Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng không còn xa lạ gì với hai từ “luật sư”, và thường mọi người vẫn luôn quan niệm rằng “học luật-để-làm luật sư”. Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy và luôn có sự hình dung khá mơ hồ về ngành nghề này.
Nghề luật sư vẫn hay được gọi là nghề thầy “cãi”, ai cãi giỏi mới được làm luật sư. Điều này là đúng, vì có mấy ai làm luật sư mà lại ăn nói lắp bắp bao giờ. Trước giờ tôi vẫn nghĩ làm luật sư là “ngầu” lắm, luật sư mà đứng “cãi” trước tòa, trước Thẩm phán mà bảo vệ và giành được phần thắng cho đương sự của mình là đã thành công rồi. Xem những bộ phim về nghề luật sư, chắc hẳn không ai là không một lần mơ ước một lần mình được trở thành một vị luật sư đáng kính, với tài ăn nói giỏi và khả năng thuyết phục cao, đứng trước phiên tòa dõng dạc trình bày những luận cứ để bảo vệ thân chủ và cuối cùng giành phần thắng về mình.
Nghề luật sư dần hiện lên rõ nét hơn trong tâm trí tôi khi tôi được học, được tiếp xúc với môi trường thuộc lĩnh vực luật pháp. Khi đó tôi mới biết rằng, à thì ra luật sư không chỉ tham gia các phiên tòa để bảo vệ thân chủ, luật sư còn có nhiều công việc khác nữa phải làm. Từ việc chuẩn bị, nghiên cứu, soạn thảo đơn từ, hồ sơ; tư vấn pháp lý; tham gia giải quyết tranh chấp đến việc đại diện cho khách hàng trong quá trình đàm phán và quá trình tranh tụng. Nói luật sư là “nghề làm dâu trăm họ” cũng không sai, không có công việc nào là không có sự tham gia của luật sư, và đây trở thành đặc trưng riêng cho ngành nghề này.
May mắn được biết đến “Lớp học từ xa – Cầm tay chỉ việc” của Luật sư Trần Xuân Tiền, tôi đã có cơ hội được lắng nghe chú chia sẻ trong vòng 2 giờ đồng hồ về “Nghề luật sư – Những điều cần biết”. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi mà đầy quý báu ấy, quan điểm về nghề luật sư của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Lớp học được mở ra miễn phí đã thu hút hơn một trăm học viên từ ba miền Bắc – Trung – Nam, ai cũng rất háo hức, phấn khởi và chú ý lắng nghe những kinh nghiệm mà chú chiêm nghiệm được từ cuộc đời mình. Chú nói rằng nghề luật sư là nghề không đơn giản, nhưng ai làm được nghề này thì thấy hay lắm, thích lắm, cứ thế những gì chú nói một cách thật tâm nhất đi sâu vào tâm trí chúng tôi lúc nào không hay.
Nghề luật sư là nghề có tiếng nói trong xã hội. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo cấp cao là những người học luật. Bởi vì trước hết, phải am hiểu luật, phải có kiến thức về luật pháp để xây dựng, để phát triển và để lãnh đạo được một đất nước, một quốc gia. Vì thế mà nếu lời nói của mình không có trọng lượng, bản thân cũng cần nhìn nhận lại xem mình đã xứng đáng với danh hiệu này hay chưa.
Nghề luật sư tự do trong phương thức hành nghề và độc lập trong cách làm việc, tư duy, sáng tạo. Tự do trong việc lựa chọn khách hàng, lựa chọn nơi làm việc, không bị những hạn chế, bó buộc như công chức Nhà nước hay một số công việc khác. Không nhất thiết người luật sư phải làm việc theo giờ hành chính tại văn phòng. Luật sư làm việc theo khối lượng công việc và theo vụ việc: gặp gỡ khách hàng ở nhiều địa điểm, tham gia tố tụng tại các Tòa án khác nhau, đại diện ngoài tố tụng tùy theo từng vụ việc vụ thể. Với tính chất công việc, nghề luật sư đòi hỏi khả năng sắp xếp thời gian, công việc sao cho hợp lý, khoa học. Mang tính tự do và độc lập nhưng không đơn độc, nghề luật sư mang lại những mối quan hệ, sự hợp tác tốt đẹp và giúp con người biết cởi mở, trân trọng nhau hơn.
