Vợ hoặc chồng không có nơi cư trú ổn định thì nộp đơn ly hôn ở đâu ?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định. Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì toà án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.”
Thủ tục pháp lý trong việc ly hôn cũng liên quan đến các vấn đề như : giải quyết yêu cầu ly hôn, cấp dưỡng cho một bên vợ hoặc chồng ,nuôi con, hỗ trợ trẻ em, phân phối tài sản và phân chia các khoản nợ. Do đó, việc xác định thẩm quyền của Tòa án để giải quyết ly hôn là rất quan trọng.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện Ly hôn được quy định là tại Tòa án nơi cư trú của bị đơn. Điều này nhằm xác định thẩm quyền của Tòa án khi khởi kiện, đảm bảo cho bị đơn quyền được biết về việc khởi kiện, được thông báo, tống đạt văn bản một cách hợp lệ. Thế nhưng, có những vụ án ly hôn mà bị đơn không muốn ly hôn, cố tình vắng mặt, trốn tránh nhằm trì hoãn việc khởi kiện của nguyên đơn, gây khó khăn cho Tòa án trong việc tiến hành xét xử. Trong những trường hợp này thì nên tiến hành khởi kiện như thế nào?
Điều 40 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) quy định nơi cư trú của cá nhân như sau:
1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống.
Tuy nhiên, để xác định nơi người đó đang sinh sống là vấn đề rất phức tạp vì có những vụ án hai vợ chồng ly thân trong thời gian dài, cả hai không biết thông tin gì về nhau, cũng không có thiện chí hợp tác khi ly hôn.
Do vậy, tại Khoản 1, Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (TTDS) đã quy định về trường hợp được lựa chọn Tòa án của nguyên đơn bao gồm trường hợp: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Với quy định này, pháp luật đã tạo điều kiện để nguyên đơn, người yêu cầu và cả Toà án có cơ sở giải quyết.
Trong thực tiễn xét xử những năm qua, Tòa án thường xét theo đơn xác nhận cư trú của cảnh sát khu vực. Nếu trong đơn xác nhận là bị đơn vẫn còn sinh sống tại nơi cư trú (tức nơi đăng ký thường trú tạm trú) thì Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án. Còn ngược lại xác nhận không rõ nơi cư trú của bị đơn thì Tòa thường tạm đình chỉ để xác minh địa chỉ thậm chí trả lại đơn khởi kiện. Nhiều vụ việc không giải quyết được trong khi thực tế cuộc sống hôn nhân không tồn tại, dẫn đến việc khó khăn trong nhiều thủ tục hành chính của người trong cuộc.
Mặt khác, từ ngày 01/07/2016, Bộ Luật TTDS đã có quy định mới bổ sung tại điểm e, Khoản 1, Điều 192 về việc thụ lý vụ án khi bị đơn cố tình che dấu địa chỉ như sau: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.”
Vậy, trong Bộ Luật TTDS mới đã nới rộng phạm vi thụ lý của Tòa án nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc giải quyết vụ án. Trường hợp không xác định được nơi cư trú hiện tại, thì sẽ áp dụng nơi cư trú cuối cùng để giải quyết và sẽ không được phép trả lại đơn khởi kiện nữa.
Theo đó, Tòa án nơi cư trú cuối cùng sẽ tiến hành nhận đơn khởi kiện, niêm yết công khai các văn bản tố tụng tại trụ sở Tòa án, UBND xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn trong vòng 15 ngày và tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Trên đây là vấn đề giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp không xác định nơi ở của một bên vợ hoặc chồng hi vọng sẽ giúp ích được cho mọi người.
Bích Ngọc – Chuyên viên pháp ly
Văn phòng luật sư Đồng Đội
Số điện thoại: 01666080965.
1 phản hồi
Tôi có trường hợp cần tư vấn ly hôn kính mong nhận được sự giúp đỡ của quý văn phòng ạ!