Án hành chính được đánh giá là một loại án khó, nhưng khi nghiên cứu kỹ, đào sâu vấn đề thì lại thấy rất hay. Hiện nay, cùng với sự phát triển đô thị hóa, tình hình khiếu nại và khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý hành chính càng ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng và phức tạp về tính chất. Do đó, để giải quyết một cách hiệu quả loại án này thì trước hết Luật sư phải nâng cao chất lượng nghiên cứu và có phương pháp nghiên cứu hồ sơ chuyên sâu, áp dụng căn cứ pháp luật chính xác để có hướng giải quyết hiệu quả. Dưới đây là một số kĩ năng cần thiết của luật sư khi tham gia giải quyết vụ việc hành chính;
I/ Kĩ năng của Luật sư khi tham gia tư vấn khiếu nại hành chính.
Khiếu nại hành chính là một hoạt động diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay, bất kỳ hành vi hành chính hay quyết định hành chính nào vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đều có thể bị khiếu nại ( Luật Khiếu nại năm 2011). Để việc khiếu nại đảm bảo đúng các duy định pháp luật hiện hành, Luật sư cần xác định rõ:
- Đối tượng khiếu nại
“Đối tượng khiếu nại’ bao gồm Quyết định hành chính (văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành); hành vi hành chính (hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật); và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức (quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức).
Đối tượng khiếu nại là căn cứ để giải quyết một vụ việc khiếu nại hành chính, nếu không có đối tượng khiếu nại thì yêu cầu khiếu nại của người khiếu nại sẽ không thể được giải quyết, vì vậy luật sư cần phải xác định được rõ đối tượng khiếu nại để đảm bảo yêu cầu khiếu nại sẽ được giải quyết thỏa đáng.
- Chủ thể khiếu nại
“Chủ thể khiếu nại” chính là những người có quyền khiếu nại bao gồm: công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại. Một người hoặc cơ quan, tổ chức muốn trở thành chủ thể khiếu nại thì phải có quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của người đó, tổ chức đó. Luật sư cần làm rõ làm rõ chủ thể bị ảnh hưởng bởi hành vi trái pháp luật đó.
- Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Là Luật sư cần xem xét xem còn thời hiệu khiếu nại hay không, nếu không thì tìm căn cứ về sự bất khả kháng dẫn đến kéo dài thời gian khiếu nại.
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp; thủ trưởng cơ quan thuộc sở hoặc tương đương; Giám đốc sở và cấp tương đương; Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ; Bộ trưởng; Tổng thanh tra chính phủ; Chánh thanh tra các cấp và Thủ tướng chính phủ. Luật sư cần xác định rõ thẩm quyền thuộc về ai để gửi đơn thư khiếu nại cho đúng, tránh trường hợp xác định sai gửi đơn thư khiếu nại không đúng dẫn đến việc kéo dài thời gian khiếu nại hoặc không được giải quyết việc khiếu nại
- Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền (Điều 11 của Luật khiếu nại), người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Nếu mà trong thời gian đó mà chưa được thụ lý thì luật sư cần phải làm đơn kiến nghị và chỉ ra các sai phạm để việc khiếu nại sẽ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
II/ Kĩ năng của Luật sư khi tham gia đại diện ngoài tố tụng để giải quyết các vụ án hành chính, bao gồm:
- Kỹ năng gặp gỡ, tiếp xác khách hàng
Đây là kỹ năng chung mà hầu như hoạt động pháp lý nào của luật sư cũng cần thực hiện. Thông qua việc sử dụng các kỹ năng giao tiếp khôn ngoan, biết lắng nghe, thể hiện cảm xúc hợp lý và nắm bắt tâm lý khách hàng, luât sư xây dựng được niềm tin ban đầu nơi khách hàng để tìm hiểu những thông tin cần thiết cho quá trình thương lượng, trao đổi về việc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý và đại diện uỷ quyền thực hiện công việc cho khách hàng trong các vụ án hành chính.
- Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin
Thông tin này không phải là những thông tin ban đầu nữa mà đó là những nội dung thiết yếu của vụ việc hành chính cụ thể. Việc thu thập thông tin, luật sư có thể tiến hành thu thập từ nhiều nguồn như từ khách hàng, từ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc từ các cơ quan nhà nước. Với mỗi đối tượng và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sự việc, luật sư cần có các cách thức khéo léo và linh hoạt để thu thập thông tin. Sau khi có được các thông tin, tài liệu, chứng cứ, luật sư cần có kỹ năng xử lý thông tin một cách khoa học, logic và hiệu quả.
- Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ việc
Đối với mỗi vụ việc hành chính hay nói cách khác là đối với mỗi phạm vi vụ việc đại diện (đại diện thực hiện thủ tục hay đại diện khiếu nại) sẽ có các hồ sơ, trình tự, thủ tục khác nhau. Do đó, trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư cần trang bị những kỹ năng cần thiết như kỹ năng đọc, kỹ năng ghi chép, kỹ năng phân tích và kỹ năng tổng hợp lại các nội dung đã nghiên cứu để rút ra kết luận về vụ việc.
- Kỹ năng trao đổi với khách hàng trước khi làm việc với cơ quan nhà nước
Trước khi làm việc với cơ quan nhà nước, luật sư cần trao đổi với khách hàng để khách hành rõ những quyết định hành chính hay những hành vi hành chính trái pháp luật và cho khách hàng biết tiến trình thực hiện công việc, phương án của luật sư nhằm giải quyết yêu cầu của mình đồng thời cung cấp cho khách hàng những phân tích của luật sư về ưu, nhược điểm của từng phương án cũng như những kết quả khi thực hiện các phương án đó để khách hàng tự quyết định sử dụng phương án nào tốt nhất cho bản thân.
- Kỹ năng của Luật sư khi làm việc với cơ quan nhà nước
Khi làm việc với cơ quan nhà nước, luật sư cần lưu ý tuân thủ nguyên tắc đầu tiên đó là tuân thủ trình tự, thủ tục hành chính theo quy định pháp luật. Đối với mỗi phạm vi đại diện, các kỹ năng được luật sư sử dụng cũng không giống nhau. Nếu thực hiện các thủ tục hành chính thì chỉ cần tuân theo quy định nhưng luật sư cũng cần nghiêm túc từ chối các yêu cầu không có trong quy định pháp luật. Khi tham gia giải quyết khiếu nại hành chính, cần linh hoạt, khéo léo và cương quyết trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
III/ Kĩ năng của Luật sư khi tham gia giai đoạn khởi kiện vụ án hành chính
- Về phần tố tụng, Luật sư cần lưu ý những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, Luật sư cần xác định đối tượng khởi kiện là Quyết định hành chính hay hành vi hành chính? do chủ thể nào ban hành? đối tượng khởi kiện (Quyết định hành chính hay hành vi hành chính bị kiện) có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hay không? từ đó, mới xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không? Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp nào theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật Tố Tụng Hành Chính năm 2015. Luật sư cần xác định và lãm rõ vấn đề này ngay từ đầu.
Thứ hai, soạn thảo đơn khởi kiện, xác định rõ nội dung khởi kiện
Khi Luật sư thay mặt đương sự soạn thảo đơn khởi kiện gửi Tòa án cần tuân thủ theo quy định tại Điều 118 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trong Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính như sau: “Ngày, tháng, năm làm đơn; Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính; Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Nội dung quyết định hành chính ;Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết; Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại”. Bên cạnh đó, Luật sư cần dự liệu trước trường hợp Tòa trả lại đơn, Điều 124 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện”, lúc này Luật sư cần phải làm khiếu nại gửi ai để được giải quyết nhận lại đơn khởi kiện. Tất cả phải được Luật sư dự liệu hết trong đầu, để xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
Sau khi thu thập chứng cứ đầy đủ, Luật sư cũng cần nghiên cứu chính xác xem sẽ phải khởi kiện về vấn đề gì, có phù hợp với quy định pháp luật hay không? để có bước đi cho phù hợp.
