Chưa bao giờ công chúng lại bị bội thực bởi các cuộc thi hoa hậu như thời điểm này. Ngoài hai cuộc thi sắc đẹp lớn là Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, còn có một số cuộc thi hoa hậu, hoa khôi khác cũng được tổ chức ở Việt Nam như: Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Hoa hậu Biển, Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu, Hoa khôi Du lịch Việt Nam, Hoa khôi áo dài… chưa kể các cuộc thi hoa khôi cấp tỉnh, thành phố, khu vực (Hoa khôi miền Trung, Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long…)
Và gần đây nhất trong các cuộc thi do Trung ương Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Ô tô Ngọc Minh tổ chức, ngoài danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” còn có một loạt các danh hiệu khác như “Nữ hoàng trang sức”, “Nữ hoàng Thương hiệu ngành Thực phẩm”, “Nữ hoàng ngành tài nguyên môi trường”, “Nữ hoàng xây dựng”,…
Vậy ai có thể tổ chức cuộc thi sắc đẹp?
Trước đây, việc cấp phép cho các cuộc thi cấp quốc gia có phần chặt chẽ. Nghị định 79/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP) đã quy định rất rõ ràng về số lượng các cuộc thi người đẹp tổ chức hằng năm ở trong nước. Theo đó, đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, mỗi năm không tổ chức quá 2 lần; Cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương, mỗi năm tổ chức không quá 3 lần; Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức không quá 1 lần…
Các cuộc thi phải được cấp phép theo quy định. Cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép. Cuộc thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể Trung ương do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp cho cuộc thi người đẹp trong phạm vi địa phương. Tổ chức đề nghị cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp phải gửi một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao.
Hiện nay, rất nhiều công ty tư nhân không mấy khó khăn để xin cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp quốc gia, thậm chí quốc tế. Việc các công ty cho ra lò hàng loạt danh hiệu hoa khôi, người đẹp chẳng những khiến các cuộc thi nhan sắc trở nên dễ dãi mà còn biến giải thưởng thành trò hề. Luật Doanh nghiệp hiện hành vẫn còn quá nhiều kẽ hở nên các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở đó mà lách luật. Kẽ hở này sẽ tạo nên sự hỗn loạn về các cuộc thi sắc đẹp, loạn danh hiệu và làm khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra – giám sát. Mới đây nhất khi danh hiệu mỹ miều Nữ hoàng văn hóa tâm lý xuất hiện trên mạng xã hội thì nhiều người tá hỏa.
Danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” do Trung ương Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần XNK ô tô Ngọc Minh phong tặng năm 2018. Khi được hỏi về cuộc thi này, đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục đã rà soát và không thấy có cuộc thi nào như thế và không có danh hiệu nào là “Nữ hoàng văn hoá tâm linh”.
Các hình thức khen thưởng đã được quy định trong Luật Thi đua Khen thưởng. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 51 ngày 28-7-2010 về Quy chế tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Khoản 1, khoản 2 Điều 4 của Quy chế này nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Đặt danh hiệu và giải thưởng trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục… 2. Huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng …
Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng ghi rõ: “Với những cuộc thi người đẹp không được cấp phép theo kiểu “tự xưng danh hiệu”, đơn vị tổ chức có thể sẽ bị “phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng và phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam”.
Luật quy định rất rõ như vậy nhưng dường như cũng chả mấy có công ty tổ chức nào bị phạt. Và mới đây nhất, dư luận cũng đặt câu hỏi, Công ty xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh có chức năng kinh doanh dịch vụ về nghệ thuật biểu diễn không mà lại được cấp phép tổ chức chương trình Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam?
Thực tế, việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của luật pháp dẫn đến tình trạng loạn danh xưng, danh hiệu, mạnh ai nấy làm nhằm mục đích vụ lợi. Cá nhân, doanh nghiệp được tặng lấy đó để đánh bóng tên tuổi. Đơn vị đứng ra tổ chức cũng nhân cơ hội quảng bá và đặc biệt tạo nguồn thu bất chính. Nguy hiểm hơn, việc vinh danh thiếu minh bạch, trao đổi danh xưng, danh hiệu bằng tiền bạc không tương xứng với chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra, không tương xứng với năng lực phẩm chất doanh nhân. Một khi danh xưng giả, danh hiệu giả tràn lan thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường sản xuất, kinh doanh và xã hội.
Loạn danh xưng, danh hiệu đang là báo động đỏ cho sự mất kiểm soát hay là buông lỏng trong hoạt động văn hóa thuộc lĩnh vực này. Nó tạo ra tình trạng vàng thau, thật giả lẫn lộn; phô trương danh hão, giả dối; bôi bẩn những chân giá trị vốn có của đời sống văn hóa dân tộc. Từ thực tế này đã đến lúc ngành văn hóa, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ráo riết hơn để siết lại chặt chẽ việc cấp phép tổ chức các cuộc thi nhan sắc. Phải có những điều khoản cụ thể rõ ràng đối với các đơn vị tổ chức cuộc thi trao danh hiệu, không nên để lộn xộn, nhập nhèm, đơn vị nào cũng có thể làm được như hiện nay. Các cuộc thi người đẹp cần được phân cấp rõ ràng, đâu là cuộc thi cấp quốc gia, đâu là cuộc thi mang tính địa phương hay ngành nghề, vùng miền và phải được ghi rõ trong quá trình cũng cấp thông tin trên truyền thông, tránh lập lờ đánh lận, bát nháo như hiện nay. Việc xử phạt nghiêm minh đối với các đơn vị tổ chức thi thiếu chuyên nghiệp, trục lợi kiếm tiền, không vì mục tiêu tôn vinh văn hóa, tôn vinh cái đẹp là cần thiết.