Trong thực tiễn xét xử, các bản án và quyết định của tòa án không phải lúc nào cũng đảm bảo được tính chính xác tuyệt đối. Nhiều trường hợp bản án bị sai sót, dẫn đến oan sai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Khi đó, để khắc phục sai lầm và đảm bảo công bằng trong xét xử, bản án có thể bị hủy. Vậy, hủy án là gì?
Hủy bản án, quyết định của toà án
Hủy bản án, quyết định của tòa án là việc cơ quan tòa án có thẩm quyền ra quyết định bằng văn bản nhằm chấm dứt hiệu lực thi hành đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới. Điều này xảy ra khi có phát hiện bản án, quyết định có sai sót dẫn đến xét xử không đúng người, đúng tội, hoặc thiếu khách quan.
Huỷ bản án có thể được áp dụng trong các trường hợp như vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (ví dụ: vi phạm quyền của bị cáo, thiếu công khai bằng chứng), sai lầm trong áp dụng pháp luật (tòa án áp dụng sai quy định pháp luật dẫn đến phán quyết không chính xác) hay phát hiện bằng chứng, tình tiết mới có thể thay đổi bản chất của vụ án nhưng chưa được xem xét trong quá trình xét xử. Tuỳ vào từng lĩnh vực, luật có quy định các trường hợp huỷ án cụ thể.
Thực trạng
Theo thống kê trong năm 2023, số vụ án bị hủy hoặc sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán đạt 4.810 vụ, chiếm 0,89% trong tổng số hơn 540.400 vụ. Con số này cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về chất lượng công tác xét xử tại các tòa án, đặc biệt là trong việc xử lý các vụ án liên quan đến thủ tục tố tụng và chứng cứ.
(https://thanhnien.vn/vi-sao-co-toi-hon-8000-an-dan-su-bi-huy-sua-18524061218221969.htm?)
Thứ nhất, do vi phạm về thủ tục tố tụng
Nhiều bản án và quyết định đã có hiệu lực của tòa án bị hủy do những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Một ví dụ điển hình như những vụ án liên quan đến yêu cầu chia di sản thừa kế. Trong trường hợp này, nguyên đơn không thừa nhận tính hợp pháp của bản di chúc và khẳng định rằng di chúc này không hợp pháp. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã không tiến hành thu thập chứng cứ cần thiết để làm rõ trình tự thủ tục chứng thực di chúc, mà đã vội vàng kết luận rằng di chúc không hợp pháp.
Việc không thu thập đầy đủ chứng cứ dẫn đến quyết định thiếu cơ sở vững chắc, và đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến bản án bị tòa phúc thẩm hủy. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về thủ tục tố tụng để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong xét xử.
Thứ hai, sai sót trong quá trình thu thập và đánh giá chứng cứ
Bên cạnh các vấn đề về thủ tục tố tụng, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc hủy bản án là sai sót trong quy trình thu thập và đánh giá chứng cứ. Trong nhiều vụ án, các tòa án mặc dù dựa trên cùng một hệ thống chứng cứ nhưng lại có những cách nhìn nhận, đánh giá và suy đoán pháp lý khác nhau.
Ví dụ, một tòa án có thể đánh giá một chứng cứ là hợp lệ và có sức thuyết phục, trong khi tòa án khác có thể cho rằng chứng cứ đó không đủ rõ ràng để hỗ trợ cho một quyết định pháp lý. Sự khác biệt này dẫn đến việc cùng một vụ án có thể có các kết quả khác nhau ở các cấp xét xử, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi của các bên liên quan.
Thứ ba, hệ lụy của hủy án
Việc hủy hoặc sửa bản án không chỉ ảnh hưởng đến các bên trong vụ án mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp. Khi người dân thấy rằng các bản án có thể bị hủy vì những lý do chủ quan, việc ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng về các cơ quan tư pháp là điều khó tránh khỏi.
(Ảnh minh họa)
Luật sư nói gì về huỷ án?
