lại những điều mà ngày nay, các nhà tâm lý học gọi khi thì kỷ năng mềm, khi thì chỉ số cảm xúc. Khi làm việc, cần cái Tâm như phải tập trung vào công việc, không vọng tưởng, không vọng thức, không vọng niệm, không vọng ngôn với các bạn đồng nghiệp, nghĩa là các thành tố của các giá trị căn bản trong cuộc sống con người giữa nhân quần xã hội.
Cụ Tiên Điền muốn nhắc nhủ con cháu cần phải chú trọng trau dồi cái phần đạo đức, cái tấm lòng ngay thẳng để mà sống cho có nhân, có nghĩa – đó là điều quan trọng cần thiết hơn nhiều so với chuyện bồi dưỡng tài năng trí tuệ:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”
Thực tế, cái Tài luôn tạo ra sự ganh đua, ghen ghét, đố kỵ. Chỉ khi cái Tài đứng trên cái Tâm vững chãi như thế chân kiềng thì nó mới có khả năng ngự trị được chữ Tai. Ngược lại, Tài mà thiếu Tâm, Tài mà không đức độ cũng trở nên vô dụng đối với xã hội, dễ có nguy cơ thui chột và sa vào tai họa. Tài thì có thời, có cơ nhưng lại hay chết yểu, còn Tâm thì luôn bất tử với thời gian. Chữ Tâm không do cầu xin, cúng bái, van lạy, thờ cúng mà có, mà bản chất của chữ Tâm đã luôn tồn tại trong mỗi con người, giống như bản lai vô nhất vật. Tuy nhiên, nếu được dạy dỗ, tu dưỡng từ ban đầu thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc, gìn giữ không bị lu mờ.
Nói khác đi, tâm thức bao gồm nhãn thức, nhĩ thức, thân thức… tác động đến suy nghĩ, do đó Nguyễn Du còn viết thêm: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Cuộc sống hiện đại, con người càng vô tâm, vô cảm. Vì vậy, con người phải biết nuôi dưỡng tâm mình để có tinh thần và sức khỏe tốt hơn, tạo lối sống tươi đẹp.
2. HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ BẰNG CHỮ “TÂM”
Bất cứ một nghề nào trong xã hội đều cần thiết phải có chữ “Tài” và chữ “Tâm”, và hơn nữa để thành đạt và có uy tín trong xã hội thì cần phải là người có cái tâm lớn “chữ Tâm kia phải bằng ba chữ Tài”. Thước đo của Luật sư đối với khách hàng những tiêu chuẩn cần và đủ hội tụ của nghề Luật sư theo Luật Luật sư, theo quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp, mà còn phải có tài và đức. Luật sư cũng như bác sỹ, nhà giáo, từ trước đến nay đều được xã coi coi trọng và kính nể. Đó cũng chính là niềm tự hào hay vinh quang của nghề luật.
Chữ Tâm trong nghề là một điều không thể định lượng, đối với nghề Luật sư cũng vậy, chữ Tâm được thể hiện bằng sự yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, trong sáng của nghề Luật sư. Mặc dù vậy, chữ Tâm khó có thể đưa ra được chuẩn mực nhằm đo lường và đánh giá độ đúng – sai, sáng – tối. Nghề luật sư là một nghề độc lập, tự do và chuyên nghiệp, và bị điều chỉnh bởi nhiều yếu tố khác nhau: từ các quy định của pháp luật, chuẩn mực xã hội, hình ảnh, uy tín và vị thế, trong đó yếu tố cá nhân, sự bản lĩnh có ý nghĩa quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn đối với công việc. Đặt chữ “Tâm” vào trách nhiệm và công việc, Luật sư sẽ hạ được “cái tôi” bản ngã của mình, nhằm nâng cao nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ một cách tối đa. Người luật sư có Tâm sẽ luôn biết đấu trí để tìm ra những phương án giải quyết tối ưu vì lợi ích hợp pháp của khách hàng. Luật sư coi trọng và lấy chữ Tâm làm gốc thì sẽ thúc đẩy quá trình hành nghề phát triển, tạo được uy tín, giúp thương hiệu của tổ chức hành nghề lan tỏa đến người dân, khách hàng, đồng thời để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khách hàng, xử sự đúng mực với đồng nghiệp. Chữ Tâm giúp người luật sư hết mình, gắng sức để vớt lấy “phần người” ra khỏi “phần con” trong “con người” của tội phạm, để không lạnh lùng quay đi trước những điều bất thường, phi lý nhưng cũng là để phân định rõ ranh giới giữa cái chung và cái riêng, cái đúng và cái sai. Cho dù gặp trở ngại tới mấy trong nghề nghiệp, luật sư vẫn có thể vượt qua nhờ có Tâm không ngại khó.