Hiện nay nhu cầu thu hồi nợ tại nhà của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, các ngân hàng rất nhiều. Đánh giá được tầm quan trọng của hoạt động thu hồi nợ tại nhà, cùng với kinh nghiệm thu hồi nợ thực tế rất nhiều năm, LS.Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội đã có những chia sẻ quý báu, tâm huyết xung quanh vấn đề này.
- Hoạt động thu hồi nợ của Luật sư theo quy định pháp luật:
Hiện nay, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư 2020 thì ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê” chính thức được bổ sung vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, phải hiểu bản chất của vấn đề ở đây là đối tượng bị cấm đòi nợ thuê là cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê theo Luật Đầu tư như: Cá nhân được chủ nợ thuê để đòi nợ, các tổ chức như: Công ty đòi nợ thuê, Công ty thu hồi nợ, Công ty tài chính được thuê để đòi nợ, những cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê một cách trá hình, núp bóng xã hội đen…
Theo Điều 22 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 thì phạm vi hoạt động của Luật sư bao gồm: Tham gia tố tụng; Đại diện ngoài tố tụng; Tư vấn pháp luật; Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định pháp luật. Theo đó, dịch vụ thu nợ của luật sư chính là những dịch vụ pháp lý khác mà luật sư được thực hiện. Luật sư thực hiện dịch vụ thu nợ theo hình thức nhận ủy quyền của khách hàng hoặc thông qua thủ tục mời luật sư, kí hợp đồng dịch vụ pháp lý. Hoạt động hành nghề của luật sư chịu sự điều chỉnh của Luật luật sư do vậy hoạt động thu nợ của luật sư là hợp pháp, đúng quy định của pháp luật.
- Kỹ năng thu hồi nợ tại nhà của Luật sư:
Thứ nhất, Luật sư phải xác minh có hay không việc vay nợ giữa khách hàng và con nợ thông qua các giấy tờ, tài liệu mà khách hàng cung cấp như Hợp đồng vay giữa hai bên, đó có thể là hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng lời nói, ghi âm, thông tin chuyển khoản. Trên thực tế, phần lớn khách hàng có nợ thật mới tìm đến luật sư nhờ giúp đỡ, tuy nhiên luật sư cũng cần tỉnh táo, không chủ quan vì có nhiều tình huống con nợ đã trả nợ nhưng khách hàng vẫn yêu cầu đòi nợ hoặc thậm chí không có thật việc vay nợ giữa khách hàng và con nợ.
Thứ hai, Chìa khóa thành công trong công tác thu nợ tại nhà chính là tìm được địa chỉ của con nợ. Tìm được địa chỉ của con nợ là công việc vô cùng khó khăn vì con nợ luôn cố gắng che dấu thông tin cá nhân, địa chỉ của mình. Luật sư có thể tìm hiểu địa chỉ con nợ qua thông tin khách hàng cung cấp, nơi làm việc, công tác của con nợ, qua bạn bè, người quen của con nợ. Ngoài ra luật sư phải sử dụng những kĩ năng mềm, sáng tạo, linh hoạt khi tiếp xúc với những người quen, người có khả năng biết được địa chỉ của con nợ để lấy thông tin.
Thứ ba, Đánh giá khả năng tài chính của con nợ. Bằng biện pháp nghiệp vụ luật sư phải nhanh, nhạy bén đánh giá được khả năng thanh toán của con nợ. Ngoài những tài liệu, chứng cứ khách hàng cung cấp, luật sư phải chủ động tìm hiểu công việc của con nợ, kinh tế, tài sản của con nợ. Thông qua cách đặt câu hỏi luật sư nắm được điểm yếu của con nợ, nguyên nhân dẫn đến mất khả năng thanh toán, lý do mà con nợ đưa ra để có biện pháp đối ứng phù hợp. Một khi con nợ còn chịu nói chuyện, trả lời là luật sư vẫn còn khả năng thỏa thuận với con nợ để lấy lại nợ cho khách hàng.
Thứ tư, Cần phân biệt giữa việc “mất khả năng thanh toán” của con nợ và “dấu hiệu hình sự” như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Con nợ xác nhận có khoản nợ, vẫn muốn trả nợ, không bỏ trốn nhưng do không còn tài sản để trả nợ nên nợ quá hạn, đây không phải là dấu hiệu hình sự của các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do vậy cần phân biệt rõ giữa việc “mất khả năng thanh toán” và “dấu hiệu hình sự” trong thu hồi nợ, tránh đơn thư tố cáo kéo dài, mất thời gian mà khoản nợ vẫn không giải quyết được.
Thứ năm, Luật sư phải chuẩn bị văn bản thỏa thuận thanh toán nợ giữa khách hàng và con nợ trong đó ghi rõ thời gian trả nợ, quy trình, các giai đoạn trả nợ hay trả nợ trực tiếp một lần. Văn bản này sẽ có giá trị pháp lý xác nhận khoản tiền con nợ đã trả, khoản tiền khách hàng đã nhận và là chứng cứ trong trường hợp con nợ cố tình trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình.
- Luật sư thu nợ một cách nhân văn – Thu nợ cả nhân tâm:
Hiện nay vẫn có rất nhiều hoạt động thu nợ của một số cá nhân, tổ chức, ngân hàng thực hiện chủ yếu bằng các hình thức bạo lực như: Quấy rối, đe dọa, ép buộc, bạo lực hoặc khởi kiện tại Tòa án là chính. Rất nhiều vụ việc con nợ bị đe dọa, quấy rối bằng tin nhắn, gọi điện hàng ngày, hàng giờ, bị đe dọa tính mạng. Thậm chí không ít trường hợp con nợ bị tấn công, gây thương tích, đánh đập dã man dẫn đến tử vong. Đây là hình thức thu nợ bằng bạo lực rất đáng lên án trong xã hội và cần được nghiêm trị bằng pháp luật.
Không chỉ con nợ bị đe dọa mà người thân, gia đình, bạn bè của con nợ cũng bị những cá nhân, tổ chức này đe dọa, đánh đập để đòi nợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, quyền riêng tư của những người này. Nhiều cá nhân, tổ chức trá hình, núp bóng xã hội đen, cho vay nặng lãi để thu nợ, đến nhà, cơ quan, nơi làm việc của con nợ để theo dõi, tiếp cận, ra tay đánh đập con nợ một cách có tổ chức. Những việc làm trên đều là vi phạm pháp luật, có thể phạm vào các tội như: Cố ý gây thương tích, Đe dọa giết người, Tội giết người theo quy định của Bộ luật hình sự.
Hoạt động thu hồi nợ của Luật sư là lấy giáo dục, thuyết phục làm chính để con nợ chủ động, tự nguyện trả lại tiền. Quan điểm của luật sư là không làm xấu đi tình trạng của khách hàng và con nợ. Lấy “đạo đức làm gốc”, vừa thỏa thuận với con nợ vừa khéo léo lồng ghép các giá trị đạo đức để con nợ hiểu được “có vay có trả”, người cho vay cũng khó khăn không kém người vay, việc đòi lại nợ còn khó khăn hơn nữa. Thu nợ mà vẫn giữ được hòa khí giữa hai bên, giúp cho xã hội bớt đi những mâu thuẫn, tranh chấp, giảm tải áp lực cho cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự vì khởi kiện ra Tòa án chỉ là con đường cuối cùng của việc thu hồi nợ.
Luật sư thu nợ bằng cách vận động, thuyết phục một cách nhân văn, hài hòa. Luật sư khai thác các yếu tố tâm lý con người, gia đình, xã hội của con nợ, khéo léo đàm phán với con nợ để đi đến thỏa thuận chung, nhân văn, tình người, vừa hợp tình lại vừa hợp lí. Thu hồi nợ không có một quy trình hay khuôn mẫu cụ thể nào, tuy nhiên cốt lõi của hoạt động thu hồi nợ là phải đặt giá trị con người lên trên hết, tôn trọng con nợ, tôn trọng quyền riêng tư và đời sống cá nhân của con nợ để con nợ nể luật sư, khâm phục cách thu nợ nhân văn, đầy tình người của luật sư mà tình nguyện trả nợ chứ không phải bị ép trả nợ.
Như vậy, thu hồi nợ tại nhà là một công việc không dễ dàng tuy nhiên nếu biết cách thu nợ nhân văn, có kĩ năng thuyết phục, hòa giải, nắm vững các quy định của pháp luật thì sẽ thu nợ thành công. Việc thu nợ phải gắn với việc tuyên truyền pháp luật, các giá trị đạo đức để con nợ tự nguyện trả lại tiền mà vẫn giữ được mối quan hệ giữa khách hàng và con nợ.
Hoàng Lan
ĐT, Zalo: 0972640117
Email: hglan2210@gmail.com