Trong các vụ án tranh chấp đã tiến hành khởi kiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền, có thể coi việc giải quyết án hành chính là phức tạp và khó khăn nhất. Bởi đây là những vụ án mang tính chất đặc thù: thường người khởi kiện là người dân, còn người bị kiện là Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp cũng như các cá nhân có liên quan. Do đó, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian qua thì quá trình giải quyết án hành chính vẫn còn phát sinh nhiều bất cập, mang nặng tính hình thức, gây bức xúc và mất niềm tin của người dân vào cơ quan tố tụng nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung.
Theo thống kê, năm 2021 việc xét xử, giải quyết các vụ án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. TAND các cấp đã thụ lý 10.728 vụ; đã giải quyết, xét xử được 5.693 vụ, đạt tỉ lệ 53,1% (thụ lý giảm 1.742 vụ, xét xử giảm 2.889 vụ). Cũng trong năm qua, chất lượng các bản án, quyết định hành chính được nâng lên và có nhiều tiến bộ, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước (hủy do nguyên nhân chủ quan giảm 0,18%, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,1%), đã khắc phục triệt để việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật và không có bản án, quyết định hành chính nào phải giải thích hoặc kháng nghị do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án,… Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng về thực trạng xét xử án hành chính hiện nay ở nước ta.
Từ khi ra đời cho đến nay, Bộ luật tố tụng hành chính liên tục được sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp theo từng thời kỳ phát triển của đất nước, vừa để bảo vệ tốt hơn cho người dân, các tổ chức kinh tế – xã hội, vừa góp phần bảo vệ pháp chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, công tác theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật tố tụng hành chính còn chưa cao, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức. Trong quá trình tham gia các phiên toà hành chính với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân, luật sư Trần Xuân Tiền nhận thấy có một số vướng mắc, bất cập như sau:
Thứ nhất, về chế định người đại diện trong tố tụng hành chính. Điều 54 Luật Tố tụng hành chính 2010 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản”. Điều 60 Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung thêm quy định về trường hợp nếu người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, thì những người này chỉ được uỷ quyền cho cấp phó của mình đại điện. Quy định này đã thu hẹp phạm vi uỷ quyền của người đứng đầu, nhằm nâng cao chất lượng phiên toà cũng như nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước trong quá trình tham gia các phiên toà hành chính.
Tuy nhiên trên thực tế, chưa đến giai đoạn xét xử tại toà án mà ngay tại các phiên hòa giải, đối thoại, đại diện người bị kiện đều có đơn xin vắng mặt, còn các phiên tòa sau đó cũng được tạm hoãn để bổ sung chứng cứ. Tới khi được xét xử lại, đại diện bên bị kiện cũng xin vắng mặt, mặc dù việc này là không trái với quy định pháp luật nhưng lại gây ảnh hưởng, khó khăn rất lớn đối với việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, tranh luận để làm rõ các tình tiết. Do vậy, vụ án hành chính thường bị kéo dài, gây tâm lý bức xúc cho người khởi kiện vì chưa được giải thích rõ hoặc tuy đã được giải thích nhưng vẫn còn khúc mắc, chưa thông suốt…
Tình trạng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, cũng không tham gia phiên tòa được coi là hạn chế lớn nhất, nghiêm trọng và kéo dài trong nhiều năm tại nhiều địa phương mà chưa thể khắc phục. Đây cũng là nội dung mà Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh trong Báo cáo giám sát, bởi theo thống kê từ năm 2019-2021, chủ tịch UBND TP. Hà Nội hoặc người được ủy quyền tham gia tố tụng vắng mặt 100% tại các phiên đối thoại và phiên tòa hành chính. Tình trạng trên không chỉ khiến cho các cơ quan nhà nước mất đi cơ hội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân mà còn kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân.
Thứ hai, về thẩm quyền xét xử của Toà án. Trước đây, Luật TTHC quy định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện là TAND cấp huyện. Đến khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực, thẩm quyển xét xử sơ thẩm đối với các khiếu kiện nêu trên đã được nâng lên từ TAND cấp huyện lên cấp tỉnh, với mục đích đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch nền hành chính, tạo điều kiện để Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc độc lập, tuân theo pháp luật. Song, việc bổ sung thẩm quyền này cho TAND cấp tỉnh lại nảy sinh nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Trong đó, điều này không chỉ tạo áp lực công việc, số lượng án hành chính cần giải quyết mà còn gây khó khăn cho Toà án cấp tỉnh trong việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án, nhất là đối với hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ, xác minh lấy lời khai của các đương sự, người làm chứng. Đối với những vùng còn khó khăn, giao thông không thuận tiện cũng khiến TAND cấp tỉnh phải tốn nhiều chi phí và thời gian cho việc di chuyển để thu thập tài liệu, chứng cứ. Đương sự cũng gặp khó khăn trong việc đi lại, thực hiện những thủ tục cần thiết. Do đó, chất lượng các phiên toà không được bảo đảm, tình trạng nợ án, tồn án còn xảy ra tại nhiều địa phương.
Từ thực trạng nêu trên, luật sư Trần Xuân Tiền đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục các bất cập và hoàn thiện quy định về tố tụng hành chính như sau:
Một là, bổ sung và hoàn thiện các chế định của pháp luật về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tham gia các phiên toà hành chính. Trong đó, định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý, Chủ tịch UBND có trách nhiệm thống kê, báo cáo số lần tham gia các phiên toà hành chính trong năm, trường hợp vắng mặt cần nêu rõ lí do. Song song với đó, Toà án các cấp cũng có trách nhiệm thống kê các vụ án hành chính có sự tham gia của UBND các cấp, tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền để báo cáo. Mặt khác, cần xem xét đưa trách nhiệm tham gia các phiên toà hành chính của Chủ tịch UBND, cấp phó được uỷ quyền là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ trong từng năm công tác. Điều này vừa nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý hành chính nhà nước, vừa tạo điều kiện để các phiên toà được diễn ra đúng tiến độ, tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như đảm bảo tính khách quan, công bằng. Ngoài ra việc này cũng góp phần cải thiện đáng kể chất lượng và hiệu quả phiên toà, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, hạn chế những bức xúc không đáng có.
Hai là, tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học, trao đổi chuyên môn và rút kinh nghiệm của các cơ quan tố tụng, có sự tham gia của luật sư. Xuất phát từ đặc thù của các vụ án hành chính, người bị kiện thường là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, cho nên Tòa án khi xét xử thường có quan điểm, hướng bảo vệ, “ưu ái” đối với cơ quan nhà nước, thậm chí vì có liên quan đến chức quyền, đến chuyện “tiến thân” nên cũng có chuyện tiêu cực xảy ra. Không ít những trường hợp, phải nhờ tới Tòa án phúc thẩm, người khởi kiện mới có được một đáp án chính xác, thậm chí là tới cả phiên giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo chia sẻ của những người tham gia giải quyết vụ án hành chính, việc đánh giá mức độ thắng kiện của người khởi kiện trong vụ án hành chính được dựa trên tỷ lệ cơ hội thắng kiện của người khởi kiện như sau: Nếu tỷ lệ thắng kiện của người khởi kiện là 50% thì người khởi kiện chắc chắn thua, tỷ lệ 50% – 70% người khởi kiện chưa chắc thắng, trên 70% người khởi kiện có khả năng thắng kiện nhiều hơn tuy nhiên còn nhờ vào sự may mắn và “công tâm” của Hội đồng xét xử. Vì vậy, người dân muốn khởi kiện hành chính phải cân nhắc kỹ, phải có hiểu biết pháp luật nhất định mới nên khởi kiện.
Do đó, việc tổ chức các hội thảo khoa học để trao đổi chuyên môn, trao đổi các khó khăn vướng mắc trong quá trình xét xử giữa các cơ quan tố tụng là điều hết sức cần thiết. Hơn nữa, với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, thông qua các hội thảo khoa học, luật sư sẽ phát huy được chức năng phản biện xã hội, góp phần tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hành chính, nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Thực hiện chức năng và trách nhiệm của mình, luật sư có thể đưa ra quan điểm đồng thuận hay không đồng thuận với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, đưa ra các bất cập trong hoạt động của các cơ quan và người tiến hành tố tụng mà mình cho rằng chưa phù hợp… và đưa ra các kiến nghị, đề nghị. Đây là một đóng góp có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính.
Bên cạnh đó, sự tham gia của luật sư trong các vụ án hành chính cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi hoạt động này không chỉ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm mà còn góp phần vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, mỗi Luật sư phải luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là phải dũng cảm đấu tranh với các hành vi sai trái của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, chống các hành vi thỏa hiệp trong quá trình tố tụng… Quan trọng nhất, luật sư phải là người thực hiện việc đối thoại, hòa giải giữa người dân và chính quyền để mâu thuẫn về lợi ích giữa chính quyền và người dân không tăng thêm, không gay gắt, đảm bảo vụ việc được giải quyết hài hoà, hợp tình hợp lý.
Trong các vụ án hành chính, không phải lúc nào người khởi kiện – người dân cũng đúng hoàn toàn. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định rõ, trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thấy quyết định hành chính, hành vi hành chính đó trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, họ có quyền khởi kiện theo luật định. Việc thực hiện quyền khởi kiện trước hết là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước có cơ hội xem xét lại các quyết định, hành vi để khắc phục vi phạm, đảm bảo tính hợp pháp và có hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Chính vì mục đích nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan hành chính nhà nước hay người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước không nên quan trọng chuyện thắng – thua trong các phiên xử hành chính, mà coi đó như một cách thức để góp phần xây dựng chính quyền, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý hành chính nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước. Ngoài ra, trong các vụ án hành chính, các cấp chính quyền cần nâng cao công tác dân vận, khéo léo, hài hòa trong ứng xử với người dân, làm rõ và giải quyết những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân. Đồng thời tích cực hơn trong việc tham gia các buổi đối thoại với người dân vì đây là chìa khóa giải quyết vụ án, tránh được việc phải đưa vụ án ra xét xử, khiếu nại, tố cáo kéo dài./.
Người viết: Lương Lệ Mai – CVPL
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi