Có một nghề mà xã hội thường gọi nôm na là “thầy cãi” đó là nghề luật sư. Trong thực tế có rất nhiều tên gọi, danh hiệu dành cho luật sư, mỗi cái tên lại mang một “hình hài”, “dáng dấp” riêng của nghề luật sư. Những hành động, việc làm của luật sư trong quá khứ đã chứng tỏ rằng có nhiều luật sư thực sự giỏi, giỏi về kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp và ” giỏi ” cả về phẩm chất, đức độ. Có những luật sư đã để lại cho đời những “chiến công”, có nhiều “chiến công” được xã hội biết đến nhưng cũng có nhiều “chiến công”, nhiều thành tích thầm lặng. Đấy chính là những luật sư làm việc và sống với chính cái nghề luật sư của mình, họ sống với cái tâm, cái tầm và cái tài của chính bản thân họ. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng có nhiều luật sư chỉ “hữu danh, vô thực”, có nhiều luật sư chỉ mang cái mác cho oai rồi “dương hùng, dương bá”, hành nghề luật sư theo kiểu xã hội đen, dựa vào sơ hở của hệ thống pháp luật mà biến ” trắng thành đen “, biến ” phải thành trái “, có cả những luật sư hoạt động tự do, không chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn thấp đã lừa dối khách hàng để trục lợi và còn nguy hiểm hơn thế là có không ít ” luật sư ” đã lợi dụng danh nghĩa của luật sư để gây ra những việc làm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nghề nghiệp.
Như vậy, mới biết rằng trong xã hội này không phải cứ tên gọi luật sư là đã thực sự chân chính, thực sự đem lại công bằng cho nhân dân và xã hội. Với tôi, tôi cho mình là một luật sư “nông dân” hoạt động vì dân, một luật sư luôn gắn liền với nhân dân, đặc biệt là những người nông dân nghèo khó, những thứ giản dị, đơn sơ, chân tình và gần gũi. Tại sao tôi lại tự đặt cho mình tên gọi như vậy ? Bởi rằng, tôi cũng xuất thân từ gia đình bần nông được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên ở mảnh đất nông thôn bình dị. Cuộc sống và công việc của tôi luôn gần gũi với những con người thuần nông, quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, và có nhiều người đến gần hết cuộc đời cũng chưa bước khỏi lũy tre làng. Do tôi là người có thâm niên trong công việc lãnh đạo ở một nghành cấp huyện nhiều năm nên tôi thường xuyên được cọ xát với người nông dân thật thà, chân chất, gần họ và cũng học được ở người nông dân những phẩm chất cao quý và đáng kính. Quá trình công tác trong đời của tôi, tôi đã ăn, ở, trò chuyện và trao đổi kiến thức với người nông dân khá nhiều, có lẽ rằng gần dân, hiểu dân, giúp dân và học ở những người nông dân nhiều thứ khiến tôi day dứt, băn khoăn và tự đặt ra câu hỏi lớn cho mình rằng là sao những người nông dân lại phải chịu những nỗi vất vả, thống khổ như vậy ? Và tại sao với áp lực cuộc sống đó họ lại có tinh thần lạc quan, yêu đời như thế ? Có lẽ rằng tôi hiểu tại sao người dân lại như vậy, họ thực sự ” nghèo ” về kiến thức xã hội và trình độ hiểu biết thực tế, kiến thức pháp luật cơ bản họ còn chưa thực sự nắm chắc và hiểu rõ. Chính vì lí do đó mà khi có một quan hệ pháp luật nào đó xảy ra và liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực nào đó của họ thì họ đều bị thiệt thòi đáng kể. Điều đó làm cho tôi càng có thêm động lực để trở thành người luật sư, trở thành người trợ giúp pháp lí để giúp họ có được những quyền lợi trên thực tế thuộc về họ, giúp họ có những kiến thức pháp luật dù là cơ bản nhất.
Nhớ lại những chuyến đi công tác (ở Tây Ninh, ở Phú Quốc, ở Tương Dương – Nghệ An và nhất là Thịnh long – Nam Định) lúc đó tôi mới thực sự biết rằng mình là luật sư làm việc vì dân, những chuyến đi công tác ấy tôi sống mộc mạc, bình dị giữa đời thường, từ việc từ chối ăn những món ăn đặc sản nơi đó để thay vào đó là những bữa cơm giản dị, từ việc chuyển từ nghỉ ở khách sạn hạng sang sang đến nghỉ tại nhà dân…. Điều đó càng làm cho tôi hiểu được nhân dân, đặc biệt là những người nông dân thật thà, chân chất sâu đậm hơn.
Tôi vẫn còn nhớ như in một kỉ niệm ở Thịnh Long ( Nam Định ) – nơi tôi có nhiều khách hàng nhờ tôi trợ giúp pháp lí nhất. Ban đầu ở đấy chỉ có một vụ việc dân sự tại tòa án huyện Hải Hậu, người cần tôi giúp đỡ không phải ai khác mà chính là một gia đình có con học Cao đẳng dược ở Hải Dương cùng con gái đầu lòng của tôi. Với một cái tâm nhiệt huyết và không đòi hỏi công xá vật chất gì tôi đã nhanh chóng giúp họ giải quyết xong vụ việc tại tòa án bằng biện pháp hòa giải. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là sau khi hòa giải, đến quá trình thi hành án tôi đã nhờ Chi cục trưởng cục thi hành án huyện Hải Hậu giúp đỡ trên tinh thần là những người đã từng nhiều năm làm Thủ trưởng cơ quan thi hành án ở ngay tỉnh bên. Tôi đã đặt vấn đề là người dân “nghèo nhưng không hèn” cần được giúp đỡ và tạo điều kiện tốt để họ được hưởng những quyền lợi mà bản thân họ phải được hưởng,tôi không như những luật sư khác mua chuộc họ mà trực tiếp nói rằng khách hàng của tôi sẽ biết ơn và cám ơn sau nếu như họ bảo vệ lợi ích của thân chủ tôi. Tôi nghĩ rằng mình nói như vậy là đủ vì họ có “ làm ăn” thì cũng phải lựa chọn tùy nơi, tùy chỗ chứ không thể chỗ nào cũng như chỗ nào được. Nhưng không giống với suy nghĩ của tôi, họ mặc nhiên im lặng chẳng làm gì, mãi gần 6 tháng trời tôi mới biết họ “đòi hỏi” và bắt khách hàng của tôi đưa tiền, bắt bẻ và gây khó dễ cho khách hàng của tôi. Trước thông tin ấy, tôi thực sự bất ngờ và bức xúc vì Chi cục trưởng huyện Hải Hâụ đã có những hành vi vi phạm pháp luật, không tổ chức thi hành bản án theo đúng trình tự của luật thi hành án dân sự, tiêu cực, có biểu hiện bênh vực bên có phải thi hành án. Đứng trước tình thế đó tôi soạn đơn khiếu nại cho khách hành của tôi lên Cục thi hành án tỉnh Nam Định và Viện Kiểm Sát huyện Hải Hậu. Nhận đươc đơn khiếu nại của người dân với lời lẽ,lý do đưa ra hết sức chính đáng nên Cục trưởng cục thi hành án tỉnh Nam Định đã có văn bản chỉ đạo thi hành án, lúc này Chi cục thi hành án huyện Hải Hậu bắt buộc phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Thế nhưng trong quá trình họp với ban chỉ đạo thi hành án huyện lên phương án cưỡng chế , Chi cục thi hành án huyện Hải Hậu vẫn cố tình ” hòa giải “, ép cho khách hành của tôi nhận tiền ít hơn so với bản án mà tòa án đã quyết định, đồng thời họ cũng ép khách hành của tôi nhận phần đất với giá cao nhằm có lợi cho bên phải thi hành án. Lại một lần nữa tôi đã phát hiện ra quyết định thi hành án thiếu chính xác, trái pháp luật, họ đã không ra quyết định theo bản án của tòa án mà đã tự ý ra quyết định sai. Tiếp đó Chi cục thi hành án lại ra quyết định cưỡng chế diện tích đất không tương xứng với nghĩa vụ phải thi hành án. Họ đã tự ý ra quyết định ít hơn nghĩa vụ của bên phải thi hành án. Tôi lại tiếp tục soạn giúp đơn khiếu nại quyết định cưỡng chế và buộc Chi cục trưởng chi cuc thi hành án huyện Hải Hậu phải sửa lại quyết định cưỡng chế bất hợp lí ấy. Vụ việc đó đã nhanh chóng có kết quả và đáng mừng hơn cả mong đợi của người dân và những người biết về vụ việc đó. Tôi đã ăn, ở, làm việc tại gia đình thân chủ , thức khuya dậy sớm làm việc trong một quyết tâm sắt đá để bảo vệ cho khách hàng của mình tốt nhất ( với hàng loạt sai phạm của các vụ việc thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự Huyện Hải Hậu, văn phòng luật sư Đồng Đội đã kiến nghị với Cục thi hành án dân sự tỉnh Nam Định xử lý trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục thi hành án Hải Hậu – Cục thi hành án tỉnh đã tiếp thu và điều Chi cục trưởng lên làm chuyên viên thi hành án tỉnh).
Cũng chính thời gian ở đây, giúp người dân nơi đây, bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân “nghèo nhưng không hèn” đấy tôi đã lấy được tấm lòng yêu quý của họ. Để đến giờ nơi đó trong tâm trí của tôi vẫn là nơi có những tấm lòng biết ơn, những hình ảnh đẹp nhất và tôi coi đó như một mảnh đất đã lưu giữ một phần nào đó tâm hồn mình. Đến giờ tôi mới thấm thía lời thơ đầy cảm xúc ” Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn ” ( Tiếng hát con tàu – Chế Lan viên ).
Cũng chính nơi đây đã bắt đầu cho tôi nhiều công việc, nhiều chiến công và thu nhập cũng đáng kể. Như tiếng lành đồn xa, tôi đã sống trong lòng dân lúc nào mà không hay biết, bà con Thịnh Long đã đặt cho tôi cái tên khác cái tên của bố mẹ tôi đặt cho tôi, tôi còn nhớ mãi câu hỏi bình dân của mọi người hỏi nhau rằng: ông “Tiên” có về ăn Tết không ? Mọi người đã quan tâm đến tôi như ân nhân của họ, họ đã đem từng con cua, con cá ngoài biển khơi đi đánh bắt được “ góp” bữa ăn, vì nhiều người nhờ tôi muốn tôi ăn cơm để tỏ lòng biết ơn và tình cảm mà họ dành cho tôi. Mọi người xúm xít nấu ăn cười nói vui vẻ bàn câu chuyện xưa nay hiếm là đòi được nợ nhanh, đòi được cả gốc lẫn lãi, đòi được cả lãi do chậm thi hành án. Quả là những chuyện mà bấy lâu nay những người dân nghèo nơi đây không dám nghĩ tới. Tiếp xúc ăn, ở với dân mới biết được dân khổ như thế nào khi đi kiện tại tòa, họ không biết quyền của mình nộp đơn đến tòa như thế nào, họ phải theo một lối quen là “dấm dúi”, “đi lại” với thẩm phán, đưa đơn cho thẩm phán thì thẩm phán cứ “ngâm” vô tư hồ sơ ( không vào sổ sách mà bỏ vào tủ khi nào dân ‘ biết điều’ họ mới đưa cho thư ký vào sổ). Đây là kiểu tiêu cực “ đẹp “ vì họ không đòi nhưng biết điều thì họ thụ lý bằng không họ im lặng . Biết được điều đó là do ở cùng, ăn cùng người dân nên tôi đã tư vấn cho họ cái quyền khởi kiện và cách thức gửi đơn ( phải gửi trực tiếp, gửi qua bưu điện có bảo đảm gửi cho chánh án và gửi cho cả Viện Kiểm át cùng cấp nữa ). Thế là các thẩm phán phải thụ lý theo sự phân công của tố tụng dân sự mà không thụ lý như kiểu có tiền thì làm không có thì để đấy. Người dân đã biết ơn nhiều từ một tư vấn đơn giản đó và quyền lợi của họ tại tòa. Cứ như thế nhiều yêu cầu của khách hàng nông dân lần lượt đến với tôi.
Tôi là luật sư “nông dân” bởi tôi biết người dân nghèo không có tiền gọi điện thoại, mà có thì cũng xót của khi gọi cho luật sư để trao đổi khi không gặp trực tiếp được, tôi đã có thói quen tắt máy gọi lại cho khách hàng của mình ( tôi có 3 số gọi không hạn chế thời gian thuê bao tháng của 3 mạng ) với suy nghĩ là tiết kiệm cho khách hàng từng đồng tiền lẻ, giúp họ tiết kiệm được chừng nào hay chừng đấy.
Tôi đã có nhiều việc ở đó nên tôi đi một lần cho nhiều việc, chính vì thế mà tôi có thể giảm chi phí đi lại để rồi tôi cũng có công từ những người dân nhờ tôi phí luật sư thấp. Thực sự thì tôi cũng đã không quá đề cao tiền phí mà đa phần là lấy công sau khi có kết quả và chỉ lấy một khoản chi phí thấp để làm việc ban đầu .Vậy nên người dân quá yên tâm tin tưởng, họ không phải giữ trong mình một tâm trạng đi chạy tiền để thuê luật sư, không lo “mất cả chì lẫn chài”.
Là luật sư “nông dân” nên tôi đã biết người dân đa phần là không biết sử dụng internet. Tôi đã giúp họ bằng cách hướng đẫn họ đến các đại lý, các quán photo xin email của chủ quán để gửi email đơn từ văn phòng luật sư soạn giúp để vừa nhanh vừa tiện lợi hơn rất nhiều khi gửi bằng con đường trực tiếp, hơn thế họ thực sự vui khi những gì nguyện vọng của mình, những thắc mắc của mình có hy vọng được giải quyết kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật. Thực sư tôi đã làm được một việc đó là kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và nhu cầu, mong muốn của nhân dân, ” biến ” những người nông dân ” chân lấm tay bùn ” trở thành những người nông dân của thế hệ mới, thế hệ @ và biết đến thứ văn minh internet.
Tôi là luật sư “nông dân” vì tôi kèm cặp con em nông dân học việc, thành luật sư tại chính văn phòng của mình mà không phân biệt giàu nghèo, cao thấp, tôi quí các em vì hiếu học, vì biết vươn lên vào giảng đường đại học và dám khẳng định bản thân ở nơi phố phường Hà Nội xô bồ, nhộn nhịp này. Tôi đã giúp các em nhiệt tình bằng kinh tế, kinh nghiệm, bằng tình cảm, bằng tấm lòng và cả sự gần gũi như con em, người thân trong chính gia đình của mình, cái quí nhất là chia sẻ kinh nghiệm giúp các em trưởng thành nhanh qua thời gian thực tập kết hợp được kiến thức lý thuyết ở nhà trường và kiến thức thực tiễn cuộc sống.
Tôi đã làm được một việc mà chính tôi cũng không ngờ tới đó là đã có rất nhiều, rất nhiều đơn xin học việc tại văn phòng. Có nhiều em đã tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp lớp học luật sư sẵn sàng vào văn phòng làm việc không lương để đổi lấy kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Tôi cũng càng vui hơn khi các em tâm huyết với sự lựa chọn của mình, không quản ngại điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn của văn phòng mà sẵn sàng làm việc với một tinh thần đầy nhiệt huyết. Và niềm vui ấy của tôi như càng được nâng lên khi có nhiều em khi còn đang là sinh viên năm nhất, năm hai đã tự tin xin học việc tại văn phòng với mong muốn tạo cho mình nền tảng kiến thức vững chắc và lo xa cho tương lai của mình. Chính điều đó làm tôi thêm yêu quý các em hơn. Và cũng chính niềm vui đó giúp cho tôi có thêm động lực để truyền thụ cho các em kinh nghiệm, kĩ năng nghề nghiệp để tạo dựng cho mình một nguồn nhân lực đáng kể trong tương lai, vừa hồng vừa chuyên và chung tay hợp sức cùng tôi để làm nên tên gọi trìu mến ” Văn phòng luật sư Đồng Đội”
Thì ra thế, luật sư “nông dân” đối với tôi là thế, cái tên vui vui mà tôi tự đặt cho mình cũng có nhiều ý nghĩa và ẩn ý đấy nhỉ ? Những việc làm của tôi trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ luôn gắn liền với những người dân, đặc biệt là người dân nghèo, giúp đỡ họ hết sức bằng tâm lực và trí lực có thể. Tôi thực sự vui với cái tên gọi ấy, nó nhắc nhở tôi một chân lí, một lẽ sống để đời, nó cho tôi một bài học có giá trị đó là làm việc, hành nghề không phải vì tiền mà là vì tình người, vì những giá trị tinh thần còn quý giá hơn cả vật chất. Nó nhắc nhở tôi rằng nhiệm vụ của nghề luật sư là phải đem lại công bằng, công lí cho xã hội, đem lại những lợi ích thiết thực cho thân chủ mình và hơn thế nữa đem lại quyền lợi xứng đáng cho những số phận những người nông dân “chân lấm tay bùn” hiện đang chiếm gần 80% dân số Việt Nam. Để rồi mãi mãi về sau tôi vẫn là người luật sư như thế, tôi yêu cái nghề của tôi, tôi làm việc và sống cùng cái nghề cao quý này và tôi vẫn mãi sẽ là một luật sư vì người nghèo vì những người kém may mắn.
Tháng 8/2012
Luật sư Trần Xuân Tiền
2 Bình luận
Bài viết rất hay về người Luật sư tâm huyết
Cái cốt lõi của nghề luật sư là phải giữ được niềm tin vào công lý, tôn trọng pháp luật và sự thật khách quan, duy trì lòng yêu thương đối với con người. Cảm ơn luật sư về một bài viết hết sức sâu sắc, chia sẻ một phần khó khăn và tâm huyết trong nghề.