Chỉ 2 tuần trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, VPLS Đồng Đội nhận được đơn mời và hồ sơ vụ việc từ bà T.T.L. Vụ án này thoáng qua trong chúng tôi chút bế tắc và cảm tưởng không có nhiều thứ để nói. Thế nhưng khi bắt tay vào làm việc, chúng tôi hiểu ra những phức tạp, những vấn đề nghiêm trọng những sai phạm “giết dân” của TAND huyện.
Sự tình không rõ ràng.
Ngày 21/6/2012, Xí nghiệp kinh doanh nông sản và Thương mại (sau đây gọi là xí nghiệp) (trực thuộc công ty Cổ phần A) kí hợp đồng kinh tế số 21/2012/HDKT với hộ kinh doanh do bà T.T.L làm chủ hộ. Theo hợp đồng xí nghiệp bán cho hộ bà L 200 tấn lát phơi khô giá 848.000.000VNĐ, thời gian giao hàng từ ngày 21/06 đến hết ngày 28/6/2012, thời gian thanh toán đến hết ngày 26/6/2012.
Ngày 30/06/2014, xí nghiệp và bà L đã ký Biên bản đối chiếu công nợ ghi nhận bà L còn nợ số tiền 176.000.000 đồng.
Ngày 01/7/2016, Công ty cổ phần A khởi kiện yêu cầu bà L thanh toán: 176.000.000 theo hợp đồng số 21/2012/HDKT về tài sản, TAND huyện đã thụ lí vụ án.
Ngày 05/07/2018, TAND huyện MS tiến hành xét xử sơ thẩm và ra bản án số 06/2018/DS-ST về việc yêu cầu thực hiện hiện nghĩa vụ dân sự. Tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần A, buộc hộ hộ kinh doanh bà L có trách nhiệm trả cho Công ty cổ phần A số tiền là 176.000.000 đồng. Không đồng ý với bản án bà Lưu đã có đơn kháng cáo toàn bộ.
Lí lẽ của bị đơn.
Bà L cho rằng, hộ kinh doanh của bà đã thanh toán toàn bộ số tiền trên cho xí nghiệp, nay không còn nợ nần gì, hộ kinh doanh của bà cũng đã giải thể từ năm 2013.
Biên bản chốt công nợ là do một nhân viên trong công ty mang đến nhờ bà kí để họ làm thủ tục báo cáo và quyết toán với cơ quan nhà nước. Do hộ gia đình kinh doanh đã giải thể cũng vì giúp doanh nghiệp mà L đặt bút kí trước hứa hẹn của nhân viên.
Tại phiên tòa bà đưa ra rất nhiều nghi vấn nhưng lại không được Tòa án huyện làm rõ: cụ thể hộ kinh doanh đã giải thể biên bản chốt công nợ là kí với bà L, không phải với hộ kinh doanh do bà là chủ hộ, biên bản không nêu đối chiếu công nợ ở đâu, lí do gì,…chỉ vẹn vẻn một dòng chữ: “hai bên cùng nhau đối chiếu và xác nhận công nợ từ ngày 1/1/2014-30/6/2014”. Hai bên trong biên bản là bà L và xí nghiệp, bà L khẳng định giai đoạn từ 1/1/2014-30/6/2014 bà L không có bất kì giao dịch nào với xí nghiệp cho nên bà không chấp nhận biên bản này.
Bà L cũng đưa ra thắc mắc, hợp đồng kí với hộ kinh doanh từ năm 2012, hộ kinh doanh nhà bà cũng giải thể từ cuối năm 2012, đầu năm 2013. Hằng năm, xí nghiệp đều phải thống kê công nợ báo cáo với công ty, làm sổ sách kế toán,…nhưng công ty không có bất kì yêu cầu hay văn bản gì thúc nợ với hộ kinh doanh của bà. Tại phiên tòa, bà L đã có đề nghị Tòa thu thập những tài liệu này nhưng không hiểu lí do gì công ty không cung cấp và Tòa cũng không có ý kiến.
Tòa xác định quan hệ pháp luật: chuyện như gà mắc tóc.
