Thi hành án dân sự là bước cuối cùng của quá trình tố tụng, thực hiện thi hành bản án của tòa, quyết định của tòa, quyết định của cơ quan tổ chức khác có thẩm quyền được đưa ra thi hành trong lĩnh vực dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế quy trình này không hề dễ dàng, có nhiều vụ việc thi hành án kéo dài rất nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, cũng có những vụ thi hành án diễn ra rất nhanh chóng và dễ dàng nhờ có sự hòa giải, thỏa thuận, tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về hòa giải trong thi hành án dân sự và việc hòa giải thỏa thuận này có ý nghĩa gì trong hoạt động thi hành án?
Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp vấn đề nêu trên!
- Hòa giải, thỏa thuận thi hành án dân sự
Trong luật thi hành án dân sự, không có quy định hòa giải là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên quá trình này lại có ý nghĩa quan trọng trong công tác vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành. Bằng việc phân tích, giải thích bản án/ quyết định của Tòa cho các bên đương sự thấy được quyền lợi của mình và chỉ rõ bản án đã có hiệu lực bắt buộc phải thi hành, nếu không thi hành thì có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế, điều này có thể giúp các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau để quá trình thi hành án diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật thi hành án dân sự 2014, “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận.”
Theo đó, trong quá trình thi hành án dân sự các đương sự có quyền tự thỏa thuận, tự nguyện cam kết thi hành với điều kiện mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì thỏa thuận này có hiệu lực thực hiện đối với các bên. Ví dụ, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên A phải trả cho B 300 triệu đồng trong thời hạn 02 tháng. Tuy nhiên, A không có khả năng chi trả khoản tiền đó trong thời hạn ngắn nên A và B đã thỏa thuận lại là A sẽ trả cho B 300 triệu đồng trong vòng 2 năm hoặc A sẽ trả trước cho B 100 triệu đồng trong vòng 3 tháng, số tiền còn lại A sẽ giao cho B quyền sử dụng đất tương đương. Thỏa thuận của A và B vẫn được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật.
Vậy việc thỏa thuận thi hành án diễn ra tại giai đoạn nào trong quá trình thi hành án dân sự? Thỏa thuận thi hành án có thể diễn ra trước, trong và sau khi có quyết định thi hành án theo quy định tại Luật thi hành án dân sự 2014 và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
+ Đối với trường hợp thỏa thuận diễn ra trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án. Khi đó đương sự đã có thể thỏa thuận thi hành án. Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận. Đương sự có nghĩa vụ thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
+ Đối với trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án. Khi đó đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án. Tuy nhiên, đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 33/2020/NĐ-CP.
+ Đối với trường hơp cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành án. Khi đó, nếu đương sự có thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành.
Từ phân tích trên có thể thấy, pháp luật đã có quy định cụ thể về các trường hợp hòa giải, thỏa thuận trong từng giai đoạn của thi hành án dân sự, từ đó giúp các đương sự thỏa thuận phù hợp với quyền và lợi ích của các bên, nhằm thúc đẩy quá trình thi hành án nhanh chóng, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
- Ý nghĩa của hòa giải trong thi hành án dân sự
Việc hòa giải ở giai đoạn thi hành án rất thuận lợi và dễ nhận được sự chấp nhận của các đương sự. Bởi vì, ở giai đoạn này khi bản án có hiệu lực, tức là các bên đã có “đáp án” để tham khảo và nếu thỏa thuận phù hợp trong khoảng của “đáp án” và có lợi cho các bên thì công tác thi hành án diễn ra rất nhanh chóng và dễ dàng, không cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế tài sản. Ví dụ, theo bản án của tòa án anh A phải trả cho anh B 1 tỷ đồng trong thời hạn 5 tháng. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại anh A không thể chi trả số tiền trên trong thời gian ngắn như vậy. do đó hai bên đương sự đã thỏa thuận rằng: Anh A sẽ trả cho anh B 200 triệu trong vòng 5 tháng, số tiền còn lại anh A sẽ đưa anh B GCNQSDĐ với giá trị tương đương. Hai bên đương sự đã chấp nhận thỏa thuận này và anh A tự nguyện thi hành án, hai bên không xảy ra xung đột lợi ích giúp quá trình thi hành án dễ dàng, nhanh chóng.
Bên cạnh đó, việc tiến hành vận động, thuyết phục, hòa giải, thỏa thuận cho các bên đương sự còn giúp cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên không phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế, góp phần tiết kiệm chi phí cưỡng chế, tiết kiệm được thời gian, công sức của đương sự và chấp hành viên. Đặc biệt là rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc và hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Từ phân tích trên có thể thấy rằng, nguyên tắc cơ bản bao trùm và xuyên suốt toàn bộ các quan hệ dân sự nói chung và quá trình thi hành án dân sự nói riêng chính là nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Hòa giải thi hành án dân sự là sự tự nguyện của các đương sự nhằm bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi để đi đến thống nhất thi hành bản án, quyết định của Tòa. Khi việc thỏa thuận thành công không chỉ đảm bảo việc tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án mà còn giúp quá trình thi hành án hiệu quả và nhanh chóng, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa các đương sự và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Mọi người có thể tham khảo các bài viết về thi hành án dân sự dưới đây:
1/ https://dongdoilaw.vn/nhung-luu-y-khi-thoa-thuan-thi-hanh-an-dan-su/
2/ https://www.youtube.com/watch?v=pLnC0MKj_po
3/https://dongdoilaw.vn/uu-va-khuyet-diem-cua-phuong-phap-hoa-giai-trong-giai-quyet-tranh-chap/
Người viết: Lan Anh – VPLS Đồng Đội
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi