Tôi được biết ông đã nhiều lần trả lời báo chí về nghề Luật sư và đang chuẩn bị ra mắt cuốn sách “Con đường trở thành luật sư của tôi”. Để có thêm thông tin cho bạn đọc và nhất là cho các bạn sinh viên luật, xin ông vui lòng chia sẻ sâu thêm về cơ duyên của ông với nghề Luật sư.
– Thưa Luật sư Trần Xuân Tiền, tại sao có gần 30 năm công tác trong Quân đội và Nhà nước ông lại quyết định nghỉ việc ra ngoài để làm Luật sư?
Thật ra, tôi đã mất hàng năm trời đắn đo, suy nghĩ, để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho quyết định mang tính bước ngoặt này.
Tôi muốn xin thôi việc trong cơ quan Nhà nước để theo nghề Luật sư là bởi gần 30 năm công tác, trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, tôi nhận thấy công việc trong môi trường Nhà nước là sự phân công, giới hạn theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi không gian của từng cơ quan, đơn vị, một huyện, một tỉnh, một ngành, một lĩnh vực. Các mối quan hệ ở đây chỉ xoay quanh lãnh đạo quản lí và nhân viên cấp dưới làm việc theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của ngành và địa phương . Bản thân tôi đã được rèn luyện nhiều năm trong môi trường quân đội, được đào tạo qua 4 trường cao đẳng, đại học; làm quản lí từ rất trẻ; cùng với gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan Tư pháp, nắm rõ một số mảng kiến thức pháp luật, nên, nghề Luật sư chính là sự lựa chọn phù hợp nhất để tôi có được cơ hội phát triển bản thân, đa dạng phạm vi hoạt động, được tự do làm những điều pháp luật không cấm.
Theo tôi, dù làm ở Nhà nước, tư nhân, hay lao động tự do, phải luôn tuân thủ quy định pháp luật, tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, kiến thức sẵn có, được rèn luyện, phát triển bản thân và giúp được mọi người, có ích cho đời thì cứ sẵn sàng xông pha. Cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, luôn thúc đẩy phải chủ động học hỏi, phải luôn làm mới mình, không ngừng bổ sung kiến thức để khách hàng tin tưởng tìm đến và sẽ giúp mình nhanh nhẹn hơn năng động hơn và sống có ý nghĩa hơn.
Không phải “Người thành công thì nói gì cũng đúng”. Nhưng, tôi tự hào vì mình đã không sai lầm khi quyết định theo nghề Luật sư và đứng ra thành lập Văn phòng Luật sư Đồng Đội vào năm 2010. 10 năm qua, tôi vui vì mình đã được đi khắp mọi vùng miền của Tổ quốc, được tham gia giải quyết hàng ngàn vụ án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thêm nhiều bài học về cuộc sống về con người.
– Thưa Luật sư, được biết hiện nay cũng có nhiều người muốn thay đổi công việc, có ý định xin thôi Nhà nước làm nghề tự do, ông có lời khuyên gì muốn nhắn gửi đến họ?
Thú thật là trong thời gian qua, tôi cũng đã trực tiếp nhận được khá nhiều câu hỏi tương tự như vậy. Nhiều bạn trẻ, và cả những anh chị đang nắm giữ chức vụ của một cơ quan, ban ngành tìm tới tôi, muốn nghe tôi định hướng cho họ con đường họ nên đi. Thật lòng tôi cũng không có khuyến khích ai nghỉ việc, chọn hướng đi khác bởi vì bất kì “cuộc cách mạng” nào cũng cần phải có đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Qua quan sát, tôi thấy, hiện tượng trong chán ngoài nản, “nửa chừng xuân” khá nhiều. Nhiều người sợ thôi việc Nhà nước rồi là không còn lối quay đầu, sẽ bế tắc, tuyệt vọng nên bằng lòng, chấp nhận cuộc sống yên bình, an nhàn. Do đó, nếu xác đã xác định bắt đầu lại mọi thứ thì cần phải hết sức quyết tâm, phải chuẩn bị đầy đủ hành trang về chuyên môn, vốn sống xã hội, kinh nghiệm thực tế.
Bản thân tôi, quyết định theo đuổi nghề Luật sư một phần vì tôi tự tin về những trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm làm việc của mình, một phần cũng bởi tôi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng khi dành ra một năm làm bước đệm để chuẩn bị kinh phí, xác định tư tưởng vui vẻ học việc không lương.
