Văn hóa ứng xử trên không gian mạng là một cụm từ gần đây được nhắc đến rất nhiều. Sự bùng nổ công nghệ, internet và các phương tiện truyền thông khác đã đem lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mặt trái của sự tiện nghi là việc xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực của người dùng thông qua các trang mạng xã hội, website,… tác động xấu và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Internet là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người: rút ngắn mọi khoảng cách địa lý, đưa con người từ nhiều vùng miền, nhiều đất nước đến gần nhau hơn. Tính đến đầu năm nay, Việt Nam có gần 70 triệu người đang sử dụng internet, chiếm hơn 70% dân số. Trong số này, có tới 95% người dùng vào internet thông qua điện thoại di động và dành hơn 3 tiếng để truy cập mạng. Những con số trên đây cho thấy mạng xã hội tuy “ảo” nhưng ngày càng có tác động lớn đến đời sống “thật” trong xã hội.
Tuy vậy, hiện tượng nào cũng có hai mặt của nó. Có nhiều người dùng internet đã quên mất rằng, việc ứng xử trên không gian mạng không khác gì với việc ứng xử trong xã hội hằng ngày. Thậm chí, nếu ứng xử trên mạng sai cách còn kéo theo nhiều hệ lụy không lường trước, bởi ai cũng có thể dễ dàng tìm ra được thông tin của nhau và dễ dàng dùng những thông tin của người khác nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay trục lợi. Với đặc thù là công cụ kết nối, chỉ cần một cú “click” là những thông tin đó có thể lan truyền tới hàng trăm, hàng triệu người dùng, gây hại cho cộng đồng và ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư mỗi người.
Sự việc về văn hóa ứng xử gần đây có thể thấy rõ nhất là vụ việc một đoạn clip về nhóm du khách chơi team building có hành vi phản cảm trên bãi tắm ở TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xuất hiện trên rất nhiều các trang mạng. Sau những ồn ào, lùm xùm xung quanh vụ việc, những ngày gần đây, sau khi phân tích kỹ hình ảnh video, nhiều ý kiến cho rằng video này được quay từ hơn hai năm trước, sau đó lại được đăng tải và phát tán trên mạng xã hội.
Nhóm nữ du khách có hành vi phản cảm khi chơi teambuilding ở Quảng Ninh
Theo hình ảnh từ đoạn clip được ghi lại cho thấy, một số người phụ nữ trong nhóm du khách đã có hành vi cởi áo ngực làm dụng cụ múc nước, trong khi tại bãi biển có rất đông người lớn, trẻ em đang đi du lịch. Để có căn cứ để cơ quan chức năng tiến hành xử phạt, trước hết cần xác định thế nào là hành vi ăn mặc phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, bởi hiện nay định nghĩa cũng như các tiêu chí xác định hành vi “phản cảm” trong luật hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng, nếu vận dụng không phù hợp sẽ gây sự áp đặt.
Bên cạnh đó, về xử phạt đối với các hành vi không phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, hiện nay mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, căn cứ vào Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Còn đối với những hành vi ăn mặc phản cảm tại nơi công cộng nói chung, hiện vẫn chưa có quy định chi tiết về chế tài xử phạt.
Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho thấy hành vi này vi phạm quy định về trật tự công cộng, gây mất trật tự công cộng thì căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, những người này có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong trường hợp hành vi này có dấu hiệu “khiêu dâm” tại nơi công cộng, căn cứ điểm e khoản 5 Điều 7 Nghị định này, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 8 triệu đồng.
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội là 01 năm và được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đồng thời, căn cứ Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi 2020, nếu hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Đối chiếu với quy định trên, nếu xác định được hành vi phản cảm của nhóm du khách tại bãi biển được thực hiện từ hơn 2 năm trước thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm người này. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả không áp dụng đối với hành vi vi phạm trên nên cũng không đặt ra với người vi phạm trong trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xác minh, làm rõ đoạn clip trên do ai đăng tải, phán tán lên mạng và với mục đích gì, từ đó làm căn cứ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số, vô tuyến điện, hành vi cung cấp, truyền đưa, thông tin có nội dung trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có thể bị phạt tiền từ 30 triệu – 50 triệu đồng. Đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được, buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu việc đăng tải nhằm mục đích xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm dân sự như: chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Từ những phân tích trên có thể thấy, hành vi nêu trên của một số cá nhân trong nhóm du khách, dù vì lý do gì cũng bị coi là hành vi phản cảm, lệch chuẩn về suy nghĩ và nhận thức, phản ánh văn hoá bên trong một con người. Tuy nhiên, việc đăng tải, phát tán clip nêu trên lên mạng xã hội còn đáng chê trách hơn, bởi việc đăng tải hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm, xấu độc không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiếp nhận, tác động tiêu cực đến môi trường mạng và nhiều hệ luỵ khác.
Để xảy ra những ồn ào không đáng có xung quanh vụ việc nêu trên, trách nhiệm không chỉ đặt ra đối với nhóm du khách du lịch tại bãi biển mà còn thuộc về người đăng tải, phát tán video. Vì vậy, đối với khách du lịch, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tránh để xảy ra những ồn ào không đáng có, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, con người tại địa phương nơi mình đến tham quan, du lịch.
Mặt khác, người dùng mạng xã hội cũng cần có ý thức sử dụng mạng một cách lành mạnh, biết chắt lọc nội dung khi đăng tải, trao đổi, truyền bá hình ảnh, clip để xây dựng môi trường mạng văn minh, thể hiện được nét văn hoá và giá trị con người Việt Nam. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ và nghiêm khắc, đủ để cảnh tỉnh, có tính răn đe các đối tượng có ý định vi phạm.
Điều quan trọng là, không gian mạng có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi cá nhân người sử dụng. Trong đó, người dùng mạng xã hội nên chia sẻ những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về cộng đồng, xã hội; phê phán những cái xấu, lên án những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, hướng tới xây dựng cộng đồng mạng văn minh hơn. Tránh việc hùa theo đám đông để đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, hay có những hành vi như “bóc phốt”, chửi bới nhau trên mạng xã hội với lời lẽ tục tĩu, phản cảm,… Mỗi cá nhân chúng ta cần có cách ứng xử khéo léo, có văn hóa, không chỉ ở đời sống thực mà còn ở trên cả không gian mạng. Bởi lẽ, nói đến văn hóa cũng là nói đến phẩm chất, đến giá trị, đồng thời cũng là nói đến trình độ của con người.
Người viết: Lương Lệ Mai – CVPL VPLS Đồng Đội
SĐT: 0396.018.496
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi