Việc giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án tuy rất quan trọng nhưng đây mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Trong giai đoạn này, Tòa án mới chỉ làm rõ các tình tiết của vụ việc dân sự và áp dụng các quy phạm pháp luật để đưa ra bản án, quyết định. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của các đương sự đã được Tòa án quyết định muốn trở thành hiện thực phải thông qua quá trình thi hành án, đây là giai đoạn cuối cùng trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự (người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan). Bản án, quyết định của Tòa án chỉ có ý nghĩa nếu quá trình thi hành án được thực hiện. Trong quá trình thi hành án dân sự cơ quan thi hành án đôi khi chỉ quan tâm quyền lợi của người được thi hành án mà bỏ qua hoặc xâm phạm vào quyền và lợi ích của người phải thi hành án dân sự cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cũng chính vì vậy mà thi hành án dân sự là quá trình khó khăn và phức tạp nhất, trên thực tế không ít trường hợp thi hành án rơi vào bế tắc cơ quan thi hành án không thi hành án được vì xâm phạm về quyền lợi của người phải thi hành án dẫn đến việc thi hành án hết sức khó khăn, đương sự không đòi được quyền lợi. Thế nhưng, cũng không ít trường hợp trong quá trình tổ chức thi hành án có rất nhiều sai phạm của cơ quan thi hành án dân sự đã gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền và lợi ích của người dân khiến họ lâm vào đường cùng phải lấy mạng sống của mình ra để phản đối những hành vi trái pháp luật đó, thế nhưng đến giờ vụ việc vẫn đi vào ngõ cụt gây ra bao khổ cực cho người dân. Sau đây là vụ việc ở xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông nội dung vụ việc như sau:
Theo quyết định của Tòa án, gia đình ông Phạm Ngọc Hòa (thôn Đắk Lập, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là bên phải thi hành án trả nợ cho Ngân hàng Sacombank chi nhánh tỉnh Đắk Nông 292.757.000đ và án phí 7.319.000đ và ông Phạm Ngọc Bích, bà Nguyễn Thị Phán phải trả nợ cho Ngân hàng Sacombank Chi nhánh tỉnh Đăk Nông và bà Lê Thị Hồng Vân. Sau nhiều lần gặp phía ngân hàng, gia đình ông Hòa có nhiều phương án xin trả nợ nhưng không được ngân hàng chấp thuận dẫn đến việc bị cưỡng chế kê biên khiến gia đình ông Hòa mất hết uy tín không còn khả năng trả nợ.
Khi tiến hành thủ tục thi hành án đối với ông Hòa, Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã kê biên toàn bộ 05 lô đất và đưa ra bán 03 lô trong đó có cả căn nhà mà gia đình ông Hòa đang sinh sống ổn định (không phải là tài sản duy nhất) với giá trị thực tế thời điểm đó lớn hơn nhiều lần khoản tiền mà ông Hòa phải trả cho ngân hàng, điều này Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã vi phạm vào Khoản 1 Điều 8 Nghị định 58 của Chính phủ về hướng dẫn Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 95 Luật thi hành án dân sự năm 2008.
Đối với ông Bích, bà Phán, Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã kê biên lô đất của bà Trần Thị Cúc người không phải thi hành án để xử lý. Hơn nữa trong khối tài sản bị cưỡng chế kê biên của ông Hòa, ông Bích, bà Phán có cả phần tài sản của ông Phạm Văn Hường là con trai của ông Bích, bà Phán và là em trai của ông Hòa. Việc làm này của Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã vi phạm nghiêm trọng quá trình thi hành án về xác minh tài sản dẫn đến việc bán tài sản của người không phải thi hành án.
Ngày 11/1/2011, khi kê biên tài sản của gia đình ông Hòa, Chấp hành viên đã mời đại diện các cơ quan để trực tiếp định giá những tài sản đã kê biên. Lợi dụng việc kém hiểu biết pháp luật của gia đình ông Hòa, Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã ép gia đình ông Hòa thỏa thuận ngay mà không hề hướng dẫn và cho thời gian thỏa thuận theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 là 07 ngày làm việc, giá đưa ra thỏa thuận thực chất là do Chấp hành viên ép gia đình ông Hòa thỏa thuận. Ban đầu, Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô định giá bán tài sản của gia đình ông Hòa với giá thấp, sau đó mang ra bán tại Chi cục mà không thông qua tổ chức bán đấu giá. Khi bị gia đình ông Hòa khiếu nại Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô vì kê biên thiếu tài sản nên Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã tiến hành xác định giá lại theo khung giá nhà nước năm 2010 nhưng 06 tháng sau mới tổ chức bán đấu giá điều này là vi phạm, là hành vi không thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô. Sau đó tự ý lựa chọn tổ chức đấu giá, trái với lựa chọn mà gia đình ông Hòa và Ngân hàng đã thỏa thuận, rồi liên tục hạ giá bán và tìm người quen để mua khối tài sản rất rẻ so với giá thị trường bất chấp sự phản đối của gia đình ông Hòa.
Sai phạm nối tiếp sai phạm, từ ngày 02/2/2013 đến ngày 09/11/2013, gia đình ông Hòa không hề nhận được bất cứ văn bản nào có liên quan đến việc thi hành án việc này đã được cô Mai Thị Tho – bưu tá xã Đăk Drô xác nhận với gia đình ông Hòa. Thế nhưng, không biết vì lý do gì Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô lại có được xác nhận của bưu điện bằng một bản photo tờ ký nhận có đóng dấu của bưu điện, khi gia đình ông Hòa yêu cầu đưa bản gốc sổ ký nhận bưu phẩm nhưng cơ quan này không đưa ra được rõ ràng đã có hành vi gian dối, giả mạo để che giấu sai phạm. Do không được tống đạt các văn bản có liên quan đến thi hành án khiến gia đình ông Hòa bị ộng, không có sự chuẩn bị để thực hiện theo đúng thủ tục thi hành án mà pháp luật quy định. Thủ tục bán đấu giá tài sản gia đình ông Hòa tại Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Đắk Nông có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng: không có sự tham gia của Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô, bán nhầm tài sản, không nêu đủ thông tin về tài sản, không mời Viện kiểm sát kiểm sát tham gia phiên bán đấu giá, người mua đấu giá vi phạm quy chế bán đấu giá, đến muộn thời gian quy định, rời thời gian bán đấu giá trái quy định, có sự thông đồng, dìm giá tài sản của người mua tài sản, giá trúng đấu giá thấp hơn giá nhà nước quy định.
Sai từ trên xuống dưới:
Chấp hành viên có nhiều sai phạm nhưng ngay cả đến Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô – Lê Khắc Thu cũng có nhiều sai phạm không kém. Cụ thể vào ngày 17/11/2015, sau buổi tiếp dân anh Hòa, anh Hường và luật sư đến quán cafe gần Chi cục thi hành án nghỉ uống nước một lát thi ông Lê Khắc Thu ăn mặc trang phục thi hành án to tiếng, đe dọa gia đình ông Hòa trước sự chứng kiến của Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội và nhiều người khác vì gia đình ông Hòa có làm đơn trình báo gửi các cơ quan hữu quan về việc ông Thu làm “cò” ngân hàng và đã nhận 5 triệu đồng của gia đình ông Hòa để giúp gia đình ông Hòa vay tiền từ ngân hàng. Qua tiếp xúc, trao đổi Văn phòng Luật sư Đồng Đội còn nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc ông Lê Khắc Thu có hành vi móc nối với ngân hàng, lợi dụng sự khó khăn và thiếu hiểu biết của người dân để môi giới vay tiền ngân hàng và ăn chặn. Ông Thu còn có hành vi cho vay nặng lãi, dùng vũ lực, đe dọa người dân để đòi tiền nợ.
Bức xúc vì quyền lợi bị xâm phạm, gia đình rơi vào tình cảnh khốn cùng, gia đình ông Hòa đã gửi đơn khiếu nại tố cáo đến tất cả các cơ quan có thẩm quyền nhưng các cơ quan đều không giải quyết chỉ nghe báo cáo từ một phía không ra thông báo thụ lý, không gặp người khiếu nại tố cáo để giải quyết, không coi trọng căn cứ pháp luật và bằng chứng do người khiếu nại tố cáo cung cấp, chỉ có một câu sai phạm về thủ tục “không ảnh hưởng gì” và khiếu nại nhằm trốn tránh trách nhiệm, trong khi thiệt hại về kinh tế cũng như tinh thần của gia đình ông Hòa là vô cùng lớn. Với rất nhiều sai phạm của Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô nhưng cơ quan kiểm sát về hoạt động thi hành án và Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắc Nông không kiểm tra xác minh ngăn chặn việc làm trái pháp luật của Chi cục thi hành án huyện Krông Nô mà vẫn để tiến hành cưỡng chế giao tài sản trái pháp luật. Trong buổi cưỡng chế gia đình ông Hòa đã yêu cầu các cơ quan tham gia và đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Nô giải thích nhưng đại diện Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã không giải thích được và bỏ đi nơi khác, không trả lời chất vấn của gia đình ông Hòa khi đó Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đại diện là ông Chi cục trưởng Lê Khắc Thu và Chấp hành viên Lê Ánh Dương không giải thích, không thuyết phục động viên người bị cưỡng chế mà ông Thu – Chi cục trưởng còn ra lệnh đọc quyết định cưỡng chế. Vì quá bức xúc và để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình gia đình ông Hòa đã đổ xăng tự thiêu để phản đối việc làm trái pháp luật của Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô.
Trong quá trình thi hành án gia đình ông Hòa vẫn chăm sóc khối tài sản bị kê biên cho đến nay, khối tài sản này theo giá thị trường hiện nay khoảng ba tỷ đồng. Vào thời điểm bán đấu giá giá trị theo thị trường khoảng hơn hai tỷ. Đây là thành quả lao động của gia đình ông Hòa phải được xác định giá lại nhưng Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô lại tiếp tục ra thông báo cưỡng chế tài sản gia đình ông Hòa giao cho người mua đấu giá vào ngày 03/11/2015 là quá vội vàng, không cẩn trọng, không xem xét tới công sức của người dân và lý do tại sao người dân lại có những phản ứng quyết liệt trước hành động của cơ quan nhà nước. Việc tiếp tục cưỡng chế này thể hiện sự yếu kém trong công tác giáo dục, thuyết phục của các cấp chính quyền, có thái độ coi thường quyền lợi người dân, đẩy người dân vào bước đường cùng, khiến họ phải nghĩ tới cái chết để giải thoát.
Sự việc rơi vào bế tắc, tưởng chừng như mất trắng tài sản gia đình ông Hòa đã tìm đến Văn phòng Luật sư Đồng Đội – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Sau khi nghiên cứu diễn biến vụ việc, căn cứ các qui định của pháp luật, văn phòng đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan hữu quan, gửi văn bản kiến nghị đến Cục thi hành án dân sự tỉnh Đăk Nông về việc “Không nhất trí đối với văn bản trả lời kiến nghị” số 13/CV-LSĐĐ ngày 21/1/2016. Kiến nghị số 12/CV-LSĐĐ ngày 21/1/2016 về việc “đề nghị giải quyết công việc” gửi Bộ trưởng Bộ Tư Pháp. Kiến nghị về việc “Phản ánh thông tin” gửi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông số 16/CV-LSĐĐ ngày 29/1/2016 với nội dung: “Vụ việc của gia đình anh Phạm Ngọc Hòa đã kéo dài trong nhiều năm, gây khiếu kiện kéo dài và tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Điều đó xuất phát từ những yếu kém trong công tác thi hành án và những hành vi có biểu hiện vi phạm đạo đức cán bộ, đảng viên, chấp hành viên của cá nhân Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô – Lê Khắc Thu. Đồng thời, một phần do thái độ thờ ơ, làm việc một cách qua loa để bao che cho cấp dưới của Cục thi hành án dân sự tỉnh. Khi có đơn thư khiếu nại của người dân và kiến nghị của luật sư, Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắc Nông đã không nghiêm túc xem xét, không thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin mà vội vàng kết luận, bác bỏ nội dung đơn thư thể hiện thái độ quan liêu, coi thường quyền lợi của người dân, không có thái độ đúng đắn để xây dựng và củng cố chính quyền.
Tiếp thu kiến nghị của Văn Phòng Luật sư Đồng Đội, Văn phòng Tỉnh ủy có thông báo số 556-TB/VPTU ngày 19/2/2016: “Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc phản ánh thông tin của Văn phòng luật sư Đồng Đội” với những ý kiến chỉ đạo: “Giao Ban nội chính Tỉnh ủy nghiên cứu, kiểm tra, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định (có văn bản kèm theo). Văn phòng Tỉnh ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để Ban nội chính tỉnh ủy và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện”. Tuy đã có những chỉ đạo sát sao, kịp thời nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Trong quá trình trợ giúp pháp lý cho gia đình ông Hòa, không chỉ có công văn kiến nghị mà luật sư còn trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, Viện kiểm sát,… Nhờ có luật sư tham gia mà sự việc đã thay đổi hoàn toàn cục diện, những công văn của Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã có sức công phá mạnh “đánh” vào đúng những sai phạm của cơ quan thi hành án dân sự, chính vì vậy Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Nô đã ra hoãn cưỡng chế thi hành án, mở ra tia hy vọng cho gia đình ông Hòa.
Ông Lê Khắc Thu đã bị điều chuyển công tác lên Cục thi hành án tỉnh Đăc Nông làm Phó phòng nghiệp vụ; việc này là hoàn toàn hợp lý tuy nhiên cần phải có những hình thức kỉ luật nghiêm khắc hơn nữa, để làm gương răn đe đối với các cán bộ khác. Ông Hường là con trai ông Bích, bà Phán, là em trai ông Hòa đã có đơn khởi kiện và được Tòa án nhân dân huyện Krông Nô thụ lý số 06/2016/TLST-DS ngày 15/1/2016 về “Kiện yêu cầu phân chia tài sản liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Trong quá trình xét xử sơ thẩm, Tòa án đã yêu cầu ông Hường nộp tiền định giá tài sản. Nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông Hường đã có đơn xin “khất”, thế nhưng Thẩm phán Lê Thị Tím đã Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự Tòa án nhân dân huyện Krông Nô số 32/2016/QĐST-DS ngày 14/9/2016 với lý do gia đình ông Hường không nộp tiền định giá tài sản, việc làm này hoàn toàn sai vì bản chất xin “khất” và không nộp tiền là hoàn toàn khác nhau. Ông Hường đã kháng cáo đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã thụ lý kháng cáo chưa ra quyết định cuối cùng.
Qua vụ việc, không những gia đình ông Hòa mà ngay cả những người mua tài sản cũng bức xúc không kém, tiền thì đã trao nhưng đến nay đã 3 năm mà vẫn không nhận được tài sản. Thế mới thấy người mua phải thật sáng suốt hãy coi chừng đừng vì ham rẻ, không tìm hiểu thông tin kĩ càng để rồi tiền mất tật mang. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần có những biện pháp giáo dục giúp người dân nâng cao hiểu biết để tránh những vụ việc như vậy khiến người dân khổ sở, chính quyền cũng phải đau đầu giải quyết.
Hy vọng với sự trợ giúp pháp lý của Văn phòng Luật sư Đồng Đội các cấp các ngành cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, dứt điểm, hợp tình hợp lý và đặc biệt xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm trong quá trình thi hành án, trả lại công bằng cho người dân, để họ yên tâm phát triển kinh tế.
1 phản hồi
Bài hay, đáng đọc.