Thứ ba, xem xét về vấn đề thời hiệu khởi kiện
Luật sư khi xem xét đến Quyết định hành chính hay hành vi hành chính chuẩn bị khiếu kiện cần chú ý các văn bản này còn thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC năm 2015 không? (Thời hiệu quy định 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính; quyết định giải quyết khiếu nại). Trong đó, việc xác định thời điểm nhận được quyết định hành chính thông qua các hình thức giao nhận trực tiếp; nhận qua đường bưu điện; nhận qua chính quyền địa phương cần căn cứ vào các tài liệu như biên bản giao nhận, dấu bưu điện… Trường hợp không nhận được quyết định hành chính thì thời điểm được tính từ khi người khởi kiện biết được có quyết định đó như: số; ngày; tháng; năm; cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định, nội dung của quyết định mà quyết định đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.
Trường hợp, nếu hết thời hiệu khởi kiện thì phải thu thập chứng cứ, xem có lý do khách quan hoặc trường hợp bất khả kháng khiến cho người khởi kiện không khởi kiện đúng thời hạn hay không? Tìm cách thu thập tài liệu chứng cứ cùng đương sự để cho thấy được lý do bất khả kháng nên người khởi kiện đã không khởi kiện đúng thời hạn.
Thứ tư, xác định tư cách người tham gia tố tụng
Về xác định tư cách người tham gia tố tụng phải lưu ý Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu kiện có liên quan đến một hay nhiều người, tránh bỏ sót người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ví dụ: “Khiếu kiện quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đối với hộ gia đình thì ngoài người khởi kiện còn phải đưa các thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm có quyết định thu hồi đất vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu những người đó có văn bản ủy quyền thì phải kiểm tra xem đủ các thành viên chưa”.
Thứ năm, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính, Luật sư cần phải lưu ý việc ủy quyền phải đúng quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015.
Thứ sáu, việc thực hiện quyền yêu cầu và quyền kiến nghị
Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Luật sư thực hiện quyền yêu cầu và kiến nghị theo quy định tại Điều 25 Luật TTHC. Nếu qua nghiên cứu hồ sơ phát hiện cần phải xác minh thu thập tài liệu chứng cứ thì lúc này Luật sư sẽ thực hiện quyền yêu cầu. Đây là một nội dung quan trọng trong quá trình nghiên cứu và giải quyết vụ án bởi chỉ khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì việc giải quyết vụ án hành chính mới khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Đối với quyền kiến nghị thì Luật sư có quyền kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong giải quyết vụ án hành chính và kiến nghị Tòa án áp dụng hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ví dụ: trường hợp Tòa án có vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, chuyển các văn bản tố tụng cho VKS chậm hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 66 Luật TTHC trong trường hợp cần áp dụng thì Luật sư có quyền gửi kiến nghị đối với từng vi phạm cụ thể.
Thứ bảy, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện ( tài liệu, chứng cứ)
Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Luật sư cũng cần lưu ý đến vấn đề hồ sơ khởi kiện (bao gồm đơn khởi kiện đã đảm bảo cả về nội dung lẫn hình thức chưa; tất cả giấy tờ, tài liệu, chứng cứ kèm theo bao gồm các quyết định hành chính, hành vi hành chính, tài liệu chứng cư chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, tài liệu chứng cứ chứng minh tính trái pháp luật của hành vi. Trong đó, có cả biên bản phiên họp công khai chứng cứ và đối thoại. Về cơ bản, các căn cứ khởi kiện cũng như tài liệu do người bị kiện xuất trình phải được thể hiện trong biên bản này bởi có trường hợp tại phiên luật sư có thể yêu cầu Tòa án ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Việc giao nộp tài liệu, chứng cứ tại Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng thẩm phán tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính.
