Nói đến thu hồi nợ nhiều người sẽ tưởng tượng ra những cảnh như trong phim xã hội đen Nhưng khi đi vào thực tế mới thấy công việc nó hoàn toàn khác xa trong những bộ phim được trình chiếu trên truyền hình. Từ khâu chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, thủ tục pháp lý cho đến khi đến làm việc, tiếp xúc trực tiếp với khách nợ và người thân. Ban đầu ai cũng sẽ nghĩ làm cách nào để mà lấy được tiền trong túi khách hàng, có lẽ đó là điều vô cùng khó khăn. Nhưng thực tế khi đi làm bằng niềm đam mê, sự linh hoạt trong quá trình tiếp xúc, trao đổi thì nó lại trở nên đơn giản hơn rất nhiều mọi người ak. Nhân tiện tôi sẽ chia sẻ một vài câu chuyện thực tế mà chính bản tôi đã làm và thành công trong việc thu hồi nợ cho mọi người cùng tham khảo.
Ban đầu tôi là một kỹ sư cơ khí chế tạo chưa biết gì về công việc thu hồi nợ liên quan đến pháp luật. sau biến cố gia đình tôi đã quyết tâm từ bỏ cái niềm đam mê về chế tạo để bước sang một ngành nghề hoàn toàn mới, tôi đã nghỉ việc chuyên môn để đi học văn bằng 2 luật kinh tế và bắt đầu với công việc thu hồi nợ. Những khoản nợ gần nhất cũng đã quá hạn gần 2 năm, khoản nào lâu đã quá hạn đến 8, 9 thậm chí 10 năm đã trải qua không biết bao nhiêu đơn vị thu nợ (Công ty luật, văn phòng luật) nên việc thu hồi không phải ngày một ngày hai mà thu được. Thời điểm đầu tiên khi mới chập chững bước chân vào cái nghề này tôi cũng vô cùng bỡ ngỡ, cảm giác rất khó khăn. Thậm chí thời gian đầu tôi tưởng chừng phải bỏ dở công việc đó. Nhưng với sự quyết tâm và cố gắng cuối cùng tôi cũng vượt qua được những khó khăn bước đầu để có thể vượt qua được dào cản tâm lý, chiến thắng được bản thân mình trong những đêm không ngủ, với mục tiêu cuối cùng cần phải đạt được trong công việc là phải làm sao để thuyết phục được khách hàng để khách hàng thanh toán khoản nợ của mình, vừa đảm bảo quyền lợi của khách hàng, vừa đảm bảo thu được nợ cho đối tác và lấy được niềm tin của khách hàng vào đơn vị thu nợ.
Đến thời điểm này chưa thể nói là thành công nhưng cũng đã có bước tiến trong công việc. Tôi chia sẻ cùng mọi người 2 câu chuyện thu nợ mà chính bản thân tôi còn không tin là mình đã làm được trong việc thu hồi nợ.
Câu chuyện thứ nhất: (xin được giấu tên và địa chỉ)
Ngày làm việc thứ 17 đi làm cũng chưa quen lắm, còn nhiều bỡ ngỡ từ công việc cho đến những con đường. Tôi từ một tỉnh miền núi phía bắc về làm việc tại Hà Nội, đi địa bàn các huyện vừa đi vừa lân la hỏi đường (lúc này chưa có cả điện thoại thông minh để tìm đường) phải hỏi từng đường làng, ngõ xóm để đến nhà khách hàng. Tôi đi đến nhà chị X còn khoản vay trả góp xe máy Air Blade là 25tr đồng tiền gốc, lãi, phạt chậm trả trong 4 năm là hơn 12 triệu đồng. Qua tiếp xúc, tìm hiểu bà con hàng xóm cho biết do làm ăn thua lỗ nên đã đi làm ăn xa mấy năm không về vì chưa đủ điều kiện trả nợ cho mọi người trong gia đình, trong làng, huống chi những khoản nợ khác. Con thì nhờ được anh chị, em trong gia đình lo cho ăn học, nhà thì bỏ không mấy năm không có người ra vào. Tưởng chừng không có cơ hội để trao đổi liên hệ với khách nợ và người thân để thu hồi khoản vay cho bên tài chính. Trước khi tôi định về thì trong lúc ngồi nói chuyện với những người hàng xóm lại rất may có chị K là chị dâu cả của khách hàng đi ngang qua. Thế là mấy bà gọi lại nói về việc tôi đến liên hệ với chị X về khoản vay. Ban đầu chị K cũng chỉ hỏi về khoản vay đó xem còn nhiều không để khi nào em dâu gọi điện về sẽ báo lại hộ vì cái xe thì chị X cũng mang đi. Sau khi nói chuyện một hồi, giải thích cho chị những cái hơn thiệt mà chị X và gia đình phải chịu. Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được chị K về trao đổi với ae trong gia đình mỗi người sẽ cố gắng hỗ trợ giúp chị X một ít để thanh toán. Tôi cũng để lại thông tin địa chỉ và sđt của tôi để chị K liên hệ, cũng một phần do may mắn anh em trong gia đình họ đoàn kết nên cũng đồng ý thanh toán giúp chị X khoản vay đó. Về phần mình, tôi hỗ trợ làm thủ tục xin giảm lãi phạt cho chị X chỉ phải đóng gốc hơn 25tr, được đối tác đồng ý miễn cho gần 13tr tiền lãi, phạt. Bốn hôm sau khi đã được miễn giảm thì chị K gọi điện hẹn lên lấy tiền và thanh lý hợp đồng, trả cà vẹt xe. Hôm đó cũng chính là ngày giỗ của bố chồng chị K, Khi lên đến nơi làm thủ tục thu tiền thì tôi mới biết chính chị K bỏ toàn bộ số tiền đó thanh toán cho em dâu chồng mình, chị muốn thanh toán vào hôm đó để hỏi lại ý kiến tất cả anh em trong gia đình. Tôi làm thủ tục thu tiền, thanh lý hợp đồng xong họ nhiệt tình mời ở lại dung cơm cùng gia đình vì lúc đó cũng đã quá trưa nhưng tôi còn nhiều việc nên xin phép ra về trong sự bất ngờ khi chị K là chị dâu lại bỏ một khoản tiền không hề nhỏ thanh toán cho em dâu mà không ai phải góp cả. Đó là kỷ niệm đầu tiên và cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong công việc thu hồi nợ đến thời điểm này. Xin nói thêm là gia đình chị K ở nông thôn chứ không phải thành phố hay thị trấn gì, nằm giữa làng ở khu vực nông thôn huyện Mê Linh.
Câu chuyện thứ hai: (cũng xin được giấu tên và địa chỉ)
Khi tôi mới đặt chân vào công việc thu hồi nợ được 2 tháng. Tôi trực tiếp đi tiếp xúc khách nợ và trao đổi với khách nợ về khoản vay mua xe máy SH 125i còn hơn 24 triệu chưa thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán của khách hàng. đúng kế hoạch tôi lên và trao đổi với gia đình thì gia đình có xác nhận về khoản vay nhưng do khách hàng làm xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thua lỗ phá sản dẫn đến mất khả năng thanh toán. Xe máy thì đã cầm cố cho tiệm với số tiền hơn 30tr đồng, nhanh chóng nắm bắt thông tin, nhận thấy sự việc trở nên khó khăn hơn tôi đã chủ động liên hệ cho khách hàng để giúp đỡ giải quyết khoản vay mua xe và đã nhận được sự hợp tác của khách nợ. Sau khi trao đổi nhận được sự tin tưởng khách hàng đã làm thủ tục bàn giao xe và đưa đầy đủ thông tin địa chỉ tiệm cầm đồ. Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp để làm thủ tục thu hồi nhưng ban đầu không nhận được sự hợp tác từ phía chủ tiệm cầm đồ với lý do còn khoản vay sợ giao xe sẽ mất số tiền đó. Chúng tôi cũng trao đổi lại với khách hàng rồi cuối cùng cũng tìm ra phương án cho khách hàng ứng tiền để trả cho tiệm sau khi bán xe sẽ thanh toán. Ban đầu cũng mới làm nên cũng hơi lo nhưng rồi chúng tôi cũng quyết định làm theo phương án đó, thanh toán cho tiệm cầm đồ 33tr để lấy xe về. sau đó hỗ trợ bán xe cho khách hàng với giá 60tr thì khách hàng thanh toán cho chúng tôi số tiền 33tr cộng với số tiền nợ trên hợp đồng là gần 58tr. Khách hàng vẫn được cầm về hơn 2tr mà giải quyết đc 2 khoản một là vay mua xe, hai là vay cầm đồ. Chúng tôi đã giải quyết xong hợp đồng đó, cũng giúp được chính khách hàng khỏi 2 khoản vay mà nếu ko có chúng tôi thì có lẽ là đường cụt đối với khách hàng khi giải quyết cùng lúc 2 khoản vay. Vậy là chúng tôi vừa giúp khách hàng thanh toán được 2 khoản vay, vẫn thu được nợ cho đối tác và điều đương nhiên là thu được nợ chúng tôi mới có thu nhập.
