Một ngày nọ, bà H bàng hoàng khi biết mảnh đất – nơi bà cùng chồng chung sống, lao động và cải tạo suốt nhiều năm đã bị chia thừa kế theo một bản án thừa kế đã có hiệu lực pháp luật. Điều khiến bà choáng váng hơn cả là trong toàn bộ quá trình tố tụng, bà – người vợ chính thức, sống chung, cùng lao động và đóng góp vào khối tài sản – không hề được triệu tập hay thông báo gì. Bà không biết có phiên tòa, không được lên tiếng, và cũng không thể bảo vệ quyền lợi của mình.
Câu chuyện của bà H không phải cá biệt. Trong thực tiễn xét xử, đặc biệt là các vụ án chia thừa kế, việc bỏ sót người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện của bản án.
Vấn đề đặt ra là: liệu sự vi phạm này có phải là căn cứ để hủy bản án theo quy định của pháp luật hay không?
1.Không “mời” đúng người – vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo quy định trên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là một trong những chủ thể có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, nếu Tòa án không đưa họ tham gia vào quá trình tố tụng, đặc biệt trong những trường hợp họ có quyền, lợi ích liên quan rõ ràng đến tài sản tranh chấp, thì điều này có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Việc không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, dù họ có yêu cầu hay không, có thể khiến Tòa án giải quyết thiếu toàn diện, khách quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Hậu quả pháp lý của việc không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào giải quyết vụ án dân sự cũng được quy định rất rõ ràng trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo quy định tại khoản 2 Điều 310, khoản 3 Điều 345 Bộ luật này, Tòa án xét xử cấp phúc thẩm và Tòa án xét xử cấp giám đốc thẩm có quyền hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án đề xét xử lại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, việc không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào xử lý vụ án khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng là một trong những căn cứ để hủy án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.
Một ví dụ thực tiễn cho trường hợp này là Bản án số 94/2022/DS-PT là bản án xét xử về yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế. Theo nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định bà Nguyễn Thị N2 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng tại Bản án sơ thẩm lại không đưa bà N2 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót, vi phạm tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà N2. Tài liệu hồ sơ vụ án cũng không có bản tự khai hay tài liệu nào khác thể hiện ý kiến, quan điểm của bà Nguyễn Thị N2. Như vậy, theo khoản 3 Điều 308, khoản 2 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa đã dựa trên những quy định pháp luật đó thành một trong những căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ xuống để xét xử lại. Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là đúng theo pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
2. Không thể để “đương sự im lặng” làm mất quyền
Hiện nay, một số Tòa án còn có xu hướng “nghe theo đương sự” – nếu không ai đề nghị thì cũng không chủ động xác minh các bên liên quan. Trong khi đó, thực tế cho thấy người có quyền lợi bị bỏ quên thường không biết mình bị thiệt cho đến khi bản án đã có hiệu lực.
Để khắc phục tình trạng này, cần:
- Tăng trách nhiệm của Tòa trong việc chủ động rà soát, xác minh để tránh bỏ sót những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đặc biệt trong các vụ việc về đất đai, thừa kế.
- Cải thiện cơ chế số hóa hồ sơ tài sản, giấy tờ nhân thân để hỗ trợ xác minh tự động.
Việc xác định đúng và đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không chỉ là yêu cầu về mặt thủ tục, mà còn là một bảo đảm thực chất cho quyền tiếp cận công lý của các bên trong vụ án. Trong các tranh chấp về thừa kế, nơi quyền lợi thường đan xen giữa tình thân và pháp lý, một sự thiếu sót nhỏ trong tố tụng cũng có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý nghiêm trọng, thậm chí gây mất niềm tin vào công lý từ phía người dân.
Câu chuyện của bà H nhắc tới ở đầu bài viết là lời nhắc nhở rõ ràng rằng: bản chất pháp lý của một người không nằm ở việc họ có tên trên giấy tờ, mà ở việc họ có quyền lợi liên quan thực sự hay không. Khi quyền lợi ấy bị xâm phạm mà không được lắng nghe, công lý không thể được gọi tên trọn vẹn.
Khánh Vi – Thực tập sinh Văn phòng Luật sư Đồng Đội