Để giỏi bất cứ nghề gì cũng đòi hỏi sự lột xác đau đớn, liên tục và không ngừng, cái giá của cuộc sống, công việc là thế – nghề Luật sư cũng là một nghề như vậy, và thậm chí còn có những yêu cầu khắt khe hơn để trở thành một người luật sư chân chính và sống được bằng nghề. Chia sẻ về kinh nghiệm hơn 10 năm hành nghề luật sư của mình cho các luật sư trẻ, Luật sư Trần Xuân Tiền đã có rất nhiều lời khuyên thiết thực, ý nghĩa.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết: Khi rời nhà nước ra hành nghề luật sư thì bản thân luật sư đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng phải luôn biết cảm ơn những khó khăn, những điều không may mắn đó đã rèn luyện bản thân để thành công như ngày hôm nay, do vậy các bạn luật sư trẻ phải có sự tự tin nhất định vào thân, khám phá bản thân, dựa vào chính mình, không trông chờ vào người khác..
Nghề luật sư bản chất là kinh doanh dịch vụ pháp lý do đó mỗi luật sư phải biết “bán hàng”, biết giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của mình cho khách hàng. Luật sư phải giỏi Marketing, nhạy bén, hiểu được sản phẩm của mình, hiểu tâm lý khách hàng. Vậy ai sẽ là người Marketing? Người Marketing trước hết phải là Trưởng Văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật, là người lãnh đạo, quản lý tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) trực tiếp thực hiện và chỉ đạo, truyền lửa lại cho nhân viên. Việc Marketing phải được thực hiện thường xuyên, liên tục đồng thời có sự đổi mới, sáng tạo trong nội dung và cách làm.
Vai trò của Trưởng TCHNLS là rất lớn do vậy phải chú trọng xây dựng hình ảnh cá nhân, giữ gìn hình ảnh cá nhân và giữ gìn thương hiệu của luật sư cũng như TCHNLS. Thương hiệu là vấn đề chưa được các TCHNLS chú trọng đúng mức hiện nay, việc xây dựng được một thương hiệu mạnh, uy tín, được nhiều người biết đến, tin tưởng là vấn đề không hề dễ.
Luật sư cũng cần nhận thức và hiểu rõ vị trí, vai trò của khách hàng. Khác hàng không đơn thuần là người sử dụng dịch vụ pháp lý mà còn là người đánh giá, giới thiệu khách hàng khác biết đến TCHNLS. Như vậy, sản phẩm tốt và bán hàng tốt là những yếu tố quan trọng để thành công trong bất kì ngành nghề kinh doanh nào, trong đó có nghề luật sư.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, người luật sư hành nghề chân chính và thành công thì phải có đạo đức hành nghề luật sư. Nhiều khi mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng không tránh khỏi những bất đồng, hiểu nhầm về giải quyết công việc, phí dịch vụ. Trong những tình huống như vậy, luật sư phải biết ứng xử có văn hóa, giải quyết mâu thuẫn đó ổn thỏa, thậm chí có thể hoàn lại hợp đồng cho khách hàng. Ứng xử một cách có hiểu biết, thông cảm hoàn cảnh khách hàng khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm: Nhiều khách hàng còn hạn chế về nhận thức, ứng xử, là người yếu thế trong xã hội vì vậy luật sư phải có thái độ nhân văn, cảm thông, đứng ở vị trí “bảo vệ khách hàng yếu thế” chứ “không phải thắng khách hàng”. Điều này vừa thể hiện đạo đức, sự nhân văn, vừa giữ gìn hình ảnh người luật sư mẫu mực, khiêm tốn, biết ứng xử.
Ngoài ra, nghề luật sư còn đòi hỏi tư duy nhạy bén, nhanh nhẹn, sáng tạo, đặc biệt là áp dụng kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực, ngành nghề vào giải quyết công việc như kiến thức quân sự, quản lý, lãnh đạo, tâm lý học,…. Do đó, các luật sư trẻ phải có tinh thần hạm học hỏi, biết áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân và học hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè trong các lĩnh vực khác để áp dụng vào thực tiễn công việc.
Đồng thời luật sư phải có sự quan tâm đến mảng báo chí, truyền hình. Tham gia trả lời, góp ý kiến đối với các tin tức, sự kiện, nhất là các vấn đề nóng trong xã hội, góp phần đưa tiếng nói của luật sư đến với công chúng.
Xây dựng kênh truyền thông riêng cho TCHNLS qua các trang mạng xã hội như xây dựng Fanpage, kênh Youtube, Website,… Đảm bảo luôn có nội dung chất lượng, phong phú, có sự đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của người xem.
Những kinh nghiệm của Luật sư Trần Xuân Tiền hết sức đa dạng, phong phú, áp dụng kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế, ngoài ra còn những chia sẻ quý báu về tố chất để trở thành luật sư, đạo đức, quan điểm hành nghề luật sư, kinh nghiệm tìm kiếm khách hàng, xây dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu của TCHNLS,…. sẽ được giới thiệu chi tiết ở các bài viết sau.
Video lớp zoom: Kinh nghiệm hành nghề luật sư – Luật sư Trần Xuân Tiền
https://www.youtube.com/watch?v=Qs_XikLmGkE
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết: Hoàng Lan
ĐT: 0972640117 – Email: hglan2210@gmail.com