Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi hiện tại chúng ta còn đang chịu nhiều thua thiệt trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Chính phủ trình thảo luận trước Quốc hội. Việc sửa đổi lần này mang một ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Phóng viên: Thưa luật sư, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều và bãi bỏ 2 điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2019. Theo ông, việc sửa đổi, bổ sung này có ý nghĩa thế nào đối với công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay?
Luật sư Trần Xuân Tiền:
Về vấn đề này, tôi xin đưa ra một số ý kiến như sau:
Luật Sở hữu trí tuệ ra đời năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2019, trải qua 16 năm thực hiện, đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, chưa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu cũng như xác định được thiệt hại trong các tranh chấp trong quan hệ về sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sáng tạo, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật thì việc sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ là một yêu cầu cấp thiết.
Mặt khác, đây cũng là điều ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo nền tảng cơ sở vững chắc để Việt Nam tham gia “cuộc chơi” với quốc tế, để chúng ta không bị thua thiệt khi bước vào sân chơi này.
Phóng viên: Được biết, trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này có đề xuất sửa đổi cả Điều 226, khoản 1 điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự là bỏ quy định khởi tố hình sự theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và cả chỉ dẫn địa lý. Luật sư có ý kiến gì về vấn đề này?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo ý kiến của tôi, việc sửa đổi này là cần thiết, bởi trong những năm qua, công tác đấu tranh với loại tội phạm này đạt hiệu quả chưa cao. Mặt khác, sau khi Hiệp định CPTPP được phê chuẩn, các quy định trong nước và quốc tế cần có sự hài hòa, cũng như để tuân thủ các quy định và nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong Hiệp định CPTPP.
Theo đó, Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu.
Nhìn lại tình hình nước ta hiện nay, do nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế, hệ thống thực thi pháp luật còn bất cập nên tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không phải là chuyện hiếm gặp. Vì vậy, việc tiến hành xử lý hình sự đối với tội phạm xâm phạm quyền sở hữu là cần thiết, tạo sự chủ động cho các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Phóng viên: Liên quan đến vụ việc bài hát “Quốc ca” bị đánh bản quyền khiến dư luận khá bức xúc, có nhiều ý kiến thắc mắc rằng: đối với bản quyền của các tác phẩm âm nhạc thì quyền tác giả hay quyền liên quan có giá trị lớn hơn? Cụ thể như tại trường hợp công ty BH Media đăng ký sở hữu quyền đối với bản ghi âm Quốc ca Việt Nam do Hồ Gươm Audio thực hiện thì có hợp pháp không? Xin mời ý kiến của ông về vấn đề này.
Luật sư Trần Xuân Tiền:
Theo quy định hiện hành, quyền tác giả và quyền liên quan là hai khái niệm pháp lý độc lập. Cụ thể, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”, còn Quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi là quyền liên quan) là quyền của cá nhân, tổ chức đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, tín hiệu vệ tinh, chương trình phát sóng mang chương trình được mã hóa”.
Vì vậy, không thể so sánh quyền nào có giá trị lớn hơn. Quyền liên quan được hình thành sau quyền tác giả, nhưng không có nghĩa vai trò của quyền liên quan mờ nhạt hơn quyền tác giả.
Đối với trường hợp công ty BH Media đăng ký sở hữu quyền đối với bản ghi âm Quốc ca Việt Nam do Hồ Gươm Audio thực hiện, thì cần phải lưu ý rằng, BH Media có quyền với bản ghi âm, ghi hình mà họ sản xuất và sở hữu (quyền liên quan) chứ không phải nội dung bài hát (quyền tác giả). Còn sử dụng tới mức nào lại cần phải được cho phép của chủ sở hữu. Với bài hát được hiến tặng sẽ do Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch quản lý vấn đề bản quyền.
Bên cạnh đó, nếu Hồ Gươm Audio là đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình này, cần xem xét đơn vị này nắm giữ quyền với bản ghi này ra sao. Bản ghi sản xuất trên đĩa CD sẽ là hành vi phân phối, còn đưa lên mạng là hành vi truyền tải tác phẩm tới công chúng qua mạng internet thì lại cần xem Hồ Gươm Audio có quyền truyền tải hay không.
Phóng viên: Trong thực tiễn, có nhiều bất cập trong việc tiếp cận, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của số đông công chúng khi tổ chức phát sóng, tổ chức và cá nhân khai thác bản ghi âm, ghi hình không thỏa thuận được với tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất về mức tiền bản quyền chi trả. Vậy pháp luật có quy định về nguyên tắc xác định mức tiền bản quyền chi trả hay không, thưa ông?
Luật sư Trần Xuân Tiền:
Về vấn đề trên, theo quy định tại Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ quy định một số trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Các mức nhuận bút, thù lao chủ yếu dựa trên thỏa thuận của đôi bên, tuy nhiên vẫn có những quy tắc xác định chung được quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định 22/2018/NĐ-CP như sau:
– Việc trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
– Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác, sử dụng.
– Các đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao theo mức độ sáng tạo, phù hợp với hình thức khai thác, sử dụng.
– Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định trong hợp đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật.
Phóng viên: Một nội dung mới trong dự thảo luật lần này là bổ sung thêm đối tượng được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, đó là “nhãn hiệu âm thanh”. Vậy theo luật sư, chúng ta sẽ gặp những khó khăn nào khi công nhận âm thanh là đối tượng nhãn hiệu được bảo hộ?
Luật sư Trần Xuân Tiền:
Theo ý kiến của tôi, khi công nhận âm thanh là một loại nhãn hiệu thì vấn đề đánh giá, công nhận nhãn hiệu là một thách thức lớn với cơ quan nhà nước, bởi đối với loại dấu hiệu không thể được nhận biết được bằng thị giác – thì điều cần thiết ở đây là nên đưa ra các quy định về hình thức để thể hiện nhãn hiệu âm thanh đó.
Cụ thể, khoản 1 Điều 72 của Luật hiện hành chỉ được bổ sung nội dung “hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” và dự thảo Luật cũng không có quy định như thế nào được coi là “dạng đồ họa”. Do đó, cần làm rõ trường hợp nhãn hiệu âm thanh được thể hiện dưới các dạng khác thì có được bảo hộ không? Các âm thanh ở mức quá đơn giản như tiếng chuông báo thức, tiếng chim hót… có được bảo hộ là nhãn hiệu không?
Phóng viên: Có thể nói, phần “bản quyền” là nội dung được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất của dự án Luật SHTT lần này. Vậy theo luật sư, việc sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn chưa?
Luật sư Trần Xuân Tiền:
Xuất phát từ thực tiễn hiện nay, mạng xã hội như YouTube, Facebook, đang là môi trường có nhiều vi phạm bản quyền nhất. Vì vậy, phần bản quyền là nội dung được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất của dự thảo Luật SHTT cũng là điều dễ hiểu. Trong đó, các quy định về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan, cũng như quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) được quy định rõ ràng và cụ thể hơn.
Những quy định trên tạo thuận lợi cho thực tiễn thi hành và nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi cam kết quốc tế, phù hợp với cam kết tại Hiệp định EVFTA; quy định rõ các trường hợp miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời luật hóa quy định tại Điều 6 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về nội dung giả định về quyền tác giả, quyền liên quan.
Vâng, xin cảm ơn Luật sư Trần Xuân Tiền đã tham gia buổi trao đổi ngày hôm nay!