“Nghề luật sư là nghề không có tuổi”. Những hình ảnh về học viên các lớp học đào tạo luật sư là các cô, các chú, các bác chắc cũng không còn xa lạ gì. Tâm nguyện trở thành luật sư của cụ ông 87 tuổi, hay khao khát được đến trường, được đi học đã thôi thúc “cụ sinh viên” 85 tuổi quyết tâm thi đỗ và theo học ngành luật, hay ước mơ của một “học viên” 72 tuổi chỉ đơn giản là để học xong sẽ cùng những người bạn là luật sư mở một văn phòng tư vấn miễn phí người nghèo, vừa giúp ích xã hội, vừa có việc làm tuổi già. Xuất phát từ chính tấm lòng, sự chân thành để đầu tư trí tuệ, thời gian, tâm huyết cho nghề luật là một sự đầu tư công phu và dài hạn, để rồi nhận lại được sự trân trọng đi theo suốt cuộc đời.
Nghề luật sư là một nghề “khó”. Khó vì thời gian đào tạo dài, khó vì thi cử quá khắt khe. Hầu hết các ngành nghề sau khi hoàn thành 4 năm đại học là có đủ điều kiện để làm việc, còn đối với những ai muốn trở thành luật sư, sau khi nhận bằng cử nhân còn cần phải học thêm khóa đào tạo luật sư, tham gia tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư, các Văn phòng luật; đạt điểm tại kỳ kiểm tra hết tập sự Luật sư mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, làm Luật sư không chỉ đòi hỏi có kiến thức mà còn cần phải có kinh nghiệm thực tế. Ở trường lớp, bạn được học các môn học về lĩnh vực luật hình sự, dân sự, hành chính, đất đai, tài chính, thương mại… nhưng khi hành nghề, bạn phải thực hiện tất cả những công việc khi khách hàng yêu cầu bao gồm làm đơn khởi kiện, khiếu nại, thu thập tài liệu chứng cứ,…
Nghề luật sư thành công dựa vào việc đặt “viên gạch” đầu tiên – quá trình học việc. Đôi khi chúng ta không coi trọng và bỏ quên tầm quan trọng của việc học nghề, nhưng hãy coi thời gian đi học việc là thời gian vàng, biết tranh thủ cơ hội và cố gắng tiếp thu được nhiều kiến thức, kĩ năng nhất có thể. Học việc cũng giống như việc xây nhà, nền móng càng vững thì càng xây được cao. Nhưng đặt như thế nào cho đúng lại nằm ở việc chọn “thầy”, phải biết chọn thầy sao cho đúng, cho xứng đáng để học việc thì mới có kiến thức, có kết quả.
Nghề luật sư đòi hỏi phải có ngoại hình và tài ăn nói. Nói như vậy không phải so sánh hay phân biệt con người. Do tính chất công việc phải gặp gỡ và ký hợp đồng với khách hàng, khi nhìn thấy một luật sư ăn mặc gọn gàng, tử tế cũng lấy được thiện cảm phần nào từ người đối diện. Ngoài ra sức khỏe cũng là yếu tố cần có của luật sư. Thường xuyên phải di chuyển tới nhiều địa điểm, vào Nam ra Bắc hay cần thức ngày thức đêm để hoàn thành công việc, chuẩn bị tham gia hòa giải, tranh tụng tại các phiên tòa,.. đòi hỏi người luật sư phải chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt. Do đó, trước khi quyết định đi theo nghề này, cần xác định sớm và rõ ràng hướng đi cho mình, cần trả lời được cho bản thân câu hỏi “mình có đủ điều kiện để đáp ứng công việc không?”. Xã hội luôn cần những người có năng lực, vì vậy cơ hội đối với mỗi người là rất lớn, nhưng phải biết chọn cho mình cơ hội phù hợp, phù hợp với khả năng, phù hợp với nhu cầu xã hội để tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho chính bản thân mình.
Nghề luật sư không chỉ đòi hỏi về chuyên môn cao, mà còn đòi hỏi người hành nghề phải có tư cách đạo đức tốt. Đạo đức chính là cái “tâm” trong nghề, tuy không thể định lượng hơn thua nhưng được biểu hiện bằng sự đam mê, tinh thần trách nhiệm với công việc và sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân, uy tín và danh tiếng của luật sư. Việc xây dựng hình ảnh thành công cũng là cách để mọi người rèn luyện sự tự tin, quyết tâm dám nghĩ – dám làm, biết phấn đấu để gây dựng và lan tỏa được những giá trị tích cực cho mọi người.
Nói thì dễ nhưng làm mới khó và không phải ai cũng nói được làm được. Trên thực tế, công việc Luật sư còn nhiều gian nan, vất vả không thể kể hết trong ngày một ngày hai. Là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Luật sư chính là người “đi tìm công lý” bằng việc trực tiếp đi thu thập chứng cứ, tiếp cận hiện trường, hoàn thiện hồ sơ, đối mặt với nhiều rủi ro đối với sức khỏe và thậm chí là cả tính mạng. Tại một số phiên tòa đã xảy ra tình trạng bị cáo hoặc các đương sự hành hung hay lăng mạ luật sư. Những biểu hiện về sự coi thường pháp luật, xâm hại đến quyền hành nghề của luật sư cả trong và ngoài phiên tòa đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Luật sư còn phải đối mặt với những “cám dỗ” của đồng tiền, nếu những ai không vững vàng, bỏ qua đạo đức nghề nghiệp, bỏ qua lời thề thượng tôn pháp luật, họ sẽ sa vào con đường làm việc vì đồng tiền chứ không vì lẽ phải. Từ đó nảy sinh những vấn đề tiêu cực, đối trắng thay đen, bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Từ một số ít những Luật sư làm việc không vì cái “tâm” mà định kiến xã hội đã hình thành chung đối với tất cả những ai hành nghề Luật sư, tạo ra cản trở, khó khăn trong công việc.
Mặc dù các quy định của pháp luật đã quy định quyền tham gia tố tụng của luật sư, nhưng trong quá trình hành nghề tiếng nói, vai trò của luật sư chưa thực sự có giá trị. Có không ít những phiên tòa mà Hội đồng xét xử không tuân thủ quy định của pháp luật, gạt bỏ ý kiến của Luật sư trong quá trình xét xử; thậm chí không cho Luật sư kiến nghị, đặt câu hỏi, cắt lời của Luật sư khi tranh tụng hoặc ý kiến kiến nghị của Luật sư đối với cơ quan tiến hành tố tụng không được xem xét để xử lý.
Đồng thời, số lượng Luật sư trong nước đang dần tăng lên, đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, áp lực đặt lên vai những người Luật sư rất lớn, đòi hỏi phải biết thay đổi, linh hoạt để cạnh tranh và tồn tại. Bên cạnh việc số lượng đào tạo Luật sư tăng lên, chất lượng đào tạo lại giảm sút, dẫn đến việc nhu cầu về xã hội lớn nhưng Luật sư lại không đáp ứng được.
Nói như vậy không phải để làm các bạn “nản chí”, mà để các bạn có cái nhìn đa chiều khi bắt đầu tìm hiểu và tiếp xúc với công việc này. Việc nào cũng có mặt lợi, mặt hại, nhưng chúng ta cần biết rằng, không chỉ mỗi nghề luật sư mà bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, cũng tồn tại những khó khăn thách thức nhất định. Con đường dẫn đến thành công không bao giờ là được trải “hoa hồng” cả. Chính vì vậy để vượt qua những khó khăn thách thức đó, đòi hỏi rất nhiều vào sự nỗ lực và cố gắng của chính các bạn.
Buổi chia sẻ của chú đã giúp tôi thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận của mình về nghề luật sư. Chú vẫn nói đùa với chúng tôi rằng, ở cái tầm tuổi này chú đã có tất cả, có sự nghiệp, công danh, tiền tài – là “sếp” của một văn phòng luật sư, nhưng chú vẫn hằng ngày thức khuya dậy sớm để tìm tòi, học hỏi, làm việc không biết mệt mỏi, còn nhân viên chưa có gì trong tay nhưng lại không “chịu khó” bằng chú. Chú hay đùa, hay kể chuyện vui, nhưng mỗi một câu nói, câu chuyện chú kể cho chúng tôi là cả một ý nghĩa sâu xa ẩn chứa đằng sau đó về cách sống, cách làm việc sao cho đúng, cho chuẩn và mẫu mực của một người Luật sư.
Tôi cảm ơn chú đã cho tôi biết, tôi hiểu và cảm nhận được Luật sư là người như thế nào và điều gì làm nên phẩm chất của một người Luật sư chân chính. Những gì chú đã chia sẻ cũng là những giá trị cao quý mà chú vẫn đang trên con đường gìn giữ và lan tỏa cho những ai có đam mê, nhiệt huyết với công việc này. Tôi nhận ra rằng để rèn luyện được những phấm chất ấy tuy “khó” nhưng không “xa”, bởi cứ đi rồi sẽ đến, cứ cố gắng ắt có thành công. Tôi chúc các bạn sẽ tìm được người thầy, tìm được con đường đúng đắn cho riêng mình và kiên trì theo đuổi đến cùng để không phải hổ thẹn với lương tâm, với bản thân mình và tự mình tạo nên giá trị, sự cao quý cho chính nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi!
Người viết – Lương Lệ Mai
SĐT: 0362616926
Email: mmaivk22@gmail.com