Những vấn đề liên quan đến vụ án hình sự, luôn là tâm điểm chú ý của toàn xã hội. Đã có không ít những vụ án oan sai, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, thủ tục tố tụng, đạo đức nghề nghiệp…gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, đến cuộc sống không chỉ của bị can, bị cáo, bị hại mà còn ảnh hưởng tới gia đình, những người thân xung quanh họ… Vì thế, nếu các vụ án có sự tham gia của luật sư sẽ góp phần quan trọng để cơ quan tố tụng xem xét, đưa ra những quyết định, phán quyết khách quan, công bằng.
Để quý bạn đọc nắm được và hiểu rõ hơn về công việc của Luật sư khi tham gia vụ án hình sự. Văn phòng luật sư Đồng Đội có bài viết chia sẻ xin gửi tới quý bạn đọc.
Nhìn chung trong các vụ án hình sự, Luật sư không chỉ tham gia vào xử lý, giải quyết các vấn đề quan trọng, cần thiết, phát sinh trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, bi hại…mà Luật sư còn tham gia nghiên cứu, xử lý, giải quyết các vấn đề ngay từ khi tiếp nhận vụ việc từ khách hàng. Đây cũng là công việc đầu tiên mà Luật sư cần làm để xác định bản chất và sự thật khách quan của một vụ án hình sự, cũng là giai đoạn mở đầu, đóng vai trò quan trọng, làm nền tảng cho việc giải quyết vụ án.
Ngoài ra, khi tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, luật sư không chỉ giúp đỡ nghi can về mặt pháp lý mà còn giúp đỡ, động viên tinh thần giúp bị can, bị cáo vượt qua khủng hoảng tâm lý. Trong nhiều trường hợp, luật sư chính là cầu nối trao đổi thông tin giữa người thân và bị can, bị cáo trong phạm vi pháp luật cho phép, vì trong quá trình giải quyết vụ án thường hạn chế nghi can tiếp xúc với người thân. Đồng thời, còn góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo, giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Tổ chức hành nghề Luật sư tiếp nhận đơn mời Luật sư được gửi đến từ phía khách hàng, hai bên ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý sau đó tổ chức hành nghề luật sư ra quyết định phân công một luật sư chuyên môn sẽ tham gia tố tụng để giải quyết vụ án. Khi tiếp nhận vụ việc, Luật sư sẽ tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án, nghiên cứu điều luật áp dụng, xác định những vấn đề pháp lý cần giải quyết, làm rõ tất cả những vấn đề liên quan đến vụ án. Gặp gỡ, đặt câu hỏi, thảo luận với thân chủ, người thân trong gia đình, hàng xóm xung quanh… về những vấn đề liên quan đến vụ án, về những vấn đề chưa rõ, cần chứng minh…góp phần minh oan hoặc giúp thân chủ được giảm nhẹ hình phạt.
- Trong giai đoạn khởi tố: Ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can, Luật sư sẽ xem xét, kiểm tra về căn cứ, thẩm quyền và trình tự khởi tố, xem xét các nguồn chứng cứ làm cơ sở, căn cứ khởi tố như: kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định pháp y, lời khai của bị can, người làm chứng, người bị hại…xem xét về tính liên quan, tính xác thực, tính hợp pháp của các nguồn chứng cứ là căn cứ khởi tố, đối chiếu lại các tình tiết của vụ án với quy định của bộ luật hình sự xem có hay không có căn cứ khởi tố, khởi tố bị can đúng hay không và khởi tố đã đúng tội chưa… Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ do cơ quan tố tụng thu thập và trên cơ sở các chứng cứ , tài liệu do chính Luật sư thu thập, do khách hàng cung cấp, đối chiếu với quy định của bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự, Luật sư cần có những đề xuất, kiến nghị kịp thời để bảo vệ cho thân chủ ngay từ giai đoạn này như: Kiến nghị không khởi tố hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố, Kiến nghị thay đổi quyết định khởi tố… Đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại đương nhiên Luật sư phải kiểm tra có hay không yêu cầu khởi tố theo đúng quy định của bộ luật tố tụng hình sự
Trong trường hợp vụ án và bị can đã bị khởi tố thi Luật sư cần phải kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ và đối chiếu với quy định của bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự để xác định các quyết định khởi tố đi đúng quy định, trình tự, đủ người, đúng tội hay chưa và có đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại hay không. Ví dụ: Có đủ cơ sở bị can thực hiện hành vi giết người nhưng chỉ khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội, cùng gây thiệt hại cho bị hại nhưng chỉ có một người bị khởi tố…
Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cử và đối chiếu, Luật sư kiến nghị kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, như với quy định của bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự như: Đề xuất trưng cầu giám định, kiến nghị áp dụng các biện pháp điều tra, khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án…
- Trong giai đoạn điều tra, Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng trong đó Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp điều tra, cưỡng chế… để chứng minh hành vi phạm tội của cá nhân, pháp nhân theo các quy định của pháp luật. Điều tra vụ án hình sự bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án và kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra hoặc quyết định đình chỉ điều tra.
