“Bóng ma” bạo lực len lỏi trong môi trường giáo dục, gieo rắc nỗi ám ảnh và những hệ lụy nặng nề cho thế hệ tương lai. Từng vụ việc xuất hiện ngày càng dày đặc, leo thang về mức độ nghiêm trọng, như hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên cho toàn xã hội. Hơn cả những tổn thương về thể xác, bạo lực học đường hằn sâu vết thương lòng, ám ảnh tâm lý, khiến các em chìm trong lo âu, sợ hãi. Nỗi ám ảnh ấy có thể theo suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và hòa nhập cộng đồng. Hệ lụy không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, mà còn lan rộng ra gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Niềm tin vào môi trường giáo dục bị lung lay, nghi ngờ, bất an trong cộng đồng. Vấn nạn này kêu gọi sự chung tay đẩy lùi từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức, cùng với các biện pháp răn đe, phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Bài viết này sẽ đề cập tới góc nhìn của Luật sư đối với tình trạng Bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra trong môi trường giáo dục hiện nay.
- Thực trạng Bạo lực học đường hiện nay
Trong gần hai năm (tính từ ngày 01/9/2021 cho đến ngày 05/11/2023), cả nước xảy ra 699 vụ Bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ. “Nếu tính tỷ lệ với con số đó thì bình quân, cứ khoảng 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường” – theo trích dẫn từ ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Bộ Công an thống kê, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 tuổi.
Tình trạng Bạo lực học đường đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng, điển hình như các vụ việc liên quan đến Bạo lực học đường xảy ra như: Vụ tự tử của em nữ sinh N.T.Y.N. (2007, học sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh) vào tối 15.4.2023; Hay vụ đe dọa không đưa tiền sẽ chặt đứt cánh tay, gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ vào ngày 20.2.2014 tại Trường THCS Thăng Long, quận 3, TP Hồ Chí Minh); Vừa qua VPLS Đồng Đội trả lời báo chí về em học sinh lớp 7 ở Thạch Thất, Hà Nội bị các bạn đánh phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai.
- Nguyên nhân
Tình trạng Bạo lực học đường diễn ra phổ biến, với nhiều lý do, gồm yếu tố khách quan và chủ quan. Cụ thể, chủ yếu xuất phát từ chính nhận thức của các em. Trong độ tuổi từ 12 – 17 tâm lý, nhận thức, sự trải nghiệm chưa đầy đủ, nên các em rất dễ nổi nóng, bị lôi kéo và kích động. Một số em là nạn nhân của Bạo lực học đường vì “cay cú”, “tâm lý trả thù” nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Vì chạy theo xu hướng, chưa phân biệt được thực hư, xem các video, bài viết có nội dung giật gân, câu view khiến tư tưởng của các em lệch lạc, dẫn đến bạo lực.
Gia đình, nhà trường có tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ, hành động của các em. Sống trong gia đình không hạnh phúc, thường xuyên chứng kiến cảnh đòn roi, bạo lực, khiến đứa trẻ dễ bắt chước. Thêm vào đó, việc cha mẹ nuông chiều, không sát sao, buông lỏng việc giáo dục là môi trường để các em sống theo cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Tâm lý phó mặc, đổi lỗi cho giáo viên, nhà trường trong việc đào tạo, giáo dục học sinh của các bậc phụ huynh vẫn tồn tại, và sự phát triển của mạng xã hội khiến cha mẹ với con có những rào cản nhất định.
Tập trung chú trọng vào đào tạo kiến thức, ít quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đến kỹ năng, cách xử lý tình huống, nên khi học sinh bị Bạo lực học đường giáo viên, nhà trường rất lúng túng trong việc giải quyết vấn đề. Hoặc vì tâm lý chung che giấu “bệnh thành tích” mà xử lý nhẹ nhàng đối với hành vi BLHĐ,…
Về xã hội, đạo đức xã hội “xuống cấp”, quan hệ vợ chồng, cha mẹ con, thầy trò… có nhiều thay đổi. Sự ích kỷ, vô cảm trong xã hội cũng là một nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này.
- Hành vi bạo lực học đường bị xử lý như thế nào?
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử lý theo nội quy của nhà trường, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong trường hợp học sinh trung học phổ thông vi phạm thì tuỳ theo mức độ có thể xem xét kỷ luật theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, theo quy định tại khoản 2 Điều 38:
“2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
- a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
- b) Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
- c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Về xử phạt hành chính, theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi năm 2020 đã quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
Cũng theo quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Như vậy, đối với biện pháp xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường do cố ý, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị xử phạt cảnh cáo.
Về bồi thường dân sự, hành vi bạo lực học đường là hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm và sức khỏe tinh thần do đó là cơ sở để áp dụng hình thức xử lý dân sự.
Theo Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. Bao gồm các chi phí sau:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những chi phí được xác định như sau:
+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.
Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự năm 2015).
Nếu người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Về xử lý hình sự, theo nguyên tắc, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, đối với những học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường khi đã đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
– Theo khoản 22 Điều 1 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích, “người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
+ Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
+ Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.
– Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.
+ Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội làm nhục người khác: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
- Giải pháp phòng, chống bạo lực học đường
Đối với học sinh, bạo lực học đường như một hồi chuông cảnh tỉnh, gieo rắc nỗi bất an trong môi trường giáo dục vốn được xem là an toàn và lành mạnh. Để đẩy lùi vấn nạn này, mỗi học sinh cần ý thức được trách nhiệm của bản thân và chung tay góp sức.
Mỗi học sinh cần rèn luyện đạo đức, biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm và tôn trọng bản thân cũng như người khác. Nếp sống văn minh, lời nói nhã nhặn và hành động lịch thiệp sẽ góp phần tạo nên môi trường học đường thân thiện. Tuân thủ nội quy, quy định là điều kiện cần thiết. Đi học đúng giờ, không quậy phá, hoàn thành bài tập đầy đủ thể hiện ý thức và trách nhiệm của học sinh. Việc chấp hành nội quy thể hiện sự tôn trọng đối với thầy cô giáo và bạn bè, đồng thời góp phần xây dựng nề nếp học tập hiệu quả.
Nói không với bạo lực là lời tuyên ngôn mạnh mẽ. Tránh xa các hành vi bạo lực, không tham gia vào các băng nhóm, hội, nhóm có hành vi lệch chuẩn, đồng thời dũng cảm lên tiếng tố cáo những hành vi sai trái là cách mỗi học sinh bảo vệ bản thân và cộng đồng. Các em cần được học cách kiềm chế cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói là kỹ năng cần thiết. Học cách bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động, lựa chọn giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại và thấu hiểu sẽ giúp tránh những hậu quả đáng tiếc.
Hơn nữa, việc tham gia vào các hoạt động tích cực là cách lan tỏa thông điệp yêu thương là vô cùng quan trọng. Tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ bạn bè, tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường là cách mỗi học sinh góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn và thân thiện.
Hãy để bạo lực học đường chỉ còn là ký ức, để tiếng cười và niềm vui luôn hiện diện trong môi trường giáo dục.
Đối với gia đình, trong môi trường gia đình các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đến trẻ và nên dành thời gian giáo dục, dạy bảo trẻ để trẻ có sự cảm nhận từ tình cảm của người thân tạo một môi trường sống lành mạnh. Bố, mẹ nên cư xử đúng mực trước mặt trẻ, làm tấm gương cho con mình. Dạy con những đạo đức cơ bản làm người, sống sao phải khiêm tốn, tôn trọng, không được coi thường người khái vì khi trong tâm trí các con có thái độ, nhen nhóm tư duy tự cho mình là kiêu, là cao thì sẽ dễ gây ra những mâu thuẫn giữa các bạn đồng trang lứa. Đồng thời gia đình nên có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình của con em mình tại trường học.
Khi có tình trạng bạo lực học đường xảy ra cần bình tĩnh, sáng suốt cùng nhà trường và các bên ngồi lại tìm hướng giải quyết; tránh đẩy thành cao trào, làm tổn thương các bên, nhất là các em. Trường hợp tình trạng BLHĐ xảy ra vượt mức kiểm soát, gây nguy hại đến sức khỏe tinh thần và tính mạng của con trẻ, cần thiết phải nhờ đến pháp luật, gia đình nạn nhân có thể nhờ đến những người có hiểu biết về pháp luật như luật sư…
Đối với giáo viên, để phòng chống bạo lực học đường hiệu quả, đội ngũ giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trước tiên, giáo viên cần thường xuyên theo dõi, quan tâm và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Việc này giúp giáo viên phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, những nguy cơ bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tiếp theo, giáo viên cần có biện pháp can thiệp kịp thời đối với các nhân tố xấu từ bên ngoài và trong nhà trường có thể tác động tiêu cực đến học sinh. Giáo viên cần phối hợp với ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh và các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi bạo lực, đồng thời giáo dục học sinh về cách phòng tránh bạo lực.
Bên cạnh đó, giáo viên cần tạo môi trường học tập và giảng dạy trong sáng, lành mạnh cho học sinh. Giáo viên cần thể hiện sự yêu thương, tôn trọng học sinh, tạo môi trường học tập cởi mở, thân thiện để học sinh cảm thấy thoải mái chia sẻ, tâm sự.
Ngoài ra, giáo viên cần tích cực tham gia, phối hợp với gia đình và nhà trường để giúp việc quản lý và giáo dục học sinh hiệu quả. Giáo viên cần trao đổi thường xuyên với phụ huynh về tình hình học tập và rèn luyện của học sinh, đồng thời phối hợp với gia đình để giải quyết những vấn đề mà học sinh gặp phải.
Cuối cùng, giáo viên cũng cần được lắng nghe, chia sẻ tâm tư và quan trọng nhất là được đào tạo kỹ năng ứng xử phù hợp trong môi trường sư phạm. Việc này giúp giáo viên có đủ kiến thức và kỹ năng để giải quyết các tình huống bạo lực học đường một cách hiệu quả.
