CHÚNG TÔI BỊ … “ĐÁ BÓNG” Ở SƠN LA
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập và Báo điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) nhận được đơn thư của chị Đàm Thị Tươi (phường Quyết Tâm, Tp Sơn La – tố cáo lãnh đạo Tp Sơn La đã vô trách nhiệm trong việc cấp đất của gia đình chị cho nhà bên cạnh nhưng không sửa sai; sau đó là sự bao che, đùn đẩy trách nhiệm khiến chị khiếu kiện 11 năm) và đơn của chị Trần Thị Lưu (ở Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tố cáo về cơ sở chế biến nông sản của gia đình chị bị bán đấu giá trái phép). Sau khi xem xét đơn, với tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc,Tổng Biên tập đã cử Phó Tổng Biên tập (là tôi) và một nhà báo, là Trưởng phòng Phóng viên lên Sơn La xác minh thông tin. Trước đó, Tòa soạn đã gửi Công văn theo đường bưu điện (chuyển phát nhanh) đăng ký làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Sơn La và Thường trực UBND tỉnh Sơn La, trong đó nêu rõ thời gian, nội dung làm việc v.v.
Sở dĩ Tòa soạn gửi công văn đăng ký cho chúng tôi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh là bởi, trước đó, chị Tươi và chị Lưu đã đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi; trong đó gửi đơn lên các ông lãnh đạo cao nhất của tỉnh nhưng không giả quyết dứt điểm. Mặt khác, với gia đình chị Tươi, trong hồ sơ đã thể hiện đầy đủ những sai phạm của một lãnh đạo địa phương – người đã gây ra nỗi oan cho gia đình chị – thuộc diện Tỉnh ủy Sơn La quản lí. Chúng tôi mong muốn được làm việc với lãnh đạo tỉnh để biết vướng mắc ở đâu? Việc này giao cho ai chỉ đạo giải quyết? Giải quyết theo hướng nào?
9 giờ sáng ngày 14/7/2015, chúng tôi ra Bến xe Giáp Bát, mua vé xe giường nằm đi Sơn La. Đó là ngày nắng ngùn ngụt. Hơn 10 sáng xe mới chuyển bánh; gần 5 giờ chiều mới tới Tp Sơn La. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi đến nhà chị Tươi. Những hình ảnh ghi nhận về nỗi bi đát của mẹ chị Tươi, vợ liệt sĩ Đàm Văn Tặng chúng tôi đã nêu trong bài viết “Sơn La: Tiếng kêu oan thống thiết của gia đình liệt sĩ” đăng trên doanhnghiepvn.vn và một số kênh thông tin khác.
Sáng 15/7, chúng tôi lên Văn phòng UBND tỉnh. Qua điện thoại và email của một cô gái ở Văn phòng UBND tỉnh, chúng tôi được giới thiệu đến làm liệc với anh Sòi Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa Xã hội thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Sự xuất hiện đường đột của chúng tôi khiến anh Nghĩa hết sức bất ngờ. Anh Nghĩa nói, anh không được giao giải quyết vụ việc này và chúng tôi thấy hình như Văn phòng UBND tỉnh giới thiệu chúng tôi đến nhầm địa chỉ; yêu cầu của chúng tôi không thuộc thẩm quyền giải quyết của anh Nghĩa. Dù vậy, anh Nghĩa cũng rất nhiệt tình, nhanh chóng xin giấy giới thiệu cho chúng tôi xuống làm việc với UBND Tp Sơn La. Giấy giới thiệu do ông Quàng Văn Muôn, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh kí.
Chúng tôi đang làm việc với anh Nghĩa và chị cán bộ Văn phòng thì một người đàn ông bước vào. Anh Nghĩa giới thiệu, đó anh Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Qua “màn chào hỏi” chúng tôi được biết, anh Thủy nguyên là Cục trưởng của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, mới được cấp trên điều lên Sơn La; nhà anh ở Hà Nội, gần nhà chúng tôi. Trước đây, chúng tôi đã nghe danh anh Thủy qua các kênh thông tin; qua các công trình văn hóa do anh chỉ đạo, năng động và hiệu quả. Lần đầu gặp nhau nhưng anh Thủy tỏ ra cởi mở và nồng nhiệt. Sau khi nghe chúng tôi trình bày sự việc, anh Thủy tỏ ra ái ngại nhưng việc này anh không thuộc lĩnh vực quản lí của anh.
Cầm giấy giới thiệu của Văn phòng UBND tỉnh, thực sự chúng tôi không vui. Công văn của Tòa soạn đăng kí làm việc với Thường trực UBND tỉnh sao lại giới thiệu chúng tôi xuống Thành phố? Trong hồ sơ của chị Tươi đã thể hiện đầy đủ những sai phạm của Thành phố với gia đình chị Tươi rồi, Văn phòng còn giới thiệu chúng tôi xuống đấy làm gì? Vì không được tiếp cận với đại diện Thường trực UBND tỉnh nên chúng tôi đành xuống UBND Tp Sơn La. Tại phòng tiếp công dân, chúng tôi chờ vài chục phút mới được gặp Chánh Văn phòng và Phó chánh Văn phòng UBND Tp. Các chị bảo, bận quá, bận quá, chỉ kịp ghi lại ý kiến đề đạt của chúng tôi tới lãnh đạo Thành phố xem xét, giải quyết quyền lợi của hai công dân nêu trên. Vậy là ngày thứ nhất, chúng tôi đã 2 lần bị “đá”: Từ VP UBND tỉnh, chúng tôi bị “đá” xuống phòng Văn hóa Xã hội; từ đây, chúng tôi bị “đá” tiếp xuống UBND Tp Sơn La.