Hoạt động của Luật sư trong giai đoạn này nhằm hướng tới mục đích là xác định sự thật khách quan của vụ án ngay từ đầu, các chứng cứ của vụ án được điều tra, thu thập chính xác, trung thực bảo đảm cho bị can thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Sự tham gia của luật sư trong quá trình điều tra vụ án của cơ quan cảnh sát điều tra là rất cần thiết….Khi tham gia giai đoạn điều tra vụ án hình sự Luật sư cùng nghiên cứu, đánh giá tính hợp pháp của những chứng cứ và nếu thấy có thiếu sót, chưa hợp lý trong quá trình tố tụng luật sư kịp thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp.
Trong giai đoạn điều tra, Luật sư gặp điều tra viên, cán bộ phụ trách vụ án để trao đổi thông tin nắm bắt tình hình vụ việc, tình hình của bị can, người đang bị tạm giữ. Luật sư gặp bị can, tiếp xúc, trao đổi (trường hợp bị can không bị tạm giam mà chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú), nắm tình hình diễn biến vụ việc, tư vấn diễn biến tiếp theo việc giải quyết vụ án, thời gian, tiến trình, quy định của tố tụng hình sự.
Tham gia lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Sự tham gia của Luật sư trong các buổi lấy lời khai là rất quan trọng, giúp người bị tạm giữ, bị can ổn định tâm lý, tự tin hơn trong khai báo, ngăn ngừa những trường hợp bị ép cung, mớm cung…dẫn đến nội dung khai báo sai sự thật, không có tội mà bị ép nên nhận tội…
Luật sư tham gia hỏi cung cùng Điều tra viên. Luật sư sẽ ghi chép lại những tình tiết quan trọng trong vụ án được Điều tra viên, Kiểm sát viên hỏi. Có thể hỏi thêm một số câu hỏi đối với bị can để làm rõ vấn đề mà luật sư đang trăn trở, băn khoăn. Xem xét các văn bản về hoạt động tố tụng như: Quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, Luật sư có thể xem xét việc xin bảo lĩnh, đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với thân chủ của mình.
Tham gia hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác. Luật sư tham gia hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động điều tra khác như: Thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định… sẽ giúp Luật sư hiểu rõ hơn về bản chất vấn đề, có được định hướng tốt hơn khi giải quyết vụ án.
Thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Luật sư kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ mà mình thu thập được. Ngoài ra Luật sư còn có thể tự mình tiến hành các hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ khách quan, chủ động đưa ra tài liệu, đồ vật làm chứng cứ trong vụ án mà mình tham gia. Có quyền đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ, yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, yêu cầu giám định hoặc giám định lại nếu thấy kết quả giám định trước đó chưa phù hợp. Có quyền gửi kiến nghị đến cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác minh thêm nếu sau khi tiếp cận vụ án, thu thập chứng cứ, các tài liệu liên quan nếu nhận thấy vụ án còn nhiều điều cần làm rõ và có quyền kiến nghị Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra nếu có căn cứ cho rằng bị can không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của bị can không cấu thành tội phạm.
- Trong giai đoạn truy tố, giai đoạn truy tố bắt đầu từ khi Viện kiểm sát thụ lý hồ sơ vụ án, giai đoạn truy tố là một giai đoạn rất rộng. Viện kiểm sát trên cơ sở kết luận của Cơ quan điều tra, cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trên cơ sở kết quả của hoạt động kiểm sát, điều tra sẽ tiến hành một số hoạt động và xem xét, ra các quyết định tố tụng. Kết thúc giai đoạn này, Viện kiểm sát sẽ quyết định việc truy tố bằng các quyết định: Quyết định truy tố bị can; Chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án; Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung; Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án ; Tạm đình chỉ vụ án; Đình chỉ vụ án
Trong giai đoạn truy tố, hồ sơ của vụ án đã được cơ quan điều tra chuyển cho Viện kiểm sát, đã chứa đựng khá đầy đủ các chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều thu thập hoặc những người tham gia tố tụng giao. Vì vậy, bên cạnh những hoạt động luôn được thực hiện trong tài liệu thì hoạt động chủ yếu của Luật sư trong giai đoạn truy tố là tham gia giải quyết vụ án, là thu thập chứng cứ, tài liệu, nghiên cứu hồ sơ vụ án. Chỉ có thể trên cơ sở nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Luật sư mới có những đề xuất phù hợp và kịp thời với Viện kiểm sát để bào chữa hoặc bảo vệ cho khách hàng của mình. Xác định được là đã có hay chưa nguồn chứng cứ, tài liệu chứng minh những vấn đề quan trọng, bắt buộc của vụ án. Nếu đã có nguồn chứng cứ, tài liệu thì đặt câu hỏi, xác minh nguồn chứng cứ, tài liệu đó có được thu thập một cách hợp pháp, đúng quy định không? Có giá trị chứng minh như thế nào đối với tình tiết vụ án.
Có gì mâu thuẫn giữa các nguồn chứng cứ, tài liệu đã thu thập được không, cần hết sức lưu ý đến vấn đề này. Thực tiễn cho thấy trong các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, thường hay xảy ra mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập. Luật sư cần hết sức chú ý đối chiếu giữa lời khai của bị can, bị cáo với lời khai của bị hại, của người làm chứng; Giữa những lời khai trong những lần khác nhau của cùng một người; Giữa lời khai với kết luận giám định, kết quả khám nghiệm, thực nghiệm, đối chất; Giữa kết luận giám định , kết quả khảm nghiệm với vật chứng được thu giữ…
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cân nhắc để đưa ra những yêu cầu hoặc kiến nghị với Viện kiểm sát. Cần hết sức lưu ý là những yêu cầu, kiến nghị của Luật sư phải có căn cứ pháp lý và có cơ sở thực tiễn, không thuần túy chỉ căn cứ vào kết quả nghiên cứu hồ sơ mà phải dựa trên nhiều cơ sở khác, đặc biệt là phải dựa trên cơ sở diễn biến, kết quả các hoạt động điều tra mà CQĐT đã thực hiện và có sự tham gia, chứng kiến của Luật sư. Tất nhiên, các yêu cầu, kiến nghị của Luật sư phải mang lại lợi ích hợp pháp cho người mà Luật sư bào chữa hoặc bảo vệ.
- Trong giai đoạn xét xử: Luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử. Luật sư đề nghị tòa án cho đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án. Luật sư hướng dẫn khách hàng tìm kiếm và xuất trình các tài liệu về nhân thân có lợi cho bị can, bị cáo như:
Bằng khen giấy khen trong lao động, học tập hay công tác (nếu có). Những giấy tờ của cha mẹ ông bà liên quan đến các danh hiệu được nhà nước trao tặng như Huân Huy chương kháng chiến, Chứng nhận liệt sĩ hay người có công… Những tài liệu này sẽ là căn cứ để Hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong trường bị cáo gây tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự hay tài sản cho bị hại, luật sư hướng dẫn bị can, bị cáo hoặc gia đình (có sự thống nhất với bị can, bị cáo) có một khoản bồi thường cho phía bị hại. Việc bồi thường chứng tỏ phía bị cáo và gia đình đã nhận thức biết lỗi về việc làm sai trái gây thương tổn đến bị hại, việc bồi thường sẽ an ủi làm giảm bớt nỗi đau do hành vi phạm tội gây ra, chứng tỏ bị cáo còn biết hối lỗi, có khả năng giáo dục cải tạo để trở thành người lương thiện.
Tùy từng tính chất vụ việc, luật sư có thể đề nghị cơ quan điều tra áp dụng, thay đổi hay hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và hướng dẫn khách hàng làm đơn xin bảo lĩnh. Trong giai đoạn này luật sư sẽ chuẩn bị luận cứ bào chữa trong đó nêu ra các căn cứ pháp lý, các điều khoản áp dụng, các bút lục tài liệu được viện dẫn chứng minh cho việc bào chữa.
Khi ra tòa tùy theo diễn biến tại phiên tòa có những tình tiết mới phát sinh hay có những vấn đề được làm rõ khác đi so với trước, luật sư sẽ căn cứ vào thực tế đó cùng với nội dung luận cứ chuẩn bị trước đó nêu quan điểm bào chữa, tranh luận tại phiên tòa.
- Trong giai đoạn thi hành án, Vai trò của Luật sư khi tham gia giai đoạn thi hành án hình sự thể hiện qua các công việc: tư vấn, giải thích cho khách hàng các quy định về quyền liên quan tới việc thi hành án; hỗ trợ khách hàng soạn thảo các văn bản đề nghị, đề xuất liên quan; hỗ trợ khách hàng tìm kiếm, hoàn thiện các tài liệu chứng minh cho đề xuất, đề nghị. Khi tham gia giai đoạn thi hành án hình sự, luật sư cần nghiên cứu, nắm được các quy định của pháp luật về hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án hình sự, các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự để có thể tư vấn cho khách hàng, liên hệ làm việc khi cần thiết.
Vì vậy, trong mỗi vụ án hình sự, rất cần có sự tham gia của Luật sư. Luật sư có vai trò vô cùng quan trọng việc góp phần để Toà án đi đến quyết định, phán quyết một cách đúng đắn, tránh làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, sự thật của vụ án được sáng tỏ, vừa giúp cho thân chủ được hưởng khoan hồng, giảm mức án phải chịu. Bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, bị hại, giúp họ thay đổi nhận thức. Góp phần vào việc thay đổi, xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp nước nhà.
Người viết: Vũ Quỳnh Mây – CVPL tại VPLS Đồng Đội
SĐT: 0362997794; Email: vuquynhmay1996.law@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi