Trong thời gian gần đây, tình hình các tội phạm hình sự xảy ra trong gia đình ngày càng có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Những vụ án các thành viên trong gia đình sát hại lẫn nhau nói chung đều xuất phát từ những mâu thuẫn, hiểu lầm nhỏ nhặt trong gia đình, gây nên những lo lắng, bất an trong dư luận về cách sống, cách ứng xử và đạo nghĩa gia đình giữa con người với nhau.
Vụ việc điển hình
Vừa xảy ra trong vài ngày mới đây là vụ án thảm sát 3 người thân xảy ra tại Bắc Giang. Đối tượng gây án đã có một tiền án về tội “Cố ý gây thương tích”, lĩnh án 6 năm tù và vừa chấp hành xong án phạt tù ngày 13/10. Chỉ 10 ngày sau đối tượng đã sát hại cả gia đình – bố mẹ tuổi cao sức yếu và em gái ruột của mình, sau đó lấy xe máy của bố bỏ trốn.
Hành vi giết những người thân ruột thịt của mình là hành vi vô cùng nhẫn tâm, máu lạnh, thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức con người, đạo nghĩa gia đình. Theo pháp luật hình sự hiện hành, đối tượng sẽ phải đối mặt với bản án cao nhất là tử hình, căn cứ vào khoản 1 Điều 123 về Tội giết người.
Cần tìm hiểu nguyên nhân
Trước hết, cần khẳng định rằng mỗi vụ án xảy ra đều có nguyên nhân của nó, vì vậy các lực lượng chức năng, cơ quan công an cần khẩn trương điều tra, tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc. Lí do gì mà sau khi chấp hành án án phạt tù 6 năm và mới chỉ trở về nhà sau 10 ngày, đối tượng đã nhẫn tâm ra tay với những người thân ruột thịt duy nhất của mình? Nguyên nhân đến từ người phạm tội hay đến từ chính những người bị hại?
Những người phạm tội, đặc biệt là những người trong trại giam, trong tù đang phải chấp hành bản án có tâm lý vô cùng phức tạp. Họ thường xuyên thay đổi cảm xúc, tâm lý của mình, ngày hôm nay vẫn vui vẻ, thoải mái nhưng chỉ ngay ngày hôm sau có thể sinh ra tâm lý chán nản, buồn bã, bực tức, nhiều trường hợp nghĩ quẩn và tự tử. Vì vậy, sự chăm sóc, quan tâm của gia đình – những người thân của phạm nhân mang ý nghĩa quyết định đến việc chữa lành vết thương tâm lý cho họ. Không loại trừ khả năng, trong thời gian 6 năm chấp hành bản án trong tù, phạm nhân đã không được gia đình quan tâm đúng cách nên cho rằng gia đình bỏ rơi, sinh ra tâm lý bức xúc, tuyệt vọng, thù hận?
Để xác định rõ nguyên nhân vụ án, cần tiến hành các hoạt động giám định tâm thần cho đối tượng, xem xét hồ sơ, giấy tờ trong quá trình cải tạo phạm nhân có mắc bệnh gì nghiêm trọng không, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thế nào… Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi giết người.
Căn cứ vào kết luận giám định để áp dụng hình phạt
Trong trường hợp kết quả giám định xác nhận đối tượng thực hiện hành vi khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo quy định tại Điều 21 BLHS 2015 người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu kết luận giám định xác định rằng, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ bị hạn chế năng lực hành vi thì vẫn có thể bị truy cứu, tuy nhiên căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 3 BLHS 2015, nếu người phạm tội có thái độ ăn năn, hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo thì có thể được xem xét khoan hồng.
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 2 Điều 49 Bộ luật này, trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định tâm thần sẽ được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra cần nhanh chóng thu thập thông tin, làm rõ các tình tiết của vụ việc trên và tiến hành truy tố, xét xử công bằng, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật để trấn an dư luận và phòng ngừa, đấu tranh, đầy lùi những hành vi máu lạnh, giết người thân xảy ra trong xã hội.
Ngăn chặn những vụ việc đau lòng
Những vụ án gia đình sát hại lẫn nhau thể hiện mức độ nghiêm trọng khi giá trị đạo đức gia đình trong xã hội bị đảo lộn, đây là bài học cho mỗi chúng ta về cách ứng xử giữa người với người trong xã hội. Đối tượng phạm tội cũng là một con người, do nhiều lý do khó nói mà họ đã lỡ vướng vào vòng lao lý, họ cũng có những mặc cảm, những nỗi khổ riêng và luôn cần được mọi người thông cảm, bao dung.
Đặc biệt là cha mẹ, người thân của người phạm tội, cho dù đứa con mình dù có gây ra lỗi lầm gì, có bất nhân bất nghĩa thế nào thì cũng vẫn là con người, họ cũng có cảm xúc, cũng cần có những lời an ủi, động viên để giữ vững tâm lý ổn định, yên tâm cải tạo tốt và sớm được trở về cuộc sống bình thường như trước đây. Đừng đối xử cay nghiệt, rũ bỏ trách nhiệm người thân dẫn đến tình trạng phạm nhân “ôm hận”, luôn nung nấu ý định trả thù và sẵn sàng ra tay với người thân, để lại những hậu quả đau lòng như vụ việc trên.
Cải tạo được một người “lầm đường lạc lối” đã khó, giữ để họ không quay trở lại con đường phạm tội lại càng khó hơn. Chúng ta cần có cái nhìn tích cực hơn đối với họ, mở rộng vòng tay, đón nhận họ bằng tình cảm, lòng vị tha và tạo điều kiện cho họ có cơ hội sớm được hòa nhập với cộng đồng. Xã hội nên khuyến khích, hỗ trợ những người không may phạm phải sai lầm có cơ hội bước qua rào cản xã hội, tái hòa nhập cộng đồng thành công, giảm khả năng tái phạm trong tương lai.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết – CTV pháp lý: Lương Lệ Mai
SĐT: 0362616926
Email: mmaivk22@gmail.com