Sáng 17/7/2015, chúng tôi đến Văn phòng Tỉnh ủy Sơn La. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Bá Túc, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và bà Vũ Thị Yến, Trưởng phòng Hành chính VP tỉnh ủy. Tại đây, chúng tôi được ông Túc đưa cho Công văn giới thiệu sang làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Tôi nài nỉ xin được gặp ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, dù chỉ một vài phút để hỏi xem vụ việc trên vướng mắc ở đâu và đề nghị với ông ấy “để mắt” tới 2 gia đình nêu trên. Họ đang khổ lắm. Một gia đình liệt sĩ, nhà sắp đổ mà không được xây; một gia đình khác thi cơ nghiệp tiêu tan vì bị Ngân hàng siết nợ. Đơn thư của họ gửi khắp nơi, chưa giải quyết dứt điểm, họ đành phải cầu cứu tới cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Tôi nói tiếp với ông Chánh Văn phòng rằng, có thể Bí thư không quan liêu tới mức phớt lờ ý kiến của dân; biết đâu, do vướng mắc từ các cơ quan tham mưu nên tiếng kêu của dân không tới được người lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Nghe tôi “nài nỉ” ông Túc bảo, nhưng các anh ấy đi vắng hết. Nói đoạn, ông Túc gọi điện cho ai đó rồi giới thiệu chúng tôi sang làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
Trời mưa sầm sập. Chúng tôi đầu trần đi trong mưa tìm đến Văn phòng UBND tỉnh. Sau khi xuất trình giấy tờ, chúng tôi được cô thường trực Văn phòng UBND tỉnh giới thiệu đến làm việc với ông Quàng Văn Muôn, Phó Chánh Văn phòng – người hôm qua ký giấy giới thiệu chúng tôi xuống làm việc với UBND Thành phố. Tại phòng làm việc của ông Muôn, chúng tôi khá bất ngờ: Ban Cán sự Đảng mà chúng tôi được VP Tỉnh uỷ giới thiệu đến làm việc, ngoài ông Muôn còn có anh Sòi Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa Xã hôi – người mà chúng tôi làm việc hôm qua và 2 cán bộ khác thuộc Văn phòng UBND tỉnh là bà Trần Thị Minh Hòa, Trưởng phòng Nội chính và anh Nguyễn Nguyễn Đức Thiện, cán bộ phòng VHXH. Gọi là làm việc nhưng ông Muôn và những người nêu trên chỉ ghi ý kiến của chúng tôi để báo cáo lên Thường trực; thẩm quyền giải quyết không thuộc về họ.
Ôi trời, suốt hai đi lại ngày bạc mặt vì nắng mưa, bây giờ chúng tôi lại trở về điểm xuất phát! Chúng tôi thấy mình như quả bóng, bị “đá” theo một vòng tròn khép kín! Suốt hai ngày trời, tới nhiều cơ quan, được tiếp xúc với nhiều; người đầu tiên là anh Sòi Đức Nghĩa và người cuối cùng vẫn là anh Nghĩa – trong đó, chưa ai trả lời cho chúng tôi việc giải quyết oan sai của dân đang vướng mắc ở đâu? Trách nhiệm giải quyết thuộc về ai? Chúng tôi còn bị đùn đẩy vòng vo thế này huống gì những người dân như chị Tươi, chị Lưu!
Chúng tôi không trách anh Thủy (Phó Chủ tịch UBND tỉnh); không trách ông Muôn, anh Nghĩa và những người đã gặp – vì trách nhiệm giải quyết không thuộc về họ. Thậm chí, chúng tôi còn cảm ơn sự sự ứng xử lịch thiệp, chân thành của anh Thủy, anh Muôn, anh Nghĩa v.v.họ. Nhưng rõ ràng, sự thờ ơ của các ông lãnh đạo tỉnh trước yêu cầu chính đáng của Tòa soạn thông qua 2 Công văn đã gửi cho Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh từ trước là thể hiện sự coi thường. Tuy nhiên, thưa các ông lãnh đạo tỉnh Sơn La: các ông có thể coi thường cánh nhà báo chúng tôi, nhưng không thể coi thường công luận! Các ông có thể coi thường những người dân “thấp cổ bé họng” nhưng không thể coi thường xương máu của liệt sĩ Đàm Văn Tặng, đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc! Trách nhiệm chăm lo cho các gia đình thương binh – liệt sĩ là của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, trách nhiệm hàng đầu, thuộc về các ông – những công bộc của dân!
9 giờ đêm hôm 18/7, chúng tôi xuống Chiềng Mung làm việc với gia đình chị Lưu rồi đón xe về Hà Nội. Mưa tầm tã. Trời tối om. Lên xe, nhìn qua cửa kính, phía Sơn La mịt mùng mưa bụi. Bất giác, tôi rùng mình!
Tác giả bài viết: Nhà báo Cao Thâm
Nguồn tin: Văn phòng luật sư Đồng Đội
Nguồn tin: Văn phòng luật sư Đồng Đội