Thứ tám, Luật sư cần có kế hoạch khởi kiện rõ ràng
Muốn có kế hoạch khởi kiện rõ ràng, Luật sư cần hệ thống lại toàn bộ tài liệu chứng cứ, đơn khởi kiện, trao đổi thảo luận cụ thể với người khởi kiện về những yêu cầu khởi kiện ( đối tượng khởi kiện, yêu cầu bồi thường, yêu cầu tham gia tố tụng). Xác định cụ thể thẩm quyền Tòa án giải quyết và từ đó nộp đơn khởi kiện theo đúng quy định trình tự tố tụng…
- Về phần nội dung, luật sư cần chú ý các vấn đề sau:
Để đảm bảo giải quyết vụ án khách quan, đúng quy định pháp luật thì nhiệm vụ của Luật sư khi nghiên cứu hồ sơ bên cạnh việc kiểm tra các thủ tục tố tụng thì việc giải quyết nội dung, hướng giải quyết vụ án cũng cần có quan điểm rõ ràng, đúng theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
Luật sư phải nắm vững căn cứ pháp luật và các văn bản có liên quan để xác định tính hợp pháp của Quyết định hành chính bị khởi kiện xem trình tự, thủ tục, thẩm quyền và căn cứ ban hành Quyết định hành chính trong từng vụ việc cụ thể có đúng không? Nếu là khiếu kiện về hành vi hành chính thì phải xác định cơ quan, người có thẩm quyền nếu không thực hiện hành vi hoặc nếu thực hiện hành vi thì có ai bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp bởi hành vi đó hay không? Bởi sự khách quan đúng pháp luật của vụ án chỉ có thể được xác định trên cơ sở tổng hợp các thông tin về vụ án và các thông tin này được phản ảnh qua các tài liệu, chứng cứ của vụ án do đương sự cung cấp hoặc do Tòa án thu thập.
Ví dụ: “Khi nghiên cứu một vụ án hành chính vể khiếu kiện đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: Khi có yêu cầu khởi kiện của đương sự và Tòa án thụ lý, sau đó Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát. Lúc này, nhiệm vụ của Luật sư là ngoài kiểm tra về thủ tục tố tụng phải nghiên cứu xem trong hồ sơ Tòa án đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án chưa. Luật sư cần xác định quyết định thu hồi đất của UBND là loại đất gì, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư có thể hiện đúng nguồn gốc đất và loại đất không? Việc áp dụng mức bồi thường có đúng loại đất, đúng căn cứ không… Ngoài ra, cũng cần phải căn cứ vào quá trình sử dụng đất, việc kê khai, đăng ký đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó đối chiếu với quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt phương án xem phương án bồi thường, hỗ trợ đã đúng chưa, nếu chưa thì sẽ đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện và hủy phương án bồi thường, hỗ trợ”.
Như vậy để nghiên cứu một hồ sơ vụ án hành chính theo trình tự sơ thẩm đạt hiệu quả, Luật sư buộc phải nghiên cứu kỹ về thủ tục tố tụng cũng như quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Phải xác định rõ xem cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi hành chính đúng hay sai, nếu thấy cần thiết phải thu thập thêm tài liệu chứng cứ mới giải quyết vụ án một cách khách quan thì chúng ta thực hiện quyền yêu cầu hoặc quyền kiến nghị. Trên cơ sở đó, Luật sư mới có thể đề xuất, báo cáo vụ án với Lãnh đạo một cách rõ ràng và đưa ra quan điểm giải quyết đúng đắn.
Việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án là cơ sở, tiền đề quan trọng nhất để Luật sư tham gia phiên tòa tự tin, thể hiện vai trò, vị thế của Luật sư; đồng thời, tạo niềm tin cho các đương sự tham gia tố tụng, từ đó khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài, hạn chế việc khiếu nại trở thành điểm nóng, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn và quan trọng nhất là phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
IV/ Tình huống thực tiễn cụ thể
“Vụ án của anh H ( tỉnh Đắk Nông), ban đầu tiên chỉ là thỏa tuận dân sự thông qua hợp đồng vay khoảng 300 triệu giữa anh H với Ngân hàng, khi đến hạn anh H vì chưa trả được khoản nợ, anh H đã bị kiện ra Tòa, quá trình thi hành án, anh H bị cưỡng chế kê biên bán đấu giá 03 QSDĐ;( giá trị tài sản lên đến 775 triệu ( gấp khoảng 2,6 lần) số tài sản phải thi hành án. Hơn nữa trong tài sản cưỡng chế kê biên đã kê biên cả mảnh đất mà người em anh Hòa xây dựng và cả đại gia đình đang sống trên mảnh đất đó”. Nếu là Luật sư thì cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của anh H?
