Ngày nay, các vấn đề liên quan đến danh dự, nhân phẩm, và sự phát triển lành mạnh của trẻ em nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội. Tuy nhiên trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi cá nhân có thể sẽ gặp phải một số trường hợp không mong muốn, tác động đến tâm sinh lý hay thậm trí ảnh hưởng đến cả khía cạnh tương lai sau này. Một trong những hành vi nghiêm trọng xâm phạm đến các giá trị này chính là tội giao cấu với người dưới 18 tuổi, nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng tới cả thể chất lẫn tinh thần, sau đó chối bỏ trách nhiệm và bỏ mặc nạn nhân. Đây không chỉ là một vấn đề pháp lý được pháp luật quy định mà còn là câu chuyện về đạo đức, văn hóa, và trách nhiệm của người thực hiện hành vi.
Pháp luật quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi :
Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
- Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Có tính chất loạn luân;
- Làm nạn nhân có thai;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 đến 15 năm:
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý hình sự tối đa lên đến 15 năm. Xét theo góc độ xã hội, người dưới 18 tuổi là người chưa đủ trưởng thành, ổn định về mặt sinh lý, tâm lý và nhận thức để tự bảo vệ mình trước những tác động tiêu cực, đặc biệt là hành vi phạm tội của người khác. Việc giao cấu với người dưới 16 tuổi, dù có sự đồng thuận hay không, đều bị coi là vi phạm pháp luật. Điều này được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự, nhằm bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ vị thành niên. Việc thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi không những vi phạm pháp luật hình sự mà còn vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực về đạo đức xã hội. Đồng thời, việc chối bỏ trách nhiệm của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên là việc làm đáng bị lên án và cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hành vi giao cấu với người từ đủ 13 đến 16 tuổi không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự và nhân phẩm của nạn nhân. Trong nhiều trường hợp, những tổn thương này có thể kéo dài cả đời, khiến nạn nhân khó hòa nhập và phát triển một cách bình thường trong xã hội.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi
Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), là một biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân trẻ tuổi. Với thời hạn 15 năm, quy định này cho phép các nạn nhân có thời gian hồi phục về tinh thần lẫn sức khỏe và quyết định khởi kiện, đồng thời khuyến khích sự chủ động trong việc tố cáo tội phạm. Điều này thể hiện sự nhạy bén của pháp luật trong việc bảo vệ trẻ em và tạo cơ hội cho những người phạm tội tự giác ra đầu thú. Tuy nhiên, hiệu quả của những quy định này còn phụ thuộc vào sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và sự hỗ trợ từ cộng đồng để đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân.
Hành vi vi phạm pháp, vô trách nhiệm – Hậu quả xấu cho xã hội
Một số đối tượng sau khi thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi lại cố tình không chịu trách nhiệm, bỏ mặc hậu quả, bỏ mặc nạn nhân. Đây là biểu hiện của sự thiếu đạo đức, thiếu nhân cách, xứng đáng bị cách ly khỏi xã hội một thời gian bằng biện pháp chấp hành hình phạt tù.
Việc trốn tránh trách nhiệm không chỉ làm tổn thương sâu sắc đến nạn nhân, vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái của cha mẹ mà còn tạo ra một tiền lệ xấu trong cộng đồng. Những người phạm tội không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm suy yếu niềm tin vào công lý, vào sự bảo vệ của pháp luật đối với những người yếu thế. Trên thực tế, việc chứng minh hành vi phạm tội xảy ra còn nhiều khó khăn vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu đến từ người thực hiện hành vi phạm tội và đặc biệt đến từ tâm lý, ý chí đấu tranh của chính bị hại và gia đình nạn nhân.
Tâm lý của người bị hại
Tâm lý của người bị hại, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên, thường rất phức tạp và nhạy cảm. Khi phải đối mặt với những trải nghiệm đau thương, nạn nhân thường rơi vào trạng thái tâm lý xấu hổ, sợ hãi và lo lắng về phản ứng của xã hội đối với mình và gia đình. Những cảm xúc này không chỉ làm tăng thêm nỗi đau mà còn tạo ra một rào cản lớn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trong nhiều trường hợp, nỗi sợ bị kỳ thị và những lo ngại về danh dự, nhân phẩm bị tổn hại khiến người bị hại và gia đình họ có xu hướng che giấu sự thật. Họ có thể cảm thấy rằng việc công khai sự việc sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực, không chỉ cho cá nhân mà còn cho gia đình. Sự lo lắng này thường dẫn đến việc họ quyết định im lặng không xử lý vấn đề, thay vì báo cáo với cơ quan chức năng. Họ có thể hy vọng rằng nếu không nhắc đến sự việc, nó sẽ tự khắc biến mất theo thời gian.
Tuy nhiên, hành động này làm cho tội phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà còn khiến nạn nhân không nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Việc không báo cáo không chỉ làm mất đi cơ hội để điều tra và xử lý kẻ phạm tội mà còn khiến nạn nhân phải gánh chịu một mình những tổn thương về tâm lý. Họ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu hoặc gặp khó khăn trong việc hòa nhập lại với cuộc sống bình thường.
Ngoài ra, sự thiếu vắng hỗ trợ từ gia đình và xã hội có thể khiến nạn nhân cảm thấy cô đơn và bất lực. Họ thường cần những người xung quanh thấu hiểu và lắng nghe, nhưng chính những rào cản tâm lý đã ngăn cản họ tìm kiếm sự đồng cảm. Điều này tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn, trong đó nỗi sợ và sự im lặng chỉ càng làm tăng thêm nỗi đau.