Các bạn nên xác định đâu là lĩnh vực thế mạnh mà bản thân tự tin để tập trung đầu tư phát triển, tuyệt đối không được ôm đồm mọi thứ, việc nào cũng nhận rồi trông chờ có người giúp việc. Đặc biệt, việc tìm kiếm cho mình một người thầy, một người hướng dẫn, chỉ đường trong những ngày đầu vào nghề là cực kì quan trọng. Bản thân tôi khi đó vì tự mình mò mẫm bước đi, thân cô thế cô, không có người dìu dắt nên đã mất một khoảng thời gian loay hoay, không rõ đường đi nước bước như thế nào.
– Bên cạnh những điều kiện chung để trở thành luật sư, theo ông, để trở thành một luật sư giỏi thì cần hội tụ những yếu tố nào?
Trong những năm gần đây, luật sư đang dần trở thành một nghề “hot” ở Việt Nam. Rất nhiều bậc phụ huynh định hướng cho con học luật, nhiều người trẻ hiện nay cũng có mục tiêu trở thành luật sư. Tuy nhiên, để trở thành một luật sư không phải là một điều dễ dàng trong một sớm một chiều, đó là cả một quá trình dài, gian nan đầy thách thức. Theo tôi, để trở thành một luật sư giỏi, thành công cần phải có các yếu tố cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đạo đức nghề nghiệp. Nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp, tuy nhiên nghề luật sư là nghề cần thiết hơn cả. Người luật sư cần phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch. Là một luật sư nói riêng và người làm trong lĩnh vực pháp luật nói chung thì nhất thiết phải có đạo đức chính trị tốt, luôn thượng tôn pháp luật, luôn trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Luật sư muốn tồn tại và có chỗ đứng trong xã hội thì phải có cái “TÂM” trong sáng, phải thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi. Luật sư phải tư vấn đúng cho khách hàng của mình những việc họ cần phải làm, không lợi dụng khách hàng, không giúp khách hàng vi phạm pháp luật. Để làm được điều đó, chính bản thân luật sư cần phải trở thành một tấm gương về tuân thủ pháp luật.
Thứ hai, đam mê và bản lĩnh. Con đường trở thành luật sư mất khá nhiều thời gian và tiền bạc. Để trở thành Luật sư tại Việt Nam, một cá nhân cần dành ít nhất là 6 năm (hoặc dài hơn) để phải hoàn thành các chương trình học, tập sự, kiểm tra theo quy định. Trong quá trình làm việc, theo từng vụ việc thực tế, Luật sư phải đi công tác thường xuyên, phải tới tận nơi ở của khách hàng, thậm chí sẽ phải đối mặt với nguy hiểm để tìm hiểu, điều tra vụ việc. Nếu không có lòng đam mê, sự kiên định, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để bước đi trên con đường này và gắn bó được lâu dài với nghề. Đứng giữa ranh giới của sự thật và gian dối, lương tâm và cám dỗ, người luật sư càng phải có bản lĩnh vượt qua lòng tham cá nhân để bảo vệ sự trong sạch, công bằng chung cho xã hội.
Thứ ba, kiến thức và kinh nghiệm. Những kiến thức lý thuyết trên giảng đường chỉ là một phần rất nhỏ mà người luật sư phải sử dụng trong quá trình làm việc. Phải nắm thật vững, hiểu thật sâu về pháp luật, đặc biệt là chuyên ngành của mình, các quy định của luật đồng thời biết tất cả kiến thức về lĩnh vực liên quan với vụ việc thì mới có thể tư vấn, đề ra các giải pháp pháp lý phù hợp, hiệu quả nhất và bảo đảm, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho khách hàng. Nếu không tự làm mới mình thường xuyên, người Luật sư không thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng mới phát sinh của khách hàng. Một luật sư muốn trở nên tài giỏi luôn cần “học, học nữa, học mãi”.
Thứ tư, tư duy và kỹ năng. Nhiều người cho rằng học luật là chỉ học thuộc, nhớ toàn bộ các các quy định pháp luật. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm, thực chất khi làm nghề luật cần phải có tư duy logic, sự phân tích, đánh giá, tổng hợp vấn đề một cách mạch lạc, khoa học. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, những thắc mắc của khách hàng và sự phản biện của Luật sư, phía Viện kiểm sát, Thẩm phán sẽ buộc Luật sư phải tư duy nhanh chóng, linh hoạt để để tìm ra hướng giải quyết khéo léo, hiệu quả nhất, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng chứ không đơn giản là đọc quy định của pháp luật. Sự nhanh nhạy, tinh tường sẽ giúp Luật sư phát hiện những điểm mấu chốt trong vụ việc, từ đó đứa ra hướng giái quyết nhanh chóng.
Với tính chất công việc phức tạp, luật sư cần trang bị càng nhiều kỹ năng như: kỹ năng xây dựng mối quan hệ với khách hàng; kỹ năng đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật; kỹ năng tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ; kỹ năng phân tích vụ việc, xác định vấn đề pháp lý; kỹ năng tìm kiếm, tra cứu luật áp dụng; kỹ năng soạn thảo văn bản pháp lý; kỹ năng xây dựng phương án tư vấn; kỹ năng đại diện ngoài tố tụng;…Để bổ trợ cho các kỹ năng trên, luật sư cần phát triển các kỹ năng khác như: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng ngoại ngữ (trong trường hợp nghiên cứu văn bản pháp luật hoặc làm việc với khách hàng nước ngoài); kỹ năng tin học (để soạn thảo hồ sơ, đơn từ, lữu trữ, xử lý, kiểm tra và bảo mật thông tin,…); kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo (để đưa ra phương án, phân công việc cho từng thành viên phù hợp với năng lực của từng người, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất).
Thứ năm, các mối quan hệ xã hội. Luật sư chỉ có lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề và kiến thức thôi là chưa đủ, để có được cuộc sống ổn định, mức sống thoải mái với nghề, luật sư cần phải có những mối quan hệ xã hội tốt. Đối với luật sư, có ba loại quan hệ đáng chú ý nhất là quan hệ với khách hàng, quan hệ với đồng nghiệp và quan hệ với cơ quan nhà nước.
Giữ gìn và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng là “nguồn sống” của luật sư. Khi luật sư cung cấp cho hách hàng dịch vụ chuyên nghiệp và tận tâm, khi đó, không cần bất cứ chi phí quảng cáo nào, khách hàng sẽ trở thành một kênh thông tin hữu hiệu, mang đến cho luật sư những cơ hội, những khách hàng đầy tiềm năng sau đó.
Mỗi luật sư, văn phòng hoặc công ty luật đều có thế mạnh trong một số lĩnh vực hoạt động nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, các vụ án, vụ việc phát sinh không hoàn toàn chỉ nằm trong phạm vi chuyên môn, năng lực, hiểu biết của luật sư. Lúc đó, người luật sư sẽ cần tìm đến các đồng nghiệp cùng hoạt động về luật như: luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, giảng viên luật, các cán bộ, công chức, viên chức,… để được cung cấp thêm thông tin, trao đổi, thảo luận, và nhận sự hỗ trợ, vừa giúp khách hàng có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời còn giúp luật sư và đồng nghiệp xây dựng được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp.
Trong quá trình giải quyết các vụ việc thực tế, luật sư sẽ phải tiếp xúc rất nhiều với các cơ quan nhà nước như: Tòa án, Viện kiểm sát, UBND, các Bộ, ban, ngành và các cơ quan quản lí nhà nước chuyên trách khác,… Khi người Luật sư tuân thủ pháp luật, giữ vững đạo đức, giữ vững lập trường sẽ tạo nên hình ảnh nghiêm túc, bản lĩnh, chính trực tác động đến các cơ quan này, khiến họ cũng sẽ có sự ứng xử phù hợp.
– Tôi được biết Văn phòng Luật sư Đồng Đội hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: thi hành án, hình sự, thu hồi nợ, dân sự, đất đai, hành chính,… Vậy vì sao, ông định hướng Thu hồi nợ là mảng hoạt động chính của Văn phòng?
Thu hồi nợ là một công việc khó, không nhiều người lựa chọn làm. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh của tôi chính là: “Những gì người khác không làm được không có nghĩa là mình không làm được. Người khác không làm, mình sẽ làm.”