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề Luật sư dần dần khẳng định được vị trí và vai trò của mình tại Việt Nam, và trên thị trường cộng đồng quốc tế. Bên cạnh chữ Tâm, Luật sư cần phải có trình độ, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đặc thù công việc, và có cơ hội vươn tầm hội nhập kinh tế quốc tế. Những đòi hỏi đó được thể hiện trong tí tuệ, bản lĩnh, khí phách, sự thanh khiết trong quá trình hành nghề, và được hội tụ trong chữ Tài. Dù không quá coi nhẹ chữ Tài, nhưng có lẽ chữ Tâm vẫn là quan trọng và tiền đề “chữ Tâm kia bằng ba chữ Tài” như câu răn dạy của cụ Tiêu Điền. Tài của luật sư có thể thay đổi theo thời gian, thời kỳ, hoàn cảnh kinh tế và có thể xác định qua tiêu chí, những định hướng cụ thể; Tâm là thước đo phẩm chất, thái độ, sự trong sáng, tấm lòng thiện lương,…của luật sư. Tâm và Tài luôn là hai yếu tố song hành và bổ trợ cho nhau. Một luật sư đủ Tài sẽ có đủ tự tin và bản lĩnh để giữ vững chữ Tâm trong sáng. Một luật sư có Tâm thì sẽ tìm những phương pháp tích cực, trong sáng để nâng cao năng lực, trình độ của mình. Vì vậy, nhờ có Tâm, luật sư sẽ có được cả chữ Tín, chữ Đức và chữ Nhẫn, chữ Đạo đúng như quan điểm của Ths. Lê Quốc Hiền – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa từng nhận định “Hành nghề Luật sư là chở đạo”.
Bên cạnh những thuận lợi mà khi có Tâm luật sư có được, là những khó khăn thử thách khi hệ thông pháp luật Việt Nam còn chưa tương thích với pháp luật quốc tế, và còn nhiều điều dang dở. Về mặt chủ quan đối với luật sư là phải đương đầu với sự cạnh tranh quyết liệt và quy luật đào thải gay gắt trong môi trường hành nghề mà ở đó ưu thế thuộc về những người có kinh nghiệm và thông hiểu toàn diện chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi bó buộc trong một lĩnh vực cụ thể. Vì thế, luật sư phải luôn luôn chủ động, thường xuyên nâng cao trình độ, bản lĩnh “học, họ nữa, học mãi” để đối đầu với những khó khăn thử thách và cạnh tranh quyết liệt trong môi trường hành nghề của mình. Suy cho cùng, luật sư cũng là một nghề với sự đa dạng trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý và hơn nữa đòi hỏi nhiều yếu tố khắt khe, chính xác, khách quan từ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp, và quá trình đào tạo một cá nhân trở thành Luật sư cũng dài hơn so với các nghề khác trên thị trường.
Nghề luật sư phải kiên định và giàu nghị lực. Nghề luật sư cho ta biết thêm ngoài chữ Tâm, đó là chữ Nhẫn. Nghề luật sư không như nghề của nhân viên văn phòng thuần túy, chỉ làm hết giờ hành chính rồi về, mà đòi hỏi phải có cái Tâm mới xử lý hết công việc của khách hàng, làm ngoài giờ, thậm chí là không có ngày nghỉ. Khách hàng đến với luật sư không thuần túy là đại gia, những gia đình khá giả mà còn là những khách hàng có cuộc sống ép le, số phận lam lũ, vất vả. Quà của họ trả cho Luật sư bằng gạo quê, quả ổi, nải chuối, con cá, lá rau,….và những gì họ sản xuất, lao động mà có được. Những trăn trở, bứt rứt và lo lắng thấp thỏm, mệt mỏi vì kiệt sức bởi chạy theo những vụ án kéo dài hàng chục năm trời, những vụ bị xử thua một cách oan ức, mặc dù Luật sư đã dốc hết sức mình. Vì vậy, nghề luật sư thật gian nan, khắc nghiệt, nghề luật không dành cho người thiếu dũng khí, kẻ cơ hội, thiếu kiên nhẫn và thiếu một tấm lòng bao dung. Thật tự hào, vinh dự khi được nhân danh “Luật sư”, được xã hội kính trọng, “gánh” trên vai những trọng trách với khách hàng, xã hội và chính bản thân trong tổ chức hành nghề. Bởi vậy, khi hát về người Luật sư, chất chứ những nỗi niềm đan xen khó tả:
“…Nghề Luật sư tôi đó, nghề tôi hát trong tim.