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu thanh toán nghĩa vụ hợp đồng, theo hợp đồng kinh tế số 21/2012/HDKT, mặt khác hợp đồng trên thực tế chưa thanh lí, theo như đơn khởi kiện hộ kinh doanh do bà L là chủ hộ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng với xí nghiệp. Tuy nhiên, tại thông báo thụ lí và quyết định đưa vụ án ra xét xử TAND huyện xác định quan hệ vụ án là “ kiện đòi lại tài sản” thế nhưng trong bản án số 01/2018, tòa lại xác định quan hệ pháp luật “ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự” với dòng quyết định: “ như vậy đây là tranh chấp về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 14 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”.
Sau khi ra bản án được gần 1 tháng, thì lúc này TAND huyện MS lại có quyết định sửa chữa bổ sung bản án với nội dung: sửa chữa quan hệ pháp luật vụ án, khiến cho tất cả những nhận đươc quyết định vài phen choáng ngợp.
Một vụ án không phức tạp nhưng dưới khả năng và tư duy pháp luật của những người cầm cân nảy mực vụ án lại trở nên phức tạp, nhập nhằng.
Xác định quan hệ tranh chấp là cơ sở vô cùng quan trọng, nếu xác định sai thì vụ việc sẽ phải xét xử lại từ đầu. Tuy nhiên, không ít tòa án xác định sai yếu tố này, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang tháng 6/2016; vụ việc tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa cung cấp lắp đặt cửa sổ, cửa đi và vách ngăn bằng vật liệu UPVC cho công trình Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga (Hà Nội) cũng khiến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội phải xác định lại quan hệ tranh chấp…..
Làm sao cho đúng?
Sau khi ra bản án số 01/2018/DSST-TAND, bị đơn có đơn kháng cáo với nội dung: TAND huyện vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không khách quan…..sau bao ngày xem xét, TAND huyện MS ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm với nội dung, sửa “Về việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự” thành “về việc kiện đòi tài sản”; “Như vây đây là tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hơp đồng” thành “Như vậy, đây là tranh chấp về kiện đòi tài sản”. Tuy nhiên, sửa chữa của Tòa án lại quá vụng về và không đúng quy định của pháp luật bởi theo quy định tại Điều 268 BLTTDS năm 2015, Tòa án không có quyền sửa chữa lại bản án trừ trường hợp phát hiện lỗi về chính tả và số liệu sai sót.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc xác định quan hệ vụ án là : Tranh chấp kiện đòi tài sản” là không thuyết phục. Vụ việc này TAND huyện MS đã xác định sai quan hệ tranh chấp biểu hiện gây bất lợi cho quyền lợi của bị đơn. Như đã phân tích ở trên, nguyên đơn kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng căn cứ vào hợp đồng kinh tế số 21/2012/HĐKT. Hai bên chưa làm biên bản thanh lí hợp đồng và bị đơn cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ với nguyên đơn (theo trình bày của nguyên đơn), do vậy quan hệ pháp luật trong vụ án phải là tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 571 BLTTDS năm 2015, Khoản 3, khoản 1 Điều 159 BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, điểm h Khoản 1 Điều 192 TAND huyện MS phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Thế nhưng, vụ án vẫn được đưa ra xét xử và dù hồ sơ tài liệu chưa đầy đủ, Tòa vẫn quyết định yêu cầu bị đơn thực hiện phần nghĩa vụ của mình với nguyên đơn là chưa khách quan.
Vụ án tưởng như đơn giản nhưng lại rất phức tạp, bị đơn chủ quan không lưu trữ tài liệu, từ “cái xảy nảy cái ung”, trong khi nguyên đơn không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ Tòa án vẫn tuyên bị đơn phải thanh toán nghĩa vụ là điều rất khó hiểu. Quả thật“Không có một thiết chế nào của con người miễn dịch hoàn toàn với sai lầm vì rằng sai lầm nằm trong chính bản tính của con người”, hi vọng phiên tòa phúc thẩm sắp tới TAND tỉnh sẽ khách quan, công bằng xem xét đánh giá toàn diện vụ án để bảo vệ quyền lợi cho các đương sự.
Lê Thùy