Có không ít những người đã từng nói về sự bất công trong cuộc sống, thậm chí còn có người khẳng định “cuộc sống là một chuỗi các sự bất công”. Tôi đã từng nghĩ những con người như thế thật cực đoan và thiếu niềm tin vào cuộc sống, nhưng càng trải nghiệm và tiếp xúc với “đời”, thì dường như những ý kiến trên không hề sai. Bởi lẽ, chẳng có sự đúc rút nào lại không xuất phát từ những trải nghiệm, chẳng há gì mà người ta lại đưa ra những câu nói không mấy tốt đẹp nêu trên.
Dẫn chiếu những điều này ra đây không phải vì mục đích bàn luận về sự công bằng hay bất công trong cuộc sống, càng không có ý định lên án bất cứ một cá nhân, hay tổ chức nào mà đơn thuần chỉ muốn chia sẻ một câu chuyện về sự nghiệt ngã của cuộc sống, và sự đấu tranh mạnh mẽ của một con người khi phải đối mặt với những sự bất công – đó chính là câu chuyện về viên chức tập sự của Đại học Y Hà Nội như chúng tôi đã đưa tin trước đó – chị Phạm Thị Vân nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại với Trường Đại học Y Hà Nội.
Chị Phạm Thị Vân vào làm việc tại Trường Đại học Y Hà Nội theo Quyết đính số 363/QĐ – ĐHYHN ngày 14/02/2011. Ngày 18/02/2011 giữa chị Vân và Trường Đại học Y Hà Nội ký kết Hợp đồng làm việc lần đầu, theo đó chị Vân sẽ tập sự 01 năm từ ngày 01/02/2011 đến 01/02/2012 tại Trung tâm khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường Đại học Y Hà Nội. Chị bắt đầu công việc của một nhân viên tập sự với đầy nhiệt huyết cống hiến, luôn hết lòng vì công việc. Hơn thế nữa, vì đã từng đảm nhiệm vị trí tương đương tại Đại học FPT, đồng thời được đào tạo bài bản về chuyên ngành Đảm bảo chất lượng tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và đã hoàn thành chương trình thạc sĩ về chuyên ngành này nên chị Vân dù chỉ là một nhân viên tập sự nhưng rất vững về chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm làm việc ở vị trí này.
Mặc dù thời gian đầu tập sư không có người hướng dẫn, vị trí ngồi làm việc bị cô lập với các nhân viên khác (bởi chị được phân công ngồi một mình ở phòng làm việc) nhưng với những kinh nghiệm vốn có và sự nhiệt huyết với nghề chị Vân luôn tìm tòi học hỏi, tự nghiên cứu tài liệu và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thêm vào đó, vì là người duy nhất trong Trung tâm được đào tạo bài bản về chuyên ngành đảm bảo chất lượng nên chị Vân thường xuyên có nhiều đóng góp xây dựng cho các hoạt động của trung tâm và nhà trường.
Có thể nhận thây một điều rằng việc tập sự ở các Cơ quan nhà nước xưa nay hiếm có trường hợp nào không đạt yêu cầu và bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Chị Vân là trường hợp hi hữu, trong khi các tập sự khác mới “chân ướt chân ráo” vào nghề thì chị đã có cả một nền tảng vững chắc về kinh nghiệm và chuyên môn, vậy câu hỏi đặt ra tại sao chị Vân vẫn bị chấm dứt hợp đồng làm việc với lý do chị không đạt yêu cầu với vị trí đảm nhiệm? Phải chăng tiêu chuẩn tuyển chọn viên chức của Trường Đại học Y Hà Nội ngoài năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm còn những yếu tố khác?
Hành trình khó khăn của chị Vân chưa dừng lại ở đó, sức ép từ những sự bất lợi trong công việc thêm vào đó là những khó khăn trong cuộc sống gia đình, con nhỏ (24 tháng tuổi), chồng thường xuyên phải đi công tác xa. Nên một tay chị Vân vừa chăm sóc gia đình, vừa nỗ lực hoàn thành tốt công việc ở trường, với đặc thù công việc chị Vân chia sẻ rằng rất nhiều hôm chị phải làm ngoài giờ, đi sớm về muộn nhưng chị chưa một lần than phiền. Bởi với chị công việc chính là niềm đam mê, là tâm huyết, là cái đích mà chị hướng đến trong suốt nhiều năm, nên chị nghĩ chỉ cần cố gắng thì “trời sẽ không phụ lòng người”.
Những tưởng chỉ cần năng lực, kinh nghiêm và sự nhiệt huyết với nghề đã là đủ nhưng không với môi trường “đặc biệt” như Trường Đại học Y Hà Nội thì có lẽ chị Vân còn cần nhiều hơn thế. Có bao giờ tồn tại một học sinh chăm ngoan, học giỏi mà lại luôn đứng bên bờ vực bị đuổi học hay chưa? Có lẽ chị Vân sẽ là người tiên phong bởi theo lời chị trình bày mặc dù luôn hoàn thành tốt công việc, có nhiều đóng góp nhưng chị phải chịu rất nhiều sức ép từ cấp trên, thậm chí là những lời đe dọa đuổi việc nếu không đáp ứng những yêu cầu của họ. Thực sự cuộc sống “vốn không công bằng” như lời Bill gates (Chủ tịch tập đoàn Microsoft) đã nói, nhưng tôi không nghĩ nó lại nghiệt ngã đến như vậy, tại sao sự cống hiến lại không được đền đáp xứng đáng, tại sao có “công” mà lại bị “kỷ luật”, chị Vân một nhân viên có năng lực như vậy lại phải nhận quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với lý do không đáp ứng yêu cầu của công việc.
Cái tôi của con người vốn rất lớn, mà lẽ đời người ngồi trên cao mấy ai hiểu được nỗi khổ của những người ở dưới “thấp cổ bé họng”. Họ đâu biết rằng chỉ cần một “chữ ký” thiếu căn cứ của mình cũng đủ để hủy hoại cả một hành trình cố gắng, nỗ lực của một con người. Và chị Vân chính là nạn nhận của một “chữ ký” như vậy, chị đã rất sốc, rất mất niềm tin vào cuộc sống. Hơn thế nữa thời điêm nhận quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc cũng là lúc gia đình chị bên bờ vực đổ vỡ, con còn nhỏ, công việc không có, thu nhập cũng không. Đúng như lời chị nói gần chị không còn gì vào thời điểm đó. Thậm chí đến xin một công việc mới đúng ngành được đào tạo cũng khó vì những lời nhận xét thiếu trung thực và thiếu chuyên môn được thể hiện trong hồ sơ của chị.
Nhưng trên hết chị Vân đã không cam chịu, chị đã dám đứng lên để đấu tranh đòi lại công bằng cho mình. Chị đã gửi đơn khiếu nại đến Hiệu Trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, rồi đến Bộ trưởng Bộ Y Tế nhưng những yêu cầu của chị vẫn không được giải quyết. Cực chẳng đã chị Vân mới phải gửi đơn kiện đến Tòa án yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc và bồi thường thiệt hại, Chị đã nhờ một nữ luật sư đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và cũng đã phần nào yên tâm khi được nghe những lời tư vấn của vị Luật sư này. Song, trong một vụ án mà bị đơn là cả một Trường Đại học danh tiếng như Trường Đại học Y Hà Nội thì việc bị tác động từ những thế lực bên ngoài, bị tác động bởi những mối quan hệ cũng không tránh khỏi nên vị luật sư mà chị Phạm Thị Vân đặt niềm tin đã từ bỏ vụ việc và điều này làm chị càng mơ hồ hơn về “con đường công lý”.
Nhưng một lần nữa chị lại mạnh mẽ đứng lên tiếp tục vụ kiện và viết đơn kháng cáo quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thiếu căn cứ của Tòa án nhân dân quận Đống Đa. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Vân và ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ của Tòa án trước đó. Mặc dù, hành trình đi tìm công lý cho chị Vân vẫn còn cả một chặng đường dài nhưng với quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì phần nào niềm tin đã mất ở chị Vân được khôi phục, để chị có thêm sức mạnh tiếp tục cuộc hành trình của mình với những người đồng hành mới.
Và tôi tin rằng dù cuộc sống có bất công, có nghiệt ngã đến đâu thì cũng chỉ là những thử thách để con người vượt qua, đôi khi chính những sự thiếu công bằng ấy lại là điều tạo nên sự thú vị trong cuộc sống, tạo nên sự mạnh mẽ ở một con người, là động lực để con người ta cố gắng. “Gieo nhân nào ắt sẽ gặp quả nấy” lẽ ở đời là vậy, và hãy luôn tin rằng lẽ phải luôn đứng về phía chính nghĩa, nếu bạn thực sự cố gắng, nỗ lực vượt qua những chông gai trên hành trình công lý ắt sẽ gặp được ánh sáng ở cuối con đường.
(Tất cả những nội dung đề cập trong bài viết đều trên cơ sở những thông tin chị Phạm Thị Vân cung cấp, và trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án)