Trong trường hợp này, chỉ những thông tin như trên chưa đủ để luật sư đưa ra phương án giải quyết. Luật sư Tiền- Trưởng VPLS Đồng Đội đã chỉ ra: Cần phải vận dụng các kỹ năng, từ kỹ năng tiếp xúc khách hàng để thu thập thêm thông tin về vụ việc, thông tin về đối tượng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Uỷ ban nhân dân xã cấp; Qúa trình thi hành án và cưỡng chế kê biên tài sản xem có gì vi phạm không? Qúa trình chuyển nhượng cấp GCNQSDĐ có đúng quy định, trình tự pháp luật không? Đất có bị tranh chấp gì không? Xác định xem diện tích đất cấp GCNQSDĐ có đúng với diện tích thực tế (đã tiến hành đo vẽ hiện trạng đất trước khi sang tên chưa? )…
Tiến hành thu thập thêm thông tin mang tính chuyên sâu: thông tin về nguồn gốc đất; hiện trạng sử dụng đất tới thời điểm được cấp giấy chứng nhận; Hồ sơ, tài liệu, thủ tục, trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, luật sư bắt tay vào nghiên cứu hồ sơ vụ việc: Xác đinh các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy trình, thủ tục khiếu nại; Nghiên cứu trình tự, thủ tục, thẩm quyền, và đối tượng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Ghi chép, phân tích, đánh giá phương án giải quyết vụ việc; Sau đó tiến hành trao đổi thống nhất với khách hàng các nội dung về phương án khiếu nại và tham gia khiếu nại và khiếu kiện các quyết định hành chính và các hành vi hành chính? Lãm rõ thẩm quyền giải quyết?….chuẩn bị soạn thảo đơn từ khiếu nại và đơn khởi kiện cụ thể, rõ ràng nhất…
Tiếp đến là làm việc với cơ quan nhà nước: Nộp hồ sơ khiếu nại; tham gia đối thoại; xuất trình tài liệu, chứng cứ, nhận quyết định giải quyết khiếu nại.Xem xét kết quả khiếu nại, thi hành kết quả giải quyết khiếu nại hoặc tiến hành khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện.
Qúa trình tìm hiểu nghiên cứu toàn bộ hồ sơ tài liệu, Luật sư Trần Xuân Tiền đã chỉ ra một loạt các dấu hiệu sai phạm:
Thứ nhất: Qúa trình cưỡng chế kê biên để thi hành án có quá nhiều sai phạm (Tài sản được kê biên thi hành án là 3 giấy CNQSDĐ trị giá hơn 775 triệu). Như vậy tài sản kê biên đã vượt quá 2.6 lần khoản tiền thi hành án (300 triệu)
Thứ hai: Quy trình bán đấu giá tài sản của Trung Tâm Bán Đấu Giá tài sản Sở Tư Pháp Tỉnh Đắc Nông đối với các thửa đất có nhiều tiêu cực, thiếu khách quan (dàn xếp kết quả của buổi bán đấu giá, tìm người mua tài sản bán đấu giá trước).
Thứ ba: Mảnh đất kê biên cưỡng chế thi hành án (tài sản chung của 2 anh em anh H), mảnh đất đấy em trai anh H đã xây nhà và hiện cả đại gia đình em trai đang sống trên mảnh đất đó. Vậy mà lại đưa vào làm tài sản để cưỡng chế thi hành án là sai…..
Luật sư Tiền đã nhìn ra hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng, đã khéo léo giúp anh H tiến hành làm thủ tục khởi kiện để “Giải quyết tranh chấp QSDĐ và tài sản dắn liên với đất” để từ đó, khéo léo đưa cơ quan thi hành án vào vai trò: Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để kéo dài việc Thi hành án. Cơ quan thi hành án buộc phải hoãn cưỡng chế thi hành án. Bước tiếp theo chuộc lại tài sản thi hành án….
Lý thuyết là một chuyện và thực tiễn lại là chuyện khác, nên vụ án đã kéo dài đến nay đã hơn 10 năm mà chưa có hồi kết, có quá nhiều sai phạm của nhiều cơ quan tố tụng. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại Luật sư Tiền đã giúp anh H có những bước đi an toàn và thành công!!
CVPL: NGÔ THỊ LÊ – SĐT: 0962 383 026; Email: ngolehlu10@gmail.com