Với những nỗ lực của đội ngũ giáo viên, cùng sự phối hợp của gia đình và nhà trường, bạo lực học đường có thể được đẩy lùi, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho học sinh phát triển toàn diện.
Đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục, Luật Giáo dục 2019 có quy định các cơ sở giáo dục phải đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự và môi trường giáo dục lành mạnh. Bạo lực học đường, trong đó bao gồm cả bắt nạt, đe dọa và các hành vi bạo lực khác, được xem là vi phạm nghiêm trọng đối với các quy định này.
Đồng thời, người học có quyền được sống trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bị bạo lực, xâm hại thân thể, sức khỏe, tinh thần hoặc bị cô lập, xua đuổi (Điều 9 Luật Giáo dục và Điều 16 Luật Thiếu nhi); Người học có trách nhiệm không gây ra hoặc tham gia vào các hành vi bạo lực học đường (Điều 10 Luật Giáo dục và Điều 17 Luật Thiếu nhi); Cơ sở giáo dục có trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập (Điều 12 Luật Giáo dục và Điều 18 Luật Thiếu nhi).
Tuy nhiên, đôi khi vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và thầy cô khi bạo lực học đường xảy ra. Một số phụ huynh đổ lỗi cho nhà trường và thầy cô vì không quản lý học sinh chặt chẽ, dẫn đến bạo lực xảy ra. Một số khác lại cho rằng bạo lực học đường là do bản tính của trẻ, gia đình không thể can thiệp quá nhiều. Trong khi nhà trường né tránh trách nhiệm, cho rằng bạo lực học đường là do học sinh tự gây ra, nhà trường không thể kiểm soát hết. Một số khác lại đổ lỗi cho gia đình vì không giáo dục con cái tốt. Một số thầy cô vì ngại phiền phức hoặc sợ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường nên đã che giấu hoặc xử lý nhẹ nhàng các vụ bạo lực học đường. Một số khác lại thiếu kỹ năng và kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề bạo lực học đường. Sự đùn đẩy trách nhiệm này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, học sinh bị bạo hành không được bảo vệ kịp thời, hành vi bạo lực học đường sẽ ngày càng gia tăng. Cuối cùng, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trở nên căng thẳng và vấn đề thì vẫn chưa được giải quyết.
Đối với nạn nhân của Bạo lực học đường, khi nạn nhân nhận ra rằng mình có nguy cơ hay đang trong tình trạng chịu những hành vi đe dọa thậm chí là đã bị tổn hại đến thân thể, danh dự và nhân phẩm, các em cần phải ngay lập tức di chuyển đến nơi an toàn, tránh xa kẻ bạo hành. Trong khả năng có thể với điều kiện an toàn phù hợp, học sinh nên ghi chép thông tin, chụp ảnh, quay video về kẻ bạo hành, thời gian, địa điểm xảy ra sự việc.
Sau đó, các em nên tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cho bản thân mình. Và nhà trường là nơi đầu tiên em nên tìm kiếm sự trợ giúp. Giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường có trách nhiệm giải quyết vụ việc, bảo vệ bạn và giáo dục học sinh có hành vi bạo lực. Sau đó, gia đình là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho bạn. Hãy chia sẻ với cha mẹ, người thân để được hỗ trợ và giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, nạn nhân có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các tổ chức hỗ trợ như Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Đường dây nóng của Bộ Giáo dục và Đào tạo: 1900 6363 63; Trung tâm tư vấn tâm lý học đường sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và can thiệp trong các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội, nạn nhân của bạo lực học đường còn có thể tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý từ các tổ chức hành nghề luật sư. Tại đây, các luật sư sẽ tận tình tiếp nhận, chia sẻ và lắng nghe những khó khăn của học sinh, đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý thiết yếu. Cụ thể, các em được tư vấn pháp lý, giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn học sinh hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của bản thân, cũng như các quy định pháp luật liên quan đến bạo lực học đường. Luật sư sẽ là người đại diện cho học sinh trong các vụ việc bạo lực học đường. Hỗ trợ học sinh trong quá trình tố tụng, thu thập bằng chứng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của học sinh trước cơ quan chức năng. Và cuối cùng, các em có cơ hội đòi bồi thường thiệt hại do bạo lực học đường gây ra. Các em được hướng dẫn cách thức yêu cầu bồi thường thiệt hại, đồng thời hỗ trợ học sinh thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Luật sư sẽ hỗ trợ học sinh thu thập bằng chứng, lập hồ sơ yêu cầu bồi thường và tiến hành các thủ tục tố tụng để đòi bồi thường thiệt hại.
Nhờ có sự hỗ trợ của luật sư, học sinh sẽ được bảo vệ bởi đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm và am hiểu về luật pháp, quyền lợi của học sinh được thực hiện và đảm bảo một cách tốt nhất./.
Người viết: Ngô Ngọc Hiếu, Lê Thị Lan Anh, Hương Giang, VPLS Đồng Đội
Người hướng dẫn: Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi