Trong những năm qua, những bất cập trong quản lý hệ thống lưới điện và nhận thức về an toàn sử dụng điện ở nhiều vùng nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là trong mùa bão lũ, đã gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây chết người và gia súc, thiệt hại về kinh tế cho người dân. Đây là vấn đề mang tính cấp thiết và cần được ưu tiên giải quyết, vì nó liên quan trực tiếp đến an toàn và tính mạng của người dân cũng như góp phần giảm thiểu nguy cơ chập, cháy, rò điện tại các địa phương tại nông thôn.
Thực trạng mạng lưới điện nông thôn
Đi dọc các tuyến đường nông thôn, tình trạng đường dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo lên nhau có thể dễ dàng nhìn thấy ở bất cứ nơi nào. Có nhiều nơi do đường dây điện lắp đặt lâu năm đã xuống cấp nên đường dây trùng xuống gần sát với mái nhà dân hoặc sát các bụi cây ven đường, thậm chí có những đường dây điện nằm sát trên mặt ao, hồ. Có nhiều tuyến đường đông xe qua lại, nhưng đường dây điện chỉ cao chưa quá đầu người, ai đi qua cũng phải “dè chừng”, nhìn trước ngó sau, tránh chạm phải dây điện.
Nguy cơ tiềm ẩn cũng xuất phát từ việc không bảo dưỡng, sửa chữa các cột điện lâu năm, nhiều cột điện làm bằng gỗ lâu ngày đã mục nát, hay do ảnh hưởng của các cơn bão còn xuất hiện tình trạng xiêu vẹo, không biết sẽ đổ lúc nào. Nhiều cột điện nằm ngay sát với khu dân cư, nhiều công tơ điện nằm cách mặt đấy chưa đầy 1 mét, gây nguy hiểm cho người dân và đặc biệt là với trẻ em.
Nghiêm trọng hơn, tại các vùng miền núi, người dân còn lạc hậu, thiếu hiểu biết về pháp luật nên thường xuyên xảy ra tình trạng tự ý kéo dây điện lên núi, lên rừng, phục vụ cho nhu cầu canh tác, trồng trọt.
Giải pháp đảm bảo an toàn lưới điện nông thôn
Trước hết, những tai nạn thương tâm và những sự cố xảy ra liên quan đến chập, cháy nổ, rò rỉ điện xuất phát từ việc ở một số địa phương, vùng miền, người dân còn lạc hậu và thiếu hiểu biết, nhận thức về các quy định của pháp luật, cũng như việc quản lý, giám sát việc xây dựng cũng như bảo trì hệ thống lưới điện còn chưa sát sao.
Hiện nay, các quy định liên quan đến an toàn điện và bảo vệ hành lang lưới điện được quy định tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/02/2014 “Quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn lưới điện”. Theo đó, hành lang an toàn lưới điện được xem là khoảng cách an toàn để bảo vệ công trình lưới điện và công trình dân dụng của người dân.
Tại Điều 4 Nghị định này cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm các hành vi:
– Trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ;
– Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện;
– Lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp;
– Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện;
– Đốt nương sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện;
– Các hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao cấp.
Tại Nghị định này cũng nêu rõ những quy định an toàn lưới điện trong việc xây dựng công trình lưới điện cao áp, khoảng cách an toàn phóng điện, hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Trong đó cần chú ý các quy định liên quan đến việc trồng cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không và điều kiện tồn tại nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV.
Cụ thể, đối chiếu với quy định tại Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, trong trường hợp cây nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì:
– Đối với đường dây dẫn điện có điện áp đến 35 kV trong thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm bất kỳ của cây đến dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 0,7 m (dây bọc) hoặc 1,5 m (dây trần);
– Đối với đường dây có điện áp từ 110 kV đến 500 kV trong thành phố, thị xã, thị trấn thì không được để cây cao hơn dây dẫn thấp nhất trừ trường hợp đặc biệt phải có biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép. Khoảng cách từ điểm bất kỳ của cây đến dây dẫn khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 2 m (đối với điện áp 110 kV); 3 m (đối với điện áp 220 kV) và 4,5 m (đối với điện áp 500 kV);
– Đối với đường dây ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất khi đang ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 0,7 m (dây bọc) hoặc 2 m (dây trần) đối với điện áp đến 35 kV; 3 m (đối với điện áp 110 kV); 4 m (đối với điện áp 220 kV) và 6 m (đối với điện áp 500 kV).
Trường hợp cây nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không và ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ bộ phận bất kỳ của cây khi cây bị đổ đến bộ phận bất kỳ của đường dây không nhỏ hơn 0,7 m (đối với điện áp đến 35 kV), 1 m (đối với điện áp 110 và 220 kV) và 2 m (đối với điện áp 500 kV).
Đối với cây phát triển nhanh trong khoảng thời gian 03 tháng có khả năng vi phạm khoảng cách quy định nêu trên, cũng như những cây không còn hiệu quả kinh tế nếu chặt ngọn, tỉa cành, thì phải chặt bỏ và cấm trồng mới. Còn đối với lúa, hoa màu và cây thì chỉ được trồng cách mép móng cột điện, móng néo ít nhất là 0,5 m.
Đối với việc xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV thì theo Điều 13 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP cần tuân thủ một số yêu cầu sau:
- Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy;
- Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp;
- Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 3 m (đối với điện áp đến 35kV), 4 m (đối với điện áp 110kV) và 6 m (đối với điện áp 220kV);
- Cường độ điện trường nhỏ hơn 5kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một (01) mét và nhỏ hơn hoặc bằng 1kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một (01) mét.
- Đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp 220 kV, ngoài đáp ứng các điều kiện trên, các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình còn phải được nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất.
- Bộ Công Thương quy định chi tiết về phạm vi, kỹ thuật nối đất kết cấu kim loại của nhà ở, công trình trong và liền kề hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không đối với điện áp từ 220 kV trở lên.
Ngoài ra, pháp luật cũng ban hành các quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn điện tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Theo điều 15 Nghị định này, mức phạt tiền áp dụng cho người vi phạm sẽ phụ thuộc vào hành vi và mức độ thiệt hại gây ra, cụ thể theo khoản 1 Điều 15 của Nghị định, mức phạt tiền áp dụng là từ 1.000.000 đến 5.000.000 đồng, cao hơn nữa là từ 40.000.000 đến 50.000.000 theo khoản 5 Điều 15 Nghị định này. Ngoài hình thức xử phạt chính, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm và buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Nhà nước cũng có phương án bồi thường, hỗ trợ kịp thời cho những hộ dân có nơi ở nằm trong khu giải phóng hành lang lưới điện. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Luật điện lực 2004: “Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án điện lực lập và thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư; bồi thường thiệt hại về đất đai, tài sản; bảo vệ diện tích đất dành cho dự án và hành lang an toàn của công trình điện lực”.
Ngoài ra, căn cứ vào Nghị định 14/2014/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện”, tại các điều từ Điều 18 đến Điều 23, việc bồi thường khi giải tỏa hành lang an toàn điện được quy định cụ thể theo từng đối tượng, trong đó:
– Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không (Điều 18);
– Bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không (Điều 19);
– Bồi thường hỗ trợ đối với nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không nhưng nằm giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp từ 500 kV trở lên (Điều 20);
– Chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở trong trường hợp chủ sử dụng đất phải di chuyển nhà ở ra ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không và có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác bên ngoài hành lang thành đất ở (Điều 21);
– Hỗ trợ chi phí di chuyển trong trường hợp chủ sở hữu nhà ở tự tìm được đất ở mới và có nguyện vọng di chuyển khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không (Điều 22);
– Bồi thường đối với cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không (Điều 23).
Thời gian qua, việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn điện cũng như việc giải phóng hàng lang an toàn lưới điện đang được khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và hạn chế tối đa các sự cố về điện. Tuy nhiên, mỗi gia đình, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và tìm hiểu, chấp hành các quy định của pháp luật để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng; hạn chế tối đa thiệt hại do sự cố về điện gây ra. Đồng thời, chính quyền cơ sở cũng cần có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn điện tại địa phương.
Lương Lệ Mai
SĐT: 0362616926
Email: mmaivk22@gmail.com