Thực trạng xã hội
Vừa qua, văn phòng tiếp nhận hỗ trợ, xử lý vụ việc liên quan đến hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi. Nạn nhân là Nguyễn Thị T sinh năm 2005 đã bị anh Phạm Trường V sinh năm 2000 thực hiện hành vi giao cấu, vào thời điểm năm 2020 khi T chưa đủ 15 tuổi. Hậu quả dẫn đến T mang thai và có con là Đ.T.N. Từ thời điểm đó đến nay V liên tục chối bỏ nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với cháu N. Hiện cháu Đ.T.N đã được 3 tuổi. Do ấm ức bởi bị thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, danh dự và con gái mất đi cơ hội học hành, phát triển; gia đình T đã chủ động liên hệ Văn phòng đề nghị sự trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân Nguyễn Thị T.
Qua trao đổi và thực hiện các thủ tục pháp lý, Văn phòng đã có những bước ban đầu nhằm đưa vụ việc quay trở lại ánh sáng công lý. Hành vi của Phạm Trường V không chỉ xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự của một cá nhân mà còn vi phạm nghiêm trọng đến quy định pháp luật và quy chuẩn về đạo đức của một con người. Khi có hậu quả xảy ra, đối tượng không có bất kỳ trách nhiệm hay có sự quan tâm đến bị hại, ngược lại là sự thờ ơ, vô tâm đối với em Nguyễn Thị T và cháu Đ T N. Điều này cho thấy Phạm Trường V không chỉ xem thường pháp luật mà đâu đó sâu thẳm trong đối tượng này nhân cách và đạo đức dường như là không tồn tại.
Hiện nay tuy qua một thời gian dài nhưng tâm lý của em T vẫn chưa hoàn toàn ổn định, việc liên hệ với văn phòng để xin được trợ giúp hoàn toàn do gia đình em trao đổi. Từ đó có thể thấy, nỗi đau về mặt thể xác của mỗi nạn nhân có thể ổn định theo thời gian nhưng những tổn thương về tâm lý và tinh thần luôn tồn tại, ám ảnh trong tâm trí của người bị hại.
Có thể nhận định, hành vi giao cấu với trẻ dưới 16 tuổi đang hiện hữu ngày một lớn chỉ do cách nhìn nhận, phát giác tội phạm trong xã hội đang còn một số hạn chế nhất định. Đặc biệt là đối với bị hại, do tâm sinh lý và nhận thức ở độ tuổi này còn hạn chế. Một số trường hợp không nhận thức được vấn đề, thậm chí đổ lỗi cho bản thân. Đồng thời do lo sợ các tác động từ xã hội về danh dự, nhân phẩm của của cá nhân hay cả gia đình sẽ bị ảnh hưởng nên tâm lý chung của người bị hại và gia đình đa số là che dấu và âm thầm chịu đựng.
Để ngăn chặn và giảm thiểu vấn đề này, cần có sự chung tay từ nhiều phía:
Một là, các quy định pháp luật nghiêm minh cần tăng cường áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm. Điều này không chỉ giúp răn đe mà còn đảm bảo rằng mọi hành vi vi phạm đều bị phát hiện và xử lý đúng theo pháp luật. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ và đồng bộ sẽ tạo ra một môi trường an toàn hơn cho cộng đồng.
Hai là, cần tổ chức giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cả người lớn và trẻ vị thành niên về quyền lợi, trách nhiệm và hậu quả của các hành vi liên quan đến tội phạm là điều cực kỳ quan trọng. Các chương trình giáo dục có thể được triển khai tại trường học, cộng đồng và thông qua các phương tiện truyền thông để giúp mọi người hiểu rõ hơn về những vấn đề này.
Ba là, cần xây dựng các chương trình tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý và tạo điều kiện để nạn nhân có thể vượt qua những tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất. Việc đảm bảo rằng nạn nhân không chỉ nhận được sự hỗ trợ pháp lý mà còn cả sự hỗ trợ về mặt tâm lý sẽ giúp họ nhanh chóng hồi phục và tái hòa nhập với xã hội.
Như vậy, tội phạm thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi hiện nay không phổ biến nhưng vẫn tồn tại và có thiên hướng nhiều hơn so với trước đây. Nhiều trường hợp không bị phát giác, tố giác dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng không chỉ đối với người bị hại mà còn tác động đến gia đình thậm chí là tương lai của thế hệ sau. Một phần cũng do tâm lý của người bị hại, do lo sợ về danh dự nhân phẩm nên đã không dám đứng lên bảo vệ chính quyền lợi của mình. Do đó, phòng ngừa tội phạm về giao cấu với người dưới 16 tuổi không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà là nghĩa vụ chung của cả cộng đồng.
Những kẻ phạm tội phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc từ pháp luật, đồng thời xã hội cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ tương tự. Công lý không chỉ là sự trừng trị kẻ phạm tội mà còn là trách nhiệm chung để xây dựng một môi trường an toàn và nhân văn.
Với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, đặc biệt đối với những vụ việc gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến quyền con người. Chúng tôi luôn nỗ lực đưa các vụ việc ra ánh sáng công lý. Sự quyết tâm này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị hại mà còn hướng tới việc bảo vệ trẻ em dưới 16 tuổi và những người cần được bảo vệ trong xã hội. Chúng tôi tin rằng, với sự chung tay của cộng đồng, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội, chúng ta sẽ xây dựng được một môi trường an toàn và công bằng cho tất cả mọi người.
Đàm Long, Hà Tuyết – Thực tập sinh Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi