Tôi và chồng cưới nhau được 5 năm. Gần đây tôi phát hiện chồng tôi ngoại tình với người phụ nữ khác. Từ khi cưới nhau, tôi chỉ ở nhà làm nội trợ, chồng tôi ra ngoài kiếm tiền. Nếu ly hôn, tài sản vợ chồng tôi sẽ được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định:
Việc giải quyết tài sản của vợ chồng do các bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố:
Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng, Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Theo đó, lao động của vợ, chồng trong gia đình là một trong những yếu tố để xem xét chia tài sản chung vợ chồng. Và một điểm mới của Luật hôn nhân và gia đình 2014 bảo vệ quyền lợi chủ yếu là của người phụ nữ đã chỉ rõ “công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.” (Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Như vậy, việc bạn ở nhà nội trợ không có nghĩa với việc bạn không tạo ra thu nhập và không đóng góp để tạo nên tài sản chung vợ chồng.
Công việc nội trợ của bạn là hoạt động tạo ra thu nhập cho gia đình, là cơ sở để bạn thỏa thuận với chồng thống nhất chia tài sản chung vợ chồng hoặc nếu không thỏa thuận được với chồng, bạn có thể yêu cầu Tòa giải quyết. Nhưng bạn cũng cần lưu ý, tài sản chung của vợ chồng được chia như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đã đưa ra ở trên và Tòa sẽ xem xét về mức độ thực hiện công việc nội trợ của bạn để đánh giá công sức đóng góp của bạn vào việc tạo lập tài sản chung để chia tài sản cho vợ chồng bạn.
Quy định “công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập” là một điểm mới quan trọng của Luật HN&GĐ 2014. Trước khi có Luật HN&GĐ 2014, không có quy định cụ thể về vấn đề này, người phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi, bởi nếu chỉ ở nhà làm nội trợ, người phụ nữ thường phải ra đi “tay trắng” khi ly hôn. Quy định mới này bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng khi ly hôn, bảo vệ quyền lợi của những người phải từ bỏ công việc xã hội của mình thực hiện công việc nội trợ, dù họ không tạo ra thu nhập trực tiếp nhưng công việc này đóng góp một phần không nhỏ trọng việc làm ra kinh tế gia đình.
Tác giả bài viết: Thiều Thị Vân Anh
Nguồn tin: Văn phòng luật sư Đồng Đội