Khi được hỏi về hậu quả của việc hủy án, một số quan điểm của luật sư cho rằng: “ Khi một bản án bị huỷ, hậu quả của nó trước hết sẽ tác động trực tiếp tới chính những người trong cuộc. Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan sẽ không được thực thi hoặc bị trì hoãn do bản án bị huỷ. Ví dụ, bị cáo được tạm hoãn thi hành án; hoặc nguyên đơn không thể thực hiện việc thi hành án dân sự. Các bên còn phải đối mặt với phiên xét xử mới, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến thời gian, cuộc sống và tài chính của các bên”.
Có luật sư cho rằng “việc huỷ giúp nhìn nhận lại những cái sai, rút kinh nghiệm, tìm hiểu sâu hơn các tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, với số lượng án hủy nhiều như hiện nay, không thể phủ nhận một số Hội đồng xét xử có nhận định, đánh giá chưa khách quan hoặc có một số trường hợp cá nhân không vượt qua được các cám dỗ của cuộc sống nên đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc xét xử và đánh giá chứng cứ, dẫn đến bản án bị hủy, quay trở lại bước xét xử ban đầu. Làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích những người có liên quan trong vụ án”.
Luật sư nhấn mạnh rằng việc huỷ án không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự, của bị can, bị cáo; mà nó ảnh hưởng đến vấn đề trật tự, quá trình thực thi pháp luật, trong vấn đề thi hành án.
Thực tế đã ghi nhận từng có những trường hợp thi hành án xong bản án mới bị huỷ. Chẳng hạn, trường hợp bà T và ông A cho bà Th vay 15 cây vàng tại TP.HCM. Sau xét xử sơ và phúc thẩm, TAND TP.HCM buộc bà Th trả 524 triệu đồng. Do bà Th không tự nguyện thi hành án, Chi cục THADS huyện Củ Chi đã cưỡng chế, kê biên và bán đấu giá nhà bà Th. Một năm sau, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy án phúc thẩm để xét xử lại. Vụ xét xử phúc thẩm sau đó cũng bị đình chỉ, bản án sơ thẩm có hiệu lực, bà Th chỉ cần trả 292 triệu đồng. Bà Th nộp đơn thi hành án trả tiền cho nguyên đơn và yêu cầu lấy lại giấy tờ nhà đất. Tuy nhiên, Chi cục THADS huyện Củ Chi cho biết không thể thi hành vì án phúc thẩm đã được thực hiện, tài sản đã kê biên bán đấu giá cho người thứ ba. Quyền và lợi ích của bà Th đã bị xâm hại, dù bà có khiếu nại hay yêu cầu bồi thường thì cũng rất khó để bù đắp được những thiệt hại do bị mất nhà.
Đối với hệ thống pháp luật, huỷ án làm tăng gánh nặng cho toà án cấp trên hoặc cơ quan xét xử lại vì phải giải quyết hậu quả của thi hành án và các vấn đề khác có liên quan. Trong bối cảnh số lượng vụ án ngày càng tăng trong khi biên chế lại giảm như hiện nay, điều này làm tăng thêm khối lượng công việc và tạo sức ép lớn tới ngành toà án. Tần suất huỷ án thường xuyên còn gây suy giảm niềm tin của công chúng vào tính chính xác, công bằng của hệ thống tư pháp lẫn Nhà nước.
Như vậy, hủy bản án là một cơ chế quan trọng để đảm bảo tính công bằng và giúp khắc phục sai sót trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, tình trạng hủy án nhiều hiện nay đòi hỏi ngành tư pháp phải tăng cường năng lực xét xử, chuẩn hóa quy trình tố tụng và nâng cao trách nhiệm của các thẩm phán. Cần phải rút kinh nghiệm, lấy các trường hợp án bị hủy làm bài học để không phạm phải những sai lầm không đáng có. Chỉ khi đó, hệ thống tư pháp mới thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho công lý và niềm tin của người dân.
Hà Vy – Thực tập sinh Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi