LUẬT SƯ VÀ VAI TRÒ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Trong các nhà nước pháp quyền hiện nay, quyền bào chữa và quyền được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp là một trong những quyền cơ bản của công dân; quyền đó thường được thể hiện ngay trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các văn bản luật rằng: công dân có thể tự bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc nhờ người khác bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Toà án. Từ việc nhờ người khác bào chữa, luật sư và nghề luật sư xuất hiện để đáp ứng nhu cầu được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, chỉ những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và nhà nước trước tòa án và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Trong các lĩnh vực hoạt động của luật sư, bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự là một hoạt động đóng vai trò quan trọng. Trong quá trình giải quyết vụ án, để thực hiện hoạt động này luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Quy định của pháp luật về hoạt động bảo vệ quyền lợi cho đương sự của luật sư trong vụ án hình sự
Khoản 1, Điều 59 BLTTHS 2003 quy định: “Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình”. Mặc dù điều luật trên quy định người bảo vệ quyền lợi của đương sự bao gồm nhiều chủ thể tuy nhiên trên thực tế người bảo vệ quyền lợi đương sự trong tố tụng hình sự hiện nay chủ yếu là luật sư.
Như vậy, trong tố tụng hình sự luật sư có thể tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự (theo cách quy định của Khoản 1 Điều 59 BLTTHS 2003 đương sự bao gồm người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự). Khoản 1 Điều 22 Luật luật sư 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2012) cũng quy định như sau về phạm vi hành nghề của luật sư: “Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.”
Tuy nhiên khi nhắc đến luật sư nhiều người thường nghĩ đến vai trò gỡ tội cho người bị buộc tội, tức là vai trò bào chữa hơn là vai trò tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Chính vì hai vai trò này đều gắn với người luật sư nên trong thực tế hai chủ thể tố tụng là người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự thường bị nhầm lẫn với nhau. Việc chưa có cách hiểu chính xác về người bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng như phạm vi tham gia tố tụng của chủ thể này dẫn đến chưa làm rõ được vai trò, tầm quan trọng của người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong tố tụng hình sự.
Xét về chức năng và đối tượng bảo vệ, trong khi người bào chữa tham gia tố tụng chủ yếu để chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, tức là những người bị buộc tội, thì người bảo vệ quyền lợi cho đương sự tham gia tố tụng chủ yếu là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về dân sự cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Luật sư với tư cách người bảo vệ quyền lợi của đương sự (sau đây chỉ gọi là luật sư) có quyền tham gia tố tụng từ giai đoạn khởi tố bị can (khoản 2 Điều 59 BLTTHS 2003). Khi tham gia tố tụng với tư cách này, luật sư có quyền bình đẳng trước Tòa án trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Ngoài ra, luật sư còn có các quyền và nghĩa vụ được Khoản 3, 4 Điều 59 BLTTHS quy định dành cho người bảo vệ quyền lợi của đương sự:
- Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền:
- a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- b) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;
- c) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà; xem biên bản phiên tòa;
- d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này.
Đối với đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
- Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có nghĩa vụ:
- a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật của vụ án;
- b) Giúp đương sự về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Khi tham gia tố tụng tại phiên tòa, luật sư có quyền được tiến hành xét hỏi và được phát biểu ý kiến khi tranh luận. Tuy nhiên, khi xét hỏi bị cáo, vì vị trí của luật sư trong trường hợp này là người bảo vệ quyền lợi của đương sự nên luật sư chỉ có quyền hỏi về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự (khoản 3 Điều 209 BLTTHS 2003). Tương tự, khi hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, luật sư cũng chỉ được hỏi những tình tiết liên quan đến các chủ thể này (Điều 210 BLTTHS 2010). Khi phát biểu ý kiến tại phiên tranh luận, luật sư trình bày và bổ sung ý kiến sau khi đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 217 BLTTHS 2003).
So với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 mặc dù chưa có hiệu lực nhưng đã mở rộng quyền cho người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, đương sự (đương sự theo quy định của BLTTHS 2015 bao gồm: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự). Theo đó, luật sư sẽ có thêm các quyền: Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Yêu cầu giám định, định giá tài sản; Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra; Kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Ngoài ra, trong quá trình tố tụng luật sư còn có quyền được thông báo khi cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra và sau khi có kết luận điều tra, được thông báo khi VKS ra một trong số các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can;…
Thực tiễn hoạt động của luật sư với vai trò bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự
Trong những năm gần đây, kỹ năng tranh tụng của luật sư được phát triển tương đối đồng đều, vai trò của luật sư tại phiên tòa đã thực sự góp phần giúp cho tòa án xét xử công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không ít phiên tòa, thông qua phần xét hỏi hoặc tranh luận của luật sư làm sáng tỏ nhiều tình tiết có thể làm thay đổi nội dung vụ án hoặc phổ biến hơn, những tình tiết mà luật sư tham gia làm rõ ấy, có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trước pháp luật mà nếu không có luật sư thì họ có thể sẽ bị thiệt thòi, không được tòa án xem xét.
Riêng đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự, vai trò của luật sư được thể hiện rõ ràng, đặc biệt được chứng minh trong những vụ án nghiêm trọng mà hành vi phạm tội gây ra những tổn thất lớn về tài sản. Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản Huỳnh Thị Huyền Như – một vụ án gây tác động lớn đến dư luận thời gian gần đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Viettinbank đã phải nhờ tới 5 luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Dù pháp luật quy định tương đối rõ ràng nhưng trong thực tiễn tố tụng, nhiều chủ thể chưa nhận thức rõ phạm vi tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền lợi của đương sự, ngay cả các luật sư – người đảm nhận vị trí này cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, khi tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị đơn dân sự, luật sư có quyền tham gia phiên toà, trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà nhưng chỉ trong phạm vi bảo vệ quyền lợi của bị đơn dân sự, cụ thể là bác bỏ hoặc giảm nhẹ yêu cầu bồi thường do nguyên đơn dân sự đưa ra. Bởi theo quy định của BLTTHS, bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, ví dụ: Cha mẹ bị cáo là người chưa thành niên phải bồi thường những thiệt hại do bị cáo gây ra; pháp nhân hoặc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội phải bồi thường thiệt hại do nhân viên hoặc cán bộ của mình gây ra trong trương hợp thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao. Vì vậy khi bảo vệ quyền lợi cho bị đơn dân sự, luật sư chỉ có quyền liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Nhưng trường hợp này có luật sư lại kiêm luôn vai trò bào chữa gỡ tội cho bị cáo, khi phát biểu ý kiện tranh luận tại phiên tòa thì không đi đúng trọng tâm nhiệm vụ của mình mà vượt quá phạm vi bảo vệ, không tuân thủ các quyền mà pháp luật trao cho người bảo vệ quyền lợi của đương sự, trái với các quy định của Bộ luật TTHS và Luật Luật sư về phạm vi hoạt động của luật sư. Thực tế này cho thấy yêu cầu đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư để quá trình tố tụng đạt hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ các vụ án hình sự có luật sư tham gia với vai trò người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự hiện nay ở nước ta còn rất thấp. Các quyền và nghĩa vụ của chủ thể này đã được nghiên cứu và mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế và chưa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự. Do đó, cần xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án hình sự đồng thời tăng cường nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để đưa ra những quy định pháp luật đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.