Vì chân lý kiếm tìm dâng niềm vui cho người…
Nghề Luật sư gian khó, nghề day dứt trong tim,
Vì công lý, công bằng mang niềm tin cho đời!…”
(Trích bài hát Bài ca Người Luật sư, St: TS. Nguyễn Minh Hằng, nhạc: LS Nguyễn Việt Dũng)
Với hơn 13 năm hành nghề và quản trị tổ chức hành nghề Luật sư, Luật sư Trần Xuân Tiền -Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội luôn tâm niệm “giúp người cũng là giúp mình, việc của người cũng là việc của mình” và với phương châm“khách hàng là người thân” nên trong suy nghĩ và hành động của ông luôn đặt đến lợi ích chung của xã hội, khách hàng lên trên hết, trước hết.
Ngay từ buổi ban đầu hành nghề, luật sư Tiền luôn xác định kim chỉ nam là hướng đến những gia đình chính sách, bộ đội, người nghèo và bà con vùng sâu, vùng xa: “Không đợi bà con khó khăn, cần trợ giúp tìm đến, tôi dành thời gian theo dõi bản tin của Cục Trợ giúp pháp lý để chủ động trợ giúp miễn phí. Văn phòng động viên các luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và sẵn sàng nhận vụ việc các yêu cầu dù ở gần hay ở xa”, ông chia sẻ.
Thông qua hoạt động chuyên môn của nghề luật sư cũng như các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng, xã hội, vai trò và danh tiếng của cá nhân Luật sư Trần Xuân Tiền và Văn phòng luật sư Đồng Đội ngày càng vang xa. Từ quê hương, gia đình, người thân đến bạn bè, đồng nghiệp, và cả các cơ quan truyền thông báo chí đều ghi nhận vai trò và những kết quả mà ông đã đạt được trong hoạt động thiện nguyện.
Luật sư Trần Xuân Tiền và Văn phòng luật sư Đồng Đội đã tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều người nghèo, cũng như bà con, người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn và còn hạn chế về nhận thức pháp luật. Một số vụ việc tiêu biểu như: luật sư đã tham gia trợ giúp pháp lý cho bà con Làng Đọ và một bà cụ thuộc diện người cao tuổi và gia đình liệt sỹ khiếu nại việc đền bù ở tỉnh Bắc Ninh; trợ giúp pháp lý cho bà con dân tộc thiểu số tại Lâm trường Nam Nung, đất của bà con nay bị Lâm trường “hợp pháp hóa” làm sổ đỏ cho Lâm trường. Luật sư đang nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho 98 hộ dân tại đây và mới đây vụ việc đã có sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mới đây, Luật sư Tiền cũng tham gia trợ giúp pháp lý thành công cho một khách hàng tại Ninh Hải, Ninh Thuận có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhờ có luật sư vào cuộc mà cơ quan xã, huyện đã xử lý sai phạm của cán bộ và “sửa sai” chung tay lo chỗ ở mới cho người dân.
Ngoài ra, với tâm niệm “cho đi là còn mãi”, Luật sư Tiền còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hay tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên không gian mạng, trên báo, đài, truyền hình,… Đồng thời, Luật sư Tiền còn tâm niệm phải hướng dẫn, đào tạo một lớp luật sư trẻ vừa tài năng, vừa có tâm, đạo đức. Vì vậy, ông cũng tổ chức nhiều khoá đào tạo hoàn toàn miễn phí trên nền tảng zoom cho hàng ngàn bạn trẻ mong muốn trở thành luật sư. Như vậy, có thể nói Luật sư Tiền đã và đang sống bằng cái Tâm của mình với bản thân, nghề nghiệp, và với xã hội.
Trong nhịp sống hiện đại, việc giữ tâm luôn trong sáng, vững vàng là thật cần thiết. Đối với nghề Luật sư cũng vậy Luật sư có Tâm là điều mà xã hội cần, khách hàng mong. Hy vọng rằng, mỗi con người chúng ta, dù đi đâu, làm gì cũng đều phải nhớ “sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”, như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hay những lời gửi gắm, dặn dò vô cùng ý nghĩa và giá trị của tác giả vô danh về chữ Tâm:
“Chữ Tâm độc tự thế mà hay
Thành bại nên hư bởi chữ này
Tuổi trẻ gắng rèn, già cố giữ
Cuộc đời gói gọn cả vào đây.”
Bởi vậy, hãy gìn giữ trọn “Mười phân vẹn mười” của chữ “Tâm” trong chính bản thân mình./.
Biên Tập: Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
—
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi