Được biết, ngày 6/10 vừa qua TGDĐ tiếp tục gửi “Tối hậu thư” với tiêu đề “Công văn gửi quý đối tác mặt bằng lần thứ 4”, theo đó trong công văn này, TGDĐ một lần nữa nhắc lại nội dung trong công văn 0208/2021/TGDĐ-ĐMX gửi ngày 2/8 trước đó, thông báo giảm 70% tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng bán giãn cách và không thanh toán 100% tiền thuê trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa. Tiền thuê đã thanh toán sẽ được cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo và sẽ tiếp tục áp dụng cho đến khi hết hạn hợp đồng.
Kính mời quý đọc giả, quý khách hàng cùng tìm hiểu pháp luật dưới góc nhìn, quan điểm và sự phân tích các khía cạnh pháp luật của các Điều luật quy định cụ thể về vấn đề nêu trên cùng Văn phòng luật sư Đồng Đội!
Ảnh: Internet
Vậy dưới góc độ pháp luật thì “Sự kiện bất khả kháng được hiểu và áp dụng như thế nào?”
Tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có quy định một sự kiện được coi là bất khả kháng khi: “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Đây là một chế định cơ bản trong pháp luật, khi có tranh chấp xảy ra thì dù “có hay không có” chế định này trong các loại Hợp đồng, các tranh chấp phát sinh thì “vẫn được áp dụng”. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì “không phải chịu” trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 351 của BLDS 2015, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tức là khi có xảy ra sự kiện bất khả kháng thì được miễn trách nhiệm nếu không giao được hàng đúng thời hạn hay không hoàn thành công việc đúng tiến độ, không kịp trả tiền đúng ngày giờ, chứ không phải là được miễn trừ nghĩa vụ trả tiền mua hàng, tiền thuê nhà hay tiền lương, tiền công, tiền thuế,…
Hiện nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, nếu cứ viện dẫn dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện; dịch Covid-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng.
Tuy nhiên, sự kiện bất khả kháng không đồng nghĩa với việc “được chấm đứt hợp đồng, không trả tiền hoặc trả ít hơn số tiền đã thỏa thuận”. Sự kiện bất khả kháng chỉ là tiền đề, là điều kiện, cơ sở để xem xét có ảnh hưởng đến nghĩa vụ hay không và việc chấp nhận miễn trách đến mức độ nào. Dù xét trường hợp có hay không có điều khoản loại trừ, thì vẫn nên xem xét về các góc độ của sự kiện bất khả kháng:
- Thời điểm được coi là bất khả kháng là khi nào? Khi công bố dịch trên toàn cầu, công bố dịch ở Việt Nam, công bố dịch ở địa phương (tỉnh/huyện/xã)?
- Mức độ ảnh hưởng của nó đến đâu?
- Bên nào bị ảnh hưởng?…
Để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 351 BLDS 2015, doanh nghiệp ở đây, cụ thể là Thế Giới Di Động phải chứng minh được 03 yếu tố của sự kiện bất khả kháng trong quy định trên và điều quan trọng là phải chứng minh được rằng nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được có nguyên nhân trực tiếp từ dịch Covid-19. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì chỉ cho phép trả chậm mà không bị phạt quá hạn, và người đi thuê nhà vẫn phải có nghĩa vụ trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận cụ thể về việc được miễn giảm số tiền phải trả. Còn nếu vì việc phải đóng cửa hàng, không có nguồn thu, thì hai bên thương lượng miễn giảm tiền thuê lại là câu chuyện hoàn toàn khác không mặc nhiên ăn theo sự kiện bất khả kháng như đã phân tích nêu trên.
Do đó, việc TGDĐ tự ý không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch là không đúng với tinh thần của pháp luật về việc áp dụng sự kiện bất khả kháng trong Bộ Luật Dân Sự hiện hành.
Trong trường hợp này, Thế Giới Di Động cần trao đổi, thương lượng một cách thiện chí hơn với đối tác, cụ thể là chủ cho thuê mặt bằng. Trường hợp không thỏa thuận được, thì chấm dứt hợp đồng, nếu thỏa thuận không thành thì đưa ra Toà án và bảo vệ mình dựa trên Điều 420 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Điều luật này quy định, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hay sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Kết luận: Theo quan điểm của Văn phòng luật sư Đồng Đội trong trường hợp này, đối với một Doanh nghiệp lớn thì Thế Giới Di Động cần có cách hành xử đúng mực hơn, dựa trên tinh thần của pháp luật dân sự rằng mọi điều khoản trong hợp đồng đều phải dựa trên sự thỏa thuận và phù hợp với pháp luật, kể cả việc được tự ý thay đổi quyền, nghĩa vụ hay đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuỳ thuộc vào hợp đồng, tình trạng dịch bệnh, diễn biến thực tế, lý lẽ của các bên và cuối cùng quan điểm của người giải quyết tranh chấp cho các bên mà Tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.
Luật sư trần Xuân Tiền – Điện thoại: 0936.026.559
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết – CTV pháp lý: Nguyễn Thị Bích Ngọc