Bởi vậy mà thu hồi nợ trở thành lĩnh vực thế mạnh của chúng tôi suốt nhiều năm qua. Thu nợ có nguồn việc khá nhiều từ cá nhân đến pháp nhân, vì ít ai không mắc nợ trong đời. 15 năm làm Thủ trưởng cơ quan Thi hành án, tôi có được kiến thức, kinh nghiệm về thu nợ, sự khéo léo trong hòa giải, sự uyển chuyển trong đánh giá đối tượng và sự linh hoạt trong giải quyết lợi ích. Công việc thu nợ có nhiều cơ hội cho Luật sư thể hiện tài năng. Luật sư hoàn toàn chủ động, nắm vai trò điều khiển, không chịu sự chi phối của Tòa án. Trong quá trình làm việc, có nhiều vụ thu nợ rất may mắn, thu nhập cao mà chính đáng rõ ràng và hợp pháp. Công việc thu nợ còn đem cho tôi cơ hội được đi nhiều nơi gặp nhiều người, tiếp xúc nhiều mảnh đời éo le, giúp cho tôi rèn luyện đạo đức nhân cách, kinh nghiệm sống, trải nghiệm trên trường đời.
Đối với tôi, thu hồi nợ còn là việc “thu cả nhân tâm”. Vì thu nợ theo cách của Luật sư là một cách rất an toàn, hiệu quả, nhân văn. Nợ đòi được mà giữ được mối quan hệ giữa chủ nợ và khách nợ, không sa vào kiểu tiền mất tật mang. Kết quả thu được nhanh chóng vì không mất thời gian kiện tụng ra toà.Với phương châm thu phục lòng người trong thu hồi nợ, Văn phòng luôn hướng tới tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao tính nhân văn, đạo đức xã hội. Xây dựng được uy tín trong lĩnh vực này, tôi được mời tham gia giảng dạy cho các Tập đoàn, các Công ty cho thuê tài chính, các Ngân hàng về mảng chuyên sâu thu nợ.
– Hiện nay, số lượng sinh viên theo học ngành luật rất lớn, nhiều trường Đại học cũng mở thêm khoa Luật để tiến hành đào tạo. Điều này phần nào cho thấy xã hội đã có sự thay đổi nhận thức về vai trò của pháp luật và những người hành nghề luật, đặc biệt là luật sư. Vậy ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển của nghề Luật sư trong tương lai và mong ông có đôi lời khuyên dành cho những sinh viên yêu luật và mong muốn trở thành luật sư?
Tôi rất mừng vì xã hội đang ngày càng nhận ra sự quan trọng của pháp luật và vai trò của những người hoạt động pháp luật như luật sư chúng tôi trong đời sống hiện nay.
Theo số liệu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến cuối năm 2020 có 15.107 luật sư thành viên. So với năm 2019 có 13.859 luật sư, số lượng luật sư đã tăng thêm 1.248 luật sư. Tuy nhiên, so với nhu cầu về dịch vụ pháp lý hiện nay và xu thế gia tăng nhanh của nhu cầu này trong những năm tới, thì số lượng luật sư ở nước ta còn chưa tương xứng. Tỷ lệ số luật sư trên dân số ở Việt Nam là 1/6.472, một tỷ lệ còn khá thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, số lượng luật sư ở nước ta phát triển tập trung ở 2 thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phát triển mất cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du, gây hạn chế về khả năng cung ứng và tiếp cận dịch vụ pháp lý đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại nhiều địa phương, số lượng luật sư không đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của người dân và ngay cả trong việc thực hiện bào chữa trong các vụ án luật sư được chỉ định tham gia.
Sự phát triển về số lượng đội ngũ luật sư phần nào đã phản ánh nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng tăng với việc phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện khả năng đáp ứng về kỹ năng hành nghề của đội ngũ luật sư đối với nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia WTO, và tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, thì nhu cầu về đội ngũ luật sư có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý về đầu tư, thương mại quốc tế đã trở nên hết sức cấp bách.
Việc Nhà nước ban hành Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động hành nghề của các luật sư. Luật Luật sư không chỉ nâng cao vị thế, vai trò của người luật sư trong xã hội, mà còn đưa họ từng bước lên ngang tầm với luật sư của các nước trên thế giới và trong khu vực.
Triển vọng của nghề luật sư trong tương lai là một điều dễ nhận thấy. Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành luật vẫn đang rộng mở. Nếu luật sư hành nghề có chuyên môn và năng lực thật sự có thu nhập rất cao so với mặt bằng chung. Làm luật sư cần nhiều thời gian, càng có nhiều năm kinh nghiệm thu nhập sẽ càng cao. Thu nhập 1000 – 2000 đô là thu nhập bình quân tối thiểu của một luật sư. Còn nếu làm chủ một văn phòng luật hoạt động ổn định thì ngoài việc hưởng thu nhập cá nhân còn có thu nhập từ % doanh thu. Khoản thu nhập trung bình của chủ văn phòng luật sẽ dao động trung bình từ 3000 – 5000 đô.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, có khoảng 60% -70% số luật sư thực sự hành nghề, có công việc thường xuyên, và trong số đó, số luật sư cung cấp dịch vụ tốt, có uy tín và thu nhập cao cũng không nhiều. Còn rất nhiều luật sư thậm chí làm việc tại VPLS có uy tín, nhưng có thể do không có khả năng, lại thiếu sự nỗ lực, nên không khẳng định được “thương hiệu” cá nhân. Họ luôn phải phụ thuộc vào sự phân việc của văn phòng và thu nhập thấp. Nhiều luật sư ghi danh tại tổ chức hành nghề luật sư, nhưng lại kiếm tiền bằng nghề khác. Nghề luật sư không chỉ gắn với nhu cầu xã hội, nó có cấp thiết cho xã hội và người dân hay không còn phụ thuộc vào việc luật sư có thể giúp gì cho khách hàng của mình nếu được cần đến.
Với các bạn trẻ, các bạn sinh viên yêu luật và có định hướng trở thành luật sư, tôi có đôi lời nhắn nhủ, còn bảo tôi đưa ra lời khuyên thì rất khó, vì xuất phát điểm của mỗi người không giống nhau và con đường đến với nghề luật cũng không giống nhau. Chính bản thân tôi, đi qua hơn nửa đời người, tôi mới chọn được cái nghề khiến tôi say mê nhất.
Các bạn sinh viên hãy chuẩn bị cho mình thật tốt, thật đầy đủ hành trang bao gồm: sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, thái độ sống và kinh nghiệm làm việc thực tế. Các bạn hãy tìm cho mình một môi trường học việc, một người thầy đáng tin cậy để học hỏi, để giúp ươm mầm và nuôi dưỡng đam mê. Nếu các bạn không chuẩn bị sẵn sàng, chỉ có kiến thức trong sách vở mà thiếu đi các kỹ năng cần thiết của công việc, ra trường, các bạn sẽ phải bắt đầu từ vị trí thực tập, học việc với đồng lương thấp hoặc thậm chí là không lương. Khi đó, nỗi lo cơm áo gạo tiền sẽ làm cho các bạn loay hoay, mất phương hướng, nhiều bạn sẽ quyết định từ bỏ nghề luật mà làm trái ngành, trái nghề.
Luật sư luôn luôn là một nghề tự do, tự chủ, do đó những người đã hoặc muốn trở thành luật sư trước hết cần phải có năng lực tự tìm việc hoặc tạo việc cho mình. Hãy chứng minh bạn là “nhà cung cấp dịch vụ” chứ không đơn giản là “người xin việc”. Nghề Luật sư đòi hỏi sự chủ động, để giúp người khác giải quyết vấn đề, cho nên nếu còn giữ thái độ và thói quen thụ động thì không thể nào thành công và kiếm được việc làm. Nghề luật sư là nghề khởi nghiệp không cần vốn như các loại hình dịch vụ khác, nhưng cần đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ, tâm huyết, không thể nóng vội muốn giàu nhanh. Sản phẩm của nghề luật sư không nhìn thấy, không sờ thấy được, đó là sản phẩm trí tuệ, là uy tín cá nhân. Công việc này càng trải nghiệm nhiều, càng tích lũy nhiều vốn sống, gừng càng già càng cay.
Hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình. Thời gian không bao giờ trở lại, do đó, đừng để năm tháng tuổi trẻ trôi qua lãng phí. Đặc biệt, các bạn hãy nhớ rằng, làm việc chăm chỉ không phải chỉ để kiếm tiền mà còn là vì sự hài lòng, niềm tin, công lý cho khách hàng, vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Xin cảm ơn Luật sư!