Trên đây là 2 câu truyện mà tôi nhớ nhất từ ngày tôi mới chập chững bước chân vào một nghề hoàn toàn mới lạ, chưa có một chút kinh nghiệm nào cho đến ngày hôm nay. Tôi muốn chia sẻ thêm với các bạn một chút kinh nghiệm mà bản thân tôi rút ra từ công việc thu nợ là:
- Khi làm việc với khách nợ, gia đình khách nợ chúng ta nên chủ động chuẩn bị mọi tài liệu, tư liệu cần thiết liên quan đến khoản vay của khách hàng, chủ động đặt ra các câu hỏi và tự trả lời để khi trao đổi mà khách nợ hoặc gia đình đặt ra chúng ta không bi động, lúng túng, đôi khi chưa biết lại nói sai làm mất đi niềm tin của khách nợ vào chính nhân viên và đơn vị thu nợ.
- Khi làm việc với khách nợ và gia đình chúng ta luôn luôn thể hiện sự lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ nó là nền tảng tạo nên sự thành công trong công việc. Vì bản thân mình đi làm gặp rất nhiều khách nợ phản ánh việc nhân viên thu nợ đến nhà hung hổ, chửi bới, thậm chí đe doa khách nợ và gia đình chính những điều này đôi khi tạo nên sự bất cần của khách hàng, tạo nên tư tưởng “nợ lâu rồi chả sao, để thêm thời gian nữa xem như thế nào”. Là nhân viên thu nợ chúng ta nên biết một điều là xử lý nợ xấu cần hài hòa lợi ích giữa khách nợ – bên cho vay. Bởi vậy chúng ta xử lý nợ xấu cần phải biết cương – nhu đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm, nó quyết định đến sự thành công trong việc thu hồi nợ.
- Khi xử lý nợ chúng ta không nên dập khuôn một mẫu cảu đơn vị, tổ chức nào mà phải vận dụng linh hoạt các phương án hỗ trợ, giúp đỡ khách hàng trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thanh toán để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc.
Sau một thời gian làm việc tôi cũng rút ra một số vấn đề còn tồn đọng của các đơn vị tài chính gây khó khăn cho công việc thu hồi nợ.
- Vấn đề thẩm định hồ sơ vay vốn còn nhiều bất cập, cụ thể: địa chỉ, thông tin chung chung, đôi khi không rõ ràng nhưng hồ sơ vẫn được duyệt vay.
- Quản lý hồ sơ, bộ máy quản lý cồng kềnh, thiếu linh hoạt nên khi làm các thủ tục thanh, quyết toán cho khách hàng, hồ sơ xin giảm mất rất nhiều thời gian chờ đợi làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và tiến độ của đơn vị thu nợ.
- Dải ngân ồ ạt chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong quản lý thẩm định hồ sơ. Mượn hồ sơ người khác đến làm thủ tục vay vốn mà chính nhân viên của bên tài chính biết nhưng vì lợi nhuận, sức ép doanh thu vẫn thực hiện hỗ trợ làm hợp đồng cho khách hàng dù biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, đồng thời khi làm thủ tục thu nợ đương nhiên khách hàng sẽ chối bỏ nghĩa vụ thanh toán vì mình không thực hiện khoản vay. (ngoại lệ có một số trường hợp câu kết với nhân viên tài chính làm giả hồ sơ, giấy tờ nhặt được của người khác, những người chết trước khi làm hợp đồng cũng được duyệt hồ sơ vay) thể hiện lỗ hổng trong quản lý hoạt động cho vay. Làm mất rất nhiều thời gian của các đơn vị thu nợ, dẫn đến giảm hiệu quả trong công việc thu nợ, giảm hiệu quả của vốn vay.
Để đạt được thành quả như vậy là nhờ sự giúp đỡ, thường xuyên động viên và hướng dẫn của Ls Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội và cũng một phần nhờ vào uy tín của Văn phòng luật sư Đồng Đội đã thực hiện thu hồi nợ, hỗ trợ pháp lý cho bà con trên mọi miền tổ quốc được mọi người kính phục. Văn phòng chúng tôi luôn luôn giữ vững phẩm chất “Anh bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới. Với phương châm làm việc “Khách hàng là người thân” dám dấn thân vì khách hàng không ngại khó, ngại khổ, không ngại hiểm nguy. Vì rất nhiều luật sư đã bị hành hung khi tham gia bảo về quyền lợi cho khách hàng nên có thể nói nghề luật sư là nghề không kém phần nguy hiểm.
Người viết: Trần Xuân Tuân