1. Đặc xá là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
2. Những đối tượng được xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh 02/9 năm nay
Theo Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, trong dịp Quốc khánh năm nay (02/9/2021), Nhà nước sẽ thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện (sau đây gọi là phạm nhân); Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31/8/2021.
Đây là lần đâu tiên kể từ khi Luật Đặc xá được sửa đổi vào năm 2018, Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhằm thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc.
3. Những điểm mới đáng chú ý của Luật Đặc xá 2018
Luật Đặc xá 2018 cho thấy một số điểm ưu việt hơn Luật Đặc xá cũ. Cụ thể:
– Nếu Luật Đặc xá 2007 quy định bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc trường hợp không được đề nghị đặc xá thì khoản 2 Điều 12 Luật Đặc xá 2018 thu hẹp hơn đối tượng không được đề nghị đặc xá, theo đó bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án phải bị kháng nghị theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự mới không được đề nghị đặc xá (có lợi hơn cho người bị kết án).
– Luật Đặc xá 2018 cũng có quy định mới đối với trường hợp đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù không thuộc các tội tham nhũng hoặc tội khác do Chủ tịch nước quyết định thì cũng thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá tại điểm đ khoản 1 Điều 11.
– Cùng với đó, Luật Đặc xá 2018 bổ sung quy định Người đang chấp hành án phạt có quyền làm đơn đề nghị đặc xá thay vì chỉ giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam mới được đề nghị đặc xá như Luật cũ.
– Ngoài ra Luật mới còn quy định cụ thể, rõ ràng hơn thời hạn Trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá và trách nhiệm công bố quyết định đặc xá so với Luật cũ.
4. Điều kiện để được đề nghị đặc xá
Điều 3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 quy định về điều kiện được đề nghị đặc xá như sau:
Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện, gồm:
Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là một phần hai thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn; Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân; Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; Người đang chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí; Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng; Khi đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự; không thuộc các trường hợp không được đặc xá.
Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện gồm: Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự trong thời gian chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định tạm đình chỉ; thi hành xong nghĩa vụ dân sự như trên; có đủ thời gian chấp hành hình phạt theo quy định và chấp hành nghiêm pháp luật trong thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt;
Những người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người khi phạm tội dưới 18 tuổi; người đủ 70 tuổi trở lên; hoặc người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động chính… có thể được xem xét nếu đã chấp hành 1/3 thời gian (trừ một số tội danh có điều kiện đặc biệt).
5. Trường hợp không được đề nghị đặc xá
Theo Điều 4 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, có 15 trường hợp không được đề nghị đặc xá. Cụ thể, người có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá không được đề nghị đặc xá nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Bị kết án phạt tù về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia (như: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;…);
Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự;
Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 02 tiền án trở lên; Thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên sáu năm hoặc trên tám năm đối với một số tội cụ thể; Bị kết án phạt tù về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, trừ trường hợp bị kết án phạt tù về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
Phạm tội (giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cướp tài sản, trộm cắp tài sản,…) có tính chất côn đồ, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần,…
Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy trong vụ án phạm tội có tổ chức; người dùng thủ đoạn xảo quyệt, ngoan cố chống đối trong vụ án phạm tội có tổ chức; người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;…
6. Quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá
Theo Điều 20 Luật Đặc xá 2018, người được đặc xá có các quyền:
– Được cấp Giấy chứng nhận đặc xá;
– Được chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan giúp đỡ để hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống;
– Được hưởng các quyền khác như người đã chấp hành xong án phạt tù theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, những người được đặc xá có các nghĩa vụ sau:
– Xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, đơn vị quân đội nơi người đó về cư trú hoặc làm việc;
– Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết;
– Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Đối với trường hợp người được đặc xá là người nước ngoài thì có quyền được cấp Giấy chứng nhận đặc xá và được hưởng các quyền khác như người đã chấp hành xong án phạt tù theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.