Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực ngày 1/7/2010, những vụ án hành chính tuy mới mẻ nhưng cũng đã bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn. Luật Tố tụng hành chính được hướng dẫn thi hành theo Nghị quyết 56/2010/QH12 tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận với pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trước khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được căn cứ theo “Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính”. So với pháp lệnh đó, thì Luật Tố tụng hành chính đã mở rộng ra rất nhiều về phạm vi đối tượng, quyết định hoặc hành vi hành chính.
Chính vì sự khá mới mẻ của các vụ án hành chính, nhiều người dân tuy muốn bảo vệ quyền lợi của mình nhưng vẫn gặp những khó khăn, một trong số đó là phải gửi đơn lên tòa án nào. Việc nắm được thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án là điều rất quan trọng khi quyết định khởi kiện vụ án hành chính.
Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án được quy định tại điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015; hầu hết các hành vi, quyết định hành chính đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ một số trường hợp đặc biệt. Điều 31 và 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định lần lượt thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh.
Trong khi Luật Tố tụng hành chính 2010, Điều 29 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện; thì đến Luật Tố tụng hành chính 2015 đã quy định lại việc giải quyết các hành vi, quyết định hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện thuộc về Tòa án cấp tỉnh. Đây là một sự thay đổi mang tính quan trọng, thúc đẩy sự minh bạch, công khai trong công tác xét xử. Thẩm phán Tòa cấp tỉnh sẽ không phải chịu những áp lực vô hình như Thẩm phán Tòa cấp huyện, tạo điều kiện để Thẩm phán có thể tuân theo nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật để giải quyết vụ án một cách chính xác nhất.
Có thể nói tới một vụ án hành chính ở thành phố X, huyện Y. Ông A là chủ sở hữu của một mảnh đất số 20, huyện Y, có giấy tờ hợp pháp đầy đủ. Tuy nhiên, UBND huyện Y vẫn ra quyết định cho một công ty B thuê một diện tích đất, trong đó bao gồm cả mảnh đất của ông A. Với những lý do không có căn cứ, UBND huyện Y đã nhiều lần bác bỏ đơn khiếu nại của ông A, thậm chí còn có dấu hiệu thông đồng với Phòng tài nguyên môi trường huyện Y có những hành vi gian dối, thiếu minh bạch như “không tìm thấy hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông A với chủ sở hữu trước đó” … Sau nhiều lần khiếu nại, kêu oan không thành, ông A buộc phải gửi đơn khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện Y. Tuy nhiên, do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ông đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân huyện Y (Tại thời điểm đó Luật Tố tụng hành chính 2010 vẫn còn hiệu lực) và phán quyết tại phiên tòa sơ thẩm của Thầm phán Tòa án huyện Y tuyên bố quyết định của UBND huyện Y là không có gì sai phạm. Quá bức xúc, ông A quyết định tìm đến luật sư và gửi đơn kháng cáo lên Tòa án thành phố X. Sau quá trình đấu tranh dai dẳng, cuối cùng chiến thắng đã giành cho ông A tại phiên tòa phúc thẩm, quyết định của UBND huyện Y bị hủy bỏ, quyền sở hữu đất được trả lại cho ông A. Tóm lại, so với Luật Tố tụng hành chính 2010, Luật Tố tụng hành chính 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng và hợp lý về Thẩm quyền của Tòa án trong những khiếu kiện hành chính. Những sửa đổi này thể hiện mong muốn hướng đến sự minh bạch, công tâm trong quá trình xét xử những vụ án hành chính của nhà nước; bảo đảm quyền lợi cho những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người dân, khi mà những vụ án hành chính thực chất là việc đi ngược lại ý chí của những người đại diện cho nhà nước.
Đặng Minh Nam